Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2009 – 2010 môn: Ngữ văn - Lớp 9 - thcs (thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề)

doc 4 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1138Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2009 – 2010 môn: Ngữ văn - Lớp 9 - thcs (thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2009 – 2010 môn: Ngữ văn - Lớp 9 - thcs (thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề)
UBND tỉnh bắc ninh
sở giáo dục - đào tạo
đề chính thức thức
đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh
năm học 2009 – 2010
Môn: ngữ văn - LớP 9 - THCS
(Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề)
Ngày thi 14 tháng 4 năm 2010
==============
Câu 1. (3,0 điểm):
Cho các từ láy sau đây: lù dù, líu lo, nũng nịu, lom khom, náo nức, tập tễnh, lao xao, khẳng khiu, rì rào, bâng khuâng, tí tách, lộp bộp, bồn chồn, lò dò, ngại ngùng.
Dựa vào nghĩa của các từ láy trên, hãy sắp xếp các từ láy thành 3 nhóm và đặt tên mỗi nhóm đó; đặt 3 câu, mỗi câu có từ láy của mỗi nhóm vừa sắp xếp.
Câu 2. (7,0 điểm):
	Hãy viết về cái hay của đoạn thơ sau (khoảng 350 đến 400 từ):
	 “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
 Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
 Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
 Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
 Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
 Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
 Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
 Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”
 (Trích “Bếp lửa” - Bằng Việt - Ngữ văn 9, Tập Một, tr 144 NXB GD.H. 2009)
Câu 3. (10,0 điểm):
	“Dù viết về cái gì, văn chương chân chính cũng hướng về con người. Viết về cái xấu để cảnh tỉnh con người, để báo động giúp con người sống với bản lĩnh tốt đẹp của mình. Viết về cái tốt để con người tự tin ở mình và đó chính là hành trang cần có ở con người trong cuộc hành trình tới tương lai.”
	(Đoạn văn trích trong bài làm của Nguyễn Bích Thảo, học sinh trường THPT Chuyên Thái Bình - giải nhất học sinh giỏi toàn quốc năm học 1990 - 1991)
	Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua tác phẩm “ánh trăng” của Nguyễn Duy và “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu.
=============Hết============
Đề gồm có 01 trang
Họ và tên thí sinh: ...... Chữ kí giám thị 1: .....................
Số báo danh: ................................................. Chữ kí giám thị 2: .....................
UBND tỉnh bắc ninh
sở giáo dục - đào tạo
Hướng dẫn chấm kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh
năm học 2009 – 2010
Môn: ngữ văn - LớP 9 - THCS
(Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian giao đề)
Ngày thi 14 tháng 4 năm 2010
Tổng điểm cho cả bài thi: 20 điểm; phân chia cụ thể như sau:
Câu I : 3,0 điểm
- Sắp xếp được đúng, đủ các nhóm, mỗi nhóm cho: 0,25 điểm 
1. Lom khom, khẳng khiu, lò dò, lù dù, tập tễnh. 
2. Rì rào, lao xao, líu lo, tí tách, lộp bộp.
3. Bồn chồn, náo nức, nũng nịu, bâng khuâng, ngại ngùng.
- Đặt tên đúng, mỗi nhóm cho 0,25 điểm.
Nhóm 1: chỉ hình dáng.
Nhóm 2: chỉ âm thanh.
Nhóm 3: chỉ tâm trạng.
- Đặt đúng 3 câu có sử dụng từ láy của mỗi nhóm, mỗi câu cho 0,5 điểm.
 (Nếu học sinh sắp xếp thiếu hoặc sai của phần sắp xếp tuỳ mức độ để cho điểm tổng thể : 0,25 điểm hoặc 0,5 điểm).
câu II: 7,0 điểm
* Yêu cầu:
 Bộc lộ cảm nhận về cái hay của đoạn thơ (bài viết khoảng 350 đến 400 từ):
 Đây là khúc đoạn cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ Bằng Việt về hình ảnh người bà và bếp lửa.
- Mở đầu đoạn thơ là hình ảnh khái quát cuộc đời “lận đận”, vất vả của người bà (Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa).
- Nổi lên, bập bùng toả sáng trong tâm tưởng nhà thơ là hình ảnh người bà gắn liền với bếp lửa (Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ ... Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ).
Mỗi buổi sớm mai, bà nhóm lên ngọn lửa là nhóm lên niềm yêu thương, nhóm lên niềm vui sưởi ấm gia đình, Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ. Bếp lửa là tình bà ấm nóng, bếp lửa là bàn tay bà chăm chút. Bếp lủa gắn với những khó khăn, gian khổ của đời bà. Ngày ngày, bà nhóm lửa cũng là nhóm lên sự sống, nhóm lên niềm vui, niềm tin, niềm yêu thương tha thiết. Từ “Nhóm” được điệp đi điệp lại như những nốt nhấn gợi vẽ rõ nét sự tần tảo, chắt chiu tình yêu thương của ngưòi bà dành cho con cháu và mọi người. Bà không chỉ là người nhóm lửa mà còn là người truyền lửa, truyền sự sống, niềm tin, tình yêu thương cho các thế hệ tiếp sau.
- Không nén nổi cảm xúc, nhà thơ thốt lên: “Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa!”.
Bếp lửa bình dị, thân thuộc mà kì diệu, thiêng liêng.
- Hình ảnh người bà, bếp lửa đi vào lời thơ không chỉ thể hiện tình cảm riêng của nhà thơ mà còn thể hiện được tình cảm chung của con người Việt Nam với những người bà, người mẹ, người phụ nữ Việt Nam muôn thuở với vẻ đẹp tần tảo, nhẫn nại và đầy yêu thương
	* Cách cho điểm:
a) Điểm 6,0 – 7,0: cảm nhận khá đầy đủ; nhiều chỗ đạt độ sâu sắc, tinh tế.
b) Điểm 5,0 - 5,75: cảm nhận khá đầy đủ; có chỗ đạt độ sâu sắc.
c) Điểm 3,0 - 4,75: cảm nhận được nhiều yếu tố hay; thế nhưng có chỗ còn rườm rà; giọng điệu ít sức truyền cảm.
d) Điểm 2,0 - 2,75: cảm nhận sơ sài, nông cạn; diễn đạt yếu.
đ) Điểm 0,25 - 1,75: có chi tiết chạm được vào yêu cầu của đề.
e) Điểm 0: thiếu hoặc sai lạc hoàn toàn.
Câu iii: 10 điểm.
Yêu cầu chung:
Học sinh viết được bài văn về nghị luận văn học sử dụng kĩ năng tổng hợp, phân tích, giải thích và chứng minh. Bài viết có 3 phần Mở, Thân, Kết, diễn đạt rõ ràng, trong sáng, biết thiết lập luận điểm. Trong bài thể hiện rõ sự hiểu biết nhiệm vụ, chức năng cao đẹp của văn chương một cách cơ bản, đại cương và điều đó được thể hiện qua phân tích, chứng minh hai tác phẩm văn học.
Yêu cầu cụ thể:
1. Giới thiệu văn chương với nhiệm vụ phản ánh hiện thực cuộc sống và phục vụ con người (có thể bằng phương pháp trực tiếp hay gián tiếp), trích dẫn mệnh đề.
2. Giải thích:
- Đề tài, cảm xúc của văn chương rất phong phú, là hiện thực cuộc sống của con người.
- Có nhiều thứ văn chương nhưng chân chính nhất cũng là văn chương được viết ra để phục vụ cho cuộc sống con người và hướng tới con người.
- Con người cũng có hai mặt tốt và mặt xấu. Văn chương phải có nhiệm vụ nói được cái xấu của con người để hoàn thiện nhân cách hướng tới một xã hội nhân ái.
- Đó là chức năng cao đẹp của văn chương.
3. Chứng minh:
a. Viết về cái gì thì thứ văn chương chân chính cũng hướng về con người.
- “ánh trăng” của Nguyễn Duy mượn cảm hứng đề tài truyền thống của thơ ca từ cổ chí kim là vầng trăng. Bài thơ không chỉ thể hiện cảm xúc về vầng trăng đẹp mà qua đó còn hướng người đọc đến bài học nhân sinh.
- Nguyễn Minh Châu mượn đề tài quê hương để thể hiện những cảm nhận, trải nghiệm mang ý nghĩa triết lý về cuộc đời con người.
b. Viết về cái xấu để cảnh tỉnh con người, để báo động giúp con người sống với bản chất tốt đẹp của mình.
- “ánh trăng” viết về sự đổi thay bội bạc của con người với quá khứ. Quá khứ đó là sự gắn bó nghĩa tình với thiên nhiên, nhân dân, đất nước trong những năm tháng gian lao của chiến tranh. 
Từ nhỏ đến lúc trưởng thành, trong khó khăn gian khổ con người gắn bó với ánh trăng như tri kỉ, tri âm. Vậy mà khi hoà bình với đầy đủ tiện nghi ở thành phố, con người đã vô tình quên lãng vầng trăng, thay đổi tới mức coi người tri kỉ như người dưng xa lạ, lãng quên quá khứ, quay lưng lại với nhân dân với những người đã đùm bọc sẻ chia trong những năm chiến tranh gian khó. Đó là cái xấu đáng lên án của con người.
- “Bến quê” viết về một nghịch lý đời thường: con người sinh ra lớn lên ở quê hương, ở giữa người thân cả cuộc đời. Vậy mà con người không để ý, không nhận biết được vẻ đẹp của quê hương, gia đình, người thân, của những điều giản dị nhỏ bé quanh ta. 
Nhĩ là một con người sinh ra ở bến sông quê. Anh đã có vợ và con. Vì công việc anh phải đi xa nhà và đặt chân lên rất nhiều nơi trên thế giới không xót một xó xỉnh nào. Nhưng anh chưa hề đặt chân lên bãi bồi bên kia sông. Anh không nhận ra vẻ đẹp tảo tần, giàu đức hi sinh của người vợ hiền, của ông giáo Khuyến và cả những đứa trẻ con hàng xóm. Chỉ đến khi bị liệt nằm trên giường anh mới nhận ra được vẻ đẹp của quê hương, gia đình và những người xung quanh. Không thể sống mà thờ ơ với mọi điều xung quanh mình, không nhận ra những vẻ đẹp bình dị và quý giá trong những gì gần gũi của quê hương gia đình. 
c. Viết về cái tốt để con người tự tin ở mình, đó chính là hành trang để con người hướng tới tương lai.
- Bản tính tốt đẹp của hai nhân vật trong hai tác phẩm là dám nhìn thẳng vào sự thật, thấy cái xấu của mình để sửa chữa và sống tốt hơn.
- Người chiến sĩ trong “ánh trăng” đã ân hận “rưng rưng”, “giật mình” bởi thái độ sống bạc nghĩa vừa qua của mình. Đó là giọt nước mắt hướng thiện.
- Nhĩ đã nhận ra vẻ đẹp của quê hương, gia đình, làng xóm và không có cơ hội sửa chữa đã truyền lại cho thế hệ sau để nhận biết điều quan trọng có ý nghĩa đó.
4. Tác phẩm “ánh trăng” và “Bến quê” là hai tác phẩm văn chương có sự khám phá, cách tân về nội dung và nghệ thuật nên có sức lôi cuốn hấp dẫn bạn đọc. Những bài học về đạo đức, luân lý được thể hiện sinh động và đi vào lòng người nhẹ nhàng, sâu sắc và giàu sức thuyết phục.
C. Biểu điểm;
- Điểm 9 - 10: Hiểu đề, rõ các ý, luận điểm như yêu cầu. Văn viết trong sáng, hình thức bố cục rõ ràng.
- Điểm 7 – 8: Hiểu đề, phân tích được hai tác phẩm, thiết lập được một vài luận điểm, ý 3a và 3d còn mờ nhạt.
- Điểm 5 – 6: Phân tích được hai tác phẩm nhưng không thiết lập được các luận điểm, bố cục chưa cân đối.
- Điểm 3 – 4: Không hiểu đề, phân tích hai tác phẩm còn nông cạn. Bố cục không chặt chẽ.
- Điểm 1 – 2: Sai lạc yêu cầu của đề.
* Kết hợp hình thức và nội dung để cho điểm phù hợp.
Có thể cho điểm như sau:
- ý 1: 0,5 điểm.
- ý 2: 1,0 điểm.
- ý 3: 3a: 1,0 điểm, 
 3b: 3,5 điểm; 
 3c: 3,5 điểm; 
- ý 4: 0,5 điểm.
..................Hết..................
Hướng dẫn chấm có 03 trang

Tài liệu đính kèm:

  • docDe chinh thuc Van THCS - 09-10.doc