ĐỀ THI THỬ CHUẨN CẤU TRÚC MINH HỌA ĐỀ 11 KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021 Bài thi: KHOA HỌC XÃ HỘI Môn thi thành phần: LỊCH SỬ Thời gian làm bài: 50 phút không kể thời gian phát đề Họ, tên thí sinh: Số báo danh:.................................................................................................................... Tổng số câu Nhận biết Thông hiểu Vận dụng Vận dụng cao 40 25 9 4 2 Câu 1 – [NB] Tôn chỉ của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông (9-7-1925) là A. tập hợp tất cả những người dân thuộc địa sống trên đất Pháp chống chủ nghĩa thực dân. B. tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết đấu tranh đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai. C. cổ động bãi công, đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền. D. liên lạc với các dân tộc bị áp bức để cùng làm cách mạng, đánh đổ đế quốc. Câu 2 - [NB] Trong phong trào dân chủ 1936-1939, để thu thập “dân nguyện” tiến tới Đông Dương Đại hội, trên khắp đất nước Việt Nam đã thành lập A. các Công hội đó. B. các hội cứu quốc. C. các ủy ban hành động. D. các hội phản đế. Câu 3 - [NB] Tháng 6-1950, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định A. phản công quân Pháp ở Việt Bắc. B. chủ động mở chiến dịch Biên giới. C. rút toàn bộ cơ quan đầu não kháng chiến khỏi căn cứ địa Việt Bắc. D. di chuyển cơ quan đầu não kháng chiến về căn cứ địa Việt Bắc. Câu 4 - [NB] Nơi tập trung binh lực thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương trong đông - xuân 1953-1954 là A. Playcu. B. Điện Biên Phủ. C. Xênô. D. Đồng bằng Bắc Bộ. Câu 5 - [NB] Từ năm 1972, Mĩ thực hiện sách lược hòa hoãn với A. Cuba. B. Campuchia. C. Trung Quốc. D. Ấn Độ. Câu 6 – [NB] Từ năm 1955, cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân Lào do tổ chức nào lãnh đạo? A. Đảng Cộng sản Đông Dương. B. Liên minh Việt - Miên - Lào. C. Đảng Nhân dân Lào. D. Đảng Cộng sản Việt Nam. Câu 7 - [NB] Chính sách kinh tế mới (1921) ở nước Nga được để ra trong bối cảnh A. đất nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. B. tình hình chính trị ổn định. C. đất nước đã hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa. D. cuộc nội chiến đang diễn ra. Câu 8 - [NB] Đường lối đổi mới đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam được đề ra lần đầu tiên tại A. Kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa VI (7-1976). B. Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng (9-1960). C. Hội nghị Hiệp thương chính trị ở Sài Gòn (11-1975). D. Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng (12-1986). Câu 9 - [NB] Kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất (7-1976) đã A. thông qua Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. B. quyết định Quốc kì là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca. C. nhất trí chủ trương, biện pháp thống nhất đất nước về mặt nhà nước. D. đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Câu 10 - [TH] Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời trong bối cảnh A. xu thế toàn cầu hóa xuất hiện và phát triển ngày càng mạnh mẽ. B. quá trình “nhất thể hóa” ở khu vực Châu Âu đã hoàn thành. C. tất cả các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đã giành được độc lập. D. Mĩ đang sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Câu 11 - [NB] Quốc gia nào có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 10,8 % trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1969? A. Mĩ. B. Trung Quốc. C. Ấn Độ. D. Nhật Bản. Câu 12 - [NB] Tại kì họp đầu tiên ở Hà Nội (2-3-1946), Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã A. lập ra Ban dự thảo Hiến pháp. B. thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam. C. cử ra Ủy ban kháng chiến hành chính. D. thành lập Nha Bình dân học vụ. Câu 13 - [NB] Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” mà Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Véc xai (18-6-1919) đòi Chính phủ Pháp và các nước đồng minh thừa nhận quyền A. độc lập. B. thống nhất. C. chủ quyền. D. tự do. Câu 14 - [NB] Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng Cộng sản Đông Dương xác định mục tiêu trước mắt của cách mạng là A. chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình. B. chống chế độ phản động thuộc địa, đòi cải thiện đời sống. C. lật đổ chế độ phong kiến, giành ruộng đất cho dân cày. D. đánh đổ đế quốc và tay sai, làm cho đất nước hoàn toàn độc lập. Câu 15 – [NB] Ngày 16-4-1945, Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam được thành lập theo chỉ thị của A. Tổng bộ Việt Minh. B. Uỷ ban Quân sự cách mạng Bắc Ki. C. Ban Thường vụ Trung ương Đảng. D. Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc. Câu 16 - [NB] Cao trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh A. thực dân Pháp và phát xít Nhật bắt đầu câu kết bóc lột nhân dân Việt Nam. B. phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. C. quân đội các nước Đồng minh lũ lượt kéo vào nước ta giải giáp quân Nhật. D. phát xít Nhật trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương. Câu 17 - [NB] Trong phong trào dân tộc dân chủ 1919-1925, lực lượng xã hội nào ở Việt Nam đã thành lập tổ chức Đảng Thanh niên? A. Tiểu tư sản. B. Tư sản dân tộc. C. Nông dân. D. Công nhân. Câu 18 - [NB] Cao trào “Tìm Mĩ mà đánh lùng ngụy mà diệt” của quân dân miền Nam Việt Nam diễn ra đầu tiên trong cuộc chiến đấu chống chiến lược A. “Chiến tranh đơn phương”. B. “Chiến tranh cục bộ”. C. “Việt Nam hóa chiến tranh”. D. “Chiến tranh đặc biệt”. Câu 19 - [NB] Đến nửa đầu những năm 70 của thế kỉ XX, quốc gia đi đầu thế giới trong các ngành công nghiệp vũ trụ và điện hạt nhân là A. Liên Xô. B. Nhật Bản. C. Mĩ. D. Trung Quốc. Câu 20 – [NB] Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương quy định ở Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 (dọc theo sông Bến Hài - Quảng Trị) làm A. biên giới tạm thời giữa hai miền. B. ranh giới chia cắt quốc gia. C. giới tuyển quân sự tạm thời. D. biên giới chia cắt hai miền. Câu 21 - [TH] Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) đã tạo ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam vì A. đây là mốc đánh dấu quân dân miền Nam bắt đầu chuyển sang thể tiến công. B. buộc Mĩ phải đàm phán để bàn về việc kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam. C. buộc Mĩ phải tuyên bố “Mĩ hóa” trở lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. D. đây là mốc đánh dấu nhân dân miền Nam hoàn thành nhiệm vụ đánh cho “Mĩ cút”. Câu 22 - [TH] Sự thành lập nước Cộng hòa Ấn Độ (1-1950) A. đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. B. đã tạo điều kiện đưa đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. C. đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân Anh. D. có ảnh hưởng to lớn đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Câu 23 - [TH] Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 của Đảng Lao động Việt Nam (7-1973) tiếp tục để nhân dân miền Nam sử dụng bạo lực cách mạng vì A. đế quốc Mĩ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc. B. đế quốc Mĩ đưa quân viễn chinh vào miền Nam. C. đế quốc Mĩ và tay sai có nhiều hành động phá hoại Hiệp định Pari. D. đế quốc Mĩ và tay sai bắt đầu mở rộng xâm lược toàn Đông Dương. Câu 24 - [NB] Đâu không phải là lí do để Đảng Lao động Việt Nam quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975? A. Lực lượng địch ở Tây Nguyên mạnh, bố phòng chặt chẽ. B. Tây Nguyên là địa bàn quân ta có nhiều lợi thế hơn địch. C. Đánh vào Tây Nguyên dễ phát triển thế tiến công chiến lược của ta. D. Đánh vào Tây Nguyên dễ phá vỡ chiến lược phòng ngự của địch. Câu 25 - [VD] Với Hiệp định sơ bộ (6-3-1946), Chính phủ Pháp buộc phải A. thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. B. công nhận nền độc lập, tự do của Việt Nam. C. công nhận tính thống nhất của nước Việt Nam. D. thừa nhận quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam. Câu 26 - [NB] Cơ quan hành chính - tổ chức của Liên hiệp quốc là A. Hội đồng Bảo an. B. Ban Thư kí. C. Đại hội đồng. D. Hội đồng Quản thác. Câu 27 - [NB] Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng lãnh đạo nổ ra trong bối cảnh A. tầng lớp trung gian sẵn sàng tham gia khởi nghĩa. B. thực dân Pháp khủng bố dã man những người yêu nước. C. lực lượng của cuộc khởi nghĩa được chuẩn bị chu đáo. D. thời cơ để tiến hành cuộc khởi nghĩa đã chín muồi. Câu 28 - [NB] Yếu tố quyết định để Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chủ trương đổi mới đất nước năm 1986 là A. cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Việt Nam diễn ra trầm trọng. B. xu thế quốc tế hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ trên thế giới. C. các nước công nghiệp mới đạt nhiều thành tựu sau cải cách. D. Việt Nam đã hoàn thành thống nhất đất nước về mặt lãnh thổ. Câu 29 - [VD] Nguyên nhân chung thúc đẩy sự phát triển của ba trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai là A. có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực. B. có các chính sách và biện pháp tự điều chỉnh kịp thời. C. chi phí đầu tư cho quốc phòng giảm xuống mức thấp nhất. D. có nguồn nhiên liệu giá rẻ từ các nước thuộc thế giới thứ ba. Câu 30 - [NB] Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (11-1939) xác định A. phương pháp đấu tranh là hợp pháp, nửa hợp pháp. B. hình thức chính quyền cách mạng là dân chủ cộng hòa. C. mục tiêu đấu tranh trước mắt là đòi dân sinh, dân chủ. D. chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm. Câu 31 - [NB] Nội dung nào không phải là ý nghĩa lịch sử của phong trào dân chủ 1936-1939 ở Việt Nam? A. Đưa quần chúng nhân dân bước vào thời kì trực tiếp vận động giải phóng dân tộc. B. Đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện và ngày càng trưởng thành trong đấu tranh. C. Đảng tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất. D. Quần chúng nhân dân được giác ngộ về chính trị, tham gia vào mặt trận dân tộc thống nhất. Câu 32 - [TH] Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, mục tiêu chủ yếu trong cuộc đấu tranh của nhân dân châu Phi là A. chống chế độ phân biệt chủng tộc, giành quyền sống của con người. B. chống chế độ độc tài thân Mĩ, giành và bảo vệ độc lập. C. chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới, giành độc lập dân tộc. D. chống chủ nghĩa thực dân cũ, giành độc lập, quyền sống của con người. Câu 33 - [TH] Sự phát triển về tư tưởng của tư sản Việt Nam giai đoạn 1925 - 1930 so với giai đoạn 1919 - 1925 được biểu hiện ở nội dung nào sau đây? A. Nhận thức được yêu cầu của lịch sử dân tộc. B. Đòi quyền lợi kinh tế và chính trị cho giai cấp. C. Chú trọng tuyên truyền lí luận cách mạng. D. Chú trọng lôi kéo quần chúng công nông. Câu 34 - [TH] Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5 - 1941) đề ra chủ trương khởi nghĩa từng phần vì A. lực lượng cách mạng ở các địa phương có sự đồng đều. B. lực lượng của kẻ thù có tính ổn định ở mọi thời điểm. C. trong hàng ngũ kẻ thù luôn có sự chuyển hóa về mâu thuẫn. D. mâu thuẫn chủ yếu ở các địa phương có sự khác nhau. Câu 35 - [TH] Nội dung nào sau đây làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa các nước ở khu vực Đông Nam Á từ thập niên 50 đến cuối thập niên 60 của thế kỉ XX? A. Mĩ lôi kéo các nước Đông Nam Á vào khối quân sự NATO do Mĩ đứng đầu. B. Mĩ lôi kéo một số nước trong khu vực vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. C. Mĩ bắt tay với Liên Xô, Trung Quốc để chia rẽ các nước Đông Nam Á. D. Mĩ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn khu vực Đông Dương. Câu 36 - [VD] Nguyên nhân dẫn đến sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào yêu nước Việt Nam trong những năm 20 của thế kỉ XX là gì? A. Các nước thuộc địa đều dùng chủ nghĩa Mác-Lênin làm vũ khí đấu tranh. B. Phong trào yêu nước Việt Nam không có lí luận cách mạng soi đường. C. Tư tưởng dân chủ tư sản không còn ảnh hưởng đến cách mạng Việt Nam. D. Phong trào yêu nước Việt Nam đã sử dụng nhiều hệ tư tưởng nhưng thất bại. Câu 37 - [VDC] Nhân tố quan trọng nhất tác động đến sự hình thành trật tự thế giới mới sau năm 1991 là A. sự phát triển của các tổ chức liên kết kinh tế, chính trị trên hành tinh. B. sự vươn lên của các nước Á, Phi, Mĩ Latinh sau khi giành độc lập. C. cuộc chạy đua về sức mạnh tổng hợp giữa các cường quốc. D. sự phát triển hoặc diệt vong của các tổ chức khủng bố cực đoan. Câu 38 - [TH] Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5 - 1941) chủ trương thực hiện quyền dân tộc tự quyết ở khu vực Đông Dương không xuất phát từ lí do nào sau đây? A. Phát huy sức mạnh của mỗi dân tộc Đông Dương trong cuộc đấu tranh tự giải phóng. B. Mâu thuẫn dân tộc ở mỗi nước Đông Dương có sự khác nhau. C. Tạo điều kiện đoàn kết ba dân tộc Đông Dương trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. D. Đập tan những luận điệu xuyên tạc của kẻ thủ về vấn đề dân tộc. Câu 39 - [VDC] Thực tiễn cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam (từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946) đã để lại bài học kinh nghiệm gì trong thời kì hội nhập quốc tế hiện nay? A. Dự báo đúng các khả năng và đề ra những đối sách thích hợp. B. Ngoại giao giữ vai trò quyết định trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. C. Nhận định đúng xu thế phát triển để thay đổi mục tiêu chiến lược. D. “Thêm bạn, bớt thù”, thương lượng, thỏa hiệp với các nước lớn. Câu 40 - [VD] Hai xu hướng bạo động và cải cách trong phong trào yêu nước Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX có hiện tượng chuyển hóa lẫn nhau vì đều A. chủ trương cứu nước để cứu dân. B. thống nhất về kế hoạch hành động. C. chủ trương cứu dân để cứu nước. D. đứng trên lập trường dân tộc. ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT 1.D 2.C 3.B 4.B 5.C 6.C 7.A 8.D 9.B 10.D 11.D 12.A 13.D 14.D 15.A 16.D 17.A 18.B 19.A 20.C 21.B 22.D 23.C 24.A 25.C 26.B 27.B 28.A 29.B 30.B 31.A 32.D 33.A 34.C 35.B 36.D 37.C 38.B 39.A 40.D Câu 1 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 84. Cách giải: Tôn chỉ của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông (9-7-1925) là liên lạc với các dân tộc bị áp bức để cùng làm cách mạng, đánh đổ đế quốc. Chọn: D Câu 2 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 100. Cách giải: Trong phong trào dân chủ 1936-1939, để thu thập “dân nguyện” tiến tới Đông Dương Đại hội, trên khắp đất nước Việt Nam đã thành lập các ủy ban hành động. Chọn: C Câu 3 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 136. Cách giải: Tháng 6-1950, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định chủ động mở chiến dịch Biên giới. Chọn: B Câu 4 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 147. Cách giải: Nơi tập trung binh lực thứ hai của thực dân Pháp ở Đông Dương trong đông - xuân 1953-1954 là Điện Biên Phủ. Chọn: B Câu 5 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 44. Cách giải: Từ năm 1972, Mĩ thực hiện sách lược hòa hoãn với Trung Quốc. Chọn: C Câu 6 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 27. Cách giải: Từ năm 1955, cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân Lào do Đảng Nhân dân Lào lãnh đạo. Chọn: C Câu 7 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 53. Cách giải: Chính sách kinh tế mới (1921) ở nước Nga được để ra trong bối cảnh đất nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Chọn: A Câu 8 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 208. Cách giải: Đường lối đổi mới đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam được đề ra lần đầu tiên tại Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng (12-1986). Chọn: D Câu 9 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 202. Cách giải: Kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI nước Việt Nam thống nhất (7-1976) đã quyết định Quốc kì là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca. Chọn: B Câu 10 Phương pháp: Suy luận. Cách giải: - Đáp án A loại vì xu thế toàn cầu hóa diễn ra từ những năm 80 của thế kỉ XX, nhất là từ sau Chiến tranh lạnh còn ASEAN ra đời năm 1967. - Đáp án B loại và quá trình nhất thể hóa hoàn thành vào những năm cuối thế kỉ XX - đầu thế kỉ XXI với việc sử dụng chúng đồng tiền Euro. - Đáp án C loại vì lúc này chỉ có 1 số quốc gia Đông Nam Á giành được độc lập. - Đáp án D lựa chọn vì thời điểm năm 1967 thì Mĩ đang sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Chọn: D Câu 11 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 54. Cách giải: Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 10,8 % trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến năm 1969. Chọn: D Câu 12 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 123. Cách giải: Tại kì họp đầu tiên ở Hà Nội (2-3-1946), Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lập ra Ban dự thảo Hiến pháp. Chọn: A Câu 13 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 81. Cách giải: Bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” mà Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Véc-xai (18-6-1919) đòi Chính phủ Pháp và các nước đồng minh thừa nhận quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. Chọn: D Câu 14 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 104. Cách giải: Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng Cộng sản Đông Dương xác định mục tiêu trước mắt của cách mạng là đánh đổ đế quốc và tay sai, làm cho đất nước hoàn toàn độc lập. Chọn: D Câu 15 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 114. Cách giải: Ngày 16-4-1945, Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam được thành lập theo chỉ thị của Tổng bộ Việt Minh. Chọn: A Câu 16 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 112. Cách giải: Cao trào kháng Nhật cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh phát xít Nhật trở thành kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương. Chọn: D Câu 17 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 80. Cách giải: Trong phong trào dân tộc dân chủ 1919-1925, ở Việt Nam, tiểu tư sản trí thức đã thành lập tổ chức Đảng Thanh niên. Chọn: A Câu 18 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 175. Cách giải: Cao trào “Tìm Mĩ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” của quân dân miền Nam Việt Nam diễn ra đầu tiên trong cuộc chiến đấu chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Chọn: B Câu 19 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 11. Cách giải: Đến nửa đầu những năm 70 của thế kỉ XX, quốc gia đi đầu thế giới trong các ngành công nghiệp vũ trụ và điện hạt nhân là Liên Xô. Chọn: A Câu 20 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 154. Cách giải: Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương quy định ở Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 (dọc theo sông Bến Hài - Quảng Trị) làm giới tuyển quân sự tạm thời. Chọn: C Câu 21 Phương pháp: Giải thích. Cách giải: - Đáp án A loại vì từ sau thắng lợi của phong trào “Đồng khởi” năm 1960 thì cách mạng miền Nam đã chuyển sang thể tiến công. - Đáp án B lựa chọn và thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam vì buộc Mĩ phải đàm phán để bàn về việc kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thể hiện sự xuống thang chiến tranh của Mĩ. - Đáp án C loại vì sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) - Đáp án D loại vì Hiệp định Pari được kí kết đánh dấu nhân dân miền Nam hoàn thành nhiệm vụ đánh cho Mĩ cút. Chọn: B Câu 22 Phương pháp: Suy luận. Cách giải: - Đáp án A loại vì chủ nghĩa thực dân cũ còn tồn tại ở châu Phi đế thập niên cuối của thế kỉ XX. - Đáp án B loại vì Ấn Độ không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. - Đáp án C loại vì chủ nghĩa thực dân Anh sụp đổ vào thập niên cuối của thế kỉ XX. - Đáp án D lựa chọn vì việc Ấn Độ - 1 quốc gia rộng lớn và đông dân giành được độc lập từ tay 1 nước thực dân hùng mạnh đã cổ vũ và có ảnh hưởng to lớn đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chọn: D Câu 23 Phương pháp: Giải thích. Cách giải: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21 của Đảng Lao động Việt Nam (7-1973) tiếp tục để nhân dân miền Nam sử dụng bạo lực cách mạng vì đế quốc Mĩ và tay sai có nhiều hành động phá hoại Hiệp định Pari. Cụ thể, sau khi Hiệp định Pari được kí kết, tuy Mĩ rút quân về nước nhưng vẫn để lại 2 vạn cố vấn quân sự đội lốt dân sự và tiếp tục viện trợ kinh tế để chính quyền Sài Gòn tiến hành phá hoại Hiệp định Pari thông qua các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, “bình định – lấn chiếm vùng giải phóng của ta (thực chất là tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”). Chọn: C Câu 24 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 192 – 193. Cách giải: - Nội dung các đáp án B, C, D là lí do Đảng Lao động Việt Nam quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. - Nội dung đáp án A không phải là lí do Đảng Lao động Việt Nam quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 vì nhận định sai hướng tiến công của quân ta nên địch chốt giữ ở Tây Nguyên 1 lực lượng mỏng, bố phòng sơ hở. Chọn: A Câu 25 Phương pháp: Phân tích. Cách giải: - Đáp án A loại vì phải đến Hiệp định Giơnevơ năm 1954 thì Pháp mới công nhận đầy đủ 4 quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. - Đáp án B loại vì Pháp không công nhận quyền độc lập của Việt Nam trong Hiệp định Sơ bộ. - Đáp án C lựa chọn vì sau khi hoàn thành về cơ bản việc bình định Việt Nam bằng quân sự thì Pháp đã chia Việt Nam thành 3 kì trong 5 kì Đông Dương thuộc Pháp. Điều khoản trong Hiệp định Sơ bộ “Pháp công nhân nhận Việt Nam là 1 quốc gia tự do” – tức là Pháp đã công nhận tính thống nhất của Việt Nam. Việt Nam đã thống nhất từ Bắc đến Nam chứ không còn bị phân chia thành 3 kì như trước nữa. - Đáp án D loại vì nội dung này không có trong Hiệp định Sơ bộ. Chọn: C Câu 26 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 7. Cách giải: Cơ quan hành chính - tổ chức của Liên hiệp quốc là Ban Thư kí. Chọn: B Câu 27 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 86. Cách giải: Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do tổ chức Việt Nam Quốc dân đảng lãnh đạo nổ ra trong bối cảnh thực dân Pháp khủng bố dã man những người yêu nước. Chọn: B Câu 28 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 208. Cách giải: Yếu tố quyết định để Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chủ trương đổi mới đất nước năm 1986 là cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Việt Nam diễn ra trầm trọng. Chọn: A Câu 29 Phương pháp: So sánh. Cách giải: - Đáp án A loại vì Nhật Bản không có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên. - Đáp án B lựa chọn vì cả Mĩ, Tây Âu và Nhật Bản đều có các chính sách và biện pháp tự điều chỉnh kịp thời nên đã thúc đẩy kinh tế phát triển - Đáp án C loại vì chỉ có Nhật Bản là nước có chi phí quốc phòng thấp. - Đáp án D loại vì nếu không có chính sách điều chỉnh phù hợp thì dù có nguồn nhiên liệu giá rẻ thì các nước này cũng không thể vươn lên trở thành ba trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai Chọn: B Câu 30 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 104. Cách giải: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (11-1939) xác định hình thức chính quyền cách mạng là dân chủ cộng hòa. Chọn: B Câu 31 Phương pháp: SGK Lịch sử 12, trang 102. Cách giải: - Nội dung đáp án A không phải là ý nghĩa của phong trào dân chủ 1936-1939 ở Việt Nam. - Nội dung các đáp án B, C, D là ý nghĩa của phong trào dân chủ 1936-1939 ở Việt Nam. Chọn: A Câu 32 Phương pháp: Suy luận. Cách giải: - Đáp án A loại vì đây chỉ là 1 phần trong mục tiêu đấu tranh chứ không phải toàn bộ mục tiêu đấu tranh của nhân dân châu Phi. - Đáp án B, C loại vì ở châu Phi không có chế độ thực dân mới và không có chế độ độc tài thân Mĩ. - Đáp án D lựa chọn vì Chiến tranh thế giới thứ hai, mục tiêu chủ yếu trong cuộc đấu tranh của nhân dân châu Phi là chống chủ nghĩa thực dân cũ, giành độc lập, quyền sống của con người. Chọn: D Câu 33 Phương pháp: Suy luận. Cách giải: - Đáp án A lựa chọn vì từ mục tiêu đòi quyền lợi giai cấp, tư sản Việt Nam đã nhận thức được yêu cầu của lịch sử dân tộc là phải giải phóng dân tộc, có giải phóng được dân tộc thì mới có thể đòi được quyền lợi giai cấp. - Đáp án B loại vì đòi mục tiêu chính trị và kinh tế không phải là sự chuyển biến về tư tưởng của giai cấp tư sản Việt Nam. - Đáp án C loại vì lí luận cách mạng là do giai cấp vô sản tuyên truyền. - Đáp án D loại vì tư sản Việt Nam mới là lực lượng mà quần chúng công nông cần lôi kéo. Chọn: A Câu 34 Phương pháp: Giải thích. Cách giải: Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5-1941) đề ra chủ trương khởi nghĩa từng phần vì trong hàng ngũ kẻ thù luôn có sự chuyển hóa về mâu thuẫn. Cụ thể, khi Nhật tiến vào Đông Dương năm 1940 thì Pháp nhanh chóng đầu hàng. Nhật và Pháp cùng nhau cai trị nhân dân nhưng cả 2 đều muốn hất cẳng đối phương. Nhật chưa hất cẳng Pháp ngay mà vẫn duy trì quân Pháp cai trị nhân dân ta vì Nhật mới vào Đông Dương, chưa thể trực tiếp cai trị 1 cách hiệu quả như Pháp đã cai trị. Đến khi Nhật thua trận ở các mặt trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai thì Pháp ráo riết chuẩn bị lật đổ Nhật nhưng Nhật đã ra tay trước (sợ Pháp đâm sau lưng), Nhật đảo chính lật đổ Pháp độc chiếm Đông Dương. Chọn: C Câu 35 Phương pháp: Suy luận. Cách giải: - Đáp án A loại và các nước Đông Nam Á không tham gia vào NATO. - Đáp án B lựa chọn vì Mĩ lôi kéo một số nước trong khu vực vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như Thái Lan, Philippin. - Đáp án C loại vì Mĩ bắt tay với Liên Xô, Trung Quốc để gây bất lợi cho cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân Việt Nam chứ không phải để chia rẽ các nước Đông Nam Á. - Đáp án D loại vì việc Mĩ mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn khu vực Đông Dương không phải là yếu tố làm gia tăng tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa các nước ở khu vực Đông Nam Á từ thập niên 50 đến cuối thập niên 60 của thế kỉ XX. Chọn: B Câu 36 Phương pháp: Phân tích. Cách giải: - Đáp án A loại vì không phải tất cả các nước thuộc địa đều dùng chủ nghĩa Mác-Lênin làm vũ khí đấu tranh. - Đáp án B loại vì chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (qua tác phẩm Đường cách mệnh) là lí luận cách mạng soi đường cho khuynh hướng vô sản còn phong trào đấu tranh của tư sản dân tộc, 1 bộ phận trí thức thì có tư tưởng dân chủ tư sản làm nền tảng. - Đáp án C loại vì tư tưởng dân chủ tư sản vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến phong trào cách mạng Việt Nam và chỉ chấm dứt vai trò khi khởi nghĩa Yên Bái thất bại và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930. - Đáp án D lựa chọn và phong trào yêu nước dưới ngọn cờ phong kiến đã thất bại hoàn toàn, dưới ngọn cờ dân chủ tư sản cũng dần cho thấy sự không phù hợp với thực tiễn lịch sử Việt Nam. Chỉ có chủ nghĩa Mác-Lênin là phù hợp và chỉ ra hướng đi cho cách mạng nên cần kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào yêu nước để quần chúng nhân dân được giác ngộ và phát huy được sức mạnh của quần chúng trong quá trình đấu tranh. Chọn: D Câu 37 Phương pháp: Đánh giá. Cách giải: Sau Chiến tranh lạnh, các quốc gia điều chỉnh chiến lược phát triển và tập trung phát triển kinh tế cũng như xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia. Cuộc chạy đua về sức mạnh tổng hợp giữa các cường quốc trở thành nhân tố quan trọng nhất tác động đến sự hình thành trật tự thế giới mới sau năm 1991. Chọn: C Câu 38 Phương pháp: Giải thích. Cách giải: Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (5-1941) chủ trương thực hiện quyền dân tộc tự quyết ở khu vực Đông Dương vì: - Phát huy sức mạnh của mỗi dân tộc Đông Dương trong cuộc đấu tranh tự giải phóng. - Tạo điều kiện đoàn kết ba dân tộc Đông Dương trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. - Đập tan những luận điệu xuyên tạc của kẻ thủ về vấn đề dân tộc. Chọn: B Chú ý khi giải: Mâu thuẫn dân tộc của 3 nước Đông Dương có điểm chung là đấu tranh chống lại thực dân Pháp sau đó là phát xít Nhật để giành độc lập. Câu 39 Phương pháp: Đánh giá, liên hệ. Cách giải: - Đáp án A lựa chọn vì cần nhận thức rõ về kẻ thù, dự báo đúng khả năng vấn đề có thể xảy ra và đưa ra được những đối sách phù hợp nhằm phân hóa kẻ thù và - Đáp án B loại vì trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần kết hợp nhiều mặt, ngoại giao đóng vai trò quan trọng nhưng không phải là yếu tố giữ vai trò quyết định. - Đáp án C mục tiêu chiến lược là mục tiêu lâu dài, không thể thay đổi dễ dàng. - Đáp án D loại vì ta không thỏa hiệp. Chọn: A Câu 40 Phương pháp: So sánh. Cách giải: - Đáp án A loại vì nội dung này chỉ có trong chủ trương cứu nước của Phan Bội Châu. - Đáp án B loại vì hai xu hướng khác nhau về kế hoạch thực hiện - Đáp án C loại vì nội dung này chỉ có trong chủ trương cứu nước của Phan Châu Trinh. - Đáp án D lựa chọn vì cả hai xu hướng bạo động và cải cách đều nhằm mục tiêu giành độc lập dân tộc. Do đó, trong chủ trương bạo động cũng có cải cách (phong trào Đông du, đưa học sinh sang Nhật học tập) và trong thực hiện chủ trương cải cách cũng có cả bạo động phong trào chống thuế ở Trung Kì năm 1908). Chọn: D
Tài liệu đính kèm: