Đề thi thử số 4 thời gian: 120 phút. Môn: Ngữ văn

docx 4 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1301Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thử số 4 thời gian: 120 phút. Môn: Ngữ văn", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi thử số 4 thời gian: 120 phút. Môn: Ngữ văn
ĐỀ THI THỬ SỐ 4
THỜI GIAN: 120 PHÚT.
Môn: Ngữ Văn.
PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3điểm)
Câu 1. Đọc và trả lời câu hỏi:
a. Đoạn văn nháp sau đây còn có một số lỗi trong cách viết, cách diễn đạt. Anh/ chị hãy chỉ ra những lỗi ấy:
“Hình dáng rừng xà nu có ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp tâm hồn con người Tây Nguyên anh dũng. Dù ở trong hoàng cảnh chịu nhiều đau thương, mất mác, nhưng người dân Xô Man vẫn căm thù giặc sâu sắc. Tnú – người con cùa làng Xô man, cây xà nu cường tráng trải qua nhiều thử thách"
b. Cho đoạn văn bản sau:
Quần đảo Hoàng Sa là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời. Trong lịch sử quần đảo Hoàng Sa còn có tên là “Bãi cát vàng”. Tên quốc tế thường được thể hiện trên các hải đồ là Paracels. Quần đảo gồm 37đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000 km2. Phạm vi quần đảo được giới hạn bằng các đảo, bãi ở các cực Bắc, Nam, Đông, Tây.
(Nguồn: 
Nội dung chính của đoạn văn trên là gì? Hãy đặt tên cho đoạn văn. Đoạn văn có đặc điểm của phong cách ngôn ngữ gì?
c. Trong đoạn văn sau, tác giả sử dụng biện pháp nghệ thuật gì? Từ đó gợi ra những ý nghĩa gì cho người đọc:
“ Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá.. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng!”.
(Trích Một người Hà Nội – Nguyễn Khải)
PHẦN I: VIẾT (7điểm)
Câu 2: (3.5đ)
Vào năm 1931, ở tuổi 17, Lý Tự Trọng đã ghi tên mình vào sử sách với câu nói bất hủ: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác”. Lời hiệu triệu ấy đến nay vẫn đặt lên vai người trẻ bao suy tư khi nghĩ về Tổ quốc.
Là một người trẻ tuổi của đất nước hôm nay, anh/ chị có suy nghĩ gì về câu nói trên của người anh hùng Lý Tự Trọng?
Câu 3: (3.5đ)
“Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi  ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc  nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu1 cạnh  con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào không bị thương. Có  những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ  vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi  dần dần bầm lại, đen và đặc quện vào thành từng cục máu lớn.
Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà  nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi  tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó  phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên  cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây  bay ra. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt  làm đôi. ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không  lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những  cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ  lông mao lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của  chúng chóng lành như những vết thương trên một thân thể cường tráng. Chúng  vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà  nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...”
(Trích Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành) 
Cảm nhận của anh/ chị về cái hay, cái đẹp trong đoạn văn xuôi trên.
HƯỚNG DẪN ĐỀ THI THỬ SỐ 4
THỜI GIAN: 120 PHÚT.
Môn: Ngữ Văn.
PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3điểm)
Câu 1:
Câu a:
Lỗi chính tả: Hoàng cảnh, mất mác
Lỗi dùng từ: Hình dáng
Lỗi ngữ pháp: câu mới chỉ có chủ ngữ và phần phụ chú, thiếu vị ngữ: “Tnú – người con cùa làng Xô man, cây xà nu cường tráng trải qua nhiều thử thách"
Lỗi logic: Cặp quan hệ từ “Dù nhưng” được dùng cho hai vế câu không có quan hệ tương phản là sai logic.
Câu b: Nội dung đoạn văn cung cấp thông tin về tên gọi, số lượng đảo, diện tích, vị trí địa lý của quần đảo Hoàng Sa của nước ta.
Tên đoạn văn: Quần đảo Hoàng Sa – vị trí địa lý và những đặc điểm chính.
Đoạn văn có đặc điểm của phong cách ngôn ngữ khoa học.
Câu c: Đoạn văn sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ:
Hạt bụi vàng: Gợi tới những con người bình dị mà có vẻ đẹp tâm hồn cao quý.
Ánh vàng: Vẻ đẹp của truyền thống, văn hóa con người Hà Nội, con người Việt Nam.
Cách diễn đạt sinh động, biểu cảm, sâu sắc.
PHẦN I: VIẾT (7điểm)
Câu 2: 
Thí sinh biết cách viết văn bản NLXH bày tỏ quan điểm của mình về câu nói của người anh hùng Lý Tự Trọng. Thí sinh có thể hiểu: con đường cách mạng của Lý Tự Trọng và những người thanh niên yêu nước bấy giờ là đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng nhân dân lao động. Cón con đường cách mạng của thanh niên hôm nay là biết sống đẹp, có ước mơ lý tưởng, có trách nhiệm với Tổ quốc Liên hệ bản thân là điều quan trọng của bài văn.
Câu 3: Cái hay cái đẹp của đoạn văn xuôi Rừng xà nu theo cảm nhận của thí sinh có thể có những nét chính sau:
Thủ pháp nghệ thuật: nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, cách miêu tả đi từ khái quát đến tả chi tiết
Cảm xúc mê say của nhà văn trước hình ảnh loài cây tuyệ đẹp.
Ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.
Liên hệ với con người Xô Man.

Tài liệu đính kèm:

  • docxDe luyen thi so 4 va goi y.docx