Đề khảo sát chất lượng học kỳ II năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ văn - lớp 7 (thời gian làm bài: 90 phút)

doc 4 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 3423Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề khảo sát chất lượng học kỳ II năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ văn - lớp 7 (thời gian làm bài: 90 phút)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề khảo sát chất lượng học kỳ II năm học 2015 - 2016 môn: Ngữ văn - lớp 7 (thời gian làm bài: 90 phút)
ĐỀ CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NAM ĐỊNH
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ II 
NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn: Ngữ văn - lớp 7
(Thời gian làm bài: 90 phút)
Câu 1 (2,0 điểm):
a) Câu văn sau có sử dụng biện pháp đảo trật tự từ trong một cụm từ làm phụ ngữ: 
" Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước."
 (Hồ Chí Minh)
Hãy chỉ ra từ nào đã được đảo trật tự và nêu tác dụng của biện pháp ấy trong câu văn.
b) Xác định câu rút gọn trong đoạn trích sau và cho biết thành phần câu nào đã được rút gọn: 
"Uống sữa xong. Nho ngủ. Máy bay trinh sát vẫn nạo vét sự im lặng của núi rừng." 
 (Lê Minh Khuê)
Câu 2 (3,0 điểm): Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
 “Trăng lên. Gió mơn man dìu dịu. Dòng sông trăng gợn sóng. Con thuyền bồng bềnh. Đêm nằm trên dòng Hương thơ mộng để nghe ca Huế, với tâm trạng chờ đợi rộn lòng. 
Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hòa tấu, bởi bốn nhạc khúc lưu thủy, kim tiền, xuân phong, long hổ du dương, trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế. Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.” 
a) Đoạn văn trích trong văn bản nào, của ai? 
b) Chỉ ra nội dung và các phương thức biểu đạt của đoạn văn.
c) Tìm những từ ngữ thể hiện trực tiếp cảm xúc của tác giả khi đến với đêm ca Huế trên sông Hương.
d) Viết một đoạn văn từ 6 đến 8 câu nêu suy nghĩ của em về vấn đề bảo tồn, phát huy để làn điệu ca Huế sống mãi với thời gian. (Đánh số thứ tự các câu).
Câu 3 (5,0 điểm):
	Em hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: "Lá lành đùm lá rách".
HẾT
Họ và tên học sinh......................................................Số báo danh.................
Chữ ký của giám thị........................................................................................
ĐỀ CHÍNH THỨC
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
NAM ĐỊNH
ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ II 
NĂM HỌC 2015 - 2016
Môn: Ngữ văn - lớp 7
(Thời gian làm bài: 90 phút)
HƯỚNG DẪN CHẤM
A. HƯỚNG DẪN CHUNG:
- Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh để đánh giá được một cách khái quát, tránh đếm ý cho điểm. Vận dung linh hoạt đáp án, nên sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lý; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
B. ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM: Tổng điểm của toàn bài: 10 điểm, phân chia như sau:
Câu 1: 2,0 điểm
a): 1,0 điểm
- Chỉ ra từ được đổi trật tự: nồng nàn (0,5đ)
- Tác dụng: nhấn mạnh mức độ mãnh liệt, sôi nổi, chân thành của lòng yêu nước (0,5đ)
b): 1,0 điểm
- Câu rút gọn: "Uống sữa xong." (0,5đ)
- Rút gọn: chủ ngữ (0,5đ)
Câu 2: 3,0 điểm
a): 0,5 điểm
- Văn bản: "Ca Huế trên sông Hương" (0,25đ)
- Tác giả: Hà Ánh Minh (0,25đ)
b): 0,5 điểm
- Nội dung: Cảm nhận của tác giả về ca Huế trên sông Hương (0,25đ)
- Phương thức biểu đạt: Miêu tả-thuyết minh-biểu cảm (0,25đ)
(Nếu nêu được đúng 2 phương thức cho 0,25đ)
c): 0,5 điểm
	- "tâm trạng chờ đợi rộn lòng" (0,25đ)
	- "xao động tận đáy hồn người" (0,25đ)
c): 1,5 điểm
Yêu cầu về kỹ năng:
- Viết đúng hình thức đoạn văn, đủ số câu theo quy đinh, có đánh số thứ tự.
- Diễn đạt trôi chảy, sáng rõ, không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.
Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể bộc lộ những suy nghỉ riêng của bản thân nhưng ý kiến đưa ra phải hợp lý và hướng vào những ý cơ bản sau:
	- Nêu hiểu biết khái quát của mình về ca Huế: Ca Huế với sự phong phú về nội dung, giàu có về làn điệu, tinh tế trong biểu diễn và thưởng thức là nét đẹp văn hóa của cố đô Huế, cần được gữ gìn và phát triển.
	- Để bảo tồn và phát huy làn điệu ca Huế:
	+ Nhà nước và các cấp chính quyền phải làm gì?
	+ Mọi người dân cần làm gì?
	+ Học sinh nói chung và bản thân em cần có những hành động thiết thực nào?
Cách cho điểm:
- 1,5đ: Đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng.
- 1,0->1,25đ: Cơ bản đảm bảo các yêu cầu về kiến thức nhưng kỹ năng vẫn còn có chỗ hạn chế. 
- 0,5->0,75đ: Đảm bảo 1/2->2/3 yêu cầu về kiến thức, kỹ năng còn hạn chế.
- 0,25đ: có ý đáp ứng yêu cầu của đề.
Câu 3: 5,0 điểm
Yêu cầu về kỹ năng: 
- Làm đúng kiểu bài: lập luận giải thích.
- Bài văn hoàn chỉnh, bố cục 3 phần: MB, TB, KB.
- Diễn đạt lưu loát, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Trình bày sạch sẽ, rõ ràng.
Yêu cầu về kiến thức: 
- HS có thể điễn đạt theo nhiều cách khác nhau song phải đảm bảo các nội dung chính sau:
a/  Mở bài: 0,5 điểm
- Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề cần giải thích.
- Trích dẫn câu tục ngữ.
b/ Thân bài: 4,0 điểm
* Giải thích: 1,0 điểm
- Nghĩa đen:
+ ”Lá lành”: là những chiếc lá còn nguyên vẹn, lành lặn.
+ ”Lá rách”: là những chiếc lá không còn nguyên vẹn, không lành lặn.
=> Khi gói bánh nếu bọc lá lành ở bên ngoài, lá rách ở bên trong thì ta tận dụng được cả lá rách mà trông chiếc bánh vẫn đẹp.
- Nghĩa bóng:
+ ”Lá lành”: Là hình ảnh ẩn dụ chỉ những người có cuộc sống đầy đủ, ấm no, hạnh phúc
+ ”Lá rách”: Là hình ảnh ẩn dụ chỉ những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, kém may mắn
+ “Đùm”: bao bọc, che chở, bảo vệ.
=> Câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách” khuyên nhủ mọi người phải biết yêu thương đồng loại, biết tương thân tương ái, giúp đỡ chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau, nhất là với những người có hoàn cảnh éo le, kém may mắn
* Vì sao câu tục ngữ lại khuyên chúng ta phải “lá lành đùm lá rách”: 1,5 điểm
- Trong cuộc sống, ai cũng có lúc gặp khó khăn, hoạn nạn (khi gặp thiên tai, địch hoạ, lúc hoạn nạn ốm đau ) Bởi vậy, con người phải biết nương tựa vào nhau để vượt qua.
- Thờ ơ với đau đớn, bất hạnh của người khác là tội lỗi.
- Sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn là cơ sở của tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm -> tình yêu nước.
- Đây cũng là một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ xưa đến nay.
- Thực tế cho thấy, nhờ có tinh thần lá lành đùm lá rách đã giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách; giúp dân tộc ta đánh thắng mọi thù trong giặc ngoài, bảo vệ nền độc lập (dẫn chứng)
* Cần làm gì để thực hiện lời khuyên của câu tục ngữ: 1,5 điểm
- Giúp đỡ người hoạn nạn phải xuầt phát từ lòng cảm thông chân thành chứ không bằng thái độ ban ơn, bố thí. 
- Ngược lại, người được giúp đỡ cũng không nên ỷ lại mà phải chủ động vượt qua khó khăn.
- Tinh thần tương thân tương ái phải được thể hiện ở những việc làm thiết thực:...(liên hệ những việc làm cụ thể của HS: phong trào quyên góp quần áo, sách vở ủng hộ nhân dân vùng bị thiên tai, vùng sâu vùng xa; mua tăm ủng hộ người mù...)
c) Kết bài: 0,5 điểm
- Khẳng định tính đúng đắn của câu tục ngữ, mỗi người cần phải học tập và phát huy.
- Liên hệ bản thân: cần có lòng nhân ái, ý thức đoàn kết, tương thân, tương trợ
Cách cho điểm: Trên đây chỉ là những định hướng về kiến thức cần triển khai theo yêu cầu của đề bài. Giám khảo cần căn cứ vào thực tế bài làm của HS xem xét cả về kiến thức và kỹ năng để cho điểm phù hợp sát với trình độ của HS, không đếm ý để cho điểm.
Để điểm lẻ phần thập phân của toàn bài là 0,25.

Tài liệu đính kèm:

  • docDEDAP_AN_VAN_7Thi_cuoi_nam.doc