SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TUYÊN QUANG KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN Năm học 2012 - 2013 ĐỀ CHÍNH THỨC Môn thi: Ngữ văn Chuyên Thời gian làm bài: 150 phút ( Không kể thời gian giao nhận đề) Đề này có 01 trang Câu 1: (2 điểm) Ví dụ sau đây sử dụng biện pháp tu từ gì? Trình bày rõ cách cấu tạo của chúng. “ Gái thương chồng đương đông buổi chợ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm.” Câu 2: (3 điểm) Đọc mẩu chuyện sau: NGƯỜI ĂN XIN Một người ăn xin đã già. Đôi mắt đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi. Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông: - Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả. Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười: - Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi. Khi ấy tôi mới chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông. (Theo Tuốc-ghê-nhép-SGK Ngữ văn - lớp 9 - tập 1, trang 22) Bằng một bài văn ngắn, hãy nêu suy nghĩ của em về những điều tác giả muốn gửi gắm qua câu chuyện trên. Câu 3: (5 điểm) Cảm nhận của em về đoạn thơ sau. “... Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng, Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng Vẩy bạc đuôi vàng loé rạng đông Lưới xếp, buồm lên đón nắng hồng. Câu hát căng buồm với gió khơi, Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời. Mặt trời đội biển nhô màu mới, Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.” (Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận) .Hết SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐÁP ÁN ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN TUYÊN QUANG Năm học 2012-2013 Môn thi: Ngữ văn Thời gian làm bài: 150 phút Đáp án có 03 trang Câu 1: (2 điểm) Học sinh nêu được các ý sau: - Biện pháp tu từ chính được sử dụng là phép đối ngữ, với cách cấu tạo tương xứng, sóng đôi từ, âm, hình ảnh: (0,5 điểm) Gái thương chồng/trai thương vợ đang đông buổi chợ/nắng quái chiều hôm (0,5 điểm) - Biện pháp tu từ so sánh: cấu tạo có hai vế (sự vật so sánh và hình ảnh so sánh) nhưng không có từ so sánh và đặc điểm so sánh: (0,5 điểm) Gái thương chồng (A) đương đông buổi chợ (B) Trai thương vợ (A) nắng quái chiều hôm (B) (0,5 điểm) Câu 2: (3 điểm) 1. Về kĩ năng: Học sinh có kỹ năng viết bài văn nghị luận, lập luận chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễt đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu, chữ viết cẩn thận... 2. Về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đạt những nội dung sau: Nội dung cần đạt Biểu điểm * Những điều rút ra từ câu chuyện: - Câu chuyện ngắn gọn, hấp dẫn nhưng chứa đựng ý nghĩa triết lý lớn lao: tình yêu thương và sự cảm thông giữa con người với con người. - Đối với một người ở vào hoàn cảnh bần cùng (ông lão), người con trai (cậu bé) không tỏ ra khinh miệt, xa lánh mà vẫn có thái độ, lời nói, hành động hết sức chân thành thể hiện sự tôn trọng, quan tâm, yêu thương, chia sẻ với người khác. - Tuy cả cậu bé và ông lão đều không có của cải, tiền bạc nhưng cả hai đều cảm nhận được tình cảm mà người kia đã dành cho mình, đặc biệt là tình cảm của cậu bé đối với ông lão ăn xin. * Bình luận, rút ra bài học: - Những biểu hiện của tình yêu thương và sự cảm thông: quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ - Tình yêu thương và sự cảm thông giúp con người gần gũi và gắn bó với nhau hơn, giúp họ có thêm động lực, thêm niềm tin để sống, làm việc và cống hiến. - Yêu thương và cảm thông là đạo lý tốt đẹp trong xã hội. Hãy yêu thương và tôn trọng những người nghèo khổ, không phân biệt hoàn cảnh, địa vị xã hội của con người. - Hãy tự vượt lên hoàn cảnh của chính mình sống tốt hơn, có những việc làm, hành động cụ thể để thể hiện tình yêu thương và sự đồng cảm giữa con người với con người. (HS có thể lấy dẫn chứng trong cuộc sống và qua các tác phẩm văn học để làm rõ các ý trên) * Liên hệ mở rộng: Tình yêu thương con người trong xã hội ta hiện nay: - Các phong trào, các cuộc vận động: “Vì người nghèo”, “Trái tim cho em” thể hiện tình yêu thương, chia sẻ với những con người có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị thiệt thòi được nhiều người tích cực tham gia ủng hộ. Đây là nghĩa cử cao đẹp tô thắm thêm truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam. - Tuy nhiên, trong xã hội ta hiện nay vẫn có những con người thờ ơ trước nỗi đau của người khác, chưa có thái độ đồng cảm hoặc chia sẻ. Thậm chí có những biểu hiện miệt thị, coi thường những người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn => Từ câu chuyện, chúng ta rút ra được bài học nhân sinh sâu sắc: tình yêu thương đối với những con người nghèo khổ. 1,0 1,5 0,5 Câu 3: (5 điểm) 1. Yêu cầu về kỹ năng: - Học sinh vận dụng các thao tác nghị luận, khả năng cảm thụ văn học để trình bày cảm nhận của mình về hai khổ thơ. - Bài viết có bố cục 3 phần rõ ràng, chặt chẽ, lý lẽ dẫn chứng cụ thể, diễn đạt lưu loát, dùng từ đặt câu đúng, chữ viết cẩn thận, không mắc lỗi chính tả, khuyến khích những bài viết sáng tạo. 2. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần trình bày rõ các ý sau. Nội dung cần đạt Biểu điểm I.Mở bài - Giới thiệu khái quát về nhà thơ Huy Cận, hoàn cảnh ra đời bài thơ, dẫn dắt và trích dẫn hai khổ thơ. II. Thân bài Giới thiệu khái quát về bài thơ, bố cục, vị trí của đoạn trích trong tác phẩm. Khổ thơ thứ nhất: Miêu tả cảnh đánh cá trên biển. - Thời gian: “Sao mờ” ánh sao trở nên mờ nhạt báo hiệu đêm tàn, trời sắp sáng, bình minh đang lên. - Khí thế lao động: càng tích cực, khẩn trương, chạy đua với thời gian “kéo lưới kịp”. Hình ảnh “Kéo xoăn tay” (từ tượng hình) gợi lên tư thế khoẻ đẹp, vạm vỡ của người dân chài, đồng thời thấy được thành quả lao động thu được xứng đáng (cá nhiều, lưới nặng). “Vẩy bạc, đuôi vàng”, “loé” (từ tượng hình) gợi lên hình ảnh đẹp vừa hiện thực vừa lãng mạn. Những con cá vừa được kéo từ biển lên, ăm ắp đầy khoang thuyền dưới ánh nắng hồng ban mai chúng quẫy, đạp làm ánh lên những sắc màu rực rỡ, tươi vui. - “Rạng đông” “nắng hồng” không chỉ mang ý nghĩa thực mà còn là hình ảnh ẩn dụ miêu tả một cuộc sống mới, khác hẳn cuộc sống xưa kia, cuộc sống tươi đẹp, tràn đầy niềm vui, sức sống mới. 3. Khổ thơ thơ hai: Cảnh đoàn thuyền trở về trong buổi bình minh rực rỡ - Câu 1: Lặp lại câu cuối của khổ 1 tạo liên kết chặt chẽ cho ý thơ, mạch thơ, đồng thời tạo cảm giác tuần hoàn; khẳng định khí thế vui tươi, sôi nổi của người lao động. - “Đoàn thuyền chạy đua...” hình ảnh nhân hoá – con thuyền trở về với một tư thế mới, khí thế mới: tích cực, khẩn trương, không ngừng, không nghỉ, tranh thủ thời gian để cống hiến, để xây dựng; con người chạy đua với thiên nhiên và con người đã chiến thắng – con người sánh ngang tầm vũ trụ, gần gũi hoà nhập - “Mặt trời đội biển” hình ảnh nhân hoá miêu tả ánh mặt trời lên trên biển chính xác, gợi cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, chói lọi. Mặt trời lên kết thúc một đêm đem ánh sáng cho đất trời. Ánh nắng ban mai làm cho thành quả lao động thêm rực rỡ “Mắt cá huy hoàng” hay chính thành quả lao động, niềm vui của con người góp phần làm thiên nhiên bừng sáng đẹp đẽ. * Đánh giá: - Hai khổ thơ (cũng như cả bài thơ) được dệt bằng nhiều hình ảnh đẹp, đa dạng tinh tế với nhiều màu sắc. - Từ ngữ sáng tạo: Động từ mạnh, từ tượng hình, tính từ chỉ màu sắc... những biện pháp tu từ: ẩn dụ, nhân hoá... cùng với sự phối hợp hài hoà các thanh bằng, trắc tạo nhịp điệu tươi vui, chắc khoẻ trong đoạn thơ. - Nhà thơ đã sáng tạo hình ảnh từ sự quan sát, cảm nhận chính xác về sự vật kết hợp với sự liên tưởng và trí tưởng tượng mạnh mẽ cùng cảm hứng lãng mạn bay bổng – đó là nét nghệ thuật đặc sắc của hai khổ thơ trên. - Góp phần làm lên vẻ đẹp của tác phẩm III. Kết bài - Giá trị của bài thơ: Bài thơ là lời ngợi ca lao động tập thể và người lao động trong phong cảnh bát ngát của thiên nhiên, vũ trụ. Trong niềm vui, niềm tin tưởng và tự hào về cuộc sống mới, con người lao động hoà nhập với thiên nhiên vũ trụ. - Liên hệ thơ Huy Cận trước cách mạng: Cảm hứng thiên nhiên vũ trụ: Buồn cách biệt, xa cách với cuộc đời. 0,25 0,25 1,5 1,5 0,75 0,5 ....................Hết ..................
Tài liệu đính kèm: