Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt chuyên môn : Ngữ văn (chuyên) thời gian: 150 phút - Không kể thời gian giao đề

doc 4 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1688Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt chuyên môn : Ngữ văn (chuyên) thời gian: 150 phút - Không kể thời gian giao đề", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt chuyên môn : Ngữ văn (chuyên) thời gian: 150 phút - Không kể thời gian giao đề
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TUYÊN QUANG
----------------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
Khoá ngày 25/6/2010
MÔN : NGỮ VĂN (CHUYÊN)
Thời gian: 150 phút- Không kể thời gian giao đề
Đề thi có 01 trang
Câu 1 (1,0 điểm): Hãy kể tên các văn bản nghị luận (gắn với tên tác giả) mà em được học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 Trung học cơ sở.
Câu 2: (1,0 điểm) Tìm và nêu nghĩa của các thành ngữ trong những câu thơ sau:
a) “ Một đời được mấy anh hùng
 Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi” 
b) “ Êm đềm trướng rủ màn che
 Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
( Trích Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Câu 3 (3,0 điểm): Em hãy viết một bài văn nghị luận ngắn (khoảng 400 từ) với nội dung: Cần quan tâm, chăm sóc người tàn tật.
Câu 4 ( 5,0 điểm): Nhận định về giá trị của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), sách giáo viên Ngữ văn 9, tập một, tr.204 viết: “Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và góp vào thành công của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là chất trữ tình”.
Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
--------- Hết---------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh:............................................................SBD.......................................
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TUYÊN QUANG
-------------------
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
Khoá ngày 25/6/2010
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN (CHUYÊN)
(Hướng dẫn chấm có 03 trang)
I. Hướng dẫn chung
 	 - Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm. 
 - Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo. 
 - Việc chi tiết hoá hướng dẫn chấm (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong tổ chấm thi. 
	- Điểm toàn bài không làm tròn.
II. Hướng dẫn chấm từng câu
Câu 1 (1,0 điểm): Thí sinh kể được tên văn bản nghị luận (gắn với tên tác giả) mà thí sinh được học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 THCS, cụ thể:
- Bàn về đọc sách - Chu Quang Tiềm (0,25điểm)
- Tiếng nói của văn nghệ - Nguyễn Đình Thi (0,25 điểm)
- Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới - Vũ Khoan (0,25 điểm)
- Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của LaPhôngten - Hi-pô-lit Ten (0,25 điểm)
Kể đúng mỗi tên văn bản có gắn với tên tác giả mới được 0,25 điểm. Nếu kể được tên của 3 hoặc 4 văn bản nhưng không kể được tên tác giả thì cho tối đa 0,5 điểm. Nếu chỉ kể được tên tác giả thì không cho điểm.
Câu 2: (1,0 điểm) Thí sinh tìm và nêu được nghĩa của các thành ngữ :
a) “ cá chậu chim lồng”: Hoàn cảnh bị tù túng, giam hãm, mất tự do.
b) “trướng rủ màn che”: Cuộc sống đài các, êm ấm, khép kín của phụ nữ nhà quyền quý trong xã hội phong kiến.
- Tìm được mỗi thành ngữ : 0,25 điểm
- Nêu được nghĩa cơ bản của mỗi thành ngữ: 0,25 điểm
Câu 3 (3,0 điểm)
	 Yêu cầu 
 	 Yêu cầu về kĩ năng: 
 	- Trình bày bài viết đúng với yêu cầu của đề. 
 	- Viết được một văn bản nghị luận xã hội. 
 	- Vận dụng được các thao tác lập luận và các phương thức biểu đạt đã học. 
 	- Bài viết có bố cục chặt chẽ, rõ ràng, mạch lạc, không mắc lỗi về chính tả, ngữ pháp, dùng từ. 
 	Yêu cầu về kiến thức: 
	a) Giới thiệu vấn đề
	- Người tàn tật là một bộ phận của xã hội. Do nhiều nguyên nhân: chiến tranh, thiên tai, tai nạn, bẩm sinh nên trong xã hội còn có những người bị tàn tật. Họ là những người chịu thiệt thòi hơn so với người bình thường.
	b) Nội dung 
	- Cần quan tâm chăm sóc người tàn tật, giúp đỡ họ về vật chất để cuộc sống của họ bớt vất vả.
	- Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người tàn tật để họ có đời sống tinh thần tốt đẹp, được hòa nhập với xã hội.
	- Nhiều người tàn tật có khả năng, nghị lực vượt lên khó khăn. Cần tạo điều kiện, cơ hội cho người tàn tật được lao động, sáng tạo và cống hiến cho xã hội.
	 b) Suy nghĩ của bản thân: 
 	 - Mỗi người đều phải quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật bằng những việc làm cụ thể. 
 	 - Học sinh phải tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ, chăm sóc người tàn tật và vận động người khác cùng thực hiện.
	Thang điểm 
 	 - Điểm 3: Bài làm đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu nêu trên, viết mạch lạc, lập luận chặt chẽ, bố cục hợp lí, mắc một số sơ sót nhỏ, thông thường (dùng từ, chính tả,) 
 	 - Điểm 2: Bài làm cơ bản đạt các yêu cầu trên, nhất là các yêu cầu về nội dung và cách lập luận. Có thể có một vài sơ sót nhỏ nhưng ảnh hưởng không đáng kể. Diễn đạt lưu loát, có thể mắc một số lỗi nhưng không làm sai ý người viết. 
 	- Điểm 1: Bài đạt khoảng 1/2 yêu cầu trên hoặc có thiếu ý, sơ sài. Diễn đạt chưa tốt, mắc những lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả, đặt câu. 
	 - Điểm 0: Không làm được gì hoặc sai lạc hoàn toàn.
Câu 4 (5,0 điểm)
Yêu cầu kỹ năng:
	 - Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề văn học. 
 	 - Bài viết có kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt mạch lạc, lời văn trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp. Chữ viết cẩn thận, rõ ràng. 
Yêu cầu về kiến thức:
Trên cơ sở hiểu biết về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, thí sinh cần làm rõ được các ý cơ bản sau:
	 a) Phần giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm: 
 	- Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí. 
 	 - Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là kết quả chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của Nguyễn Thành Long. 
 	- Có nhiều yếu tố làm nên thành công của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa ,trong đó chất trữ tình là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn và giá trị của tác phẩm. 
- Chất trữ tình của tác phẩm được tạo nên bởi những cảm xúc, suy tưởng và thể hiện bằng lời văn giàu nhịp điệu, giàu hình ảnh 
b) Phần chứng minh
- Chất trữ tình được tạo nên từ những chi tiết, khung cảnh thiên nhiên đẹp và đầy thơ mộng của Sa Pa qua cái nhìn của người họa sĩ già. 
- Chất trữ tình được toát lên chủ yếu từ nội dung của truyện: Cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng để lại nhiều dư vị trong lòng mỗi người, từ những đức tính giản dị, từ những truyện kể về cuộc sống lặng lẽ ở Sa Pa (qua lời kể của anh thanh niên và bác lái xe, suy nghĩ của ông họa sĩ già, cô kỹ sư) và từ những cảm xúc, tình cảm mới nảy nở trong tâm hồn của các nhân vật đối với anh thanh niên. 
- Nhà văn đã sử dụng lời văn giàu cảm xúc, hình ảnh, giọng điệu tâm tình nhẹ nhàng.
Chú ý: Trong quá trình làm bài, thí sinh cần đưa dẫn chứng và phân tích các dẫn chứng để làm rõ từng ý nêu trên (sự phân tích, giải thích, chứng minh phải có căn cứ thuyết phục). 
c) Phần nhận xét
Chất trữ tình đã làm nỗi bật chủ đề tác phẩm: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa khắc hoạ thành công những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ thanh niên trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Thang điểm
 	 - Điểm 4 - 5: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, có thể còn một vài sơ sót nhỏ về diễn đạt. 
- Điểm 2- 3: Đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu trên, còn một vài lỗi về diễn đạt nhưng không làm sai lệch ý của người viết. 
- Điểm 1: Trình bày thiếu ý hoặc sơ sài, mắc khá nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.
- Điểm 0: Không làm được gì hoặc sai lạc hoàn toàn. 
-----------------

Tài liệu đính kèm:

  • docNgu van (chuyen).doc