Đề cương ôn tập cuối kì II môn Vật lý 7 - Năm học 2021-2022

docx 11 trang Người đăng khanhhuyenbt22 Ngày đăng 15/06/2022 Lượt xem 593Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập cuối kì II môn Vật lý 7 - Năm học 2021-2022", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề cương ôn tập cuối kì II môn Vật lý 7 - Năm học 2021-2022
 UBND QUẬN HẢI CHÂU
TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ 
 LÝ THƯỜNG KIỆT
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI KÌ II
NĂM HỌC 2021 -2022
Môn: VẬT LÝ - 7
NỘI DUNG ÔN TẬP TỪ BÀI 17 ĐẾN BÀI 25.	
TÓM TẮT LÝ THUYẾT: 
1. BÀI 17-18: SỰ NHIỄM ĐIỆN DO CỌ XÁT – HAI LOẠI ĐIỆN TÍCH .
- Có thể làm nhiễm điện nhiều vật bằng cách cọ xát. 
Ví dụ: Để tạo ra một vật nhiễm điện, ta cọ xát vật bằng một mảnh vải khô
- Vật bị nhiễm điện (vật mang điện tích) có khả năng hút vật khác hoặc làm sáng bóng đèn của bút thử điện. 
Ví dụ: kiểm tra vật nhiễm điện: đặt vật gần vụn giấy, nếu thấy hút vụn giấy thì vật nhiễm điện
Ví dụ: Giải thích tại sao trên các cánh quạt điện trong gia đình thường bám bụi?
Cánh quạt thường xuyên quay nhanh, đồng nghĩa với việc cánh quạt cọ xát với không khí -> cánh quạt nhiễm điện. Mà vật nhiễm điện hút được các vật nhỏ nhẹ. Trong không khí có bụi bẩn (kích thước nhỏ, khối lượng nhẹ) nên bị cánh quạt hút vào, vì vậy trên cánh quạt điện thường bám bụi.
Ví dụ: Vì sao vào các ngày trời nóng, hanh khô, người ta thường khuyên ta không nên lau màn hình tivi, vi tính bằng vải khô mà chỉ nên dùng chổi lông. Hãy giải thích?
Khi lau chùi gương soi, kính cửa sổ, màn hình ti vibằng khăn bông khô, chúng cọ xát với khăn bông khô và bị nhiễm điện, vì thế chúng hút các hạt bụi vải => ti vi.vẫn bị bẩn. Vì vậy: vào các ngày trời nóng, hanh khô, ta không nên lau màn hình tivi, vi tính bằng vải khô mà chỉ nên dùng chổi lông
- Có hai loại điện tích là điện tích dương và điện tích âm. 
- Các vật mang điện tích cùng loại thì đẩy nhau, khác loại thì hút nhau.
Làm thế nào để biết một vật nhiễm điện dương hay âm? Dùng thanh nhựa đã cọ sát với vải khô (khi đó thanh nhựa đã nhiệm điện âm): đưa lại gần vật nhiễm điện, nếu chúng hút nhau thì vật đó nhiễm điện dương, nếu chúng đẩy nhau thì vật đó nhiễm điện âm.
- Người ta quy ước gọi điện tích của thanh thủy tinh khi cọ xát với lụa là điện tích dương (+), Điện tích của thanh nhựa sẩm màu cọ xát với vải khô là điện tích âm (-). 
Như vậy, sau khi cọ sát: thanh thủy tinh (+), lụa (-); vải khô (+), thanh nhựa (-); tóc (+), lược nhựa (-)
Electron đã dịch chuyển từ vật nhiễm điện (+) sang vật nhiễm điện (-)
2. BÀI 19, 20, 21: DÒNG ĐIỆN- NGUỒN ĐIỆN, CHẤT DẪN ĐIỆN - CHẤT CÁCH ĐIỆN – DÒNG ĐIỆN TRONG KIM LOẠI , SƠ ĐỒ MẠCH ĐIỆN - CHIỀU DÒNG ĐIỆN.
2.1. Dòng điện – Nguồn điện
 - Dòng điện là dòng các điện tích dịch chuyển có hướng. 
- Mỗi nguồn điện đều có hai cực : cực dương ( + ) và cực âm ( - ). 
- Dòng điện chạy trong mạch điện kín bao gồm các thiết bị điện được nối liền với hai cực của nguồn điện bằng dây dẫn 
* Công dụng của nguồn điện: cung cấp dòng điện lâu dài cho các thiết bị điện hoạt động.
* Một số loại nguồn điện: các loại pin (pin nhiệt điện, pin quang điện, pin mặt trời), các loại ắc quy (ắc quy axit, ắc quy kiềm), máy phát điện (đinamo ở xe đạp, máy phát điện loại nhỏ ở xe máy, xe ô tô, ở các nhà máy điện..)
* Một số vật sử dụng nguồn điện là pin: đèn pin, đồng hồ pin, đồ chơi điện tử, điều khiển ti vi..
2.2. Chất dẫn điện và chất cách điện
 - Chất dẫn điện là chất cho dòng điện đi qua. Chất dẫn điện gọi là vật liệu dẫn điện được dùng để làm các vật hay các bộ phận dẫn điện. Ví dụ: kim loại, than chì, dung dịch axit, dung dịch kiềm, dung dịch muối, muối nóng chảy, nước tự nhiên
- Chất cách điện là chất không cho dòng điện đi qua. Chất cách điện gọi là vật liệu cách điện được dùng để làm các vật hay các bộ phận cách điện. Ví dụ: nước nguyên chất, không khí khô, gỗ khô, chất dẻo, nhựa, cao su, thủy tinh, sứ
- Lưu ý : 
+ Kim loại dẫn điện tốt vì trong kim loại có sẵn Electron tự do.
 	+ Các dung dịch axit, kiềm, muối, nước thường là những chất dẫn điện.
- Ở điều kiện thường không khí là chất cách điện, trong điều kiện đặc biệt thì không khí có thể dẫn điện.
 2.3. Dòng điện trong kim loại – Sơ đồ mạch điện – Chiều dòng điện
- Trong kim loại có các electron thoát ra khỏi nguyên tử và chuyển động tự do trong kim loại, chúng được gọi là các electron tự do. Phần còn lại của nguyên tử dao động xung quang những vị trí cố định.
- Dòng điện trong kim loại là dòng các electron tự do dịch chuyển có hướng. Trong mạch điện kín có dòng điện chạy qua các dây dẫn kim loại thì các electron tự do trong kim loại bị cực âm của nguồn điện đẩy và cực dương của nguồn điện hút. 
- Sơ đồ mạch điện là hình vẽ mô tả cách mắc các bộ phận của mạch điện bằng các kí hiệu. 
- Mạch điện được mô tả bằng sơ đồ và từ sơ đồ mạch điện có thể lắp mạch điện tương ứng. 
- Chiều dòng điện theo quy ước là chiều từ cực dương qua dây dẫn và các thiết bị điện tới cực âm của nguồn điện. 
- Chiều dịch chuyển có hướng của các electron tự do trong dây dẫn kim loại ngược với chiều dòng điện theo quy ước. 
- Dòng điện cung cấp bởi pin và ắc quy có chiều không thay đổi được gọi là dòng điện một chiều. 
3. Bài 22, 23: CÁC TÁC DỤNG CỦA DÒNG ĐIỆN 
Dòng điện gây ra 5 tác dụng: 
* tác dụng nhiệt: bàn ủi, ấm điện, lò nướng bằng điện, máy sấy tóc, mỏ hàn, máy ép plastic
* tác dụng phát sáng: đèn bút thử điện, đèn led.
* tác dụng từ: chuông điện, quạt điện, máy bơm nước, cần cẩu điện
* tác dụng hóa học: mạ điện (mạ vàng, mạ đồng, mạ kền)
* tác dụng sinh lý: vật lý trị liệu, châm cứu điện
3.1. Tác dụng nhiệt và tác dụng phát sáng của dòng điện
 - Dòng điện đi qua một vật dẫn thông thường đều làm cho vật dẫn nóng lên (dòng điện gây ra tác dụng nhiệt)
* Khi đèn sáng, bóng đèn có nóng lên. Ta có thể kiểm chứng bằng các thả lên bóng đèn đang sáng 1 vài mảnh giấy nhỏ, ta thấy mảnh giấy sẽ bốc cháy.
 Khi đóng công tắc một thời gian, mảnh giấy nhỏ sẽ bốc cháy. Đây chính là do tác dụng nhiệt của dòng điện
* Ứng dụng của tác dụng nhiệt của dòng điện: Một số dụng cụ, thiết bị thường dùng được đốt nóng khi có dòng điện chạy qua: bếp điện, bàn là, nồi cơm điện, lò nướng điện, máy sưởi điện.
* Ứng dụng của tác dụng nhiệt của dòng điện: Cầu chì. Nếu trong mạch điện với dây dẫn bằng đồng có nối xen một đoạn dây chì (gọi là cầu chì; nhiệt độ nóng chảy của chì là 327oC) thì trong một số trường hợp do tác dụng nhiệt của dòng điện, dây dẫn có thể nóng lên trên 327°C thì dây chì sẽ nóng chảy và mạch điện sẽ bị hở, dòng điện bị ngắt
* Vì sao dây tóc của bóng đèn đốt làm bằng vonfram? Các bóng đèn dây tóc hoạt đôngọ dựa trên tác dụng nhiệt của dòng điện: dòng điện làm nóng dây tóc bóng đèn lên đến nhiệt độ cao (khoảng 2500oC) rồi phát sáng, do đó dây tóc bóng đèn phải được chế tạo từ chất có nhiệt độ nóng chảy cao như vonfram 
* Trong một số trường hợp, tác dụng nhiệt của dòng điện có ích nhưng trong một số trường hợp khác lại có hại. Ví dụ: có ích: tác dụng nhiệt trong bàn là, nồi cơm điện, ấm điện..; có hại: tác dụng nhiệt trong các động cơ điện như quạt điện, máy bơm nước.lúc này nó làm hao phí dòng điện.
* Người ta sử dụng ấm điện để đun nước. 
+ Nếu còn nước trong ấm thì nhiệt độ cao nhất của ấm là bao nhiêu độ? 
100oC, vì khi còn nước nhiệt độ của ấm và của nước bằng nhau do có sự tiếp xúc, mà nhiệt độ sôi của nước là 100oC nên nhiệt độ cao nhất chỉ là 100oC.
+ Nếu vô ý để quên, nước trong ấm cạn hết thì có sự cố gì xảy ra? Vì sao?
Khi đó ấm tiếp tục nóng lên, đến một lúc nào đó, lượng nhiệt cung cấp đủ lớn thì dây may-so trong ấm đạt đến nhiệt độ nóng chảy, sẽ bị chảy ra và ấm bị hỏng
- Trong bóng đèn của bút thử điện có chứa khí nêon. Dòng điện chạy qua chất khí trong bóng đèn của bút thử điện làm chất khí này phát sáng trong khi bóng đèn này nóng lên hầu như không đáng kể (dòng điện có tác dụng phát sáng)
- Đèn Điôt phát quang (Đèn LED) chỉ cho dòng điện đi qua theo một chiều nhất định và khi đó đèn sáng. 
3.2. Tác dụng từ
- Cuộn dây quấn quanh lõi sắt non có dòng điện chạy qua là nam châm điện. 
- Nam châm điện có tính chất từ vì nó có khả năng làm quay kim nam châm và hút các vật bằng sắt, thép. Ta nói dòng điện có tác dụng từ. 
* Ứng dụng của tác dụng từ của dòng điện: Chuông điện. 
Hình vẽ mô tả cấu tạo của chuông điện, trong đó miếng sắt được gắn với lá thép đàn hồi và khi công tắc chưa đóng, miếng sắt luôn tì sát vào tiếp điểm
Khi đóng công tắc, dòng điện đi qua cuộn dây và cuộn dây trở thành nam châm điện. Khi đó cuộn dây hút miếng sắt làm cho đầu gõ chúng đập vào chuông, chuông kêu. Đây là biểu hiện tác dụng cơ học của dòng điện
Khi miếng sắt bị hút về đầu cuộn dây: thì đồng thời làm cho chỗ tiếp điểm bị hở → ngắt dòng điện trong mạch làm mất từ tính của cuộn dây, lá thép đàn hồi sẽ kéo miếng sắt trở về tì vào tiếp điểm.
* Tóm lại, chuông điện, các động cơ điện như quạt điện, máy bơm nướchoạt động dựa trên tác dụng này (tác dụng từ) của dòng điện.
3.3. Tác dụng hóa học 
- Khi cho dòng điện chạy qua dung dịch muối đồng thì nó tách đồng ra khỏi dung dịch tạo thành lớp đồng bám trên thỏi than nối với cực âm. Ta nói dòng điện có tác dụng hóa học.
Ví dụ: để mạ đồng cho một vật, ta chọn dung dịch muối đồng (cụ thể là dùng dung dịch muối đồng sunfat), điện cực dương làm bằng đồng, điện cực âm là vật cần mạ đồng.
Ví dụ: để mạ vàng cho chiếc đồng hồ, ta dùng dung dịch muối vàng, điện cực dương bằng vàng, điện cực âm là chiếc đồng hồ
3.4. Tác dụng sinh lý 
- Dòng điện chạy qua cơ thể người sẽ làm các cơ co giật, (khi cường độ dòng điện 70mA trở lên, hiệu điện thế từ 40V trở lên) có thể làm tim ngừng đập, ngạt thở và thần kinh bị tê liệt. Ta nói dòng điện có tác dụng sinh lý 
Ví dụ: khi tiến hành thí nghiệm cho dòng điện qua đùi ếch thì đùi ếch co lại: đó là tác dụng sinh lý của dòng điện.
- Biện pháp an toàn khi sử dụng điện:
	+ Đề ra các biện pháp an toàn điện ở những nơi cần thiết
	+ Cần tránh bị điện giật bằng cách tránh tiếp xúc với dòng điện có điện áp cao
	+ mỗi người cần tuân thủ các quy tắc an toàn khi sử dụng điện và có những kiến thức cơ bản nhất về sơ cứu người bị điện giật.
- Các quy tắc an toàn sử dụng điện
	+ chỉ làm thí nghiệm với các nguồn điện có hiệu điện thế dưới 40V
	+ phải sử dụng các dây dẫn có vỏ bọc cách điện
	+ không được tự mình chạm vào mạng điện dân dụng và các thiết bị điện nếu không biết rõ cách sử dụng
	+ Chú ý: Khi thấy một người đang bị điện giật, không được chạm vào người đó, mà phải tìm cách ngắt ngay công tắc điện và gọi người cấp cứu
4. Bài 24 CƯỜNG ĐỘ DÒNG ĐIỆN.
4.1. Cường độ dòng điện 
- Cường độ dòng điện cho biết độ mạnh, yếu của dòng điện
- Cường độ dòng điện kí hiệu bằng chữ I 
- Đơn vị cường độ dòng điện là ampe, kí hiệu là A. 
1mA = 0,001A ; 1A = 1000 mA. 
- Dụng cụ để đo cường độ dòng điện là ampe kế. 
* Cách nhận biết ampe kế: Trên ampe kế có ghi chữ A (thì số đo cường độ dòng điện tính theo đơn vị A) ; hoặc ghi chữ mA (thì số đo cường độ dòng điện tính theo đơn vị mA.) 
* Lưu ý khi sử dụng ampe kế: 
+ Chọn ampe kế có giới hạn đo (GHĐ) và độ chia nhỏ nhất (ĐCNN ) phù hợp với giá trị cần đo. 
+ Ampe kế được mắc nối tiếp với vật cần đo cường độ dòng điện, sao cho chốt dương (+) của ampe kế được mắc về phía cực dương của nguồn điện, chốt âm (-) của ampe kế được mắc về phía cực âm của nguồn điện . 
+ Không được mắc trực tiếp hai chốt của ampe kế vào hai cực của nguồn điện.
5. Bài 25 HIỆU ĐIỆN THẾ.
- Nguồn điện tạo ra giữa hai cực của nó một hiệu điện thế. 
 - Hiệu điện thế kí hiệu bằng chữ U. 
- Đơn vị hiệu điện thế là Vôn, kí hiệu là V. 
	1mV = 0,001V ; 1kV = 1000V 
- Dụng cụ để đo hiệu điện thế là Vôn kế. 
* Cách nhận biết Vôn kế : Trên vôn kế có ghi chữ V ( thì số đo hiệu điện thế tính theo đơn vị V); hoặc ghi chữ mV (thì số đo hiệu điện thế tính theo đơn vị mV.) 
* Lưu ý khi sử dụng vôn kế: 
+ Chọn vôn kế có giới hạn đo (GHĐ) và độ chia nhỏ nhất (CNN ) phù hợp với giá trị cần đo .
 + Mắc vôn kế song song với vật cần đo hiệu điện thế, sao cho chốt dương (+) của vôn kế được mắc về phía cực dương của nguồn điện, chốt âm (-) vôn kế được mắc về phía cực âm của nguồn điện và điều chỉnh kim của vôn kế về số 0 trước khi sử dụng. 
* Số vôn ghi trên nguồn điện cho biết hiệu điện thế giữa hai cực nguồn điện khi chưa mắc vào mạch
* Số vôn ghi trên dụng cụ điện cho biết hiệu điện thế định mức để dụng cụ hoạt động bình thường
Ví dụ: Con số 220V ghi bóng đèn cho biết 220V là hiệu điện thế định mức để bóng đèn hoạt động (sáng) bình thường.
 B. BÀI TẬP: Các em xem lại các dạng bài tập sau.
Giải thích sự nhiễm điện do cọ xát?
Xác định các loại điện tích.
Vẽ sơ đồ mạch điện, xác định các cực âm, dương của nguồn điện, ampe kế, chiều dòng điện trong mạch.
Các tác dụng của dòng điện. Liên hệ thực tế.
Bài tập về cường độ dòng điện
C. MỘT SỐ BÀI TẬP THAM KHẢO:
TRẮC NGHIỆM:
Câu 1. Khi dòng điện chạy qua cuộn dây dẫn quấn quanh lõi sắt non thì cuộn dây này có thể hút được các vụn
A. nhôm.	B. thuỷ tinh.	C. đồng.	D. thép.
Câu 2. Đơn vị đo cường độ dòng điện là gì?
A. Ampe	B. Vôn	C. Kilogam	D. Ampe kế
Câu 3. Dòng điện là dòng
A. dịch chuyển có hướng. 	B. electron dịch chuyển.	
C. các điện tích dịch chuyển có hướng.	D. các điện tích dịch chuyển không có hướng.
Câu 4. Không có dòng điện chạy qua vật nào dưới đây?
A. Quạt điện đang chạy liên tục.	B. Bóng đèn điện đang phát sáng.
C. Thước nhựa đang bị nhiễm điện.	D. Rađiô đang nói.
Câu 5. Dòng điện trong kim loại là dòng các . dịch chuyển có hướng.
A. điện tích	B. hạt mang điện
C. electrôn tự do	D. electrôn
Câu 6. Chiều dòng điện chạy trong mạch điện kín được quy ước như thế nào?
A. Cùng chiều kim đồng hồ khi nhìn vào sơ đồ mạch điện kín.
B. Ngược chiều kim đồng hồ khi nhìn vào sơ đồ mạch điện kín.
C. Chiều dịch chuyển có hướng của các điện tích âm trong mạch.
D. Chiều từ cực dương qua dây dẫn và các dụng cụ điện tới cực âm của nguồn điện.
Câu 7. Một ampe kế có giới hạn đo là 1A, trên mặt số được chia làm 50 khoảng nhỏ. Khi đo cường độ dòng điện trong mạch, kim ampe kế chỉ ở khoảng thứ 20 (đúng vạch thứ 21). Cường độ dòng điện đo được là
A. 0,4A. 	B. 0,21A.	C. 0,2A.	D. 0,42A
Câu 8. Muốn đo cường độ dòng điện qua bóng đèn phải mắc ampe kế
A. nối tiếp với bóng đèn sao cho chốt (+) hướng về cực (-) của nguồn điện.
B. nối tiếp với bóng đèn sao cho chốt (+) hướng về cực (+) của nguồn điện.
C. song song với bóng đèn sao cho chốt (+) hướng về cực (-) của nguồn điện.
D. song song với bóng đèn sao cho chốt (+) hướng về cực (+) của nguồn điện.
Câu 9. Bóng đèn pin sáng bình thường với dòng điện có I=0,45A. Dùng ampe kế nào sau đây là phù hợp nhất để đo cường độ dòng điện qua bóng đèn pin?
 A. Ampe kế có GHĐ 500mA. B. Ampe kế có GHĐ 50mA. 
 C. Ampe kế có GHĐ 3A. D. Ampe kế có GHĐ 4A.
Câu 10. Vật cách điện là một đoạn
A. dây nilông.	B. dây bằng bạc.
C. dây kẽm.	D. ruột bút chì.
Câu 11. Hai quả cầu nhựa, cùng kích thước, nhiễm điện cùng loại. Nếu đặt chúng gần nhau thì 
 A. hút nhau. 	 	B. đẩy nhau. 
 C. không hút, không đẩy. 	 	D. lúc đầu hút nhau sau đó đẩy nhau. 
Câu 12. Để có dòng điện lâu dài trong vật dẫn cần điều kiện sau:
A. Có nguồn điện. 	B. Các vật dẫn nối liên tiếp nhau.
C. Các vật dẫn mắc thành mạch điện kín giữa hai cực của nguồn điện.
D. Nguồn điện và còn khả năng phóng điện.
CÁC DẠNG CÂU HỎI TỰ LUẬN: 
Câu 3. Cho trước: nguồn điện (1 pin), 1 bóng đèn Đ1, công tắc đóng, dây dẫn, 1 ampe kế đo cường độ dòng điện trong mạch. Hãy vẽ sơ đồ mạch điện và chiều dòng điện khi công tắc đóng?

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_cuong_on_tap_cuoi_ki_ii_mon_vat_ly_7_nam_hoc_2021_2022.docx