ĐỀ THỬ TUYỂN SINH 10 MÔN: VĂN Thời gian làm bài: 120 PHÚT Câu 1: (3 điểm): Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới Cây trứng cá trước sân nhà đã hết mùa, chim chóc ít đến. Sâu đo xanh đo thoăn thoắt trên những đầu lá trắng li ti màu phấn mốc. Một hai cơn gió to uốn quằn những cành lá thấp là đà, sâu đo níu những sợi tơ, buông mình rơi xuống đất, bò lểnh nghểnh. Đứng gió, cây trứng cá yên lặng, buồn hiu. Mấy hôm nay có con chim cánh vàng như nghệ, mỏ đỏ như son, ngày nào cũng sà cánh đáp xuống đây. Hai chân nó quấn chặt vào cành, thòng mình xuống, nghểnh cổ lên, đưa mỏ đỏ gắp lấy sâu. Ăn no, nó rũ cánh rỉa lông. Nó nhảy nhót, hót líu lo. (Trích Con chim vàng – Nguyễn Quang Sáng) a. Xác định một phép liên kết trong đoạn trích. (0,5 điểm) b. Xác định phương thức biểu đạt và đặt một nhan đề cho đoạn trích trên? (0,5 điểm) c. Hãy tìm hai biện pháp tu từ trong đoạn văn trên và nêu ý nghĩa của từng biện pháp? (1 điểm) d. Viết đoạn văn 5-7 dòng để nối tiếp nội dung đoạn trích trên? (1 điểm) Câu 2: (3 điểm): Trong cuộc sống, sẽ có rất nhiều lần chúng ta nhận được sự giúp đỡ của người khác. Và cũng sẽ có những lần chúng ta mắc lỗi hay phạm phải một sai lầm nào đó. Lời cám ơn và xin lỗi được nói ra đúng nơi, đúng lúc là một trong những cách kết nối mọi người trong mối quan hệ giao tiếp thân ái. Viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên. Câu 3: (4 điểm): Trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, nhà văn miêu tả tâm trạng ông Hai khi nghe làng Chợ Dầu theo giặc qua đoạn văn sau: “Cả làng chúng nó Việt gian theo Tây” cái câu nói của người đàn bà tản cư hôm trước lại dội lên trong tâm trí ông. Hay là quay về làng ? Vừa chớm nghĩ như vậy, lập tức ông lão phản đối ngay. Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức là bỏ kháng chiến. Bỏ Cụ Hồ Nước mắt ông giàn ra, về làng tức là chịu quay lại làm nô lệ cho thằng Tây. ông lão nghĩ đến mấy thằng kỳ lý chuyên môn khua khoét như thế lại ra vào hống hách ở trong cái đình. Và cái đình lại như của riêng chúng nó, lại thâm nghiêm ghê gớm, chứa toàn những sự ức hiếp, đè nén. Ngày ngày chúng dong ra, dong vào, đánh tổ tôm mà bàn tư việc làng với nhau ở trong ấy. Những hạng khố rách áo ôm như ông có đi qua cũng chỉ dám liếc trộm vào, rồi cắm đầu xuống mà lủi đi. Anh nào ho he, hóc hách một tí thì chúng nó tìm hết cách để hại, cất phần ruộng, truất ngôi, trừ ngoại, tống ra khỏi làng Ông Hai nghĩ rợn cả người. Cả cuộc đời đen tối, lầm than cũ nổi lên trong ý nghĩ ông. Ông không thể về cái làng ấy được nữa. Về bây giờ ra ông chịu mất hết à? Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù. Ông lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ hỏi: -Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai? -Là con thầy mấy lỵ con u. -Thế nhà con ở đâu? -Nhà ta ở làng chợ Dầu. -Thế con có thích về làng chợ Dầu không? Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ: -Có. Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu lại hỏi: -À thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai? Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt: -Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm! Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ: -Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ. Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lão lại thủ thỉ với con như vậy. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai. Mỗi lần nói ra được vài câu như vậy nỗi khổ trong lòng ông cũng vơi đi được vài phần.” (Trích Làng – Kim Lân) Hãy phân tích tâm trạng nhân vật ông Hai trong đoạn văn trên, từ đó nhận xét về vẻ đẹp tân hồn con người Việt nam trong kháng chiến chống Pháp.
Tài liệu đính kèm: