Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học môn Hóa học 9 I/ Lý do chọn đề tài Mục tiêu của môn Hóa học là giúp học sinh có nhận thức khoa học về thế giới vật chất, góp phần phát triển năng lực nhận thức và năng lực hành động, hình thành nhân cách phẩm chất năng động và sáng tạo. Phương pháp dạy học hiện nay là tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, phát huy tính tích cực của học sinh. Để phát huy tính tích cực của học sinh cần tạo điều kiện để học sinh suy nghĩ, làm nhiều, thảo luận nhiều, đưa ra những nhận xét về vấn đề đang bình luận, được tham gia vào quá trình học tập đề chiếm lĩnh tri thức. Học sinh lại không nắm vững những kiến thức cơ bản, trọng tâm của bài học. Nhiều học sinh phải vất vả ghi nhớ kiến thức nhưng kết quả mang lại chưa cao. Học sinh thường học bài nào thì biết bài đó, học phần sau đã quên phần trước và không biết liên kết các kiến thức lại với nhau, không biết vận dụng kiến thức đã học vào những phần sau. Nguyên nhân: do kiến thức trừu tượng? do trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều? do sự thay đổi tâm sinh lí của học sinh và tốc độ phát triển của xã hội? hay do học sinh chưa tìm ra phương pháp học tập phù hợp. Từ những nguyên nhân trên yêu cầu người giáo viên phải thay đổi phương pháp, hình thức tổ chức dạy - học để nâng cao chất lượng dạy - học bộ môn, giúp học sinh tìm ra phương pháp học tập phù hợp với đặc trưng bộ môn và phù hợp với sự thay đổi tâm sinh lí của học sinh trong thời đại ngày nay, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Vấn đề đặt ra đã khẳng định nhiệm vụ của môn Hóa học trong thời đại công nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước là: Dạy học không chỉ đơn thuần là cung cấp kiến thức mà còn phải giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức, giúp học sinh biết cách lựa chọn, hệ thống hóa và ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả, đồng thời biết liên kết nhiều kiến thức lại với nhau và vận dụng có hiệu quả vào trong học tập cũng như trong thực tiễn. Vì những lí do trên, tôi đưa ra đề tài: “ Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học Hóa học 9” nhằm phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh. Giúp học sinh tìm ra được ra phương pháp học tập phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Hóa học 9. II/ Cơ sở lý luận và thực tiển Dạy học phải đảm bảo tính khoa học, nghĩa là đảm bảo truyền thụ cho học sinh những kiến thức cơ bản, vững chắc, chính xác và khoa học gắn liền với thực tiển sinh động. Trong quá trình này, đội ngũ giáo viên gặp không ít khó khăn vì học sinh bước đầu làm quen với bộ môn hóa học, cho nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Vì vậy, nhằm giúp học sinh học tốt bộ môn hóa học; đội ngũ giáo viên phải có phương pháp dạy học phù hợp nhằm nâng cao tính chủ động – sáng tạo của học sinh là sử dụng bản đồ tư duy. Bản đồ tư duy là một công cụ tổ chức tư duy, là phương pháp dễ nhất để chuyển tải thông tin vào bộ não rồi đưa ra ngoài bộ não. Nó là một phương tiện ghi chép đầy sáng tạo và rất hiệu quả. Bản đồ tư duy (Mind Map) là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hóa một chủ đề . . . bằng cách kết hợp việc sử dụng hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết. Nó là một công cụ, tổ chức tư duy được tác giả Tony Buzan (người Anh) nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến rộng khắp thế giới. Bản đồ tư duy là một công cụ tổ chức tư duy. Đây là phương pháp dễ nhất để chuyển tải thông tin vào bộ não rồi đưa thông tin ra ngoài bộ não. Nó là một phương tiện ghi chép đầy sáng tạo và rất hiệu quả theo đúng nghĩa của nó. Bản đồ tư duy chú trọng tới hình ảnh, màu sắc, với các mạng lưới liên tưởng (các nhánh). Dạy học bằng bản đồ tư duy giúp học sinh tiếp nhận thông tin, phân tích, tổng hợp và cụ thể hóa kết quả xử lý thông tin bằng sản phẩm do chính mình tạo ra. Bản đồ tư duy kế thừa, mở rộng hình thức ghi chép, sử dụng bảng biểu, sơ đồ nhưng ở mức độ cao hơn. Bản đồ tư duy giúp học sinh dễ ghi nhớ, phát triển nhận thức, khả năng tư duy - sáng tạo Đây là một trong những phương pháp dạy học hiệu quả. Trước khi tiến hành dạy học theo phương pháp này, kết quả khảo sát tình hình học tập môn Hóa học như sau: Lớp Giỏi Khá TB Yếu Kém SL TL SL TL SL TL SL TL SL TL 9/3 (40) 5 12,5 8 20 12 30 10 25 5 12,5 9/4 (41) 3 7,3 7 17,1 15 36,6 10 24,4 6 14,6 9/5 (40) 3 7,5 7 17,5 16 40 9 22,5 5 12,5 III/ Tổ chức thực hiện các giải pháp Phương pháp dạy học thông qua việc sử dụng BĐTD sẽ giúp HS học được phương pháp học, tăng tính độc lập, chủ động, sáng tạo và phát triển tư duy. Giáo viên sẽ tiết kiệm được thời gian, tăng sự linh hoạt trong bài giảng, và quan trọng nhất là sẽ giúp HS nắm được kiến thức thông qua một “bản đồ” thể hiện các liên kết chặt chẽ của tri thức. Không những thế, để thiết lập nên một BĐTD, các HS sẽ phải sử dụng đến bố cục màu sắc, đường nét, các nhánh hay cả việc sắp sếp các ý sao cho vừa súc tích, trực quan, dễ hiểu và dễ tiếp thu.... Từ đó góp phần giúp HS phát triển khả năng thẩm mỹ, việc sắp xếp ý tưởng một cách khoa học. Đồng thời, việc sử dụng BĐTD còn giúp cán bộ quản lý có cái nhìn tổng quát toàn bộ vấn đề, giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, giúp HS học tập tích cực. Ưu điểm của BĐTD rất lớn đó là hạn chế chữ, chuyển sang các hình thức kênh màu, kênh hình. Chính các yếu tố này đã tạo cho học sinh hứng thú hơn khi tiếp cận với bài học. Trong dạy học, BDTD có thể dùng để kiểm tra bài cũ, dùng dạy học kiến thức mới, củng cố kiến thức sau bài học, dùng trong bài thực hành, dùng để tổng hợp kiến thức một chương hoặc nhiều bài học, có thể giúp học sinh tự học ở nhà và chuẩn bị cho bài học mới. . . Các bước lập BĐTD BĐTD là phương pháp dạy học chú trọng đến cơ chế ghi nhớ, tự học nhằm tìm tòi đào sâu kiến thức một cách mạch lạc. Tùy theo nội dung mà mỗi học sinh có thể vẽ bản đồ tư duy theo cách riêng của mình. Vì vậy, lập bản đồ tư duy phát huy tối đa tính tư duy, sáng tạo của học sinh. BĐTD có cấu tạo ở giữa là một hình ảnh trung tâm khái quát nội dung chính. Gắn liền với hình ảnh trung tâm là các nhánh cấp 1 mang các ý chính làm rõ nội dung chính. Phát triển các nhánh cấp 1 là các nhánh cấp 2 mang các ý phụ làm rõ mỗi ý chính. Sự phân nhánh cứ thế tiếp tục làm rõ nội dung chính. Việc HS lập BĐTD giúp cho HS phát triển khả năng thẩm mỹ, do việc thiết kế nó phải bố cục màu sắc, các đường nét, các nhánh sao cho đẹp, sắp xếp các ý tưởng một cách khoa học, súc tích, hợp lí, trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Vận dụng BĐTD giúp cho HS: - Đối với HS trung bình – yếu: Tập cho HS có thói quen tự ghi chép hay tổng kết một vấn đề, nhiều nội dung đã học. - Đối với HS khá – giỏi: Sử dụng BĐTD để tìm chiến lược giải quyết một vấn đề, hay tìm nhiều hướng giải một bài toán, hệ thống hóa kiến thức... BĐTD có thể vẽ trên giấy, bìa cứng, bảng phụ, thiết kế trên Powerpoint, hoặc các phần mềm Mindmap như Mindmap 5. . . a. Khi vẽ BĐTD cần tiến hành theo các bước: - Bước 1: Bắt đầu từ trung tâm với từ, cụm từ thể hiện nội dung chính, hình ảnh trung tâm. - Bước 2: Từ hình ảnh trung tâm ta vẽ phân chia những nhánh chính, đặt tiêu đề cho các nhánh chính. - Bước 3: Ở mỗi nhánh chính, ta lại xác định những nhánh phụ để làm rõ nội dung của nhánh chính. Cứ thế thành mạng lưới liên kết chặt chẽ. Có thể dùng hình ảnh để minh họa cho các ý. b. Cách tạo sơ đồ tư duy hiệu quả ● Sử dụng những từ chính hoặc những hình ảnh cần thiết. ● Bắt đầu từ trung tâm và triển khai ra. ● Tạo cho trung tâm một hình ảnh rõ ràng và “mạnh” miêu tả được nội dung tổng quất của toàn bộ mind map. ● Tạo các trung tâm nhánh và các chi tiết nhánh. ● Đặt những từ trọng tâm vào những hàng mà làm tăng kết cấu của các ghi chú. ● In ra giấy hơn là viết tay vì làm cho dễ đọc và dễ nhớ hơn. ● Những trường hợp sau phải phân biệt rõ hơn những trường hợp trước. ● Sử dụng màu sắc để làm nổi bật vấn đề. ● Những gì không có trong trình bày thì không nên đưa vào mind map. ● Tư duy hai chiều (phản biện) Sử dụng mũi tên, biểu tượng hoặc những hình ảnh để chỉ ra sự liên kết. ● Đừng để bị tắc ở một khu vực. Nếu cạn kiệt suy nghĩ thì chuyển sang nhánh khác Ghi ngay ý tưởng vào nơi hợp lý ngay khi nghĩ ra nó. Đừng lưỡng lự. ● Phá vỡ ranh giới. Khi hết giấy để trình bày thì đừng nên thay một tờ giấy khác to hơn mà sử dụng thêm các tờ khác ghép vào. Hãy sáng tạo. Những điều cần tránh khi vẽ và hướng dẫn HS vẽ BĐTD: Không ghi lại nguyên cả đoạn văn dài dòng. Ghi quá nhiều ý không cần thiết. Dành quá nhiều thời gian đễ vẽ, tô màu, viết . Nên dùng các nét vẽ cong, mềm mại thay vì vẽ các đường thẳng để thu hút sự chú ý của HS và BĐTD sẽ lôi cuốn, hấp dẫn hơn. Các nhánh càng ở gần trung tâm thì càng được tô đậm hơn, dày hơn, độ dày của các nhánh cùng cấp phải tương đương nhau. Sử dụng BĐTD trong dạy học với nhiều mục đích khác nhau BĐTD dùng trong dạy học với nhiều mục đích khác nhau, nhiều dạng bài khác nhau như: - Thiết kế đề cương ôn tập. - Dạy học bài học mới nhằm dùng để kiểm tra bài cũ, dùng dạy học kiến thức mới, củng cố kiến thức sau bài học, dùng trong bài thực hành, dùng để tổng hợp kiến thức một chương hoặc nhiều bài học. . . 3.1 Dùng BĐTD trong việc kiểm tra bài cũ: Kiểm tra bài cũ nhằm đánh giá nhận thức của học sinh, kiểm tra phần nhớ và kiểm tra phần hiểu của học sinh. Dùng BĐTD trong kiểm tra bài cũ đánh giá chính xác học sinh, và góp phần nâng cao chất lượng học tập. Giáo viên có thể yêu cầu học sinh điền các thông tin còn thiếu trong BĐTD do giáo viên cho sẵn và từ đó rút ra nhận xét. Việc kiểm tra bằng BDTD đối với học sinh để tăng cường rèn luyện tư duy logic, tư duy hệ thống cao cho học sinh nhằm phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh. Tuy nhiên, kiểm tra kiến thức cũ bằng phương pháp BĐTD mhằm giúp học sinh củng cố, hệ thống hóa kiến thức lý thuyết. Yêu cầu của câu hỏi cần rõ ràng, cụ thể nhằm giúp học sinh nắm bắt chính xác yêu cầu. VD: Sau khi học xong bài tính chất hóa học của axit, tiết học sau kiểm tra bài cũ giáo viên yêu cầu học sinh điền thông tin còn thiếu trong BĐTD sau: Giáo viên còn có thể kiểm tra bài cũ bằng BĐTD cùng một lúc nhiều học sinh bằng cách yêu cầu học sinh làm vào giấy và chấm điểm 5 – 10 học sinh nhanh nhất VD: Sau khi học bài tính chất hóa học của bazơ, tiết sau giáo viên kiểm tra bài cũ bằng cách cho học sinh vẽ BĐTD vào giấy 3.2 Dùng BĐTD trong dạy học bài học mới Trong dạy học kiến thức mới dùng BĐTD để thể hiện được một phần hoặc toàn bộ nội dung bài học một cách trực quan. Giáo viên cho học sinh lập BĐTD theo nhóm hoặc cá nhân với sự gợi ý hướng dẫn của giáo viên. Học sinh lên trình bày BĐTD, lớp nhận xét, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện BĐTD. Để việc học sinh vẽ BĐTD thành công, ở tiết học trước giáo viên cần dặn dò học sinh những vấn đề cần chuẩn bị, xem trước nội dung bài học. VD: Trong bài một số muối quan trọng, nội dung bài theo sơ đồ sau: 3.3 Dùng BĐTD trong củng cố kiến thức bài học Để củng cố, khắc sâu kiến thức của bài bằng phương pháp BĐTD với sự hướng dẫn của giáo viên sẽ tóm tắt toàn bộ nội dung của bài học sẽ giúp học sinh động não, sáng tạo. Việc tự học sinh vẽ BĐTD đã giúp học sinh nắm vững kiến thức và cũng qua đó giúp giáo viên nắm bắt được trình độ của học sinh. VD: Trong bài chất béo, sau khi học xong bài giáo viên cho học sinh vẽ BĐTD để củng cố kiến thức nội dung bài học với sự gợi ý của giáo viên như sau: - Nội dung của bài học gồm mấy phần? Học sinh trả lời và từ nội dung chính là “ Chất béo” học sinh vẽ 5 nhánh cấp 1. - Chất béo có ở đâu? Học sinh từ 1 nhánh cấp 1 vẽ các nhánh cấp 2. - Chất béo có những tính chất vật lý nào? Học sinh từ 1 nhánh cấp 1 vẽ các nhánh cấp 2. - Chất béo có thành phần, cấu tạo như thế nào? Học sinh từ 1 nhánh cấp 1 vẽ các nhánh cấp 2. - Chất béo có những tính chất hóa học nào? Học sinh từ 1 nhánh cấp 1 vẽ các nhánh cấp 2 và cấp 3. - Chất béo có những ứng dụng gì? Học sinh từ 1 nhánh cấp 1 vẽ các nhánh cấp 2. BĐTD được vẽ như sau: 3.4 Dùng BĐTD trong bài thực hành Tác dụng của các bài thực hành giúp học sinh kiểm chứng lí thuyết đã học trên lớp và được trực tiếp làm một số thí nghiệm, quan sát hiện tượng hóa học do các bạn trong nhóm hay do chính tay mình làm. Để làm các thí nghiệm thành công thì các bước làm thí nghiệm phải ngắn gọn, đơn giản giúp học sinh dễ thực hiện. Trước khi làm thực hành giáo viên yêu cầu học sinh nghiên cứu nội dung thực hành, sau đó các nhóm vẽ ra BĐTD thể hiện các bước tiến hành thí nghiệm, trình bày trước lớp, các bạn và giáo viên nhận xét hoàn chỉnh. Sau đó các nhóm làm thí nghiệm theo sơ đồ đã vạch ra. VD: Trong bài thực hành “ Tính chất hóa học của phi kim và hợp chất của chúng” Trong thí nghiệm 3 “nhận biết 3 chất rắn ở dạng bột là NaCl, Na2CO3, CaCO3” Cần vẽ BĐTD như sau: 3.5 Dùng BĐTD trong bài ôn tập, luyện tập Tác dụng của các bài luyện tập, ôn tập nhằm củng cố, hệ thống hóa và khắc sâu kiến thức đồng thời rèn luyện kỹ năng giải bài tập hóa học. Trong phần kiến thức cần nhớ của các bài luyện tập, dùng BĐTD thể hiện đầy đủ các nội dung kiến thức và từ đó học sinh dễ nhớ - nhớ lâu hơn. Để phần kiến thức cần nhớ học sinh lập được BĐTD thì giáo viên cho học sinh lập BĐTD ở nhà. Trên lớp giáo viên cho học sinh trình bày BĐTD của mình vẽ và các bạn nhận xét, giáo viên bổ sung cho hoàn chỉnh. Từ BĐTD hoàn chỉnh học sinh nắm được và nhớ lâu kiến thức. VD: Trong bài “Luyện tập chương 1: Các loại hợp chất vô cơ”, giáo viên cho học sinh vẽ BĐTD hệ thống hóa kiến thức. * BĐTD không phải bài học nào, hay nội dung nào cũng sử dụng được BĐTD mà tùy theo nội dung. BĐTD là một phương tiện – phương pháp dạy học nên cũng như các phương pháp dạy học khác, để phát huy ưu điểm cần sử dụng đúng lúc – phù hợp với nội dung kiến thức. Do đó, giáo viên cần kết hợp BĐTD với các phương pháp dạy học khác nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Từ việc lặp BĐTD cho bài học qua đó giáo dục cho học sinh lặp được BĐTD, kế hoạch học tập, cũng như lặp kế hoạch cho bản thân. IV/ Hiệu quả Vận dụng BĐTD trong dạy học môn Hóa học bản thân tôi thấy có nhiều mặt tích cực. HS nắm kiến thức bài học một cách chủ động hơn, không khí hoạt động của HS trong các giờ học sôi nổi, mọi HS đều tích cực tham gia. Có thể khẳng định đây là một biện pháp để chống HS ngồi sai lớp. Do sự phát triển của kiến thức ngày càng tăng lên, nên sử dụng BĐTD rèn luyện cho học sinh khả năng tư duy logic để có thể vận dụng vào cuộc sống và công việc sau này khi học sinh học lên, trưởng thành. Học sinh tiếp thu bài, nắm vững kiến thức nhanh hơn. Học sinh khá giỏi dùng BĐTD để tổng hợp kiến thức môn học. Học sinh trung bình dùng BĐTD để củng cố kiến thức ở mức độ trung bình. Từ đó học sinh không còn tâm lý chán học, ngại học môn Hóa học. Dùng BĐTD giúp học sinh ghi chép bài học gọn gàng, khoa học, nhẹ nhàng và nhanh hơn. Sau khi giảng dạy theo phương pháp dùng BĐTD tôi thu được kết quả như sau: Sau khi giảng dạy theo phương pháp này tôi thu được bảng kết quả sau: Lớp Giỏi Khá TB Yếu Kém SL TL SL TL SL TL SL TL SL TL 9/3 (40) 8 20 12 30 20 50 9/4 (41) 7 17,2 10 24,4 24 58,4 9/5 (40) 7 17.5 9 22,5 24 60 V/ Bài học kinh nghiệm Kinh nghiệm thực tiển dạy học bằng BĐTD giúp học sinh nắm vững kiến thức một cách chắn logic, nâng cao chất lượng bộ môn giáo viên cần phải: - Dặn dò cẩn thận những việc mà học sinh cần làm ở nhà để học bài cũ và chuẩn bị nội dung cho bài học mới. - Câu hỏi cần phải rỏ ràng, ngắn gọn. Cần chọn lọc những ý cơ bản, kiến thức cần thiết. - Giáo viên tập cho học sinh thói quen tự ghi chép, tổng hợp nội dung đã học. - Giáo viên cần hướng dẫn học sinh vẽ BĐTD một cách mạch lạc, khoa học. VI/ Kết luận Với phạm vi nghiên cứu tại trường, nhằm góp phần nâng cao chất lượng bộ môn Hóa học 9, qua việc dùng BĐTD trong dạy học giúp cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc. Với kinh nghiệm qua các giờ đứng lớp, trao đổi với các đồng nghiệp, dù đã cố gắng song không tránh khỏi những thiếu sót, tôi xin nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp – những người làm công tác chuyên môn để sáng kiến của tôi ngày càng được hoàn thiện. Tôi xin chân thành cảm ơn. Người viết Phùng Thị Nguyệt Tuyền VI/ Tài liệu tham khảo 1. Một số vấn đề về đổi mới PPDH ở trường THCS của Bộ Giáo Dục 2004. 2. Hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng môn Hóa học. 3. Sách giáo khoa Hóa học 9. 4. Tony Buzan – Bản đồ tư duy trong công việc. 5.Một số chuyên đề bồi dưỡng cán bộ quản lý – giáo viên THCS của Bộ Giáo và Đào Tạo.
Tài liệu đính kèm: