Giáo án lớp 12 môn ngữ văn - Viết bài làm văn số 5: Nghị Luận văn học

doc 2 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 956Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án lớp 12 môn ngữ văn - Viết bài làm văn số 5: Nghị Luận văn học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Giáo án lớp 12 môn ngữ văn - Viết bài làm văn số 5: Nghị Luận văn học
Trường THPT Tân Hưng
GV: Nguyễn Thị Minh Hiếu
VIẾT BÀI LÀM VĂN SỐ 5: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
I. Mục tiêu 
Vận dụng kiến thức đã học trong phần Văn học ở đầu học kì II để viết bài nghị luận văn học về một tác phẩm hay một đoạn trích văn xuôi, trong đó có sử dụng các thao tác phân tích, bình luận, nêu cảm nghĩ. Rèn luyện, củng cố kĩ năng tìm hiểu đề, lập dàn ý, tổ chức bài văn, các thao tác phân tích, bình luận văn học. Biết cách trình bày ngắn gọn và rõ ràng vấn đề trong một hệ thống lập luận chặt chẽ. Đồng thời nâng cao năng lực tư duy tổng hợp, so sánh, đối chiếu một cách có cơ sở, có hệ thống để làm rõ đặc điểm bản chất, tương đồng hoặc khác biệt của một số tác phẩm đã được tìm hiểu.
Tích hợp giáo dục kĩ năng sống cho Hs (tài liệu tr 70).
	Thu thập thông tin để đánh giá mức độ đạt chuẩn kiến thức và kĩ năng của học sinh về tạo lập bài văn nghị luận văn học.
II. Hình thức
Tự luận, học sinh làm bài trong thời gian 90 phút rồi nộp bài.
III. Ma trận đề
 Mức độ Chủ đề
Nhận biết
Thông hiểu
Vận dụng
Cộng
Làm văn 
Cốt truyện, nhận ra đề tài, cảm hứng chủ đạo. Nhận diện hệ thống nhân vật.
Giải thích, phân tích đặc điểm về ngoại hình, tính cách, số phận nhân vật. Khái quát được về nhân vật.
Lí giải được ý nghĩa và tác dụng của các từ ngữ, hình ảnh, câu văn, chi tiết nghệ thuật, biện pháp tu từ.
Vận dụng hiểu biết về tác giả, tác phẩm để phân tích, lí giải giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
Trình bày những kiến giải riêng, phát hiện sáng tạo về văn bản.
Trình bày những giải pháp để giải quyết một vấn đề cụ thể (là nhiệm vụ trong học tập, trong đời sống) từ sự học tập nội dung của văn bản đã học.
Số câu
Số điểm
Tỉ lệ %
2
20
4
40
4
40
1
10
100
IV. Đề kiểm tra
“ Hắn cười:
-Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.
Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn tặc lưỡi một cái:
-Chậc, kệ!
Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về
[]
Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.
Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.
Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn thấy hắn hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này. Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà.
(Trích Vợ nhặt – Kim Lân)
Viết một bài văn ngắn, trình bày cảm nhận của anh (chị) về đoạn trích trên.
V. Hướng dẫn chấm
1. Yêu cầu về kĩ năng
- Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học;
- Vận dụng tốt các thao tác lập luận;
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; 
- Khuyến khích những bài viết sáng tạo.
2. Yêu cầu về kiến thức 
- Đoạn văn tập trung thể hiện niềm khát khao về một mái ấm gia đình ở nhân vật Tràng.
- Cảm nhận:
+ Tràng đến với thị, đầu tiên và trước hết là sự chia sẻ của những người nghèo cùng trong cảnh hoạn nạn.
+ Phía sau câu nói tưởng là đùa của Tràng: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” là cả một khát vọng cháy bỏng có thật về một mái nhà hạnh phúc, về tổ ấm gia đình.
+ Hạnh phúc gia đình giản dị, đơn sơ đã làm anh Tràng thay đổi. Từ buổi sáng đó, anh mới thấy mình nên người; anh nghĩ đến tương lai, đến sự sinh sôi nảy nở của hạnh phúc để rồi vui sướng, phấn chấn tràn ngập trong lòng.
- Nghệ thuật: Kể chuyện hấp dẫn; miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế; sử dụng ngôn ngữ nông thôn nhuần nhị, tự nhiên.
- Đoạn văn góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp và kì diệu của người nông dân trong nạn đói năm 1945: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
3. Cách cho điểm 
Điểm
Nội dung trả lời
9 - 10
Đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kiến thức. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo.
7- 8
Đáp ứng phần lớn các yêu cầu về kiến thức. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
5 - 6
Đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về kiến thức. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc; có thể còn vài sai sót về chính tả, dùng từ.
3 - 4
Chỉ đáp ứng được một yêu cầu về về kiến thức. Bố cục rõ ràng, lập luận tương đối chặt chẽ; còn mắc lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
1 - 2
Chưa hiểu đề; sai lạc kiến thức; mắc rất nhiều lỗi về diễn đạt.
00
Không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề.
Lưu ý: Nếu học sinh có kĩ năng làm bài tốt nhưng chỉ đi sâu bàn luận vào một vài khía cạnh và có những suy nghĩ riêng, hợp lí, thuyết phục thì vẫn được chấp nhận.
DUYỆT CỦA BGH	

Tài liệu đính kèm:

  • docBai_viet_5_K12.doc