Đề thi đề xuất kì thi: Học sinh giỏi lớp 5 môn thi: Tiếng Việt (thời gian làm bài: 90 phút)

doc 4 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1442Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi đề xuất kì thi: Học sinh giỏi lớp 5 môn thi: Tiếng Việt (thời gian làm bài: 90 phút)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi đề xuất kì thi: Học sinh giỏi lớp 5 môn thi: Tiếng Việt (thời gian làm bài: 90 phút)
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT 
Kì thi: HỌC SINH GIỎI LỚP 5 
 Môn thi: Tiếng Việt (Thời gian làm bài: 90 phút)
Họ và tên: Phạm Thị Hằng Chức vụ: Giáo viên
Đơn vị: Trường Tiểu học Tiên Phong
Câu 1: (1,5 điểm) Cho các từ sau:
tươi tốt, chăm chỉ, hư hỏng, bạn học, ngoan ngoãn, tươi tắn, mệt mỏi, hoa quả, bánh chưng, hoa sen, bánh trái, ngây ngất, quần áo, nhỏ nhắn, áo len.
Hãy xếp các từ trên thành ba nhóm: từ ghép có nghĩa tổng hợp, từ ghép có nghĩa phân loại, từ láy.
Câu 2: (2,0 điểm)
	a. Từ gia đình có thể thay thế cho từ nhà của câu nào trong hai câu sau? Tại sao từ gia đình có thể thay thế cho từ nhà của câu đó mà không thể thay thế cho từ nhà của câu còn lại?
	- Nhà em có bốn người.
	- Nhà cô Hoa rất đẹp.
	b. Chỉ ra từ dùng sai trong câu sau, giải thích sai vì sao và chữa lại cho đúng:
	- Bạn Bình chạy bon bon.
Câu 3: (1,5 điểm) Xác định từ loại của các từ trong các thành ngữ sau:
	- Đi ngược về xuôi.
	- Nhìn xa trông rộng.
	- Nước chảy bèo trôi.
Câu 4: (2,0 điểm) Xác định chủ ngữ, vị ngữ của mỗi câu sau và chỉ ra sự khác nhau về nghĩa của hai câu này:
	- Những con dế bị sặc nước bò ra khỏi tổ.
	- Những con dế bị sặc nước, bò ra khỏi tổ.
Câu 5: (2,0 điểm) 
Em hãy viết một đoạn văn ngắn (từ 5 đến 7 câu) tả cảnh làng xóm hoặc phố phường nơi em ở vào một buổi sáng mùa xuân, trong đó có sử dụng hình ảnh so sánh, nhân hóa, một câu ghép có cặp từ hô ứng.
Câu 6: (2,0 điểm)
	Mở đầu bài "Nhớ con sông quê hương" nhà thơ Tế Hanh viết:
	Quê hương tôi có con sông xanh biếc
	Nước gương trong soi tóc những hàng tre
	Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè 
	Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng...
	Đoạn thơ trên có những hình ảnh nào đẹp? Những hình ảnh ấy giúp em cảm nhận được điều gì?
Câu 7: (7,0 điểm)
	Vào một buổi sáng, Ngọc, Lan và Huệ đang vội đến trường tập trung để đi tham quan lăng Bác. Đây là một chuyến đi mà ba bạn đã háo hức chờ đợi từ lâu. Bỗng cả ba nhìn thấy bên đường có một cụ già một tay chống gậy, một tay mang một cái túi nặng bước đi một cách khó khăn. Ngọc thấy thương cụ quá. Mặc dù rất muốn đi tham quan nhưng cuối cùng bạn đã quyết định ở lại giúp cụ già.
	Em hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện Ngọc đã giúp đỡ cụ già cho mọi người cùng nghe.
(Trình bày, chữ viết: 2,0 điểm)
ĐÁP ÁN + BIỂU ĐIỂM 
 THI HỌC SINH GIỎI LỚP 5
MÔN THI: TIẾNG VIỆT
Câu 1: (1,5 điểm)
Xếp đúng các từ đã cho vào ba nhóm (1,5 điểm)
	+ Từ ghép có nghĩa tổng hợp: tươi tốt, hư hỏng, mệt mỏi, hoa quả, bánh trái, quần áo.
	+ Từ ghép có nghĩa phân loại: bạn học, bánh chưng, hoa sen, áo len.
	+ Từ láy: chăm chỉ, ngoan ngoãn, tươi tắn, ngây ngất, nhỏ nhắn.
 Sai hoặc thiếu một từ trừ 0,1 điểm.
Câu 2: (2,0 điểm)
 a. (1,0 điểm)
	- Nêu đúng từ gia đình có thể thay thế cho từ nhà của câu Nhà em có bốn người. (0,5 điểm)
	- Giải thích đúng: Từ nhà có nhiều nghĩa.
+ Ở câu thứ nhất, nhà chỉ gia đình - những người có cùng huyết thống sống trong một mái nhà nên từ gia đình có thể thay thế được cho nó. (0,25 điểm)
+ Ở câu thứ hai, nhà chỉ nơi ở nên từ gia đình không thay thế được cho nó. (0,25 điểm)
 b. (1,0 điểm)
	- Chỉ đúng từ dùng sai trong câu : bon bon (0,5 điểm).
	- Giải thích đúng: Từ bon bon thường dùng để diễn tả xe cộ chạy êm và nhẹ (bánh xe có hình dạng tròn), không dùng để diễn tả hoạt động chạy bằng chân của người. (0,25 điểm)
	- Chữa lại cho đúng: Bạn Bình chạy băng băng. (0,25 điểm)
Câu 3: (1,5 điểm)
Xác định đúng từ loại của các từ trong mỗi câu thành ngữ cho 0,5 điểm.
Thành ngữ
Từ loại
Danh từ
Động từ
Tính từ
- Đi ngược về xuôi.
đi, về
ngược, xuôi
- Nhìn xa trông rộng.
nhìn, trông
xa, rộng
- Nước chảy bèo trôi.
Nước, bèo
chảy, trôi
Câu 4: (2,0 điểm)
	- Tìm đúng bộ phận chủ ngữ, vị ngữ của hai câu văn. (1,0 điểm)
	+ Những con dế bị sặc nước/ bò ra khỏi tổ.
	CN VN
	+ Những con dế/ bị sặc nước, bò ra khỏi tổ.
	CN VN
	- Xác định đúng mỗi câu cho 0,5 điểm
	- Nêu đúng sự khác nhau về nghĩa của hai câu văn. (1,0 điểm)
	+ "Bị sặc nước" ở câu thứ nhất làm rõ những con dế nào sẽ bò ra khỏi tổ. Câu này ý nói chỉ những con dế bị sặc nước bò ra khỏi tổ. (0,5 điểm)
	+ Câu thứ hai có ý nói rằng tất cả những con dế được nói đến đều bị sặc nước và bò ra khỏi tổ. (0,5 điểm)
Câu 5: (2,0 điểm)
	Viết đoạn văn tả từ 5 đến 7 câu đảm bảo các yêu cầu sau:
	- Tả đúng thời điểm, nổi bật được cảnh làng xóm hoặc phố phường nơi em ở vào một buổi sáng mùa xuân (cảnh có nét khác biệt so với những thời điểm khác).
	- Khi viết phải lô gíc các ý, các câu trong đoạn (có câu mở, câu kết), lời tả có hình ảnh, bộc lộ được cảm xúc.
	- Câu viết đúng ngữ pháp, đúng chính tả.
	- Sử dụng đủ các yêu cầu: so sánh, nhân hóa, 1 câu ghép có cặp từ hô ứng.
Điểm tối đa khi đủ các yêu cầu trên.
Nội dung tả được nhưng thiếu một yêu cầu trừ 0,2 điểm.
Diễn đạt lủng củng, sai nhiều lỗi chính tả trừ 0,5 điểm.
Nếu học sinh viết dưới 5 câu hoặc trên 8 câu thì trừ 0,25 điểm.
Câu 6: (2,0 điểm)
	- Học sinh nêu được hai hình ảnh đẹp (1,0 điểm):
	+ Hình ảnh con sông xanh biếc có nước trong như mặt gương để những hàng tre hằng ngày soi bóng. (0,5 điểm)
	+ Hình ảnh lòng sông lấp loáng phản chiếu ánh nắng trưa hè. (0,5 điểm)
Nếu học sinh không nêu đầy đủ, sai nhiều lỗi chính tả trừ 0,5 điểm.
	- Nêu được cảm nhận của những hình ảnh trên (1,0 điểm):
	+ Con sông quê hương có vẻ đẹp thật quyến rũ lòng người. (0,5 điểm)
	+ Tình yêu quê hương tha thiết của tác giả. (0,5 điểm)
Nếu nội dung quá sơ sài hoặc diễn đạt lủng củng, sai nhiều lỗi chính tả trừ 0,5 điểm.
Câu 7: (7, 0 điểm)
 1. Yêu cầu:
	- Bài thuộc thể loại kể chuyện, học sinh tưởng tượng kể lại chuyện.
	- Nội dung câu chuyện kể về một bạn học sinh tên là Ngọc trên đường cùng các bạn đến trường để chuẩn bị cho chuyến tham quan đã gặp một cụ già tay xách túi nặng, Ngọc thấy thương cụ già nên đã không đi tham quan mà ở lại giúp đỡ cụ.
Dựa vào nội dung tóm tắt chuyện đã cho, kết hợp với trí tưởng tượng, học sinh kể lại được thành một câu chuyện cụ thể, sinh động, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Trong quá trình kể, biết kết hợp tả cảnh, tả người, biết lồng cảm xúc.
	- Bố cục: Đủ ba phần, được sắp xếp cân đối hợp lý.
	- Lời kể tự nhiên, sáng tạo, viết câu đúng ngữ pháp, diễn đạt mạch lạc, lô gíc các ý, biết chuyển đoạn, chuyển câu khéo léo.
	- Từ ngữ sử dụng chính xác, có chọn lọc.
	- Trình bày chữ viết sạch đẹp, không sai lỗi chính tả.
 2. Biểu điểm:
- Điểm 7: Đạt được các yêu cầu trên.
	Sai không quá 2 lỗi diễn đạt hoặc lỗi chính tả, nếu quá trừ 0,5 điểm.
- Điểm 6: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu trên.
	Sai không quá 3 lỗi diễn đạt hoặc lỗi chính tả, nếu quá trừ 0,5 điểm.
- Điểm 5: Kể được những tình tiết cơ bản nhất nhưng còn ít hình ảnh, ít cảm xúc.
	Sai không quá 4 lỗi diễn đạt hoặc lỗi chính tả, nếu quá trừ 0,5 điểm.
- Điểm 4: Nội dung kể còn sơ sài, hình ảnh, cảm xúc mờ nhạt, diễn đạt vụng về.
 Sai không quá 5 lỗi diễn đạt hoặc lỗi chính tả, nếu quá trừ 0,5 điểm.
- Điểm 3: Nội dung kể quá sơ sài, khô khan, ít cảm xúc, nhiều chỗ kể lan man.
	Bài viết đủ ba phần nhưng chưa cân đối, hợp lý.
 Sai không quá 6 lỗi diễn đạt hoặc lỗi chính tả, nếu quá trừ 0,5 điểm.
- Điểm 2: Nội dung kể lan man, không đi vào trọng tâm.
	Bài viết chưa đủ ba phần.
	Sai nhiều lỗi diễn đạt hoặc lỗi chính tả.
- Điểm 1: Bài làm lạc đề, sai quá nhiều lỗi diễn đạt hoặc lỗi chính tả.
	Ghi chú: Trình bày sáng sủa, chữ viết sạch đẹp: 2,0 điểm.
Cách cho điểm toàn bài
- Chấm và cho điểm riêng từng câu.
- Điểm toàn bài là tổng điểm của 7 câu cộng với điểm trình bày và chữ viết.
- Điểm từng câu là điểm toàn bài giữ nguyên số lẻ, không làm tròn số.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe thi hoc sinh gioi lop 5.doc