Đề thi – kỳ thi thpt quốc gia năm 2015 môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút

doc 11 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 12197Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi – kỳ thi thpt quốc gia năm 2015 môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi – kỳ thi thpt quốc gia năm 2015 môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút
 SỞ GD & ĐT ĐỀ THI – KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
 TRƯỜNG THPT Môn: Ngữ văn
 Thời gian làm bài: 180 phút
ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc hiểu ( 3,0 điểm)	
	Đọc kỹ đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 6:
	“Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo. Họ coi trọng hiện thế trần tục hơn thế giới bên kia. Không phải người Việt Nam không mê tín, họ tin có linh hồn, có ma quỷ, có thần Phật. Nhiều người thực hành cầu cúng. Nhưng về tương lai, họ lo cho con cháu hơn là linh hồn của mình. Tuy coi trọng hiện thế nhưng cũng không bám lấy hiện thế, không quá sợ hãi cái chết ( sống gửi thác về). Trong cuộc sống, ý thức về cá nhân và sở hữu không phát triển cao. Của cải vẫn được quan niệm là của chung, giàu sang chỉ là tạm thời, tham lam giành giật cho nhiều cũng không giữ được mãi mà hưởng được. Người ta mong ước thái bình, an cư lạc ngiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh nhàn, thong thả, có đông con nhiều cháu, ước mong về hạnh phúc nói chung là thiết thực, yên phận thủ thường, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người. Con người được ưa chuộng là con người hiền lành, tình nghĩa. Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ (). Trong tâm trí nhân dân thường có Thần và Bụt mà không có Tiên. Thần uy linh bảo hộ quốc dân và Bụt hay cứu giúp mọi người; còn Tiên nhiều phép lạ, ngao du ngoài thế giới thì xa lạ. Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.”
( Trần Đình Hựu, Trích “Đến hiện đại từ truyền thống”, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996)
Câu 1. Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên. ( 0,25 điểm)
Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên. ( 0,25 điểm)
Câu 3. Kiểu câu ( xét theo mục đích giao tiếp) được sử dụng trong đoạn trích trên là gì? ( 0,25 điểm)
Câu 4. Xác định phép liên kết trong hai câu sau: 
“Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.” ( 0,25 điểm)
Câu 5. Nêu nội dung chính của đoạn văn trên ( 0,5 điểm)
Câu 6. Câu văn: “ Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.” thể hiện lối sống của người Việt Nam.
Anh/ chị hãy viết một đoạn văn (từ 5 đến 7 dòng ) nêu suy nghĩ của mình về lối sống đó ( 0,5 điểm)
	Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 7 đến Câu 8:
Tuổi thơ con có những gì
Có con cười với mắt tre trong hầm
Có làn gió sớm vào thăm
Có ông trăng rằm sơ tán cùng con
Sông dài, biển rộng, ao tròn
Khói bom đạn giặc, sao hôm cuối trời
Ba tháng lẫy, bảy tháng ngồi
Con chơi với đất, con chơi với hầm
Mong ngày, mong tháng, mong năm
Một năm con vịn vách hầm con đi
( Trích “ Tuổi thơ của con” – Theo “ Xuân Quỳnh “Thơ và đời”, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1998)
Câu 7. Xác định hai biện pháp tu từ tác giả sử dụng trong đoạn thơ. ( 0,5 điểm)
Câu 8. Hãy cho biết tình cảm tác giả gửi gắm trong bốn câu thơ sau: ( 0,5 điểm)
Ba tháng lẫy, bảy tháng ngồi
Con chơi với đất, con chơi với hầm
Mong ngày, mong tháng, mong năm
Một năm con vịn vách hầm con đi
Trả lời trong khoảng từ 5 đến 7 dòng.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
	Trong truyện ngắn “Mùa lạc”, nhà văn Nguyễn Khải đã có một triết lí như sau:
	“Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”
	Anh/ chị hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) bình luận quan niệm nhân sinh trên.
Câu 2. (4,0 điểm)
	Anh/chị hãy phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài.
 ...........Hết..........
 SỞ GD & ĐT ĐỀ THI – KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
 TRƯỜNG THPT Môn: Ngữ văn
 Thời gian làm bài: 180 phút
ĐỀ SỐ 1
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM	
Phần I. Đọc hiểu ( 3,0 điểm)	
Câu 1. Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên. ( 0,25 điểm)
Câu văn ghi khái quát chủ đề của đoạn trích “Người Việt Nam có thể coi là ít tinh thần tôn giáo.”
- Điểm 0,25: ghi lại đúng câu văn trên.
- Điểm 0: ghi câu khác hoặc không trả lời.
Câu 2. Xác đinh phương thức biểu đạt, biểu đạt chính của đoạn văn trên. ( 0,25 điểm)
Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: nghị luận.
- Điểm 0,25: nêu đúng phương thức biểu đạt trên.
- Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 3. Kiểu câu ( xét theo mục đích giao tiếp) được sử dụng trong đoạn trích trên là gì? ( 0,25 điểm)
Kiểu câu ( xét theo mục đích giao tiếp) được sử dụng trong đoạn văn trên là câu trần thuật ( câu kể).
- Điểm 0,25: trả lời đúng câu trần thuật ( câu kể).
- Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 4. Xác định phép liên kết trong hai câu sau: 
“Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.” ( 0,25 điểm)
Phép liên kết trong hai câu là phép lặp ( lặp lại từ “ khôn khéo”)
- Điểm 0,25: trả lời đúng.
- Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 5. Nêu nội dung chính của đoạn văn trên ( 0,5 điểm)
Nội dung chính của đoạn văn trên: quan niệm sống, lối sống, khả năng chiếm lĩnh và đồng hóa những giá trị văn hóa bên ngoài của người Việt Nam.
- Điểm 0,5: trả lời đúng, đầy đủ nội dung trên, hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng vẫn đảm bảo nội dung.
- Điểm 0,25: trả lời được một nửa số ý, hoặc trả lời chung chung chưa thật rõ ý.
- Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 6. “ Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình.”
Anh/ chị hãy viết từ 5 đến 7 dòng nêu suy nghĩ của mình về lối sống đó của người Việt Nam. ( 0,5 điểm)
Có thể viết theo những gợi ý sau:
Mặt tích cực của lối sống đó. 
- Mặt hạn chế của lối sống đó.
- Nguyên nhân của lối sống đó.
Có thể diễn đạt theo những cách khác nhau nhưng phải hợp lý và có sức thuyết phục.
-Điểm 0,5: nêu đầy đủ theo định hướng, diễn đạt rõ ý có sức thuyết phục.
-Điểm 0,25: nêu chưa đủ ý hoặc có, hoặc còn chung chung.
-Điểm 0: hiểu sai lệch hoặc không có câu trả lời.
Câu 7. Xác định hai biện pháp tu từ tác giả sử dụng trong đoạn thơ. ( 0,5 điểm)
Hai biện pháp tu từ là phép điệp ( ở bốn dòng thơ đầu, dòng tám, dòng chín), phép nhân hóa trong câu ba, câu bốn ( Có làn gió sớm vào thăm/ Có ông trăng rằm sơ tán cùng con).
- Điểm 0,5: trả lời đúng hai biện pháp tu từ theo cách trên.
- Điểm 0,25: trả lời đúng một trong hai biện pháp tu từ theo cách trên.
- Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.
Câu 8. Hãy cho biết tình cảm tác giả gửi gắm trong bốn câu thơ sau: ( 0,5 điểm)
Ba tháng lẫy, bảy tháng ngồi
Con chơi với đất, con chơi với hầm
Mong ngày, mong tháng, mong năm
Một năm con vịn vách hầm con đi
Tình cảm tác giả thể hiện trong bốn dòng thơ: tình yêu thương con sâu sắc, tình cảm đó được thể hiện qua sự cảm nhận và dõi theo từng thay đổi theo thời gian của con (Ba tháng.., bảy tháng, Một năm), và sự mong mỏi đau đáu trong lòng người mẹ ( Mong ngày, mong tháng).
Đặt trong bối cảnh của cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt, đầy khó khăn gian khổ tình mẹ ở đây còn mang ý nghĩa sâu sắc thiêng liêng hơn.
Có thể diễn đạt theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo được nội dung trên.
- Điểm 0,5: thể hiện đầy đủ hai nội dung trên, diễn đạt ý sáng rõ, hoặc cảm nhận chưa thật đầy đủ nhưng sâu sắc và thuyết phục.
- Điểm 0,25: nêu được một nửa nội dung trên, diễn đạt mạch lạc.
- Điểm 0: hiểu sai hoặc không trả lời.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
A.Yêu cầu chung: Thí sinh biết:
- Vận dụng kết hợp kiến thức và kỹ năng về văn NLXH để làm bài
- Trình bày bài văn rõ bố cục, diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, viết có cảm xúc
- Tránh những lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp...
B.Yêu cầu cụ thể:	
1. Về hình thức (1,5 điểm)
	a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm)
	- Điểm 0,5: Đầy đủ 3 phần của bố cục bài văn
	+ MB: dẫn dắt hợp lý và giới thiệu đúng vấn đề
	+ TB: triển khai luận đề thành nhiều đoạn văn có sự liên kết chặt chẽ
	+ KB: khái quát đúng về vấn đề vả thể hiện được nhận thức cá nhân...
	- Điểm 0,25:+ trình bày đủ 3 phần của bố cục nhưng các phần chưa đảm bảo đủ các yêu cầu như trên, thân bài chỉ có một đoạn văn	
	- Điểm 0:+ thiếu mở bài, kết bài hoặc hình thức thể hiện chưa rõ ràng
	b. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)
	- Điểm 0,5 : Không mắc lỗi chính tả,dùng từ, đặt câu
	- Điểm 0,25 : Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
	- Điểm 0 : Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
	c. Diễn đạt sáng tạo: (0,5 điểm)
	- Điểm 0,5 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (dùng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm...)
	- Điểm 0,25 : Có một số cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo...
	- Điểm 0 : Không có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo
2. Về nội dung (1,5 điểm)
	a. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm)
	- Điểm 0,5 : Xác định đúng luận đề: vai trò của sức mạnh- một phẩm chất đáng quý của con người
	- Điểm 0,25 : Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung
	- Điểm 0 : Xác định sai vấn đề cần nghị luận, lạc đề, không làm bài
	b. Triển khai luận đề thành những luận điểm phù hợp (1,0 điểm)
	- Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu theo những gợi ý sau:
	* Giải thích khái niệm (từ ngữ): con đường cùng, ranh giới, sức mạnh, điều cốt yếu...
 	* Phân tích lí giải
+ Vì sao ở đời này không có con đường cùng? Vì mọi sự khốn cùng, bế tắc không hoàn toàn do hoàn cảnh khách quan mà do chính khả năng nhận thức và đặc diểm tâm lí của con người. Người yếu đuối chỉ cần một vướng mắc nhỏ đã lo sợ, buông xuôi, đầu hàng. Người mạnh mẽ thì sẽ tìm cách giải quyết khó khăn , trước mắt, xác định con đường lựa chọn cho tương lai, tự thay đổi bản thân, buộc hoàn cảnh phải thay đổi để phục vụ cho chính mình...
+ Vì sao con người phải có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy?	 	Vì cuộc sống nhiều rủi ro, đường đời nhiều cạm bẫy, quan hệ con người lại phức tạp...nghĩa là có rất nhiều lí do để con người có thể gặp những cản trở,bị thất bại, thậm chí bị dồn đến con đường tuyệt lộ.Khi có sức mạnh, con người có điểm tựa, có cơ sở để vượt qua những cản trở của cuộc sống.
+ Sức mạnh mang lại điều gì? Sức mạnh thể chất làm tăng khả năng gánh vác. Sức mạnh trí tuệ giúp con người hiểu biết, phân tích, đánh giá tình hình, trên cơ sở đó mà có những lựa chọn đúng, quyết định chính xác. Sức mạnh tinh thần giúp con người tự tin, vững vàng.Sức mạnh là điều kiện cần và đủ để bước qua ranh giới. 	+ Làm thế nào để có sức mạnh? Để có sức mạnh thể chất, cần tập luyện và điều chỉnh chế độ sinh hoạt. Để có sức mạnh trí tuệ,cần học tập tu dưỡng.Để có sức mạnh tinh thần, cần rèn luyện bản lĩnh.
	* Bình luận đánh giá:
+ Quan niệm đúng đắn về vai trò của sức mạnh- một phẩm chất đáng quý của con người.
+ Thái độ đúng khi đề cao sức mạnh của con người
+ Niềm tin vào khả năng vô hạn của con người trong cuộc sống
	- Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa chặt chẽ
	- Điểm 0,5: Đáp ứng một vài yêu cầu trên
	- Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 yêu cầu trên
	- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kỳ yêu cầu nào ở trên
Câu 2 (4,0 điểm)
A. Yêu cầu chung: Thí sinh biết:
- Vận dụng kết hợp kiến thức và kỹ năng về văn NLVH để làm bài
- Trình bày bài văn rõ bố cục, diễn đạt mạch lạc, trôi chảy, viết có cảm xúc
- Tránh những lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp...
B.Yêu cầu cụ thể:	
1. Về hình thức (1,5 điểm)
	a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm)
	- Điểm 0,5: Đầy đủ 3 phần của bố cục bài văn
	+ MB: dẫn dắt hợp lý và giới thiệu đúng vấn đề
	+ TB: triển khai luận đề thành nhiều đoạn văn có sự liên kết chặt chẽ
	+ KB: khái quát đúng về vấn đề vả thể hiện được nhận thức cá nhân...
	- Điểm 0,25:+ trình bày đủ 3 phần của bố cục nhưng các phần chưa đảm bảo đủ các yêu cầu như trên, thân bài chỉ có một đoạn văn	
	- Điểm 0:+ thiếu mở bài, kết bài hoặc hình thức thể hiện chưa rõ ràng
	b. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)
	- Điểm 0,5 : Không mắc lỗi chính tả,dùng từ, đặt câu
	- Điểm 0,25 : Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
	- Điểm 0 : Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
	c. Diễn đạt sáng tạo: (0,5 điểm)
	- Điểm 0,5 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (dùng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm...)
	- Điểm 0,25 : Có một số cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo...
	- Điểm 0 : Không có cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo
2. Về nội dung (2,5 điểm)
	a. Xác định đúng vấn đề nghị luận (0,5 điểm)
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Những đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài
- Điểm 0,25: Nêu chung chung, chưa xác định rõ vấn đề cần nghị luận
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác
	b. Triển khai luận đề thành những luận điểm phù hợp (2,0 điểm)
- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên, có thể trình bày theo các gợi ý sau:
	b 1. Giới thiệu về tác giả Tô Hoài và tác phẩm VCAP
	b 2. Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm
	* Thành công nhất của truyện ngắn VCAP là nghệ thuật xây dựng nhân vật đó là nghệ thuật mô tả tâm lí nhân vật và phát triển tính cách nhân vật, đặc biệt là nhân vật Mị. Nhà văn sử dụng thủ pháp tương phản, miêu tả những mâu thuẫn giữa hoàn cảnh và số phận; giữa ngoại hình với nội tâm và sự phát triển tính cách của nhân vật đạt tới mức biện chứng. Điều đó được thể hiện rõ qua hai tình huống: Trong đêm tình mùa xuân và trong đêm đông Mị cắt dây trói cứu A Phủ
	+ Mị từ một cô gái hồn nhiên yêu đời...thành nô lệ, bị áp bức về vật chất lẫn tinh thần, Mị sống như đã chết trong căn buồng u tối tưởng như không bao giờ thoát ra được.
	+ Đêm tình mùa xuân trở về trên rẻo cao, tiếng sáo gọi bạn, hơi men...đã làm thức tỉnh tâm hồn yêu cuộc sống và khát vọng tự do của Mị. Muốn đi chơi nhưng Mị đã bị A Sử trói đứng vào cột trong căn buồng âm u lạnh lẽo.Thể xác bị trói nhưng tinh thần Mị vẫn cứ mộng du theo tiếng sáo. Hơi men và tiếng sáo nâng đỡ tâm hồn Mị...Song Mị lại bị rơi vào tình trạng lãnh cảm trầm trọng hơn.
	+ Nếu ở đêm tình mùa xuân Mị chưa thực hiện được khát vọng tự do của mình thì phải đến đêm đông năm sau, đây là tình huống đột biến, quyết liệt để thay đổi số phận. Mị cắt dây trói cứu A Phủ, nhờ đó đã giải phóng cho chính mình...
=>Vậy số phận và tâm lí Mị được nhà văn phác họa như một “hình sin”, mỗi khi “đồ thị” đi xuống là để tạo sức nén cho nhân vật lần sau vút cao hơn và giành chiến thắng. Tính cách của Mị cũng như A Phủ được nhà văn thể hiện rất độc đáo, mang phẩm chất tiêu biểu của người Mông: âm thầm mà mãnh liệt; mộc mạc, đơn sơ mà dữ dội khôn lường. Và trên hết là lối sống phóng khoáng, tự do, hồn nhiên đầy bản lĩnh của họ. Những phẩm chất này khiến người Mông mang một sinh lực dồi dào, họ có đủ sức mạnh để vượt qua bất cứ sự áp bức, đè nén nào.
	* Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn: Mở đầu như một câu chuyện cổ tích nhưng lại là một mảnh đời, một số phận hiện thực. Cách kể đan xen giữa quá khứ và hiện tại , giữa kể và tả. Đặc biệt là cách dựng cảnh, tạo không khí rất đặc sắc như cảnh A Sử hành hạ Mị trong đêm tình mùa xuân; cảnh A Phủ đánh A Sử; cảnh xử kiện A Phủ...
	* Cách miêu tả cảnh trí , nếp sống sinh hoạt, phong tục tập quán cũng thật độc đáo mang phong vị đặc trưng của vùng Tây Bắc như tục cướp vợ, tục lễ cúng trình ma,tục xử kiện, ốp đồng,...chứng tỏ Tô Hoài rất am hiểu về một vùng đất mà nhà văn gắn bó, yêu mến.
	* Vốn ngôn ngữ phong phú, giàu tính tạo hình, giàu chất thơ và sáng tạo.
	b 3. Đánh giá khái quát giá trị tác phẩm về phương diện nghệ thuật và tài năng Tô Hoài ở nghệ thuật viết truyện độc đáo
	 Thí sinh có thể diễn đạt cách khác nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục
- Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm chưa được trình bày đầy đủ...
- Điểm 1,0 – 1,25: Cơ bản đáp ứng hơn 1/2 các yêu cầu trên
- Điểm 0,5 – 0,75 : Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên
- Điểm 0,25: Hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên
- Điểm 0 : Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào ở trên hoặc không làm bài.
...............Hết............
SỞ GD & ĐT 
TRƯỜNG THPT 
ĐỀ THI THỬ KÌ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
Môn: Ngữ Văn 
(Thời gian làm bài 180 phút không kể thời gian giao đề)
ĐỀ SỐ 2
 PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) 
Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi.
        Lá đỏ
              - Nguyễn Đình Thi -
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy tay cười đôi mắt trong.
                                (Trường Sơn, 12/1974)
Câu 1. Dựa vào những thông tin trong tác phẩm, hãy nêu ngắn gọn hoàn cảnh ra đời của bài thơ. (0,25điểm)
 Câu 2. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?  (0,25điểm)
Câu 3. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ “Em đứng bên đường như quê hương”?  (0,25điểm)
Câu 4. Chỉ ra các hình ảnh miêu tả thiên nhiên. Các hình ảnh đó gợi lên điều gì? (0,5điểm)
Câu 5. Không khí hành quân hào hùng, thần tốc được thể hiện qua những hình ảnh nào? Hãy ghi lại một câu thơ về khí thế của đoàn quân ra trận trong bài thơ đã học ở chương trình 12. (0,5điểm)
Câu 6. Hình ảnh “em gái tiền phương” được khắc họa như thế nào? Hình ảnh đó gợi lên cho anh (chị) suy nghĩ gì về sự góp mặt của những người phụ nữ trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc? (0,5điểm)
Câu 7. Bài thơ từng được cho là có những dự cảm, dự báo về thắng lợi  tất yếu của dân tộc. Theo anh (chị) điều đó được thể hiện qua câu thơ hoặc hình ảnh thơ nào? (0,25điểm)
Câu 8. Nêu những biểu hiện của không khí sử thi và lãng mạn được thể hiện trong bài thơ (0,5điểm)
PHẦN II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
 Câu 1. (3,0 điểm) Suy nghĩ của anh chị về câu nói sau:
“ Nếu một người được gọi để làm một người như phu quét đường, hãy quét những con đường như Mi-ken-lăng-giơ đã vẽ tranh, hãy quét con đường như Bet-tho-ven đã soạn nhạc và hãy quét những con đường như Sêch-xpia đã làm thơ. Người phu quét đường cần phải quét con đường sạch đến độ tất cả các thiên thần trên thiên đàng lẫn con người dưới trần gian đều phải thốt lên rằng: “Đây là người quét đường vĩ đại – người đã làm thật tốt công việc của mình”. (Trích trong Bài học làm người, NXB Giáo Dục 2006)
Câu 2. (4,0 điểm) Có ý kiến cho rằng: “ở truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân chú tâm miêu tả kĩ lưỡng hiện thực tàn khốc trong nạn đói thê thảm năm 1945”. Ý kiến khác thì nhấn mạnh: “Ở tác phẩm này, nhà văn chủ yếu hướng vào thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ”.
Từ hiểu biết của mình về tác phẩm Vợ nhặt, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
 ----------------------------HẾT----------------------------
ĐÁP ÁN
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: tháng 12/1974. Đó là thời điểm cuộc chiến tranh chống Mĩ ở giai đoạn gấp rút. Tất cả quân và dân đang dồn sức cho tiền tuyến, tiến về Sài Gòn. Bài thơ được tác giả viết giữa rừng Trường Sơn. (0,25điểm)
Câu 2. Bài thơ viết theo thể thơ tự do (0,25điểm)
 Câu3. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: so sánh (em - quê hương) (0,25điểm)
 Câu 4. Các hình ảnh miêu tả thiên nhiên: đỉnh trường Sơn “lộng gió”, “rừng lạ ào ào lá đỏ”. (0,25điểm). Các hình ảnh vẽ lên khung cảnh rừng Trường Sơn khoáng đạt, đầy ấn tượng với những vẻ đẹp lạ lùng của rừng lá đỏ, những trận mưa lá đổ ào ào trong gió... (0,25điểm)
 Câu 5. Không khí hành quân hào hùng thần tốc được thể hiện qua hình ảnh đoàn quân đi vội vã; bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa (0,25điểm)
            Thí sinh có thể liên hệ với hình ảnh trong bài thơ khác nhau, ví dụ bài thơ Việt Bắc: “quân đi điệp điệp trùng trùng” (0,25điểm)
 Câu 6. - Hình ảnh “em gái tiền phương”: nhỏ bé giữa rừng Trường Sơn bạt ngàn, lộng gió nhưng lại mang đến cảm giác thân thương, gần gũi vai áo bạc, quàng súng trường - như quê hương; với dáng đứng vững vàng bên đường khi làm nhiệm vụ (0,25điểm)
            - Hình ảnh ấy là một biểu tượng về cuộc chiến tranh nhân dân –“em gái tiền phương”, nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong. Sự có mặt của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có sự đóng góp những người con gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai nhưng vô cùng dũng cảm, gan dạ. (0,25điểm)
 Câu 7. Bài thơ từng được cho là có những dự cảm, dự báo về thắng lợi  tất yếu của dân tộc. Điều đó được thể hiện qua câu thơ “Chào em, em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé, giữa Sài gòn”. (0,25điểm)
Câu 8.
- Không khí sử thi: Khung cảnh cuộc hành quân hào hùng, thần tốc. Trên nền của bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, và những đoàn quân hành quân vội vã kéo dài không dứt và hình ảnh của em gái tiền phương gan dạ, dũng cảm (0,25điểm)
- Cảm hứng lãng mạn: vẻ đẹp của thiên nhiên rừng Trường Sơn; vẻ đẹp của người con gái trẻ trung, tươi tắn; niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến (0,25điểm)
PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)
Câu 1. (3 điểm)
Yêu cầu chung: thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc, diễn đạt trôi chảy; đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
Yêu cầu cụ thể:
*Mở bài: xác định đúng vấn đề nghị luận: con người dù có làm công việc giản dị có thể nói là tầm thường nhưng nếu họ làm tốt nhất công việc của mình họ vẫn xứng đáng được tôn trọng, ngợi ca.
*Thân bài
- Giải thích:
+ Cách so sánh giả tưởng đặt người phu quét đường làm công việc bình thường trong xã hội bên cạnh những nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ thiên tài có đóng góp lớn cho nghệ thuật nhân loại, tuy họ có khác nhau ở công việc và kết quả lao động nhưng nếu người phu làm tốt nhất công việc của mình bằng tất cả tài năng, tâm huyết và đạt kết quả tốt đẹp là đã đóng góp cho cuộc đời. Khi ấy, họ xứng đáng biểu dương là con người vĩ đại.
+ Câu nói là thông điệp: mỗi người dù làm bất cứ công việc nào nếu hoàn tất tốt nhất bằng khả năng, tâm huyết, trách nhiệm để cống hiến cho cuộc sống thì cũng xứng đáng thành người vĩ đại.
-Chứng minh tính đúng đắn của ý kiến:
+ Cuộc sống có hàng trăm thứ nghề. Không có công việc nào là nhỏ nhoi thấp kém để chúng ta coi thường hay từ bỏ. Công việc nào cũng có ý nghĩa và giá trị đối với một cá nhân hay cộng đồng khi nó phù hợp với sở thích, năng lực của cá nhân hay cộng đồng đó.
+Không có công việc thấp hèn, không có người tầm thường. Điều quan trọng là mỗi người phải miệt mài lao động, nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực để hoàn thành tốt nhất công việc của mình “Người phu quét đường cần phải quét con đường sạch đến độ tất cả các thiên thần trên thiên đàng lẫn con người dưới trần gian đều phải thốt lên rằng: “Đây là người quét đường vĩ đại – người đã làm thật tốt công việc của mình”.
-Bình luận ý kiến:
+Câu nói so sánh bất ngờ, thú vị vừa đem đến quan niệm và thái độ đúng đắn trong việc nhìn nhận, đánh giá con người và công việc trong cuộc sống: bất kì ai, bất kì công việc nào cũng đều đáng để trân trọng nếu người đó góp hết sức mình cho cuộc sống, tô đẹp cuộc đời.
+Phê phán những người coi khinh những công việc bình thường rồi ảo tưởng kiếm tìm công việc cao sang mà không phù hợp với khả năng của mình. Hoặc nhiều người luôn tự ti với công việc mình đang làm. Hoặc thiếu trách nhiệm, tâm huyết với công việc 
 *Kết luận (rút ra bài học cho bản thân và mọi người xung quanh)
- Câu nói thành lời khuyên sâu sắc cho mỗi chúng ta trong việc chọn nghề sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh riêng của bản thân. Đặc biệt là ở thái độ trong lao động.
-Chúng ta phải biết quý trọng những người lao động vì những đóng góp của họ cho cuộc sống này.
Thang điểm
3,0 điểm: bài viết đáp ứng các yêu cầu trên. Lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, cảm xúc. Có thể mắc vài lỗi chính tả, dùng từ.
2,0 điểm: bài viết đáp ứng phần lớn các yêu cầu hoặc đủ ý nhưng có ý còn sơ lược. Hành văn trôi chảy. Ít lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
1,0 điểm: bài viết tỏ ra chưa hiểu vấn đề. Lúng túng, đơn giản trong cách giải quyết vấn đề. Hành văn mắc nhiều lỗi.
0,0 điểm: bài viết lạc đề hoặc không làm bài.
Câu 2. (4 điểm)
Yêu cầu chung: thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 
Yêu cầu cụ thể:
*Mở bài: giới thiệu tác giả, tác phẩm, dẫn hai ý kiến.
*Thân bài:
1. Giải thích hai ý kiến:
- “Hiện thực khốc liệt” là hiện thực đời sống vô cùng khắc nghiệt, gây hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống con người. Như vậy ý kiến thứ nhất coi việc tái hiện không khí bi thảm của nạn đói 1945 là cảm hứng chủ đạo để nhà văn viết Vợ nhặt.
- “Vẻ đẹp tiềm ẩn” là vẻ đẹp nội tâm, tâm hồn ẩn giấu bên trong vẻ ngoài bình thường, thô ráp. Ý kiến này coi việc phát hiện, ngợi ca những vẻ đẹp tâm hồn con người mới là cảm hứng chử đạo của Kim Lân trong Vợ nhặt.
2. Chứng minh :
- Kim Lân chú tâm miêu tả hiện thực khốc liệt của nạn đói thê thảm 1945: bức tranh cuộc sống hiện lên với cả âm thanh, hình ảnh, mùi vị chết chóc; con người đang đứng trước bờ vực của cái chết; giá trị con người trở nên rẻ rúng (dẫn chứng)
- Ở tác phẩm này, nhà văn chủ yếu hướng vào thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của những người dân nghèo sau cái bề ngoài đói khát, xác xơ của họ: vẻ đẹp khát khao nương tựa khát khao hạnh phúc; vẻ đẹp tình người yêu thương nhân hậu;vẻ đẹp của ý thức trách nhiệm và vẻ đẹp của niềm tin, lạc quan ở ngày mai (dẫn chứng)
3.Bình luận:
- Như vậy, qua tác phẩm “Vợ nhặt” Kim Lân đã miêu tả kĩ lưỡng hiện thực tàn khốc trong nạn đói thê thảm năm 1945. Nhưng ý đồ của nhà văn không dừng lại ở giá trị hiện thực mà chủ yếu là phát hiện, ca ngợi, trân trọng vẻ đẹp khuất lấp trong tâm hồn những người dân nghèo dẫu bên ngoài có thô kệch, đói khát, xác xơ. Đây cũng chính là giá trị nhân đạo đặc sắc của tác phẩm. 
- Hai nhận định trên tuy có khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau cùng làm nổi bật giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
-Song, thành công của tác phẩm không thể không nói đến sự tài hoa, hóm hỉnh ở ngòi bút chuyên viết truyện ngắn: cách xây dựng tình huống truyện bất ngờ, éo le, kịch tính; năng lực phân tích thế giới nội tâm tinh tế; ngôn ngữ trần thuật giản dị, hàm súc
*Kết bài:
-Khẳng định các ý kiến làm nên vẻ đẹp của tác phẩm và vị trí của Kim Lân trong nền văn học.
-Bài học cho bản thân.
Thang điểm:
4,0 điểm: người viết hiểu đề, đáp ứng hầu hết các yêu cầu. Có thể chưa sâu sắc ở vài ý. Văn phong trong sáng, cảm xúc. Ít lỗi chính tả, dùng từ.
3,0 điểm: hiểu đề, bàn luận đúng hướng nhưng còn sơ lược. Mắc ít lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
2,0 điểm: hiểu đề nhưng sơ sài, dẫn chứng thiếu thuyết phục. Mắc lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
1,0 điểm: bài viết sơ sài, chưa đáp ứng yêu cầu về kĩ năng và kiến thức.
0,0 điểm: lạc đề hoặc không làm được gì.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_thu_THPT_2016.doc