PHÒNG GD-ĐT HUYỆN TRỰC NINH TRƯỜNG THCS TRỰC HÙNG ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH LỚP 9 NĂM HỌC 2012-2013 MÔN: NGỮ VĂN (Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề) PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2 ĐIỂM): Chọn đáp án đúng cho mỗi câu hỏi sau và ghi lại vào tờ giấy thi: Câu 1. Trong văn bản “Chị em Thuý Kiều” (Trích “Truyện Kiều”, Nguyễn Du) bút pháp ước lệ được tác giả sử dụng ở câu thơ nào dưới đây? A. Đầu lòng hai ả tố nga. B. Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân. C. Mai cố cách tuyết tinh thần. D. Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Câu 2. Tác phẩm nào sau đây được sáng tác sau năm 1975? A. Ánh trăng B. Đồng chí C. Bếp lửa D. Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Câu 3. Câu nói của bé Thu “Cơm chín rồi” (Trích “Chiếc lược ngà”, Nguyễn Quang Sáng) có hàm ý gì? A. Thông báo sự việc “cơm đã chín”. B. Tỏ thái độ bực bội. C. Mời ông Sáu vào ăn cơm. D. Muốn nhờ ông Sáu nhấc nồi cơm xuống. Câu 4. Từ “tri kỉ” trong câu thơ “vầng trăng thành tri kỉ” (Trích “Ánh trăng”, Nguyễn Duy) có nghĩa là gì? A. Biết được giá trị của người nào đó. B. Biết được giá trị của chính mình. C. Biết ơn người khác đã giúp đỡ mình. D. Người bạn rất thân hiểu rõ lòng mình. Câu 5. Yêu cầu: “Khi giao tiếp cần chú ý nói ngắn gọn, rành mạch; tránh nói mơ hồ” là định nghĩa cho phương châm hội thoại nào dưới đây? A. Phương châm lịch sự B. Phương châm cách thức C. Phương châm về chất D. Phương châm về lượng Câu 6. Xét về mục đích nói, câu văn: “Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát” (Trích “Những ngôi sao xa xôi”, Lê Minh Khuê) thuộc loại câu nào? A. Câu nghi vấn B. Câu cầu khiến C. Câu trần thuật D. Câu cảm thán Câu 7. Văn bản nào thường chứa ý nghĩa hàm ý nhiều nhất? A. Văn bản khoa học B. Văn bản nghệ thuật C. Văn bản hành chính công vụ D. Văn bản chính luận Câu 8. Sự khác nhau chủ yếu giữa bài văn nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí là gì? A. Khác nhau về nội dung nghị luận. B. Khác nhau về sự vận dụng thao tác. C. Khác nhau về ngôn ngữ diễn đạt. D. Khác nhau về cấu trúc của bài viết. PHẦN II. TỰ LUẬN (8 ĐIỂM) Câu 1. (1,5 điểm) a. Cho câu thơ sau: “Mùa xuân là tết trồng cây Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” (Hồ Chí Minh) Từ nào trong câu thơ trên được dùng với nghĩa chuyển, nghĩa chuyển đó được hình thành theo phương thức chuyển nghĩa nào? b. Một bạn học sinh đã chép hai câu thơ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du như sau: Cỏ non xanh rợn chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Em hãy chỉ ra từ ngữ bạn chép chưa chính xác. Chép lại cho đúng và nêu hiệu quả diễn đạt của từ ngữ đó? Câu 2. (2 điểm) Trong buổi giao lưu, trò chuyện với các thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của các trường đại học, học viện Hà Nội, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã chia sẻ: “Tôi luôn tin rằng, trong mỗi thất bại luôn có mầm mống của sự thành công”. Trình bày suy nghĩ của em về quan niệm trên bằng một đoạn văn dài khoảng 15 đến 20 câu. Câu 3. (4,5 điểm) Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau: “Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu Vẫn còn bao nhiêu nắng Đã vơi dần cơn mưa Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi.” (Trích “Sang thu”, Hữu Thỉnh) HƯỚNG DẪN CHẤM KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC SINH LỚP 9 NĂM HỌC: 2012-2013 MÔN: NGỮ VĂN PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2 ĐIỂM) Mỗi phương án trả lời đúng cho 0,25 điểm. Sai không cho điểm. Câu 1 2 3 4 5 6 7 8 Đáp án C A C D B C B A PHẦN II. TỰ LUẬN (8 ĐIỂM) Câu Nội dung Điểm Câu 1 a/ Học sinh chỉ ra đúng từ dùng với nghĩa chuyển là từ “xuân” trong câu thơ “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. - Nghĩa chuyển đó được hình thành theo phương thức ẩn dụ. 0,25đ 0,25 đ b/ - Chỉ ra từ bạn chép chưa chính xác và chép lại: + Chép sai từ “tận” thành từ “rợn” trong câu “Cỏ non xanh rơn chân trời”. + Chép lại: Cỏ non xanh tận chân trời Cành lên trắng điểm một vài bông hoa. - Nêu hiệu quả diễn đạt: Dùng từ “rợn” không phù hợp với miêu tả đặc điểm của cỏ non, không làm nổi bật sức sống của mùa xuân. Nguyễn Du dùng từ “tận” giàu sức gợi: gợi ra một không gian bao la, khoáng đạt với một biển cỏ xanh non, mênh mông đang trải ra, kéo dài tít tận chân trời. Đó là sức sống bất tận của mùa xuân. 0,25 đ 0,25đ 0,5đ Câu 2 * Yêu cầu hình thức: nếu học sinh không đảm bảo các yêu cầu sau thì không cho điểm hình thức: Học sinh biết trình bày một đoạn văn nghị luận phù hợp với yêu cầu của đề bài (đây là kiểu văn nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí). Đoạn văn dài từ 15 – 20 câu, sử dụng các thao tác lập luận phù hợp, có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu trong đoạn văn, không sai lỗi chính tả, lỗi câu. Thiếu hoặc thừa số câu nêu trên không cho điểm hình thức. 0,25 đ * Yêu cầu về nội dung: Học sinh cần làm rõ các ý sau: - Giới thiệu nội dung nghị luận: Con người trước mỗi thất bại không nên thất vọng mà phải nhận ra được bài học để rồi đi đến thành công (Trích dẫn lời chia sẻ của giáo sư Ngô Bảo Châu). - Giải thích: “Thất bại” nghĩa là không đạt được kết quả, mục đích như dự định. “Mầm mống” nghĩa ở đây là nguyên nhân, là bài học bổ ích mà ta nhận ra được từ sự thất bại đó. “Thành công” là đạt được kết quả, mục đích như dự định. - Khẳng định vấn đề trên là đúng: + Trong cuộc sống, con người phải có niềm tin và nó chính là nền tảng để đi đến thành công. + Thiếu niềm tin và nghị lực thì thì cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa. + Con đường đi đến thành công không phải lúc nào cũng bằng phẳng xuôi dòng. Thất bại là điều khó tránh khỏi vì nhiều trở ngại do chủ quan, khách quan. Dẫn chứng (........). + Điều quan trọng là phải biết chấp nhận thất bại bằng cách rút kinh nghiệm và xem đó là cơ hội để ta giàu thêm ý chí, nghị lực vươn lên (HS có thể liên hệ câu thơ “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại – Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”). + Gục ngã, buông xuôi trước một thất bại là một kẻ yếu mềm, thiếu ý chí, không chiến thắng được bản thân thì không thể thành công trong công việc. (HS có thể liên hệ: “Không có việc gì khó... ắt làm nên”; “ĐƯờng đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi... e sông”). - Mở rộng: + Phê phán những người thiếu niềm tin, thiếu động lực vươn lên sau mỗi lần thất bại. + Xác định hành động đúng: Con người cần có những thành công cho mình và cho cộng đồng. Xem thất bại là mẹ của thành công. - Khẳng định lại vấn đề và rút ra bài học. 0,25đ 0,25đ 0,75đ 0,25đ 0,25đ Câu 3 Học sinh đảm bảo các ý sau: a/ yêu cầu về kỹ năng: Học sinh biết làm bài nghị luận về một đoạn thơ. Bố cục ba phần rõ ràng, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, lỗi câu. b/ Yêu cầu về kiến thức: A. Mở bài: Giới thiệu tác giả Hữu Thỉnh, tác phẩm “Sang thu”. Giới thiệu khái quát nội dung cảm xúc hai khổ thơ cuối: đó là những cảm xúc tinh tế về bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa từ cuối hạ sang thu. 0,25đ B. Thân bài: 1/ Dẫn dắt: Sau những rung cảm tinh tế về phút giao mùa ở khổ thơ thứ nhất, nhà thơ nhận thấy những tín hiệu đặc trưng như: “hương ổi”, gió se”, “sương chùng chình” của mùa thu đã về song còn rất nhẹ nhàng, chưa thật rõ nét khiến nhà thơ ngỡ ngàng như không tin nổi vào cảm nhận của mình. Đến hai khổ thơ sau nhà thơ mở ra cho người đọc một cái nhìn xa hơn, rộng hơn về không gian khi đất trời sang thu. 2/ Phân tích: - Cảm nhận về mùa thu mở rộng dần về không gian: dòng sông, bầu trời, mặt đất. “Sông được lúc dềnh dàng” – dòng sông trôi thanh thản hơn, phẳng lặng, êm đềm hơn; cánh chim bắt đầu vội vã bay về phương trời ấm áp. Các từ láy tượng hình “dềnh dàng”, “vội vã” kết hợp với nghệ thuật đối (sông được lúc dềnh dàng >< chim bắt đầu vội vã) và hình ảnh nhân hoá hình ảnh dòng sông và những cánh chim có hành động cụ thể như con người gợi cho ta cảm nhận thu đến vừa nhẹ nhàng, vừa hối hả, xôn xao. - Bức tranh thiên nhiên được khắc hoạ rõ nét hơn qua hình ảnh đám mây mùa hạ như còn đang nấn ná, lưu luyến, duyên dáng “vắt nửa mình sang thu”. Nhà thơ đã rất sáng tạo khi lấy cái hữu hình ở không gian (đám mây) để diễn tả cái vô hình của thời gian -> Khắc hoạ bước đi của mùa thu thật nhẹ nhàng. Thu đến, đất trời như được thay áo mới. - Sự vận động của đất trời mùa thu tiếp tục được nhà thơ diễn tả ở khổ thơ cuối. Trước hết, bốn câu thơ cuối mang nét nghĩa tả thực. Nắng vẫn còn nhiều nhưng đã nhạt dần. Mưa vẫn còn những đã ít hơn so với mùa hạ. Sấm trong cơn mưa đã bớt bất ngờ hơn đối với những hàng cây đứng tuổi ven đường. Nhà thơ như đang đo đếm đọ đậm nhạt của nắng, sự vơi đầy của mưa, sấm, chớp... qua một loạt các phó từ: vẫn, còn, đã, cũng... được sử dụng độc đáo khắc hoạ rõ nét sự thay đổi của thời tiết thiên nhiên từ cuối hạ sang đầu thu. - Từ cảm nhận về sự biến đổi của thiên nhiên, đất trời, ở hai câu thơ cuối nhà thơ còn gửi gắm những chiêm nghiệm về cuộc đời. Hình ảnh “sấm” và “hàng cây đứng tuổi” không chỉ mang nét nghĩa tả thực mà còn là hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa tượng trưng. “Sấm” là hình ảnh tượng trưng cho những biến động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” hay đó chính là những con người từng trải qua những mưa nắng, quan những đầy vơi của cuộc đời. “Sấm cũng bớt bất ngờ - trên hàng cây đứng tuổi” hay cũng chính là những con người khi đã từng trải trong cuộc sống sẽ vững vàng, điềm tình hơn trước những tác động bất thường của ngoại cảnh. Và như vậy chúng ta nhận ra sự sang thu của đất trời cũng chính là sự “sang thu của lòng người”. 3/ Đánh giá: - Nghệ thuật thể hiện: ngôn ngữ trong sáng, hình ảnh tinh tế, giàu biểu cảm, giọng thơ nhỏ nhẹ sâu lắng nhờ cách sử dụng đa số các thanh bằng, các biện pháp tu từ nhân hoá, ẩn dụ, liên tưởng. - Vẫn là những hình ảnh quen thuộc của mùa thu trong thơ xưa nay nhưng trong cảm nhận riêng của Hữu Thỉnh cảnh vật trong hai khổ thơ cũng như cả bài thơ đang chuyển động nhẹ nhàng tựa bước đi của mùa thu. - Hữu Thỉnh là người viết nhiều và viết hay về mùa thu, về nông thôn. Thơ thu của ông mang cảm xúc vấn vương bâng khuâng nhẹ nhàng, giao cảm. (Học sinh có thể liên hệ với một số bài thơ cùng đề tài của của nhà thơ nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, xuân Diệu... để làm nổi bật nét riêng trong cảm xúc của Hữu Thỉnh). C/ Kết bài: - Khái quát giá trị. Ý nghĩa của đoạn thơ và bài thơ: góp thêm một tiếng nói riêng về mùa thu trong kho tàng thơ thu Việt Nam. Nó thể hiện một tâm hồn nhạy cảm gắn bó với thiên nhiên quê hương đồng bằng Bắc Bộ của nhà thơ. - Suy nghĩ, liên hệ bản thân: Đoạn thơ nói riêng, bài thơ nói chung như khúc giao mùa tinh tế, đem đến những cảm xúc nhẹ nhàng, khiến ta biết yêu hơn, biết lắng nghe hơn thế giới thiên nhiên quanh ta... 0,25đ 0,75đ 0,75đ 0,75đ 0,75đ 0,75đ 0,25đ PHÒNG GD-ĐT HUYỆN TRỰC NINH ĐỀ THI KHẢO SÁT VÀO LỚP 10 THPT TRƯỜNG THCS TRỰC HÙNG MÔN NGỮ VĂN LỚP 9 Thời gian 120 phút (không kể thời gian giao đề ) PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2 điểm): Chọn đáp án đúng nhất cho mỗi câu hỏi sau rồi ghi vào tờ giấy thi. Câu 1: Truyện “Lục Vân Tiên” được viết bằng ngôn ngữ nào? A. Chữ Hán. C. Chữ Pháp. B. Chữ Nôm. D. Chữ quốc ngữ. Câu 2: Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê được trần thuật từ ngôi thứ mấy? A. Ngôi thứ nhất. B. Ngôi thứ hai. C. Ngôi thứ ba. Câu 3: Trong các từ: tươi tốt, xa xôi, lung linh, lấp lánh, từ nào không phải là từ láy? A. tươi tốt. C. lung linh. B. xa xôi . D. lấp lánh. Câu 4: Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ khi gặp người làng có tên là Phan Lang ở dưới thuỷ cung đã gửi anh ta vật gì để làm tin cho chồng? A. Một bức thư. C. Một tấm áo. B. một chiếc khăn tay. D. Một chiếc hoa vàng. Câu 5: Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ “Đồng chí” có ý nghĩa như thế nào? A. Tả thực. C. Biểu tượng. B. Vừa tả thực vừa biểu tượng. D. Cả A, B và C đều sai. Câu 6: Văn bản Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang trích tiểu thuyết Rô-bin-xơn Cru-xô của nhà văn nào? A. G. Mô-pa-xăng. B. G. Lân-đơn. C. D. Đi-phô. Câu 7: Từ in đậm trong câu: “Ngẫm ra thì tôi chỉ nói lấy sướng miệng tôi” là thành phần gì của câu? A. Khởi ngữ. C. Thành phần tình thái. B. Trạng ngữ. D. Thành phần chú thích. Câu 8: Trong truyện ngắn Làng, nhà văn Kim Lân để cho nhân vật ông Hai nhắc lại câu Toàn là sai sự mục đích cả nhằm mục đích gì? A. Chế giễu, châm biếm nhân vật. B. Khắc hoạ sinh động tính cách nhân vật. C. Miêu tả tâm trạng vui sướng của nhân vật. D. Thể hiện sự nhiệt tình của ông Hai với kháng chiến. PHẦN II: TỰ LUẬN (8 điểm): Câu 1 (1,5 điểm) a, Cho biết các cặp từ sau đây, cặp từ nào có quan hệ trái nghĩa: xanh - đỏ; già - trẻ; thông minh - lười biếng; chiến tranh - hoà bình. b, Chỉ ra các phép liên kết trong đoạn văn sau: Chị Thao quay mặt ra cửa hang, lại uống nước trong bi đông. Nho gác một cánh tay lên mặt. Nó cũng biết bây giờ không nên uống nước. (Lê Minh Khuê - Những ngôi sao xa xôi) Câu 2 (2 điểm) Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa pa” của Nguyễn Thành Long như một bài thơ giàu chất trữ tình. Vậy chất trữ tình đó được tạo bởi những yếu tố nào? Tại sao các nhân vật trong truyện đều không được đặt tên? Qua đó phát biểu chủ đề của truyện? Câu 3 (4,5 điểm) Phân tích nhân vật Phương Định trong truyện “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê (Ngữ văn 9, tập II). ------------------------ Hết ------------------------------- HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 9 VÀO 10 NĂM HỌC : 2012-2013 PHẦN I: TRẮC NGHIỆM (2 điểm) Câu 1 2 3 4 5 6 7 8 Đáp án B A A D B C C B - Học sinh trả lời đúng cho mỗi câu : 0,25 điểm. - Sai không cho điểm. PHẦN II: TỰ LUẬN ( 8 điểm) Câu 1 (1,5 điểm) a, Cặp từ có quan hệ trái nghĩa: + già - trẻ (0,25đ) + chiến tranh - hoà bình (0,25đ) b, Chỉ ra các phép liên kết trong đoạn văn: + Phép thế: dùng đại từ nó thay thế danh từ chỉ tên Nho. (0,5đ) + Phép lặp: lặp lại các từ ngữ mặt, uống nước. (0,5đ) Câu 2 (2 điểm) Yêu cầu học sinh nêu được: - Chất trữ tình làm nên thành công cho tác phẩm. + Chất trữ tình toát lên từ phong cảnh thiên nhiên đẹp và đầy thơ mộng của Sa Pa được miêu tả qua cái nhìn của người họa sỹ già: cảnh nắng lên, những cây thông ngón tay bạc, cảnh mạ bạc non đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nó còn thắm đượm vẻ đẹp của cuộc sống một mình giữa thiên nhiên mạnh mẽ mà đầy sức sống, không hề cô đơn của nhân vật anh thanh niên ... (0,5đ) + Chất trữ tình còn được toát lên từ nội dung truyện: từ cuộc gặp gỡ tình cờ mà để lại nhiều dư vị xúc động trong lòng kẻ ở - người đi, từ câu chuyện tâm tình cởi mở của anh thanh niên, những tình cảm, cảm xúc mới nảy nở trong lòng ông hoạ sĩ, cô kĩ sư... (0,5đ) - Tác giả muốn vô danh họ, bình thường hoá họ, muốn nói rằng đó là những con người lao động bình thường, phổ biến, thường gặp trong quần chúng nhân dân ta trên khắp nẻo đường của đất nước. Đồng thời góp phần nâng cao ý nghĩa vẻ đẹp của những công việc thầm lặng, những con người bình dị đang ngày đêm cống hiến cho đất nước... (0,5đ) - Chủ đề của truyện: Qua cuộc gặp gỡ tình cờ với người thanh niên ở trạm khí tượng vật lí địa cầu, tác giả ca ngợi những con người lao động trẻ tuổi, bình thường lặng lẽ làm việc cống hiến cho đất nước. Đồng thời tác giả cũng gợi ra những vấn đề ý nghĩa và niềm vui của lao động tự giác, vì những mục đích chân chính đối với con người, cuộc sống... (0,5đ) Câu 3 (4,5đ) - Đây là kiểu bài phân tích nhân vật trong tác phẩm tự sự. Học sinh có thể làm theo hai cách. Cách một là theo trình tự diễn biến truyện để phát hiện phân tích những tính cách của nhân vật sau đó tổng kết lại. Cách hai là tìm hiểu những đặc điểm chủ yếu của nhân vật cái nhìn tổng hợp của cả truyện. - Có thể theo trình tự sau: A. Mở bài (0,25đ) - Giới thiệu khái quát về nhà văn Lê Minh Khuê và truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. - Nêu khái quát đặc điểm nhân vật Phương Định. * Đúng, đủ ý, diễn đạt rõ cho điểm tối đa, sai hoặc thiếu không cho điểm. B. Thân bài (4đ) * Phân tích những đặc điểm nổi bật của Phương Định. 1. Ngoại hình: (0,5đ) - Phương Định là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp: Cũng như bao cô gái mới lớn, Phương Định là người nhạy cảm và luôn luôn quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự đánh giá: “ Nói một cánh khiêm tốn, tôi là một cô gài khá. Hai bím tóc dày, một cái cổ cao, kiêu hãnh như hao loa kèn.” - Vẻ đẹp của cô hẫp dẫn bao chàng trai, có nhiều chiến sĩ viết thư gửi đường dài cho cô. Điều đó làm cô thấy vui và tự hào, nhưng cô chưa dành tình cảm cho riêng ai. 2. Đặc điểm tính cách (1,5đ) - Vượt lên khó khăn nguy hiểm, dũng cảm ngoan cường và bình tĩnh ung dung. + Chị cùng với hai cô gái khác là Thao và Nho phải sống và chiến đấu trên một cao điểm, giữa một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Chị phải chạy trên cao điểm giữa ban ngày, phơi mình ra giữa trọng điểm đánh phá của máy bay địch. Sau mỗi trận bom, chị cũng như đồng đội của mình phải lao ra trọng điểm, đo và ước tính khối lượng đất đá bị bom địch đào xới, đến những quả bom chưa nổ và dùng nhữnh khối thuốc nổ đặt vào cạnh nó để phá. Đó là công việc mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh lạ thường. Với Phương Định và đồng đội của cô, những công việc ấy đã trở thành thường ngày ở cái nơi: “Đất bốc khói, không khí bàng hoàng ... Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu”. (0,75đ). + Mặc dù đã quen công việc này, nhưng mỗi lần phá bom.......Lê Minh Khuê đã miêu tả từng hành động, cử chỉ của Phương Định trong mỗi lần phá bom, qua đó khắc hoạ rõ hơn tinh thần dũng cảm, sẵn sàng hi sinh vì đất nước của cô nói riêng và những thanh niên xung phong nói chung. “Tôi đến gần quả bom..., tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom... có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Ở bên quả bom kề sát với cái chết im lìm và bất ngờ, có lúc cô nghĩ đến cái chết nhưng chỉ “ mờ nhạt” còn ý nghĩ cháy bỏng là “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”. Mục đích hoàn thành nhiệm vụ luôn được cô đặt lên trên hết. (0,75đ) 3. Tâm hồn trong sáng. (1đ). - Giàu tình cảm đồng chí đồng đội và quê hương. (0,5đ) + Phương Định luôn yêu mến những đồng đội trong tổ và cả đơn vị mình. Cô dành tình cảm và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp. Cô lo lắng, sốt ruột khi đồng đội lên cao điểm chưa về, băng bó vết thương cho đồng đội rất cẩn thận. Cô yêu thương gắn bó với bạn bè nên đã có những nhận xét tốt đẹp về Nho, hiểu sâu sắc sở thích và tâm trạng của chị Thao. + Phương Định cũng có một thời học sinh hồn nhiên, vô tư bên người mẹ với một căn buồng nhỏ ở một đường phố yên tĩnh những ngày thanh bình ở thành phố của mình. Những kỉ niệm ấy sống lại trong cô ngay giữa chiến trường dữ dội. Nó như làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường. - Lạc quan yêu đời: (0,5đ) Giữa nơi chiến trường khốc liệt cô không mất đi sự hồn nhiên trong sáng và những ước mơ về tương lai “Tôi mê hát ... thích nhiều”. * Đánh giá: (1đ) - Nghệ thuật miêu tả chân thực, sinh động tâm lí nhân vật, cách chọn ngôi kể là một thuận lợi để miêu tả nội tâm nhân vật. - Là người trong cuộc, am hiểu sâu sắc cuộc sống của những thanh niên xung phong, nhà văn Lê Minh Khuê mới có những trang viết hay và chân thực nhu thế. - Vẻ đẹp về con người của Phương Định là vẻ đẹp của người lính cách mạng luôn biết cống hiến và hi sinh bản thân mình vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc. Qua nhân vật Phương Định ta hiểu hơn về thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng hào hùng đánh Mỹ. Họ đã góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975. - Liên hệ với tác phẩm khác cùng đề tài để thấy được những đóng góp chung và thành công riêng của tác phẩm. * Cách cho điểm: - Điểm 3,5 - 4: Bố cục hợp lí, rõ ràng, lập luận, lí lẽ sắc sảo, ý cơ bản đầy đủ, diễn đạt tốt, lời văn trong sáng. - Điểm 2,5 - 3,25: Bố cục hợp lí, rõ ràng, lập luận khá chặt chẽ, ý cơ bản đầy đủ, diễn đạt nhìn chung là tốt. - Điểm 1,5 - 2,25: Bố cục hợp lí, khá rõ, lập luận được,ý cơ bản đủ, diễn đạt đôi chỗ lủng củng. - Điểm 0,5 - 1,25: Tuỳ mức độ, có nhiều ý đúng nhưng thiếu sâu sắc, diễn đạt chưa rõ. - Điểm 0,25: Có một vài ý chạm vào yêu cầu của đề. - Điểm 0: Thiếu hoặc sai lạc hoàn toàn hoặc để giấy trắng. C. Kết bài: (0,25đ) - Khái quát lại thành công của tác phẩm và đặc điểm nhân vật. - Nêu suy nghĩ của bản thân. * Đúng, đủ ý, diễn đạt rõ cho điểm tối đa, sai hoặc thiếu không cho điểm.
Tài liệu đính kèm: