TV333 – XUẤT BẢN ĐIỆN TỬ Thành viên nhóm: Võ Phương Toàn B1302017 Trần Trung Anh B1301949 Trần Thụy Tường Vi B1302029 Trần Gia Ngọc B1301982 Nguồn: Sách “Lịch sử 9” (Tái bản lần thứ hai – năm 2007) Phần một: LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI TỪ NĂM 1945 ĐẾN NAY Chương I: LIÊN XÔ VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG ÂU SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI Bài 1: LIÊN XÔ VÀ CÁC NƯỚC ĐÔNG ÂU TỪ NĂM 1945 ĐẾN GIỮA NHỮNG NĂM 70 CỦA THẾ KỶ XX Sau khi đánh bại chủ nghĩa phát xít, Liên xô bước vào giai đoạn khôi phục nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá và tiếp tục công cuộc xây dựng cơ sở vật chất, kỉ thuật của chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn phát triển mới này còn gắn liền với sự ra đời của các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu và sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. I – LIÊN XÔ Công cuộc khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1945 – 1950) Bước ra khỏi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, tuy với tư thế của người chiến thắng, nhưng Liên Xô đã phải chịu những tổn thất hết sức nặng nề. Hơn 27 triệu người chết, 1710 thành phố, hơn 70 000 làng mạc, gần 32 000 nhà máy, xí nghiệp và 65 000 km đường sắt bị tàn phá. Riêng lãnh thổ đất nước thuộc phần châu Âu hầu như hoang tàn, đổ nát. Đó là những tổn thất nặng nề hơn bất kì nước nào trong cuộc chiến. Chiến tranh đã làm cho nền kinh tế Liên Xô phát triển chậm lại tới 10 năm. Ngay từ đầu năm 1946, Đảng và Nhà nước Xô viết đã đề ra kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế đất nước với kế hoạch 5 năm lần thứ tư (1946 – 1950) Với khí thế của người chiến thắng, các tầng lớp nhân dân Liên Xô đã sôi nổi thi đua, lao động quên mình để thực hiện kế hoạch. Kết quả là kế hoạch 5 năm lần thứ tư được hoàn thành thắng lợi, vượt mức trước thời hạn 9 tháng. Các chỉ tiêu chính đều vượt mức kế hoạch dự định. Tới năm 1950, sản xuất công nghiệp tăng 73% (kế hoạch dự định tăng 48%), hơn 6 000 nhà máy được khôi phục và xây dựng mới đã đi vào hoạt động. Một số ngành sản xuất nông nghiệp cũng vượt mức trước chiến tranh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Trong thời kì này, nền khoa học – kĩ thuật Xô viết đã có sự phát triển vượt bậc. Năm 1949, Liên Xô chế tạo thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền hạt nhân của Mĩ Câu hỏi 1: Công cuộc khôi phục nền kinh tế, hàn gắt vết thương chiến tranh ở Liên Xô đã diễn ra và đạt được kết quả như thế nào? Tiếp tục công cuộc xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội (từ năm 1950 đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX) Sau khi hoàn thành việc khôi phục nền kinh tế, Liên Xô tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội với việc thực hiện các kế hoạch dài hạn, như kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1951 – 1955), lần thứ 6 (1956 – 1960) và kế hoạch 7 năm (1959 – 1965) Phương hướng chính của các kế hoạch này là: tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp nặng – nền tảng của kinh tế quốc dân, thực hiện thâm canh trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh tiến bộ khoa học – kĩ thuật, tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước. Trong hai thập niên 50 và 60 của thế kỉ XX, nền kinh tế Xô viết tăng trưởng mạnh mẽ. Sản xuất công nghiệp bình quân hằng năm tăng 9,6%. Liên Xô đã trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, chiếm khoảng 20% sản lượng công nghiệp của toàn thế giới. Trong thời kỳ này, nền khoa học- kĩ thuật Xô viết vẫn trên đà phát triển mạnh mẽ và gặt hái được những thành công vang dội. Năm 1957, Liên Xô là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo lên khoảng không vũ trụ, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người. Năm 1961, Liên Xô phóng con tàu “Phương Đông” đưa nhà du hành vũ trụ Ga-ga-rin lần đầu tiên bay vòng quanh Trái Đất và cũng là nước dẫn đầu thế giới về những chiến bay dài ngày trong vũ trụ Hình 1: Vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Liên Xô Về đối ngoại, Nhà nước Xô viết chủ trương duy trì hòa bình thế giới, thực hiện chính sách chung sống hòa bình, quan hệ hữu nghị với tất cả các nước; đồng thời tích cực ủng hộ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức. Liên xô trở thành chỗ dựa vững chắc của hòa bình và cách mạng thế giới. Câu hỏi 2: Hãy nêu những thành tựu chủ yếu của Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1950 đến đầu những năm 70 của thế kỷ XX. Câu hỏi 3: Qua sách báo đã đọc, em hãy kể một số chuyến bay của các nhà du hành vũ trụ Liên Xô trong những năm 60 của thế kỷ XX. II – ĐÔNG ÂU Sự ra đời của các nước dân chủ nhân dân Đông Âu Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các nước Đông Âu đều lệ thuộc vào các nước tư bản Tây Âu. Trong thời kỳ chiến tranh, họ lại bị phát xít Đức chiếm đóng và nô dịch tàn bạo. Vì vậy, khi Hồng quân Liên Xô tiến vào lãnh thổ Đông Âu truy kích quân đội phát xít Đức, nhân dân các nước Đông Âu đã nhanh chóng nổi dậy và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản, một loạt nhà nước dân chủ nhân dân đã được thành lập ở các nước Đông Âu từ cuối năm 1944 đến năm 1946. Đó là các nước: Ba Lan (7 – 1944), Ru-ma-ni (8 – 1944), Hung-ga-gi (4 – 1945), Tiệp Khắc (5 – 1945), Nam Tư (11 – 1945), An-ba-ni (12 – 1945) và Bun-ga-ri (9 – 1946). Theo thỏa thuận của ba cường quốc là Liên Xô – Mĩ – Anh: Quân đội Liên Xô chiếm đóng khu vực phía tây nước Đức. Tháng 9 – 1949, Nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức được thành lập ở Tây Đức và tháng 10 – 1949, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã ra đời ở Đông Đức. Hai nhà nước Tây Đức và Đông Đức chịu ảnh hưởng của hai cường quốc là Mỹ và Liên Xô. Hình 2. Lược đồ các nước dân chủ nhân dân Đông Âu Từ năm 1945 đến năm 1949, vượt qua nhiều khó khăn, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, các nước Đông Âu đã hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ của cách mạng dân chủ nhân dân. Đó là xây dựng bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân, tiến hành cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa những xí nghiệp lớn của tư bản nước ngoài và trong nước, thực hiện các quyền tự do dân chủ và cải thiện đời sống của nhân dân. Như thế, lịch sử các nước Đông Âu đã sang trang mới. Câu hỏi 4: Các nước dân chủ nhân dân Đông Âu đã ra đời trong hoàn cảnh nào? Câu hỏi 5: Để hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, các nước Đông Âu đã thực hiện những nhiệm vụ gì? Tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ năm 1950 đến đầu những năm 70 của thế kỷ XX) Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, từ năm 1949, các nước Đông Âu bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những nhiệm vụ chính của giai đoạn này là: xóa bỏ sự bóc lột của giai cấp tư sản, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể thông qua hình thức hợp tác xã và tiến hành công nghiệp hóa nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo nàn, lạc hậu từ lâu đời, xây dựng cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội. Sau 20 năm xây dựng đất nước (1950 – 1970), với sự giúp đỡ của Liên Xô, các nước Đông Âu đã thu được những thành tựu to lớn. Tới đầu những năm 70 của thế kỷ XX, các nước Đông Âu đã trở thành những nước công – nông nghiệp. Bộ mặt kinh tế - xã hội của đất nước đã thay đổi căn bản và sâu sắc. Trước chiến tranh, An-ba-ni là nước nghèo nhất châu Âu. Tới năm 1970, nền công nghiệp đã được xây dựng, cả nước đã được điện khí hóa. Năm 1975, tổng sản phẩm công nghiệp của Bun-ga-ri tăng 55 lần so với năm 1939. Vốn là nước đã có những cơ sở công nghiệp, tới lúc này Tiệp khắc được xếp vào hàng các nước công nghiệp phát triển, chiếm 1,7% sản lượng công nghiệp thế giới. Mặc dù có nhiều hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, Cộng hòa Dân chủ Đức đã đạt được những thành tích đáng kể. Sản xuất tăng gấp 5 lần, thu nhập quốc dân tăng 4 lần so với 1949. Câu hỏi 6: Những nhiệm vụ chính của các nước Đông Âu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là gì? Câu hỏi 7: Hãy nêu những thành tựu mà các nước Đông Âu đã đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. III – SỰ HÌNH THÀNH HỆ THỐNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Khi các nước Đông Âu bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, mối quan hệ giữa Liên Xô và các nước này đòi hỏi phải có sự hợp tác cao hơn và đa dạng hơn như hợp tác nhiều bên, hoặc phân công và chuyên môn hóa trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp Cơ sở của sự hợp tác này là Liên Xô và các nước Đông Âu đều cùng chung một mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đều đặt dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản và cùng chung hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê – Nin. Ngày 8 – 1 – 1949, Hội đồng tương trợ kinh tế (viết tắt là SEV) đã được thành lập với sự tham gia của các nước: Liên Xô, An-ba-ni, Ba Lan, Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, Tiệp khắc. Sau này thêm các nước: Cộng hòa Dân chủ Đức (1950), Mông Cổ (1962), Cu Ba(1972) và Việt Nam (1978). Hội đồng tương trợ kinh tế ra đời nhằm đẩy mạnh sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước xã hội chủ nghĩa và đánh dấu sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian từ năm 1951 đến 1973, Hội đồng tương trợ kinh tế đã thu được nhiều thành tích to lớn. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của các nước thành viên bình quân hằng năm đạt 10%, thu nhập quốc dân năm 1973 tăng 5,7 lần so với năm 1950. Trong hoạt động của Hội đồng tương trợ kinh tế, Liên Xô giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Liên Xô đã cho các nước thành viên vay 13 tỉ rúp với lãi xuất và viện trợ không hoàn lại 20 tỉ rúp. Trước tình hình thế giới ngày càng căng thẳng do chính sách hiếu chiến, xâm lược của đế quốc Mỹ, nhất là sự ra đời khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (4 – 1949) (viết tắt theo tiếng Anh là NATO) của các nước Phương Tây, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã thỏa thuận cùng nhau thành lập Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va (5 – 1955). Đây là một liên minh mang tính chất phòng thủ về quân sự và chính trị xã hội của các nước này, góp phần to lớn trong việc duy trì hòa bình, an ninh của châu Âu thế giới. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP Hãy nêu những cơ sở hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa. Hãy trình bày mục đích ra đời và những thành tích của Hội đồng tương trợ kinh tế trong những năm 1951 – 1973.
Tài liệu đính kèm: