SỞ GD & ĐT BẮC NINH TRƯỜNG THPT HÀM LONG ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC ĐỢT II (2015 -2016) Môn: Ngữ Văn 12 (Thời gian làm bài 120 phút, không kể thời gian giao đề) I . PHẨN ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc hai đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4. Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên. Còn những bí và bầu thì lớn xuống Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi. (Mẹ và quả - Nguyễn Khoa Điềm) Thời gian chạy qua tóc mẹ Một màu trắng đến nôn nao Lưng mẹ cứ còng dần xuống Cho con ngày một thêm cao. (Trong lời mẹ hát – Trương Nam Hương) Câu 1. Nêu hai phương thức biểu đạt nổi bật trong đoạn thơ thứ nhất. Câu 2. Xác định nghệ thuật tương phản trong từng đoạn thơ trên? Câu 3. Nêu hiệu quả nghệ thuật của phép nhân hóa trong câu thơ “Thời gian chạy qua tóc mẹ”? Câu 4. Những điểm giống nhau về nội dung và nghệ thuật của hai đoạn thơ trên là gì? Trả lời trong khoảng 6 - 8 dòng. II. PHẦN LÀM VĂN (7 điểm) Câu 1. (3 điểm) “Đừng cố gắng trở thành người nổi tiếng mà trước hết hãy là người có ích”. Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên. Câu 2. (4 điểm). Cảm nhận của anh (chị) về đoạn thơ sau: “ – Mình về mình có nhớ ta Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng Mình về mình có nhớ không Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông hóa nguồn? - Tiếng ai tha thiết bên cồn Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi Áo chàm đưa buổi phân li Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” (Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập 1, NXBGD 2008, tr 109) - Hết- (Thí sinh không sử dụng tài liệu, cán bộ coi thi không giải thích gì thêm) SỞ GD & ĐT BẮC NINH TRƯỜNG THPT HÀM LONG ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC ĐỢT II (2015 -2016) Môn: Ngữ Văn 12 ( khối D) (Thời gian làm bài 150 phút, không kể thời gian giao đề) PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4: “...Nói tới sách là nói tới trí khôn của loài người,nó là kết tinh thành tựu văn minh mà hàng bao thế hệ tích lũy truyền lại cho mai sau. Sách đưa đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về những đất nước và những dân tộc xa xôi. Những quyển sách khoa học có thể giúp người đọc khám phá ra vũ trụ vô tận với những quy luật của nó,hiểu được trái đất tròn trên mình nó có bao nhiêu đất nước khác nhau với những thiên nhiên khác nhau. Những quyển sách xã hội lại giúp ta hiểu biết về đời sống con người trên các phần đất khác nhau đó với những đặc điểm về kinh tế,lịch sử, văn hóa, những truyền thống,những khát vọng. Sách, đặc biệt là những cuốn sách văn học giúp ta hiểu biết về đời sống bên trong tâm hồn của con người, qua các thời kì khác nhau,những niềm vui và nỗi buồn,hạnh phúc và đau khổ, những khát vọng và đấu tranh của họ. Sách còn giúp người đọc phát hiện ra chính mình,hiểu rõ mình là ai giữa vũ trụ bao la này, hiểu mỗi người có mối quan hệ như thế nào với người khác, với tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại này. Sách giúp cho người đọc hiểu được đâu là hạnh phúc,đâu là nỗi khổ của con người và phải làm gì để sống cho đúng và đi tới một cuộc đời thật sự. Sách mở rộng những chân trời ước mơ và khát vọng. Ta đồng ý với lời nhận xét mà cũng là một lời khuyên bảo chí lí của M.Gorki: “Hãy yêu sách,nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Vì thế,mỗi chúng ta hãy đọc sách,cố gắng đọc sách càng nhiều càng tốt”. (Trích Về việc đọc sách) Câu 1.Đoạn trích được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,5 điểm) Câu 2.Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản trên. (0,5 điểm) Câu 3. Trong đoạn trích,tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,5 điểm) Câu 4. Anh/chị hãy nêu quan điểm riêng của mình về ý nghĩa của việc đọc sách đối với lớp trẻ ngày nay. Trả lời trong khoảng 7-8 dòng (1,5 điểm) PHẦN II. LÀM VĂN. (7,0 điểm) Câu 1. (3.0 điểm) Anh/chị hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ), trình bày suy nghĩ của mình về câu nói sau: “Phải biết ước mơ, song ước mơ chỉ có nghĩa khi nó giục giã con người hành động” Câu 2.(4.0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau: “Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành” (Tây Tiến - Quang Dũng) HƯỚNG DẪN CHẤM NGỮ VĂN 12 (H3,4,5,6) PHẦN I. ĐỌC HIỂU. Câu 1. (0,5 điểm) Hai phương thức biểu đạt nổi bật trong đoạn thơ thứ nhất: Miêu tả, biểu cảm. Câu 2. (0,5 điểm) Xác định nghệ thuật tương phản trong đoạn thơ thứ nhất: tương phản giữa “Lũ chúng tôi... lớn lên” và “bí và bầu lớn xuống”; trong đoạn thơ thứ hai: tương phản giữa “Lưng mẹ... còng dần xuống” và “con ngày một thêm cao”. Câu 3. 0,75 điểm) Hiệu quả nghệ thuật của phép nhân hóa trong câu thơ “Thời gian chạy qua tóc mẹ”: Nhân hóa “Thời gian” qua từ “chạy”, cho thấy thời gian trôi qua nhanh làm cho mẹ già nua , bộc lộ nỗi xót xa, thương mẹ của người con. Câu 4. (1,25 điểm) Hai đoạn thơ trên có điểm giống nhau về nội dung: Bộc lộ niềm xót xa và lòng biết ơn của con trước những hi sinh thầm lặng của mẹ; về nghệ thuật: ngôn ngữ tạo hình, biểu cảm, biện pháp tương phản, nhân hóa. PHẦN II. LÀM VĂN Câu 1. 1. Giải thích ý kiến (0,5 điểm) - Người nổi tiếng được khâm phục, được nhiều người biết đến về tài năng và sự thành công ở một lĩnh vực nào đó. - Người có ích là người đem lại lợi ích, giá trị tốt đẹp cho xã hội bằng những việc làm cụ thể của mình Ý kiến trên đã khẳng định giá trị đích thực của mỗi cá nhân thông qua những đóng góp của họ đối với gia đình và xã hội. 2. Bàn luận về ý kiến (2,0 điểm) - Khát vọng trở thành người nổi tiếng là khát vọng chính đáng, nhưng không phải ai cũng có năng lực tố chất và điều kiện để đạt được (0,5 điểm) - Nếu cố gắng bằng mọi cách chỉ để nổi tiếng, con người dễ trở nên mù quáng, ảo tưởng về bản thân, thậm chí gây tác hại cho xã hội. (0,5 điểm) - Mỗi cá nhân, bằng những suy nghĩ, việc làm bình thường, hoàn toàn có thể khẳng định được giá trị của bản thân, đóng góp cho cộng đồng, trở thành người có ích mà vẫn có cơ hội nổi tiếng; tuy nhiên, có ích là điều kiện để nổi tiếng, vì thế trước khi thành người nổi tiếng hãy là người có ích. (0,5 điểm) - Những người chỉ bằng lòng, an phận với những gì mình đã có, thiếu ý chí và khát vọng thì cuộc sống sẽ mất dần ý nghĩa và sẽ không còn hy vọng trở thành người nổi tiếng. (0,5 điểm) 3. Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm) - Cần xác định rõ mục đích sống, ý thức được điều quan trọng trong cuộc đời là sự khẳng định giá trị của bản thân bằng những đóng góp tích cực cho xã hội. - Không ngừng nuôi dưỡng khát vọng vươn lên trong cuộc sống. CÂU 2 (4 điểm) Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích (0,5 điểm) Cảm nhận về đoạn trích (2,75 điểm) - Kết cấu đối đáp: (0,25 điểm) 4 câu đầu là lời ướm hỏi ngọt ngào tình tứ của người ở lại, 4 câu sau là tiếng lòng của người ra đi. Kết cấu đã góp phần thể hiện thành công đạo lý cách mạng, cũng là truyền thống của dân tộc uống nước nhớ nguồn, thủy chung với quá khứ. - 4 câu đầu: (1,25 điểm) Nỗi nhớ bao trùm thời gian, bao trùm không gian. Biểu hiện: + Đại từ nhân xưng: mình – ta: Sự gắn bó quấn quýt giữa kẻ ở, người đi + Thời gian mười lăm năm ấy sâu nặng ân tình. Đó là 15 năm cách mạng gắn bó với Việt Bắc để làm nên một Việt Bắc dân chủ cộng hòa. + Hình ảnh núi, nguồn biểu tượng cho Việt Bắc và đồng bào chiến khu. Đồng bào nhắn nhủ người Cách mạng hãy luôn nhớ tới Việt Bắc, giữ lấy đạo lý tốt đẹp của dân tộc uống nước nhớ nguồn. - 4 câu sau: (1,25 điểm) Sự lưu luyến bịn rịn của người đi – người ở lại, của ta – mình: + Bâng khuâng: là nỗi niềm nhớ thương với cảnh và người, cuộc sống kháng chiến + Bồn chồn: bước chân mang tâm trạng của người về xuôi, mỗi bước mỗi nhớ nhung không yên. + Áo chàm đưa buổi phân li/ Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay Dấu () ở cuối câu là một dấu lặng thể hiện ân tình sâu lắng thiết tha. Im lặng để lắng nghe tiếng đồng vọng trong tâm hồn mình. Đánh giá (0,75 điểm). - Đoạn thơ thể hiện tình cảm thủy chung, son sắt giữa kẻ ở - người đi. Tình cảm đó tiêu biểu cho chủ nghia anh hùng của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp. - Thể thơ lục bát, cách dùng đại từ nhân xưng mình – ta thân mật, điệp từ nhớ diễn tả được chiều sâu cung bậc tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam ở một thời điểm lịch sử : chia tay với miền ngược, về miền xuôi, chia tay chiến khu về với thủ đô. ĐÁP ÁN THI THỬ ĐẠI HỌC LẦN II NĂM HỌC 2015-2016 MÔN : NGỮ VĂN 12 (KHỐI D, 12H2) Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm) Câu 1. Trả lời đúng theo một trong các cách: Phong cách ngôn ngữ chính luận/ Phong cách chính luận/ Chính luận. (0,5 điểm) Câu 2. Ghi đúng câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản: “Nói tới sách là nói tới trí khôn của loài người,nó là kết tinh thành tựu văn minh mà hàng bao thế hệ tích lũy truyền lại cho mai sau.” (0,5 điểm) Câu 3. Trả lời đúng theo một trong các cách: Thao tác lập luận phân tích/ Thao tác phân tích/ Lập luận phân tích/ Phân tích. (0,5 điểm) Câu 4. Nêu ý nghĩa của việc đọc sách theo quan điểm riêng của bản thân,không lặp lại ý của tác giả trong đoạn trích đã cho.(1,5 điểm) Những trường hợp sau không được điểm: - Nêu ý nghĩa của việc đọc sách nhưng không phải là quan điểm riêng của bản thân mà lặp lại ý của tác giả trong đoạn trích. - Nêu ý nghĩa của việc đọc sách theo quan điểm riêng nhưng không hợp lí,không thuyết phục. - Câu trả lời chung chung, không rõ ý, không thuyết phục. - Không có câu trả lời. Phần II. Làm văn (7.0 điểm) Câu 1. (3.0 điểm) * Giới thiệu vấn đề và giải thích ý kiến (0,5 điểm) - Giới thiệu vấn đề (tùy theo cách riêng của mỗi thí sinh,song cần sát với vấn đề nghị luận) - Giải thích ý kiến: Ước mơ là những mong muốn tốt đẹp mà con người tha thiết, khao khát hướng tới, đạt được.=> Trong cuộc sống, con người nên biết và cần phải có ước mơ, nhưng ước mơ của con người chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó thôi thúc, khuyến khích con người có những hành động thiết thực để biến ước mơ thành hiện thực. * Bình luận ý kiến (2,0 điểm) - Bàn luận chung về ước mơ của con người: + Là nhu cầu, quyền của mỗi người. + Ước mơ của mỗi người rất đa dạng: Có ước mơ lớn lao, có ước mơ bình dị đời thường... - Ước mơ của mỗi người phản ánh rõ mục đích, lí tưởng mà người đó hướng tới. - Nếu những ước mơ ấy chỉ tồn tại trong suy nghĩ thì sẽ trở nên vô nghĩa, đôi khi còn đẩy con người vào những ảo tưởng viển vông, xa rời thực tế cuộc sống. - Khi ước mơ giục giã con người hành động, tiếp thêm ý chí nghị lực để họ vượt lên mọi trở ngại, biến ước mơ thành hiện thực thì ước mơ ấy mới thực sự có ý nghĩa với mình và xã hội. (Lấy ví dụ cụ thể). - Tuổi trẻ ngày nay có rất nhiều ước mơ và có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện ước mơ. - Có rất nhiều bạn trẻ đã biến ước mơ thành những hành động thiết thực, say mê học tập,rèn luyện để chinh phục những đỉnh cao tri thức,hăng hái tham gia các phong trào xã hội. - Nhưng có không ít những bạn trẻ đang sống thiếu ước mơ, có những ước mơ viển vông,ảo tưởng,sống thụ động,ngại đối mặt với những khó khăn thử thách... Với họ,không chỉ những ước mơ trở thành vô nghĩa mà cả tuổi trẻ của họ sẽ trở nên phí hoài. * Bài học nhận thức (0,5 điểm) - Trong cuộc sống không thể thiếu những ước mơ,tuổi trẻ cần phải biết xây dựng những ước mơ đẹp. - Cần phải có bản lĩnh,ý chí nghị lực để biến ước mơ trở thành hiện thực. Câu 2. (4.0 điểm) * Mở bài: Giới thiệu được vấn đề nghị luận (0,5 điểm) * Thân bài (3,0 điểm) - Khái quát chung về bút pháp xây dựng hình tượng người lính của Quang Dũng (0,25 điểm) + Chân dung người lính Tây Tiến ẩn hiện trong suốt bài thơ,nhưng đoạn thơ này miêu tả đầy đủ từ diện mạo đến tâm hồn,khí phách,thái độ trước sự sống và cái chết. + Quang Dũng đã tinh lọc những nét tiêu biểu của người lính Tây Tiến bằng vẻ đẹp bi tráng. - Ngoại hình người lính Tây Tiến: (1,0 điểm) + “không mọc tóc”, “Quân xanh màu lá”à Thiếu thốn,gian khổ,điều kiện chiến đấu,nhiệm vụ đặc thù của người lính...vẻ đẹp ngang tàng,lãng mạn. + “Mắt trừng”à Ý chí,tình yêu quê hương trong mỗi người lính Tây Tiến. - Phẩm chất,tâm hồn: (1,0 điểm) + “dữ oai hùm”à Sức mạnh,uy lực như của loài chúa sơn lâm. + “Đêm mơ Hà Nội”, “gửi mộng qua biên giới” à Tâm hồn lãng mạn,yêu đời,mộng mơ,ý chí mạnh mẽ,tình yêu quê hương tha thiết. - Sự hy sinh của người lính Tây Tiến (0,5 điểm) + Bi thương “Rải rác....viễn xứ” + Đẹp đẽ,nhẹ nhàng “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, từ “về đất”. - Nghệ thuật: Sự kết hợp bút pháp lãng mạn và hiện thực,dùng từ biểu cảm... (0,25 điểm) * Kết bài: Khái quát lại vấn đề (0,5 điểm)
Tài liệu đính kèm: