Đề cương ôn thi kiến thức học kì 1 môn Ngữ văn Lớp 12 - Bài: Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)

docx 6 trang Người đăng khanhhuyenbt22 Lượt xem 902Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn thi kiến thức học kì 1 môn Ngữ văn Lớp 12 - Bài: Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề cương ôn thi kiến thức học kì 1 môn Ngữ văn Lớp 12 - Bài: Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân)
NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ- NGUYỄN TUÂN
I. KIẾN THỨC CHUNG
1. Tác giả
Nguyễn Tuân sinh ra trong một nhà Nho khi Hán học đã tàn. Ông là một nghệ sĩ tài ba, uyên bác, có cá tính độc đáo. Là nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân sáng tác nhiều thể loại, song đặc biệt thành công ở thể tùy bút. Tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Tuân về thể loại này là tùy bút “Người lái đò sông Đà”. (Nêu theo yêu cầu đề bài)
2. Tác phẩm
– “Người lái đò sông Đà” được Nguyễn Tuân sáng tác sau chuyến đi thực tế gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc xa xôi, rộng lớn. Bài tùy bút được in trong tập “Sông Đà” xuất bản năm 1960.
II. KIẾN THỨC TÁC PHẨM
Gợi ý phân tích
1. Hình tượng con sông Đà: hung bạo dữ dằn và trữ tình thơ mộng.
a, Sông Đà dưới ngòi bút Nguyễn Tuân là dòng sông mang tính cách hung bạo:
– Hung bạo ở chỗ đôi bờ xích gần nhau, làm cho lòng sông hẹp lại như cái yết hầu thắt giữa hai vách đá dưng đứng hiểm trở. Hẹp đến nỗi mà “lúc đứng ngọ mới nhìn thấy ánh mặt trời”, có thể “nhẹ tay mà ném hòn đá qua bên kia vách”. Ở đây “con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”. Ấn tượng hơn nữa là việc “Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đang ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cảnh cửa sổ nhà nào ở tầng nhà thứ mấy vừa tắt phụt đèn điện”. Ở đoạn này tác giả đã dùng tri thức ngược sáng của điện ảnh để cảm nhận, tạo cho người đọc một ấn tượng về vẻ đẹp của sự hùng vĩ mà thiên nhiên Tây Bắc đã mang lại.
– Hung bạo ở cái dữ dằn của gió – nước. Lại qua quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số, gió phối hợp với nước, với đá, với sóng tạo nên những cơn xoáy thật kinh hãi: “Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió ghùn ghè suốt năm suốt tháng như lúc nào cũng đòi nợ xuýt”. Ở đoạn văn này, Nguyễn Tuân đã sử dụng động từ mạnh “xô”, nhiều dấu phẩy liên tiếp tạo nên sự liệt kê trùng điệp của hành động “xô”: xô đá, xô sóng, xô gió làm cho sự hung bạo trở nên dữ tợn hơn.
– Hung bạo hơn nữa là ở những cái hút nước giống như những cái giếng bê tông người ta thả xuống để chuẩn bị làm móng cầu: “Trên những cái hút nước ấy cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn”. Nước ở đó cứ “thở và kêu như cửa cống cái bị sặc” có lúc lại nghe rờn rợn như tiếng “rót dầu sôi”. Đúng là con Sông Đà không khác gì một loài hung thú đi đến đâu là gieo giắc hiểm nguy đến đó. “Cho nên không một chiếc thuyền nào dám men gần cái hút nước ấy Bè gỗ nghêng ngang qua đây vô ý là bị cái hút nước đó lôi tuột xuống, có chiếc thuyền bị nó giồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm dưới lòng sông đến mươi phút sau, mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Cách so sánh, ví von, mô tả của tác giả gây cảm giác rất mạnh làm cho người đọc như nghe thấy, nhìn thấy được tận mắt cái hung dữ cuả Sông Đà mà thót tim lại. 
– Nhưng con Sông Đà hung bạo nhất ở mấy chục con thác đá tạo thành các thạch thủy trân vô cùng hiểm trở với biết bao cửa tử:
+ Trước hết là âm thanh của tiếng thác gào rùng rợn, hoang dã: Con Sông Đà đã trở thành một loại thủy quái vừa hung ác, vừa nham hiểm: “Tiếng nước thác nghe như là với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Ở đoạn văn này, tác giả đã huy động rất nhiều biện pháp nghệ thuật như: nhân hóa, liên tưởng, so sánh, sử dụng động từ mạnh làm cho hình ảnh sông Đà thật ghê rợn như một nhân vật mang tâm địa hiểm ác với cái kiểu khôn khéo, ranh ma. 
+ Thứ hai là hung bạo và dữ dằn của đá sông Đà, đó là những cửa tử đang mai phục ẩn nấp để gieo rắc kinh hoàng cho ông lái đò. Đá ở đây chia thành ba tuyến và năm cửa, bốn cửa tử và duy nhất chỉ một cửa sinh. Lòng sông thì trắng xóa làm nổi bật những tảng đá dàn bày thế trận.
=>Có thể nói: Tính cách hung bạo của sông Đà cho thấy: thiên nhiên Tây Bắc thật hùng vĩ và tình yêu của Nguyễn Tuân đối với Sông Đà thật bao la.
b, Bên cạnh nét tính cách hung bạo, Sông Đà cũng rất trữ tình, thơ mộng:
– Bên cạnh tính cách hung bạo, dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, con sông Đà lại rất trữ tình, gợi bao cảm xúc làm mê say lòng người. Tác giả tha thiết gọi con sông Đà là cố nhân đi xa thì nhớ nhung, gặp lại thì mừng vui khôn xiết.
+ Đó là lúc nhà văn nhìn con Sông Đà bằng con mắt thẩm mỹ văn hóa để phát hiện ra những vẻ đẹp và sắc màu đa dạng cuả con Sông Đà chảy dọc suốt miền Tây Bắc này. Từ trên cao nhìn xuống tác giả thấy Sông Đà giống như “cái dây thừng ngoằn ngoèo”. Ở những quãng yên tĩnh, thì Sông Đà quả thật rất thơ mộng như một người đàn bà kiều diễm với vẻ đẹp “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn khói núi Mèo đốt nương xuân”. Nghệ thuật nhân hóa đã được mở ra tuyệt đối làm người đọc dường như không còn nhận ra đây là con sông nữa mà là một mỹ nhân đang làm duyên làm dáng với Tây Bắc. Thật gợi cảm biết bao!
+ Trữ tình và đáng yêu hơn nữa là màu sắc của con sông Đà. Nguyễn Tuân cũng đã nhận ra những sắc màu khác nhau của Sông Đà theo từng mùa mang vẻ đẹp riêng. Qua làn mây mùa xuân, Sông Đà xanh màu ngọc bích. Xanh ngọc bích là xanh trong, xanh sáng, không có sự pha tạp có thể hiểu là trong vắt chứ nó không gợn thứ sắc màu đùng đục như màu xanh canh hến của sông Gâm và sông Lô. Qua ánh nắng mùa thu “Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bần đi vì rượu bữa”. Cách nhân hóa và so sánh này tạo cho người đọc không ghê rợn trước màu đỏ mà ngược lại rất thích thú bởi màu nước sông Đà mang vẻ đẹp của màu đỏ rất đáng yêu trên mặt người “bầm đi vì rượu bữa”.
+ Trữ tình và đáng yêu hơn nữa khi Nguyễn Tuân dùng những hình ảnh dịu dàng trong sáng nhất để tả đôi bờ sông Đà bằng cái nhìn và tình cảm của một người tự nhận sông Đà như một “cố nhân”. “Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm lộc đâm chồi. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”. Nhà văn đã để cho dòng cảm xúc dào dạt thốt lên thành lời đối thoại im lặng với thiên nhiên, bờ bãi ven sông, dường như con người muốn hoà vào cùng cảnh vật, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sức cuốn hút của dòng sông.
c, Tổng kết nghệ thuật: Thành công của tùy bút “Sông Đà” là nhờ vào ngôn ngữ đặc sắc, sử dụng nhiều ngôn ngữ của nhiều lĩnh vực (thể thao, điện ảnh, quân sự); văn phong khoa học; nhiều biện pháp tu từ: nhân hoá, so sánh
Tóm lại, bằng tình yêu thiên nhiên đất nước kết hợp với ngôn từ độc đáo, tài hoa. Nguyễn Tuân đã tái hiện lên một khung cảnh Tây Bắc thật hùng vĩ mà cũng thật trữ tình, làm ta thêm tự hào về núi sông Tổ quốc nguy nga, tráng lệ. Sông Đà quả là một quà tặng vô giá của thiên nhiên là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của bậc thầy tùy bút Nguyễn Tuân.
2. Hình tượng người lái đò Sông Đà.
- Vẻ đẹp ngoại hình ông lão được Nguyễn Tuân khắc họa: Bước vào cái tuổi bảy mươi, đầu tóc bạc trắng, thân hình ông lái đò vẫn đẹp như một pho tượng tạc bằng đá cẩm thạch. Nước da ánh lên chất sừng chất mun. Cánh tay rắn chắc trẻ tráng “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh như kẹp lấy một cuống lái tưởng tượng”. Cặp mắt tinh anh, nhãn lực nhìn xa vời vợi. Trên ngực của ông nổi lên một số “củ nâu” thương tích trên “chiến trường Sông Đà” mà Nguyễn Tuân ngưỡng mộ gọi là “thứ Huân chương lao động siêu hạng”. Ông lái đò sông Đà này có “tay lái ra hoa” đã từng vượt qua bao trùng vây thạch trận, giao phong sinh tử với “lũ đá nơi ải nước”. Sau hơn mười năm chèo đò và chỉ huy một con thuyền có 6 mái chèo đã ngược xuôi sông Đà trăm chuyến, chở da trâu, xương hổ, chè, cánh kiến về xuôi, ông nắm vững từng con thác, cái ghềnh, nắm chắc binh pháp thần Sông, thần Đá.
- Không chỉ mang vẻ đẹp ngoại hình gắn với lao động sông nước, ở ông còn in đậm vẻ đẹp tâm hồn tính cách:
+ Thứ nhất, thể hiện ở sự từng trải, giàu kinh nghiệm, có sự hiểu biết sâu sắc về luồng lạch trên sông Đà.
Ông lái đò thể hiện sự hình thành “tính cách” của mình qua “trí nhớ ông được rèn luyện cao độ bằng cách lấy mắt mà nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở . Sông Đà, đối với ông lái đò ấy, như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than chấm câu và những đọan xuống dòng ”.” Chính vì vậy “ông lái đã nắm chắc được binh pháp của thần sông, thần đá. Ông đã thuộc qui luật phục kích của lũ đá”. Đó chính là hình ảnh của một con người gắn bó với lao động, yêu nghề sông nước, từng trải và giàu kinh nghiệm.
+ Thứ hai, ở sự thông minh linh hoạt, dũng cảm như một viên tướng tài ba, như một nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác sông Đà.
Cuộc sống của người lái đò sông Đà là một cuộc chiến đấu hằng ngày. Và ngày nào cũng phải giành những cái sống từ tay nhưng con thác. Vẻ đẹp này được ngòi bút Nguyễn Tuân thể hiện qua hình ảnh ông lái đò vượt thác: Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò là sự tài ba dũng mãnh của một vị thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm thủy chiến. Chất tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò là ở bản lĩnh chiến đấu và tinh thần dũng cảm phi thường. Cảnh vượt thác của ông lái đò đã thể hiện rõ vẻ đẹp và cốt cách ấy. Ở trùng vây thứ nhất, ông lái đò xung trận với khí thế nghênh chiến quyết thắng: “Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới”. Cảnh hỗn chiến ác liệt diễn ra. Những hòn đá “bệ vệ oai phong lẫm liệt” được nước thác “reo hò làm thanh viện” chúng liều mạng xông vào mà “đá trái” mà “ thúc gối vào bụng và hông thuyền Có lúc chúng đội cả thuyền lên”. Nguy hiểm là vậy nhưng ông lái đò vẫn bình tĩnh “hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng”. Ngay cả lúc bị con thủy quái này đánh miếng đòn hiểm nhất “bóp chặt lấy hạ bộ” đau điếng nhưng vị thuyền trưởng vẫn “ hai chân vẫn kẹp lấy cuống lái” dù mặt méo bệch vì đau đớn nhưng tiếng chỉ huy của ông vẫn sắc lạnh, tỉnh táo, đưa con thuyền thoát khỏi nguy hiểm.
Thật là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có! Cao cường biết bao !
Trùng vây thứ hai lại vô cùng hiểm trở, bố trí nhiều cửa tử hơn: “Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá”. Ông lái đò bắt đầu cuộc tấn công bằng cách “nắm chặt được cái bờm sóng đúng luồng rồi” ông cho con thuyền “phóng nhanh vào cửa sinh mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”. Bọn tướng đá, đứa thì “ông tránh mà rảo bơi chèo lên”, đứa thì bị “ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Cuối cùng ông thắng còn bọn đá tướng thất bại thảm hại đưa cái mặt “tiu nghỉu, xanh lè thất vọng”.
Trùng vây thứ ba, bên phải bên trái đều là “luồng chết cả”. Đã vậy, còn bố trí “bọn đá hậu vệ” canh cửa hòng “bắt chết” cái thuyền. Ông lái đò mưu trí “phóng thẳng con thuyền”, “chọc thủng” trùng vây rồi “vút qua cổng đá cánh mở cánh khép”. Chiếc thuyền như một mũi tên tre “vút, vút” xuyên nhanh qua hơi nước. Thế là hết thác. Sông nước lại thanh bình.
=>Qua đó, ta thấy ông lái đò oai phong lẫm liệt như một vị danh tướng, trí dũng song toàn, quyết đoán và quyết thắng. Đó là vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò được Nguyễn Tuân khám phá và ca ngợi. Những ẩn dụ, so sánh, nhân hóa được tác giả sử dụng sáng tạo gợi lên cảm giác mãnh liệt đầy ấn tượng. Cảnh vượt thác là bài ca chiến trận hào hùng. Nguyễn Tuân đã tung ra một đội quân ngôn ngữ thật hùng hậu, đa dạng, biến ảo thần kì với liên tục những phép tu từ vô cùng sinh động : so sánh ngầm , nhân hóa , cường điệu  Câu chữ tuôn chảy ào ạt , điệp điệp trùng trùng tạo ra một bức tranh hòanh tráng . Nhà văn đã dụng tâm diễn tả cuộc chiến giữa ông lái đò với dòng sông theo hướng thọat đầu tưởng như không cân sức. Nhưng cuối cùng phần thắng đã thuộc về con người nhờ sự thông minh và dũng cảm. Cuộc vượt thác thật ngoạn mục, ông lái đò thực sự là một người nghệ sĩ tài hoa.
+ Thứ ba, ở sự khiêm nhường, bình dị, phong thái ung dung mang cốt cách nghệ sĩ.
Đối với người lái đò, hiểm nguy trên dòng sông cũng chính là một phần trong cuộc sống của ông . Khi vượt qua gian nguy , sóng nước lại tan xèo xèo trong trí nhớ “sông nước lại thanh bình . Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá , nướng ống cơm lam , và tòan bàn tán về cá anh vũ , cá dầm xanh  Cũng chẳng thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua ” . Nhà văn như muốn nghỉ ngơi sau chặng đường dài cùng nhân vật của mình đua tranh tài trí với thiên nhiên hung dữ . Song qua giọng văn nhẹ nhàng , ta lại thấm thía thêm một vẻ đẹp của người lái đò . Đó là sự khiêm nhường, bình dị, ung dung bởi vì “ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác , nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ  ”. Cái phi thường đã trở thành bình thường. Phẩm chất chiến sĩ đã hòa quyện với phong thái tài tử, nghệ sĩ .
*Tổng kết nghệ thuật: Có thể nói Người lái đò sông Đà được miêu tả trong tác phẩm vừa có tư thế của một người lao động trí dũng, vừa có phong thái của một nghệ sĩ tài hoa. Hình tượng người lái đò thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân ở giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám: người lái đò dù là người lao động bình dị vẫn hiện lên với chất tài hoa, nghệ sĩ; để miêu tả vẻ đẹp của hình tượng, nhà văn sử dụng kiến thức của nhiều ngành khoa học khác nhau; ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh; câu văn trùng điệp, nhiều nhân hóa, so sánh, ẩn dụ
Tóm lại, qua hình tượng người lái đò, nhà văn tỏ thái độ yêu mến, tự hào và cảm phục trước những con người lao động bình dị vùng Tây Bắc, những con người mà nhà văn gọi là “chất vàng mười” quí giá của Tổ quốc. Qua nhân vật người lái đò, Nguyễn Tuân cho rằng chủ nghĩa anh hùng đâu phải tìm kiếm đâu xa. Nó có trong cuộc sống tìm miếng cơm manh áo của nhân dân lao động. Những người bình dị có trí dũng tài ba họ có thể tạo hình tạc mẫu cho nghệ thuật. Họ là đối tượng của cái đẹp, của ánh sáng thẩm mĩ hiện đại.

Tài liệu đính kèm:

  • docxon_tap_kien_thuc_hoc_ki_1_mon_ngu_van_lop_12_bai_nguoi_lai_d.docx