Bài tập Sự biến đổi chất, phản ứng hóa học

doc 2 trang Người đăng tuanhung Lượt xem 5790Lượt tải 2 Download
Bạn đang xem tài liệu "Bài tập Sự biến đổi chất, phản ứng hóa học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài tập Sự biến đổi chất, phản ứng hóa học
SỰ BIẾN ĐỔI CHẤT, PHẢN ỨNG HÓA HỌC
Bài 1. Hãy chỉ ra dấu hiệu nhận biết các phản ứng hóa học sau:
a) Đun nóng thuốc tím kali pemanganat (màu tím) sau một thời gian chuyển thành màu đen là mangan đioxit.
b) Thổi hơi vào dung dịch nước vôi trong chứa canxi hidroxit, thì trên bề mặt xuất hiện một ván trắng là canxi cacbonat.
c) Khi cho bồ tạt vào lọ mực xanh chứa  đồng sunfat, thì màu của lọ mực nhạt dần đến trong suốt đồng thời có chất rắn lắng xuống đáy lọ.
d) Cây nến đang cháy, cây nến càng lúc càng ngắn lại.
e) Sao chổi là một hành tinh mà khi di chuyển, kéo theo vô vàn những hạt bụi vũ trụ. Khi tiến gần đến Mặt trời, các hạt bụi này bốc cháy, sáng rực và ánh sáng này có thể nhìn thấy từ Trái đất.
Bài 2
Ghi lại PT chữ, nêu dấu hiệu xảy ra phản ứng của các hiện tượng mô tả sau đây:
a) Sắt cháy trong oxi không có ngọn lửa, không khói nhưng sáng chói, tạo ra các hạt nhỏ nóng chảy màu nâu là oxit sắt từ. 
b) Lưu huỳnh cháy trong không khí với ngọn lửa nhỏ, màu xanh nhạt. Đưa lưu huỳnh đang cháy vào bình oxi nó cháy mãnh liệt hơn nhiều tạo thành khói màu trắng (chủ yếu là lưu huỳnh đioxit).
Bài 3
a) Khi cho một mẩu vôi sống (có tên là canxi oxit) vào nước, thấy nước nóng lên, thậm chí có thể sôi lên sùng sục, mẩu vôi sống tan ra. Hỏi có phản ứng hóa học xảy ra không? Vì sao?
b) Viết phương trình hóa học bằng chữ cho phản ứng vôi tôi, biết vôi tôi tạo thành có tên là canxi hidroxit.
Bài 4
Các quá trình dưới đây là hiện tượng hóa học hay hiện tượng vật lý? Giải thích.
     (1) Khi nấu cơm, hạt gạo thành cơm.
     (2) Khi nấu cơm, nước bay hơi.    
     (3) Sắt để ngoài không khí lâu ngày bị gỉ sét. 
     (4) Đốt gas để thu nhiệt.     
     (5) Hiện tượng tầng ozon bị thủng.
Bài 5
Hiện tượng nào sau đây là hiện tượng hóa học, hiện tượng vật lý. Giải thích.
1/  Vào mùa hè băng 2 cực trái đất tan dần.
2/ Thổi hơi thở vào nước vôi trong thì nước vôi trong bị vẩn đục.
3/ Đốt cháy đường mía thành chất màu đen và mùi khét.
4/ Thanh sắt hơ nóng, dát mỏng thành dao, rựa.
5/ Lưu huỳnh cháy tạo thành khí sunfurơ.
6/ Lên men glucozơ thu được rượu etylic và khí cacbonic.
7/Đốt cháy khí hiđro trong khí oxi thu được nước.
8/ Nước lỏng hoá rắn ở nhiêt độ thấp.
9/ Nung nóng thuốc tím KMnO4 thu được chất rắn màu đen.
10/ Muối ăn hòa tan vào nước được dd muối ăn.
11/ Hòa tan đất đèn thu được khí axetilen.
12/ Mực tan vào nước.
13/ Hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng dần lên.
15/ Thức ăn để lâu thường bị chua.
16/ Tấm tôn gò thành chiếc thùng.
17/ Cốc thủy tinh vỡ thành mãnh nhỏ.
18/ Nung đá vôi thành vôi sống.
19/ Nến chảy lỏng thấm vào bấc.
20/ Khi mưa giông thường có sấm sét.
21/ Hiện tượng ma trơi là hiện tượng photpho bốc cháy trong không khí tạo thành ngọn lửa màu vàng.
22/ Sa mạc hóa là hiện tượng từ đất đai màu mỡ thành đất khô cằn.
23/ Vỏ xe được làm từ cao su.
24/ Vào mùa thu, nhiều loại lá xanh chuyển sang màu vàng và rụng xuống.
25/ Khi nấu cơm quá lửa, tinh bột thành cacbon.
Bài 6
a) Khi quan sát hiện tượng xảy ra, người ta dựa vào đâu để biết đó là hiện tượng vật lý hay hiện tượng hóa học?
b) Trong các hiện tượng sau đây, chỉ ra đâu là hiện tượng vật lý và đâu là hiện tượng hóa học:
(1) Ủ cơm nếp với men rượu trong quá trình lên men rượu.
(2) Chưng cất rượu sau quá trình lên men rượu.
(3) Hòa tan đường vào nước.
(4) Cô cạn dung dịch đường cho đậm đặc.
(5) Khi dung dịch đường đã mất hết nước, tiếp tục cô cạn và thấy xuất hiện khói trắng (hơi nước) và chất rắn màu đen (than).
Bài 7
Khi trời lạnh, chúng ta thấy mỡ đóng thành ván. Khi đun nóng, các ván mỡ này tan chảy. Nếu đun quá lửa, thì một phần mỡ hóa hơi và một phần bị cháy đen. Hãy chỉ ra đâu là hiện tượng vật lý, đâu là hiện tượng hóa học của các quá trình trên.
Viết phương trình chữ của các phản ứng sau:
a) Đốt cháy cây nến làm bằng parafin tạo thành khí cacbonic và hơi nước.
b) Khí nitơ  tác dụng với khí hidro tạo thành amoniac.
c) Khi đun quá lửa, mỡ cháy khét và bị phân hủy thành cacbon và hơi nước.
d) Nung đá vôi chứa canxi cacbonat tạo thành vôi sống là canxi oxit với hơi nước.
Bài 8
Biểu diễn các phản ứng sau bằng phương trình chữ:
a) Đốt đây magie cháy trong oxi của không khí tạo thành magie oxit.
b) Cho viên kẽm vào ống nghiệm đựng dung dịch axit clohidric thấy sủi bọt khí hidro và sinh ra muối kẽm clorua.
c) Nhỏ dung dịch bari clorua vào axit sunfuric thấy có kết tủa trắng là muối bari sunfat và axit mới tạo thành là axit clohidric.
d) Đốt cháy xăng (chứa octan) tạo thành khí cacbonic và hơi nước.
e) Hidro cháy trong oxi tạo thành hơi nước.
f) Khi nấu cơm chứa tinh bột quá lửa tạo thành than (cacbon) và hơi nước.
g) Nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiệt để làm quay tua bin sinh ra dòng điện.
Nguồn nhiệt này có được khi đốt cháy than đá chứa cacbon sinh ra khí cacbonic.
h) Tầng ozon ở phía cực nam bị thủng do phản ứng quang hóa. Phản ứng này xảy ra khi ozon bị phân hủy thành oxi.
i) Sắt bị gỉ là do để sắt ngoài không khí bị khí oxi phản ứng tạo thành gỉ chứa oxit sắt từ.

Tài liệu đính kèm:

  • docBai tap phan ung hoa hoc.doc