Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

doc 6 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 840Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
KÌ THI CHỌN HSG LỚP 11 NĂM HỌC 2013 - 2014
ĐỀ THI MÔN:NGỮ VĂN
Dành cho học sinh các trường THPT
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1: Nghị luận xã hội (3,0 điểm)
Hãy viết một bài văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề lựạ chọn nghề nghiệp của thanh niên hiện nay.
Câu 2: Nghị luận văn học (7,0 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp độc đáo trong truyện ngắn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
------------Hết-----------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
Giám thị không giải thích gì thêm.
Họ và tên học sinh.Số báo danh.
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI ĐỀ XUẤT HSG LỚP 11
Môn: NGỮ VĂN - THPT - NĂM HỌC 2013 - 2014
(Gồm 06 trang)
Câu 1 (3,0 điểm )
Yêu cầu về kĩ năng
 Biết cách làm bài nghị luận xã hội. Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng và phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
Yêu cầu về kiến thức
HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo nhưng ý cơ bản sau:
 1. Giải thích
- Chọn nghề là cách lựa chọn công việc sẽ gắn bó với ta suốt đời. Nghề nghiệp ấy có ảnh hưởng to lớn đến đời sống tinh thần và vật chất của mỗi con người.
- Lựa chọn nghề nghiệp là mối quan tâm hang đầu của thanh niên, nó có ý nghĩa quan trọng đói với sự thành đạt của mỗi cá nhân, nhất là trong xã hội hiên nay.
2. Bàn luận và chứng minh
- Sau khi kết thúc quá trình học tập ở nhà trường phổ thông, thanh niên đứng trước con đường lựa chọn nghề nghiệp cho mình. Nếu lựa chọn đúng, mỗi người sẽ có được niềm say mê, sự hứng thú cới công việc, có cơ hội phát huy năng lực của bản thân. Nếu lựa chọn sai, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội và công việc trở thành gánh nặng. Vì vậy cần chủ động, sáng suốt khi đối diện với vấn đề quan trọng này
- Xã hội ngày nay phát triển,các ngành nghề mở rộng, tạo ra nhiều việc làm, các loại hình đào tào nghề cũng phong phú. Thông tin từ báo chí, truyền hình, từ các phương truyền thông khác cung cấp cho ta những hiểu biết về nghề nghiệp và nhu cầu của xã hội. Thanh niên được tự do, chủ động hơn về việc lựa chọn nghề
- Nhiều người đã xuất phát từ năng lực, sở thích, đam mê, năng khiếu và những điều kiện phù hợp với mình, để lựa chọn nghề. Nhưng có nhiều bạn trẻ chọn nghề theo xu hướng thời thượng, chỉ chú trọng những nghề được xã hội đề cao, hứa hẹn thu nhập cao mà không tính đến khả năng của bản thân và nhu cầu của thực tế. Nhiều người coi vào đại học là con đường duy nhất để dẫn đến tương lai, vì thế dẫn đến hiện tượng thừa thầy thiếu thợ, nhiêu sinh viên ra trường không có việc làm, phải làm những công việc trái nghề. 
3. Những giải pháp
- Mỗi bạn trẻ cần có ý thức về bản thân, có suy nghĩ nghiêm túc khi chọn nghề.
- Nhà nước cần có những định hướng lâu dài bằng cách mở hợp lý số trường đại học và dạy nghề để đáp ứng nhu cầu thực tế.
4. Suy nghĩ và liên hệ của bản thân 
 Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu cơ bản nói trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Còn sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0 :Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
Yêu cầu kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài nghị luận văn học. Vận dụng linh hoạt các thao tác làm văn để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
Yêu cầu về kiến thức
Học sinh hiểu đúng vấn đề:
- Đây là dạng đề cho phép học sinh có thể lựa chọn nhiều thao tác nghị luận để làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo trong tác phẩm truyện ngắn trước cách mạng của Nguyễn Tuân.
1.Giải thích:
Vẻ đẹp độc đáo: là những nét riêng biệt, duy nhất do tác giả sáng tạo trong tác phẩm, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của nhà văn. Trước cách mạng, Nguyễn Tuân là nhà văn lãng mạn, ông đề cao chủ nghĩa duy mĩ. Truyện Chữ người tử tù là tác phẩm thể hiện rõ vẻ đẹp độc đáo trong sáng tạo của nhà văn. 
2.Biểu hiện của vẻ đẹp độc đáo trong tác phẩm
a, Đề tài: Truyện viết về một thú chơi độc đáo – thú chơi chữ, mang tính nghệ thuật cao (nghệ thuật thư pháp). 
b, Nhan đề độc đáo: Chữ là cái đẹp, tử tù là hình ảnh của cái chết. Đặt cái đẹp bên cạnh cái chết để khẳng định sức mạnh bất tử của cái đẹp.
c, Tình huống truyện độc đáo:
+ Tình huống truyện ở đây là mối quan hệ đặc biệt éo le giữa những tâm hồn tri kỉ (Huấn Cao, quản ngục và thầy thơ lại). Nhà văn đặt các nhân vật trong tình thế đối địch: Tử tù và viên quản ngục. Chính tình huống này đã làm nổi rõ tính cách của Huấn Cao, viên quản ngục và làm nổi bật chủ đề thiên truyện.
d, Những nhân vật độc đáo: 
+ Huấn Cao là nhân vật có những phẩm chất của người anh hùng, người nghệ sĩ, người có thiên lương. Ông không sợ chết, coi khinh tiền bạc và cường quyền phi nghĩa nhưng lại có lòng yêu mến cái thiện, trong sạch của viên quản ngục nên sẵn sàng cho chữ khi hiểu rõ thiện tâm của quản ngục. 
+ Quản ngục là người trông coi tù ngục nhưng không phải con người tầm thường, tàn bạo. Ông là người biết trân trọng người tài, biết yêu cái đẹp, tuy không làm nghệ thuật nhưng có tâm hồn nghệ sĩ. Quản ngục cũng là kẻ không biết sợ cường quyền, việc biệt đãi tử tù là hành vi dũng cảm của ông.
e, Cảnh cho chữ trong nhà ngục – một cảnh tượng xưa nay chưa từng có:
+ Cảnh cho chữ lại đặt trong một không gian tăm tối, cái đẹp được sáng tạo trong chốn hôi ám nhơ bẩn.
+ Đoạn văn tả cảnh cho chữ trong nhà tù thể hiện sự độc đáo, trật tự lỉ cương nhà tù hoàn toàn bị đảo ngược: Tử tù được kính trọng, cai ngục thì khúm núm, tù nhân răn dạy cai ngục, cai ngục vái lạy tù nhân.
g, Nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ miêu tả, thủ pháp nghệ thuật độc đáo:
+ Nhân vật được xây dựng với những nét độc đáo (Huấn Cao xuất hiện sau lời trò chuyện của quản ngục và thầy thơ lại về tài viết chữ đẹp, bẻ khóa vượt ngục của ông; Chân dung quản ngục trong đên ở thư phòng)
+ Ngôn ngữ cổ kính, sử dụng nhiều từ Hán Việt.
+ Sử dụng thủ pháp đối lập trong dựng cảnh, miêu tả nhân vật.
3. Đánh giá chung
 Truyện ngắn Chữ người tử tù thể hiện tài năng, tâm huyết của nhà văn Nguyễn Tuân. Tác phẩm thể hiện vẻ đẹp độc đáo ở nhiều phương diện. Điều đó đã chứng minh rõ quan điểm sáng tác của nhà văn lãng mạn Nguyễn Tuân thời trước Cách mạng tháng Tám: tôn thờ chủ nghĩa duy mĩ.
Biểu điểm: 
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót.
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể còn sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
Lưu ý:
Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn.
Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm và cộng điểm toàn bài.

Tài liệu đính kèm:

  • docHSG_THAM_KHAO.doc