Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 10 Năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

doc 6 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 993Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 10 Năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 10 Năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
————————
ĐỀ ĐỀ XUẤT
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2013-2014
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
Dành cho học sinh trường THPT Chuyên Vĩnh phúc
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề.
———————————
Câu 1 (3,0 điểm)
Trong bức thư của một du học sinh Nhật bàn về “văn hóa Việt” có đoạn: 
“Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”.
Là một người Việt trẻ tuổi, anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
Câu 2 (7,0 điểm)
Cảm nhận về nhân vật Mị Châu trong truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thuỷ, có người khẳng định: “Phút sai lầm của một người, dân tộc phải trả giá bằng ngàn năm nô lệ. Tội đó của Mị Châu không thể dung tha”.
Lại có người viết:
	Am Mị Châu thờ bức tượng không đầu
	Cảnh báo một trái tim khờ dại.
	Thử hỏi, nửa thế giới này đang tồn tại
	Đã yêu rồi, ai không giống Mị Châu?
(Vô đề - Hạnh Mai, Tạp chí Người Hà Nội, số 115, 8- 2009)
Thông qua việc phân tích nhân vật Mị Châu, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên và đưa ra quan điểm của bản thân mình. 
	 --------- Hết --------- 
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không được giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh....................................................; SBD .................
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
HƯỚNG DẪN CHẤM CHỌN HSG LỚP 10 THPT
 NĂM HỌC 2013-2014
MÔN: NGỮ VĂN
Dành cho học sinh trường THPT Chuyên 
———————————
Câu 1 (3,0 điểm)
I. Yêu cầu về kỹ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng và phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Bài viết phải đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích ý kiến
- Tự hào: là sự hãnh diện, tự tin về điều gì đó.
- 4000 năm văn hiến: là quá trình lịch sử dài lâu, gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước, tạo nên những truyền thống văn hoá lâu đời và tốt đẹp của dân tộc.
- Xấu hổ: cảm giác hổ thẹn vì lỗi lầm hoặc sự kém cỏi, không xứng đáng.
- 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”: chỉ sự tương phản đầy nghịch lý, nhấn mạnh những truyền thống văn hoá lâu đời tốt đẹp chỉ là lý thuyết đóng khung trong sử sách, còn thực tế đời sống không chứng minh cho truyền thống văn hoá lâu đời đó.
Ý cả câu là một lời cảnh tỉnh đối với mỗi người Việt Nam: không nên ngủ quên trong quá khứ và hãnh diện về truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc mà cần để truyền thống văn hoá tốt đẹp đó thể hiện trong thực tế cuộc sống hàng ngày.
2. Phân tích lý giải
2.1. Vì sao nói “thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến”?
- Vì trong thực tế không phải dân tộc nào cũng có lịch sử phát triển lâu đời như vậy.
- Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, hình thành bản sắc văn hoá của dân tộc với những nét tốt đẹp, biểu hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực của đời sống.
2.2. Vì sao nói “Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”?
- Vì 4000 năm văn hiến là nền tảng, hành trang quý báu, nhưng nó hoàn toàn là thành tựu của quá khứ. Không thể chỉ tự hào về những điều trong sử sách, vì văn hoá của một dân tộc cần biểu hiện thành những điều cụ thể trong cuộc sống hiện tại.
- Thực tế hiện nay đáng cảnh báo vì sự xuống cấp của những giá trị văn hoá trong lối sống, VD: truyền thống nhân đạo, tương thân tương ái ngàn xưa đang đứng trước nguy cơ bị đẩy lùi bởi thói vô cảm và chủ nghĩa cá nhân; truyền thống trọng tình nghĩa mai một trước chủ nghĩa thực dụng và toan tính....
3. Đánh giá
- Ý kiến trên có tác dụng nhắc nhở, cảnh tỉnh mỗi người Việt Nam nhìn lại chính mình, để biết trân trọng quá khứ của cha ông đồng thời có ý thức gìn giữ và phát triển những truyền thống văn hoá tốt đẹp trong hiện tại.
- Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu không ghi nhận những tấm gương nỗ lực để bảo vệ và phát huy truyền thống đó trong đời sống. Từ đó, rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
*Thang điểm:
- Cho điểm 3: hiểu đúng nội dung của câu nói và trình bày đầy đủ các ý trên, yêu cầu có lý lẽ, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng.
- Cho điểm 2: đáp ứng được một nửa yêu cầu trên; lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng để làm sáng tỏ ý nghĩa của câu nói.
- Cho điểm 1: bài làm sơ sài, lập luận chưa chặt chẽ, còn một vài sai sót nhỏ về dùng từ, đặt câu
 Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những ý kiến riêng, miễn sao phải phù hợp với yêu cầu của đề bài, diễn đạt trong sáng mạch lạc thì dù chọn cách nào thì cũng được điểm tối đa.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kỹ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài nghị luận văn học. Biết giải thích ý kiến, biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ nhận định. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trôi chảy, văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
1. Giải thích ý kiến
- Ý kiến thứ nhất nhấn mạnh vào hậu quả sự sai lầm của Mị Châu, từ đó đưa ra lời luận tội nghiêm khắc.
- Ý kiến thứ hai (phát biểu ở dạng tác phẩm thơ) thiên về tìm nguyên nhân của sự sai lầm, đặt ra câu hỏi nhằm bênh vực Mị Châu, cho sự “khờ dại” đó là bản chất của tình yêu, bản chất của người phụ nữ khi yêu.
Mỗi ý kiến một quan điểm đánh giá khác nhau về nhân vật Mị Châu, kẻ kết tội, người bênh vực. Đó cũng là sự phong phú trong tiếp nhận văn học, sự hấp dẫn mà hình tượng văn học tạo ra.
2. Phân tích nhân vật Mị Châu, bình luận những ý kiến trên.
2.1. Phân tích nhân vật
- Giới thiệu khái quát về nhân vật
- Sự sai lầm của Mị Châu:
+ Mị Châu không chỉ là một người dân của đất nước Âu Lạc mà còn là một nàng công chúa, có vai trò quan trọng đối với cả quốc gia, nhưng nàng đã ngây thơ không cảnh giác, coi bí mật quốc gia như tài sản riêng của gia đình. Nàng cho Trọng Thuỷ xem nỏ thần, lại còn giảng giải cho y cách sử dụng nỏ. Hành động đó đã vô tình tiếp tay cho kẻ thù có thêm cơ hội thôn tính nước Âu Lạc.
+ Khi chiến tranh xảy ra, Mị Châu vẫn rắc lông ngỗng dọc đường chạy loạn. Một lần nữa Mị Châu đã vô tình chỉ dẫn cho quân giặc chạy theo, đưa hai cha con đến chỗ cùng đường tuyệt lộ. Nàng chỉ kịp nhận ra sự thật đau lòng trước lúc rơi đầu.
- Nguyên nhân của sự sai lầm: sự thiếu cảnh giác của bản thân nàng.
- Hậu quả của sự sai lầm: Dân tộc rơi vào chiến tranh, loạn lạc, nước mất, nhà tan. Nàng chết dưới lưỡi kiếm oan nghiệt của cha.
- Thái độ của tác giả dân gian với sai lầm đó của Mị Châu:
+ Tác giả dân gian đã để thần Kim Quy hiện lên quát lớn “Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó”. Câu nói ấy cũng đồng thời là lời kết tội đanh thép của công lí, của nhân dân cho hành động vô tình mà phản quốc của Mị Châu. Đó cũng là bài học đắt giá về mối quan hệ giữa tình cảm cá nhân với trách nhiệm công dân.
+ Hình ảnh máu Mị Châu chảy xuống biển thành ngọc, xác của nàng biến thành ngọc thành là những yếu tố kì ảo, minh chứng cho tấm lòng trong trắng mà bị lừa dối của nàng. Hình ảnh đó phần nào thanh minh cho sự vô tình gây tội của Mị Châu và thể hiện thái độ cảm thông, thương xót, bao dung của nhân dân đối với nàng.
2.2. Bình luận hai ý kiến
- Ý kiến thứ nhất đúng khi luận tội Mị Châu với những hậu quả mà sai lầm của nàng đã gây ra. Ý kiến thứ hai tỏ ra có lý khi tìm nguyên nhân của sự sai lầm là do bản chất của trái tim yêu. 
- Tuy nhiên, cần đặt tình yêu đôi lứa trong mối quan hệ với vận mệnh quốc gia, vận mệnh
cộng đồng, để thấy: Trong một đất nước nhiều giặc giã, luôn đứng trước nguy cơ của những cuộc xâm lược, một nàng công chúa chỉ biết lắng nghe tiếng nói của con tim, của tình yêu mà vô tình với sự sống còn của xã tắc chính là có tội. 
- Ngay bản thân Mị Châu trước khi chết cũng nhận ra tội lớn của mình, nàng chỉ mong rửa tiếng “bất trung, bất hiếu” chứ không kêu oan, cũng không xin tha tội. Mị Châu được người Âu Lạc xưa và người Việt Nam đời đời thương xót chính là vì đã biết tội, dám nhận tội và cam lòng chịu tội.
3. Quan điểm của cá nhân
HS có thể nêu quan điểm riêng của bản thân mình theo nhiều cách khác nhau vẫn có thể được chấp nhận, miễn là có các lập luận và lí lẽ logic, thuyết phục.
*Thang điểm:
Điểm 7: Đáp ứng những yêu cầu nêu trên. Văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Diễn đạt trong sáng và lưu loát. Có thể còn vài sai sót nhỏ.
Điểm 5, 6: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải làm rõ được nội dung, diễn đạt khá. Có thể còn vài sai sót nhỏ.
Điểm 3, 4: Hiểu đề, nêu được những nội dung chủ yếu, dẫn chứng chưa thật phong phú lời văn chưa hay nhưng rõ ràng. Có thể còn một vài lỗi dùng từ, diễn đạt .
Điểm 2: Chưa thật nắm vững yêu cầu của đề bài, kiến thức sơ sài hoặc diễn đạt lúng túng phân tích còn nhiều hạn chế, bố cục lộn xộn, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ và ngữ pháp .
Điểm 1: Chưa nắm vững cả nội dung và phương pháp . Nội dung sơ lược, chung chung; nhiều lỗi dùng từ , lỗi câu.
Điểm 0: Sai lạc hoàn toàn cả về nội dung và phương pháp.
 Lưu ý:
+ Cần trân trọng những bài viết sáng tạo và có chất văn
+ Điểm bài thi cho từ điểm 0 đến điểm 7; điểm làm tròn tính đến 0,5.
LƯU í CHUNG:
Điểm toàn bài là tổng điểm của 2 câu cộng lại.Các giám khảo có thể cho từ điểm 0 đến điểm 10. Điểm lẻ làm tròn đến 0,5 điểm.

Tài liệu đính kèm:

  • docHSG_THAM_KHAO.doc