Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 thpt năm học 2012 - 2013 đề thi môn: Ngữ văn (dành cho học sinh thpt không chuyên) thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

doc 5 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 856Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 thpt năm học 2012 - 2013 đề thi môn: Ngữ văn (dành cho học sinh thpt không chuyên) thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 thpt năm học 2012 - 2013 đề thi môn: Ngữ văn (dành cho học sinh thpt không chuyên) thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2012-2013 
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 
(Dành cho học sinh THPT không chuyên) 
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Câu 1 (3,0 điểm).
Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề bạo lực học đường hiện nay?
Câu 2 (7,0 điểm).
Trong truyện ngắn Chữ người tử tù nhà văn Nguyễn Tuân viết:
Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quản ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ 
(Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân, 
 	Ngữ văn 11, tập một, NXB Giáo dục 2007)
 Phân tích nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để làm sáng tỏ nhận xét trên. 
-------------Hết-----------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh......; Số báo danh.
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
(Đáp án có 04 trang)
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2012-2013 
ĐÁP ÁN MÔN: NGỮ VĂN
(Dành cho học sinh THPT không chuyên)
Câu 1 (3,0 điểm).
I. Yêu cầu về kĩ năng
 Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội. Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Thí sinh có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích khái niệm:
- Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, tàn nhẫn, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm, trấn áp người khác gây nên những tổn thương cho con người trong phạm vi trường học.
	- Bạo lực học đường diễn ra dưới nhiều hình thức: bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần.
2. Thực trạng: 
- Bạo lực học đường hiện nay có xu hướng gia tăng nhanh chóng, phát triển phức tạp, diễn ra ở nhiều nơi, do đó đang trở thành một vấn nạn của xã hội.
- Bạo lực học đường diễn ra dưới nhiều biểu hiện phức tạp:
 	+ Xúc phạm, lăng mạ, sỉ nhục, chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần con người thông qua lời nói.
 	+ Đánh đập, hành hạ, làm tổn hại về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người thông qua những hành vi bạo lực.
	+ Một bộ phận thanh niên coi đó là thú vui
3. Hậu quả:
 	- Với nạn nhân: tổn thương về thể xác, tinh thần, gây tâm lý nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập.
	- Làm biến thái môi trường giáo dục.
- Với xã hội: tạo tâm lý bất ổn, lo lắng, hoang mang.
- Với người gây ra hành vi bạo lực: con người phát triển không toàn diện; mầm mống của tội ác; làm hỏng tương lai của chính mình; bị mọi người lên án, xa lánh, căm ghét.
4. Nguyên nhân:
- Sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng kiểm soát hành vi ứng xử của bản thân, thiếu kỹ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống.
- Có những căn bệnh tâm lý.
- Do ảnh hưởng của môi trường văn hóa bạo lực từ cuộc sống và phim ảnh.
- Thiếu sự quan tâm của gia đình.
- Sự giáo dục trong nhà trường: nặng về dạy kiến thức văn hóa, chưa thật chú trọng dạy kỹ năng sống cho học sinh.
- Xã hội chưa có sự quan tâm đúng mức, chưa có những giải pháp thiết thực, đồng bộ, triệt để.
5. Giải pháp:
 	- Xã hội cần có những giải pháp đồng bộ. Cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh.
 	- Tăng cường giáo dục đạo đức, dạy kỹ năng sống, vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ.
 	- Có những biện pháp quyết liệt để giáo dục, răn đe, làm gương cho người khác.
6. Liên hệ bản thân: 
- Có quan điểm nhận thức hành động đúng đắn, hình thành những quan niệm sống tốt đẹp.
- Đấu tranh, tố cáo những hành vi bạo lực học đường.
III. Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. 
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
 Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
 Bài viết cần phân tích nhân vật viên quản ngục, tập trung làm sáng tỏ nhận xét “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quản ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau: 
1. Khái quát về tác giả, tác phẩm, tình huống truyện và vị trí của nhân vật. Xác định nội dung lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Tuân về nhân vật quản ngục.
 	2. Quản ngục là“một tấm lòng trong thiên hạ”, “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ 
a. Nghề nghiệp và hoàn cảnh sống của nhân vật quản ngục:
- Bối cảnh sống, thế giới cai trị của quản ngục là chốn ngục tù, tăm tối. Đó là thế giới của bóng đêm, tội ác, nơi có thể làm người ta nhem nhuốc cả đời lương thiện.
- Quản ngục là người đứng đầu ngục tù đen tối, là công cụ thực thi tội ác cho triều đình phong kiến thối nát, bất công. Trong quan niệm của người đời, đó là một hung thần với bàn tay vấy máu, sống bằng nhẫn tâm, lừa lọc. 
- Quản ngục của Nguyễn Tuân có một tính cách khác thường. Chức vụ quản ngục chỉ là “cái áo khoác ngoài của một tâm hồn đẹp”.
b. Quản ngục là người có tấm lòng biệt nhỡn liên tài, biết quý trọng cái đẹp.
- Biệt nhỡn: là cái nhìn trân trọng đặc biệt, liên tài là biết quý cái tài. Biệt nhỡn liên tài là cái nhìn quý trọng đặc biệt với tài hoa.
- Sống trong cảnh ngục tù tăm tối, quản ngục vẫn biết trân trọng tài năng của Huấn Cao, vẫn hướng về cái đẹp ở ngoài đời để biết được Huấn Cao là người viết chữ đẹp nổi tiếng ở tỉnh Sơn.
- Mặc dù chọn nhầm nghề, nhưng quản ngục có một sở nguyện cao quý. Ngay từ khi mới “biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền” ông ao ước một ngày nào đó được treo ở nhà riêng của mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết vì chữ Huấn Cao đẹp lắm vuông lắm là vật báu trên đời. Say mê nghệ thuật thư pháp tột cùng như vậy, chứng tỏ quản ngục là người có tâm hồn nghệ sĩ.
- Ngục quan trân trọng Huấn Cao, trân trọng cái tài, cái đẹp, nhẫn nại để đạt được sở nguyện.
+ Ngục quan đăm chiêu nghĩ ngợi, thao thức giữa đêm khuya, kín đáo để nghĩ về tử tù khi nhận được tấm phiến trát.
+ Lúc nhận tù, quản ngục nhìn Huấn Cao với ánh mắt kiêng nể.
+ Bỏ qua những lời khích bác của lũ lính áp giải, muốn hành hạ Huấn Cao để làm đòn phủ đầu, quản ngục nghiêm nét mặt nói rằng đã có phép nước.
+ Khi Huấn Cao vào ngục, ngục quan đã biệt đãi Huấn Cao một cách chu đáo. 
+ Quản ngục nhún nhường “Xin lĩnh ý” khi Huấn Cao đuổi ra khỏi phòng giam.
+ Chưa xin được chữ Huấn Cao, nên tâm trạng của ngục quan đầy bi kịch. Quản ngục khổ tâm vì có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào để xin được chữ. Chỉ lo mai mốt ông Huấn Cao bị hành hình mà không xin được chữ thì ân hận suốt đời.
c. Quản ngục là người không sợ cường quyền.
- Dám chơi chữ của một kẻ đại nghịch là Huấn Cao. 
- Dám đảo lộn trật tự lao tù để biệt nhỡn, tôn trọng cái tài, cái đẹp.
- Dám xin chữ tử tù ngay trong nhà ngục. 
d. Quản ngục là người có thiên lương.
- Ngục quan là một khách tài tử chọn nhầm nghề, giữa bọn người tàn nhẫn, lừa lọc thì ngục quan có tính cách dịu dàng, biết trọng người ngay, có lòng biết giá trị của con người.
- Biết được sở nguyện cao đẹp của quản ngục, thầy thơ lại đã đến tâm sự với Huấn Cao, Huấn Cao thức tỉnh, nhận rõ quản ngục là người tốt: Nào ta ngờ đâu một người như thầy quản đây lại có sở thích cao quý như vậy, thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. 
- Ngục quan có vẻ đẹp thiên lương trong trẻo, thuần khiết, luôn hướng tới cái thiện, cái đẹp, điều này thể hiện rõ trong cảnh cho chữ. Hành động “khúm núm” đó là thái độ kính cẩn, nghiêng mình trước cái đẹp, thể hiện nhân cách đáng quý.
- Chi tiết Huấn Cao khuyên quản ngục nên thay đổi chỗ ở, về quê giữ cho thiên lương lành vững rồi hãy nghĩ đến cái đẹp. Quản ngục nghe lời khuyên, vái người tù một vái, nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. 
- Cái cúi lạy của quản ngục với Huấn Cao là một hành động đẹp. Đó là sự cúi đầu trước cái tài, cái đẹp. Thể hiện thái độ kính phục, ngưỡng mộ trước một nhân cách cao cả; bày tỏ lòng biết ơn chân thành với ân nhân khai sáng tâm hồn mình. Thể hiện nhân cách của viên quản ngục, một người không chỉ có tấm lòng biệt nhỡn liên tài mà còn biết phục thiện.
3. Nghệ thuật xây dựng nhân vật và chiều sâu tư tưởng của tác giả.
- Với tình huống truyện độc đáo, kịch tính kết hợp với bút pháp lãng mạn, thủ pháp tương phản đối lập Nguyễn Tuân đã khắc hoạ hình tượng nhân vật quản ngục mang vẻ đẹp lí tưởng. Đây là kiểu nhân vật quen thuộc trong sáng tác của Nguyễn Tuân.
- Qua nhân vật quản ngục, Nguyễn Tuân gửi gắm quan niệm thẩm mĩ sâu sắc, tiến bộ. Cái đẹp có thể sinh ra ở mọi nơi, mọi lúc, cái đẹp phải gắn với cái thiện không thể ở chung với cái xấu, cái ác, cái đẹp nâng đỡ con người, cứu vớt con người (Đôxtôiepxki). 
- Qua nhân vật quản ngục, Nguyễn Tuân gửi gắm lòng yêu quê hương đất nước, niềm trân trọng vẻ đẹp của con người và văn hoá dân tộc.
4. Đánh giá.
- Nếu Huấn Cao là người sở hữu cái đẹp, sáng tạo ra cái đẹp thì quản ngục là người trân trọng, tôn thờ cái đẹp, người bảo vệ, giữ gìn và lưu truyền cái đẹp, ông mang tâm hồn của người nghệ sĩ. Quản ngục là người “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
- Cùng với nhân vật Huấn Cao, nhân vật quản ngục góp phần làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm Chữ người tử tù – một tác phẩm gần đạt đến sự “toàn thiện, toàn mĩ”, “ Đó không phải là người viết mà là thần viết”. 
III. Biểu điểm:
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. 
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: 
 - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
 	 - Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,25 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.
----------HẾT---------Bottom of Form

Tài liệu đính kèm:

  • docHSG_THAM_KHAO.doc