MÃ KÍ HIỆU .................................. ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Năm học: 2015 - 2016 MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút (Đề thi gồm 7 câu trắc nghiệm, 2 câu tự luận, 2 trang) I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3 điểm): Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi (từ câu 1 đến câu 7). “Bên kia những hàng cây bằng lăng, tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông Hồng, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gan gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non-những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ. Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến-cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình. ” ( Trích Bến quê của Nguyễn Minh Châu, Ngữ văn 9, tập 2, trang 101) Câu 1: (0,25 điểm). Bến quê cùng thể loại với tác phẩm nào sau đây? A. Chiếc lược ngà B. Làng C. Lặng lẽ Sa Pa D. Hoàng Lê nhất thống chí E. Chuyện người con gái Nam Xương Câu 2: (0,25 điểm). Nối cột A với cột B cho phù hợp: A (Tác phẩm) B ( Giai đoạn sáng tác) 1. Những ngôi sao xa xôi 2. Làng 3. Lặng lẽ Sa Pa 4. Chiếc lược ngà 5. Bến quê A. Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1945-1954) B. Giai đoạn hòa bình ở miền Bắc sau cuộc kháng chiến chống Pháp (1954-1964) C. Giai đoạn kháng chiến chống Mĩ (1964-1975) D. Giai đoạn từ sau năm 1975 Câu 3: (0,25 điểm). Đoạn văn trên có sử dụng biện pháp tu từ so sánh. A. Đúng B. Sai Câu 4: (0,25 điểm). Phần gạch chân trong câu văn: “ Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến-cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình. ” là thành phần . Câu 5: (0,5 điểm). Nêu nội dung chính của câu văn trên ? Câu 6 (0,5 điểm): Hãy giải thích ý nghĩa nhan đề tác phẩm: “ Bến quê” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Câu 7: (1 điểm). Bài học cuộc sống từ văn bản “ Bến quê”. II. PHẦN LÀM VĂN: (7 điểm). Câu 1: (3 điểm). Cảm nhận của em về đoạn thơ sau: “ Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm Nhóm bếp lửa ấp ưu nồng đượm Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa! ( Trích Bếp lửa của Bằng Việt, Ngữ văn 9, tập 1, trang 144) Câu 2: (4 điểm): Cảm nhận về một vẻ đẹp của nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê. __________________________Hết____________________________ MÃ KÍ HIỆU .................................. ĐÁP ÁN ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Năm học: 2015 - 2016 MÔN : NGỮ VĂN (Hướng dẫn chấm gồm 8 trang) I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3 điểm). Câu 1: (0,25 điểm). Mức độ tối đa: HS chọn đáp án A,B,C Mức độ chưa tối đa: HS chọn đáp án A hoặc B hoặc C Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. Câu 2 :(0,25 điểm). Mức độ tối đa: HS nối 1,3,4 – C; 2-A; 5-D Mức độ chưa tối đa: HS nối được một đáp án đúng trở lên. Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. Câu 3: (0,25 điểm). Mức độ tối đa: HS chọn đáp án A Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. Câu 4 :(0,25 điểm). Mức độ tối đa: HS chọn đáp án: Thành phần phụ chú. Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. Câu 5 :(0,5 điểm). Mức độ tối đa: HS chọn đáp án: Chiêm nghiệm của Nhĩ về một nghịch lí của chính cuộc đời anh. Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. Câu 6: (0,5 điểm) Mức độ chưa tối đa: HS chọn đáp án: Nhà văn đặt tên cho đứa con tinh thần của mình là Bến quê, vừa có ý nghĩa cụ thể vừa có ý nghĩa biểu tượng. Nói đến Bên quê người ta nói đến bến-thuyền, nơi neo đậu, đi về của những con thuyền, con đò, đồng thời cũng khiến người ta liên tưởng đến cái bễn đỗ, bến đợi của đời người, đó chính là gia đình, quê hương, dù có đi bốn phương trời cũng không thể quên quê hương, cội nguồn. Nhĩ- nhân vật chính- từng đi khắp mọi nơi trên trái đất nhưng cuối đời mắc trọng bệnh, anh vẫn phải trở về bến quê- bến đỗ cuối cùng của đời người. Lúc đó anh mới nhận ra những giá trị đích thực của bến quê: gia đình, vợ con, cảnh đẹp quê hương, tình làng nghĩa xóm- những cái thật gần gũi, bình thường, giản dị mà bền vững, cao quý biết bao! Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. Câu 7: (1 điểm). Mức độ tối đa: HS chọn đáp án : Truyện ngắn “Bến quê” khép lại để cho người đọc cảm thấy ngậm ngùi cho cuộc đời một con người. Nhưng bài học triết lý sâu xa của truyện còn âm ỉ mãi. Trong cuộc sống có bao lần ta mắc phải cái “vòng vèo”, “chùng chình” của đường đời, hãy sống sao cho thật có ích, phải biết phát hiện và trân trọng những giá trị gần gũi, bình dị quanh ta của gia đình, quê hương bởi lẽ dù cho ta có đi đến nơi nào thì quê hương vẫn là điểm dừng chân cuối cùng của cuộc đời mỗi con người. Tình yêu quê hương sẽ là nguồn sinh lực thúc đẩy mỗi chúng ta hướng tới những ước mơ, khát vọng đích thực trong hương thơm lộng gió của cuộc đời.“Bến quê”- mãi là nơi neo đậu cuối cùng của tâm hồn của mỗi con người. Cuộc sống không đợi chờ, mỗi con người cần biết ý thức về chính mình, nắm lấy hạnh phúc, không để vụt khỏi tầm tay những gì đáng quý nhất. Mức độ chưa tối đa: Hãy biết phát hiện và trân trọng những cái đẹp giản dị, gần gũi quanh ta của gia đình, quê hương. Cuộc sống không đợi chờ, mỗi con người cần biết ý thức về chính mình, nắm lấy hạnh phúc, không để vụt khỏi tầm tay những gì đáng quý nhất. Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. II. PHẦN TẠO LẬP VĂN BẢN: (7 điểm). Câu 1: ( 3 điểm). Mức độ tối đa: -Về phương diện nội dung: + Đúng kiểu bài nghị luận văn học: Nghị luận về một đoạn thơ, khổ thơ. + Bài viết phải làm nổi bật được nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, hiểu được những suy nghĩ sâu sắc của tác giả về người bà, về bếp lửa. Cụ thể: a.Mở bài (0,5 điểm) - Giới thiệu tác giả Bằng Việt - Giới thiệu tác phẩm Bếp lửa và nêu vị trí của của đoạn thơ - Bước đầu nêu nhận xét, cảm nhận chung về đoạn thơ - Trích thơ “ Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm Nhóm bếp lửa ấp ưu nồng đượm Nhóm niểm yêu thương khoai sắn ngọt bùi Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa!”. b.Thân bài (4 điểm): Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nội dung, nghệ thuật, của đoạn thơ. 1. Khái quát chung: Về tác phẩm và đoạn trích. (0,5 điểm) 2. Suy ngẫm của người cháu về bà, cuộc đời bà: (0,5 điểm) - Thơ chống Mĩ thường giàu suy tư, tác giả khẳng định: suốt đời bà không khi nào khác được, luôn vất vả tảo tần: “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”. Đức hi sinh, tấm lòng yêu thương chia sẻ của bà, suốt cuộc đời bà luôn chăm chút cho cháu cả về vật chất và tinh thần, để từ đó cháu lớn lên. Tác giả thương bà thật thấm thía, chân thànhHình ảnh mưa nắng trở đi trở lại, bao xót xa, bà vất vả vì bà luôn giữ thói quen nhóm lửa, vì bà luôn ấp iu yêu thương bằng tất cả sự nồng đượm của tấm lòng. Thì ra giặc giã đói kém, nắng mưa làm bà lận đận đã đành, nhưng thương con, thương cháu mà bà tự nguyện lận đận trọn kiếp người. - Bà không chỉ là người giữ bếp, giữ lửa, mà còn là người nhóm bếp, nhóm lửa: “ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi Nhóm nồi xôi gạo mới xẻ chung vui Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”. Hình ảnh bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa, ngọn lửa, bằng các cụm từ chỉ thời gian: “đời bà, mấy chục năm”, từ láy tượng hình “lận đận”- hình ảnh ẩn dụ “nắng mủa”, đã cho thấy bà là người nhóm lủa, cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ấm nóng và tỏa sáng trong gia đình. - Hình ảnh bà ôm trùm cả đoạn thơ. Điệp từ “nhóm”, được lặp lại bốn lần trong bốn câu thơ có điểm chung là cùng gắn với hành động nhóm bếp, nhóm lửa của bà nhưng lại khác nhau ở nhiều tầng ý nghĩa phong phú và gợi nhiều liên tưởng. Nhóm bếp lủa là nhóm cái bếp có thật: ngọn lủa, ánh sáng, hơi ấm là có thật. Khi thì nhóm bếp lửa ấp iu, nồng đượm để sưởi ấm cho cháu qua cái lạnh của sương sớm, khi thì luộc khoai, luộc sắn cho cháu ăn đỡ đói lòng. Đến câu thơ thứ tư thì hoàn toàn mang ý nghĩa trìu tượng “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”. Tâm hồn và khát vọng tuổi thơ đã sáng bừng lên từ ngọn lửa do bà “nhóm” suốt mấy chục năm trời. và kì diệu thay, bằng bếp lửa của bà đã nhóm dậy, khơi dậy, giáo dục, thức tỉnh tâm hồn đứa cháu nhỏ: “ Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ” Bằng hành động nhóm lủa, chính bà đã nhóm dậy những gì cao quý, thiêng liêng nhất của một con người. Bà nhóm bếp lủa mỗi sớm mai là nhóm lên niềm yêu thương, niềm vui sưởi ấm, san sẻ. Đứa cháu năm xưa giờ đã lớn khôn, được chắp cánh bay xa, ngọn lủa ấy đã trở thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tin thiêng liêng kì diệu nâng bước người cháu trên suốt chặn đường đời. Người cháu yêu bà, nhờ hiểu bà, mà hiểu thêm về dân tộc mình, nhân dân mình. Giọng thơ trìu mến thân thương trĩu nặng cảm xúc, thể hiện những xúc động của nhà thơ trước tình cảm và sự hi sinh vô giá của bà. 3. Suy nghĩ của người cháu về bếp lửa, ngọn lửa - Hình ảnh bếp lửa từ ý nghĩa tả thực, đã được tác giả cất giữ trong tâm hồn như một biểu tượng: hơi ấm, tình thương, sự che chở, nơi quần tụ, nơi dẫn dắt, niềm tin bà dành cho cháu giản dị mà thiêng liêng. Chính từ đó mà theo mạch suy ngẫm, nhà thơ đi lên khái quát rất tự nhiên và hợp lí: “ Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa”! - Đúng vậy, vì bếp lửa thật giản dị, bình thường và phổ biến trong mọi gia đình Việt Nam, nhưng bếp lửa cũng thật cao quý, kì diệu và thiêng liêng, vì nó luôn gắn liền với bà-bếp lửa là tình bà ấm nóng, bếp lửa là bàn tay bà chăm chút, bếp lửa gắn với những khó khăn gian khổ đời bà. Bếp lửa vốn thân thuộc là thế bỗng trở nên kì lạ, bởi ngọn lửa bà nhóm lên mỗi sớm, mỗi chiều không chỉ bằng nhiên liệu bên ngoài mà được nhen lên bằng chính ngọn lửa của lòng bà, ngọn lửa của sức sống, niềm tin, của tình yêu và niềm hy vọng. Ngọn lửa ấy cháy sáng trong mọi hoàn cảnh. Với người cháu bà là người nhóm lửa, giữ lửa, lại là người truyền lửa, người tạo nên tuổi thơ của cháu. Bếp lủa trở thành một mảnh tâm hồn, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người cháu. Vì thế trong cảm xúc của anh, hình ảnh bếp lửa ngang bằng với điều kì lạ và thiêng liêng. Vì vậy nhà thơ đã cảm nhận được trong hình ảnh bếp lửa giản dị mà thân thuộc sự kì diệu thiêng liêng có sức tỏa sáng, nâng đỡ tâm hồn cháu suốt cuộc đời. Bằng các từ ngữ có giá trị biểu cảm như “ ôi, kì lạ, thiêng liêng” cấu trúc thơ rất đặc biệt, từ bếp lửa được tách riêng thành một vế, chốt lại ý cho cả đoạn. 4. Đánh giá thành công về nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ. Liên hệ (0,5 điểm) Từ hình ảnh bếp lửa, bài thơ gợi lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và tình bà cháu, đồng thời thể hiện lòng kính yêu trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước. Khổ thơ nói riêng và bài thơ nói chung chứa đụng ý nghĩa triết lý thầm kín: Bếp lửa là gia đình, là chiếc nôi tinh thần giúp con người lớn lên cả thể xác và tâm hồn; Lòng yêu thương biết ơn đối với bà chính là những biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương, là khởi đầu của tình yêu con người và tình yêu đất nước. Bài thơ kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu cảm và miêu tả, tự sự và bình luận. Giọng điệu và thể thơ tám chữ phù hợp với cảm xúc, hồi tưởng và suy ngẫm của tác giả về tình bà cháu, về ý nghĩa của ngọn lửa. Thành công của bài thơ còn ở sự sáng tạo hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà, làm điểm tựa khơi gợi mọi kỉ niệm. Cảm xúc và suy nghĩ về bà và tình bà cháu. c. Kết bài (0,5 điểm) - Khẳng định những đóng góp của nhà thơ Bằng Việt trong bài thơ ‘ Bếp lửa nói chung và đoạn thơ nói riêng. - Những cảm xúc suy nghĩ của bản thân. - Về phương diện hình thức: Bài văn ngắn, không mắc lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, đặt câu. - Mức độ chưa tối đa: HS cảm nhận được những suy ngấm của người cháu về bà; về bếp lửa ngọn lửa. - Mức độ không đạt: HS không làm bài hoặc làm lạc đề. Câu 2 (4 điểm): Mức độ tối đa: - Về phương diện nội dung: + Đúng kiểu bài nghị luận văn học: Nghị luận về nhân vật trong một tác phẩm truyện hoặc đoạn trích. + Bài viết phải làm nổi bật được vẻ đẹp của ba cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn: “Những ngôi sao xa xôi” của tác giả Lê Minh Khuê. Cụ thể: a.Mở bài (0,5 điểm) - Giới thiệu tác giả Lê Minh Khuê - Giới thiệu tác phẩm “ Những ngôi sao xa xôi” - Bước đầu nêu nhận xét, cảm nhận chung về vẻ đẹp của ba cô gái thanh niên xung phong . b.Thân bài (3,0 điểm): Lần lượt trình bày những suy nghĩ, đánh giá về nhân vật Phương Định Khái quát chung( 0, 5 điểm) Truyện viết về đề tài chiến tranh tất nhiên là nói về bom đạn, chiến đấu, hi sinh, gian khổ nhưng những giây phút bình yên là nơi trú chân cho những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật, làm nên vẻ đẹp tâm hồn của con người, nhất là người phụ nữ trong chiến tranh. Truyện “Những ngôi sao xa xôi”, nổi bật lên ba gương mặt nữ thanh niên xung phong trong tổ trinh sát mặt đường. Trong đó tiêu biểu là nhân vật Phương Định. 2.Vẻ đẹpcủa nhân vật Phương Định (2,0 điểm) a.Hoàn cảng sống và chiến đấu (0,5 điểm) + Hoàn cảnh sống và chiến đấu nơi tuyến lửa đã gắn bó họ thành một khối: Nho- Thao- Phương Định, làm thành một tổ trinh sát mặt đường. Họ phải đóng quân trong một cái hang đá mát lạnh dưới chân cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn- nơi tập trung nhiều bom đạn của kẻ thù. Chung quanh cao điểm là cảnh tàn pha scuar chiến tranh: đường bị lở loét, cây cối bị cháy không còn màu xanh, máy bay, bom rít, bom nổ: “Đất dưới chân chúng tôi cứ rung, mấy cái khăn mặt vắt ở đây cũng rung. Tất cả cứ như lên cơn sốt. Khói lên và cửa hang bị che lấp, không thấy mây và bầu trời đâu nữa”. + Hoàn cảnh chiến đấu: Công việc của chị và đồng đội đặc biệt nguy hiểm, mạo hiểm với cái chết ; Hàng ngày họ thay nhau đứng trên cao điểm, đếm bom rơi rồi lao ra trọng điểm sau mỗi trận bom để đo khối lượng đất, đá phải san lấp, đánh dấu và nếu cần thì phá những quả bom chưa nổ để bảo vệ con đường cho những đoàn xe băng về phía trước, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam. Mỗi ngày ba cô gái trong tổ trinh sát phá bom mặt đường phải lấp hơn nghìn mét khối đất. Có ngày phá bom đến 5 lần, ngày nào ít ba lần. + Đánh giá: Công việc của các chị thật là vinh quang nhưng cũng đầy hi sinh, gian khổ. Nhưng chính trong hoàn cảnh gian khổ, nguy hiểm, ác liệt này đã làm ngời sáng lên những phẩm chất đáng quý của những chiến sĩ thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn. b.Học sinh cảm nhận một trong những nét đẹp của nhân vật Phương Định (2,0 điểm) - Trước hết đó là vẻ đẹp của một con người có lí tưởng cao đẹp: Phương Định vốn là một nữ sinh Hà Nội. Cô tự nguyện xa gia đình, xa mái trường vào chiến trường, trở thành cô thanh niên xung phong, khát khao làm nên những sự tích anh hùng. Với cô, những người đẹp nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ. Vì lí tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Phương Định và biết bao nam nữ thanh niên xung phong khác đã đến nơi gian khổ ác liệt nhất vào những năm tháng tuổi xuân của cuộc đời. - Có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ, gan da, dũng cảm, lạc quan: + Phương Định là một người chiến sĩ có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ. chạy trên cao điểm bị bom đạn cày nát, còn ẩn dấu những quả bom chưa nổ, cũng có nghĩa là nó nổ bất cứ lúc nào, chị phải đối mặt với thần chết, nhưng chị vẫn bình thản thậm chí còn thấy thú vị, sẵn sàng ra trận ngay cả khi còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi, không ỷ lại đơn vị dù có khó khăn. + Gan dạ, dũng cảm là nét nổi bật trong phẩm chất của Phương Định. Điều này thể hiện rõ nhất trong những lần phá bom. Phương Định có diễn biến tâm lí tinh tế, dũng cảm khi phá bom. Tư thế đàng hoàng, thái độ bình tĩnh, thao tác thành thạo khi phá bom. Cô có nghĩ đến cái chết nhưng đó là “ một cái chết mờ nhạt, không cụ thể; còn ý nghĩ cháy bỏng là “liệu mìn có nổ, bom có nổ không, không thì làm thế nào để châm mìn lần thứ hai”. Mục đích hoàn thành nhiệm vụ luôn đặt lên trên hết. Một mình phá quả bom trên đồi. quang cảnh vắng lặng đến phát sợ, nhưng vẫn phải phá bom, đó là tình huống rất thực. Đáng lẽ cô phải đi khom, nhưng sợ mấy anh chiến sĩ có cái ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt, nhìn thấy và lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn. cô cứ đàng hoàng mà bước tới. Khi ở bên quả bom cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, từng cảm giác của Phương Định cũng có thể trở nên sắc nhọn hơn. Cô bình tĩnh trong các thao tác chạy đua với thời gian, để vượt qua cái chết: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. khiến cô rùng mình và bỗng thấy tại sao mình làm quá chậm. nhanh một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành’. Nhưng không bỏ qua công việc mà bình tĩnh: “cẩn thận bỏ gói mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi, bình tĩnh cảm nhận được dây mìn dài, cong mềm, rồi khỏa đất, chạy lại chỗ ẩn nấp, chờ quả bom nổ Những cảm giác tinh tế trên đây không chỉ là sự nhạy cảm vốn có mà còn là sự tích lũy kinh nghiệm sau nhiều lần phá bom ở truyến lửa.. + Thường xuyên đối mặt với nguy hiểm và cái chết nhưng ở người chiến sĩ ấy không hề mất đi niềm lạc quan. Cô kể về những chuyện sống chết bằng một giọng điệu tĩnh nhẹ như không: “ Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến 5 lần”, thậm chí hài hước: “ thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom và vẫn giữ nụ cười! cười thì hàm răng lóa lên trên khuôn mặt nhem nhuốc - Ở cô có một tâm hồn giàu yêu thương, lạc quan, yêu đời, có đồng chí đồng đội, gắn bó sâu sắc, thân thiết, nồng ấm. Thuộc tính nết của từng chị em. Sốt ruột, bồn chồn, lo lắng khi chị Thao và Nho đi trinh sát bom trên cao điểm chưa về: “ Có gì lí thú đâu, nếu các bạn tôi không quay về?” Hết lòng chăm sóc khi Nho bị thương: “ Bế Nho đặt lên đùi mình, rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than, tiêm cho Nho, pha sữa cho nó trong một cái ca sắt”. Cô quan tâm chăm sóc Nho cẩn thận với một niềm xót xa như chị em ruột.Cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những người trong đơn vị, những chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận. Điều đặc biệt ở nhân vật này là sự ý thức cao về bản thân mình, nhưng cao hơn là lòng kính yêu và sự ngưỡng vọng mà cô dành cho các anh bộ đội- những người mặc quân phục có ngôi sao trên mũ. Trong mắt phương Định đó là những người đẹp nhất thông minh nhất- như sự hiện thân của “Những ngôi sao xa xôi- hình ảnh ý nghĩa về vẻ đẹp của những cuộc đời: giản dị mà cao quý, đời thường mà lí tưởng. - Cô có tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, hồn nhiên, giàu mơ mộng. - Tuy nhiên cá tính và điệu tâm hồn của phương Định có khác các bạn cô. Cô là một nhân vật thú vị, cô có tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, giàu mơ mộng, hay suy tư, nhạy cảm, dễ xúc động. + Mơ mộng suy tư: Phương Định là một cô gái Hà Nội đầy nữ tính với ý thức về bản thân rõ ràng, với điệu cảm, điệu nghĩ độc đáo, cá tính: Chị vừa qua tuổi học trò hồn nhiên vô tư. Giữa bom đạn chết chóc, cô thường sống với những kỉ niệm nơi thành phố quê hương mình. Phương Định có một thời học sinh rất hồn nhiên, sống vô tư bên mẹ, cô có một căn phòng nhỏ gác 2 ở một góc phố yên tĩnh và thanh bình tại Hà nội. Và giờ đây trong những ngày căng thẳng ở chiến trường, cuộc sống đó đã trở thành kỉ niệm của cô. Những kỉ niệm đó vửa thể hiện khát khao cuộc sống nơi quê hương, vừa là liêu thuốc tinh thần động viên Phương Định nơi tuyến lủa khốc liệt. Sống nơi chiến trường đã 3 năm, luôn kề bên cái chết nhưng cô vẫn thể hiện sự hồn nhiên trong sáng, ngây thơ, mơ mộng. + Trong sáng, hồn nhiên: Đặc biệt nhân vật này có ý thức cao về bản thân mình, chị hay hát, hay cười, hay ngắm mình trong gương, thích ngồi bó gối mơ màng, chị tự đánh giá mình là một cô gái khá: “nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn, đôi mắt dài màu nâu, hay nheo lại như chói nắng, cái nhìn xa xăm. Cô thích ngắm mình trong gương. Cô thường không hay biểu lộ tình cảm của mình, tỏ ra kín đáo giữa đám đông, tưởng như là kiêu kìCô được các anh lính lái xe nhận xét: Có cái nhìn sao mà xa xăm”. + Nhạy cảm: Chị có cái điệu của một cô gái Hà Nội, hồn nhiên , trong sáng, nhạy cảm thật đáng yêu. Nó vừa làm đẹp, làm dịu khói lủa chiến tranh, đặc biệt Phương Định rất nhạy cảm, luôn quan tâm đến hình thức của mình. Cô biết mình được nhiều người , nhất là các anh lính trẻ để ý và có thiện cảm. nhưng cô lại không hay biểu lộ tình cảm của mình và tỏ ra kín đáo giữa đám đông. + Mê hát:Phương Định là một cô gái mơ mộng, nhạy cảm và mê hát, thậm chí “cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát + Tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn, giàu tình cảm, gắn bó tha thiết với mẹ, gia đình, quê hương. Thế giới tâm hồn Phương Định thật phong phú với bao hồi ức về tuổi thơ, tuổi hoa niên, những kỉ niệm, những khao khát Chỉ một trận mưa đá bất ngờ đổ xuống, khiến cô vui thích cuống cuồng. Chỉ vậy thôi là những kỉ niệm về thành phố quê hương, về gia đình, tuổi thơ lại được thức dậy trong cô. Đoạn hồi tưởng của phương định về tuổi học trò thể hiện tính cách hồn nhiên vô tư pha chút tinh nghịch và mơ mộng của người con gái Hà Nội. Nét hồn nhiên tươi trẻ của cô thanh niên xung phong ấy không thể bị bom đạn khốc liệt vúi nấp. c. Đánh giá và liên hệ (0,5 điểm) - Rõ ràng, ngòi bút của Lê Minh Khuê đã miêu tả tâm lí của nhân vật rất sinh động và rất thực. Một thế giới nội tâm phong phú, đa dạng và rất trong sáng của nhân vật được hiện lên như vốn có. Cái nhìn, cách thể hiện những vẻ đẹp của những con người trên tuyến đầu của Tổ quốc theo khuynh hướng sử thi ấy, chính là vũ khí góp phần động viên toàn dân tham gia kháng chiến. mặc dầu vậy, truyện của tác giả không dập khuôn, đơi giản: ngược lại rất chân thực, hấp dẫn người đọc từ đầu đến cuối. -Truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất, Phương Định là nhân vật chính cũng là người kể chuyện. ngôi kể tạo điều kiện cho tác giả mở ra thế giới nội tâm của nhân vật một cách tự nhiên, một thế giới tâm hồn giàu cảm xúc suy tư, nhiều khao khát, ước vọng. giọng điệu giàu chất nữ tính, lắng đọng nội tâm. Điều đó làm nên độ sâu cho tác phẩm. Nhờ thế, vẻ đẹp của thế hệ trẻ. thời đại chống Mĩ được miêu tả một cách sinh động và hấp dẫn. - Ngôn ngữ trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện tạo cho truyện có giọng tự nhiên, thoải mái, trẻ trung, có chất nữ tính: lời kể thường dùng những câu ngắn, nhịp nhanh, tạo được không khí khẩn trương nơi chiến trường. ở những đoạn hồi tưởng, nhịp kể chậm lại gợi nhớ những kỉ niệm thời niên thiếu hồn nhiên, nhạy cảm của một cô gái học sinh thành phố thích mơ mộng. - Có liên hệ với một số tác phẩm như: “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính”( Phạm Tiến Duật).”Khoảng trời hố bom” (Lâm Thị Mĩ Dạ). Vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam những năm chống Mĩ và Đó cũng chính là vẻ đẹp của văn học thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. d. Kết bài (0,5 điểm) - Khẳng định những thành công của nữ nhà văn Lê Minh Khuê và vẻ đẹp của ba cô gái thanh niên xung phong . - Những cảm xúc suy nghĩ của bản thân: hình ảnh của Phương Định và các cô gái thanh niên xung phong trong truyện, tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm tháng hào hùng của đất nước: ra trận đánh Mĩ với khí thế: “ Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ- Mà lòng phơi phới dậy tương lai. - Về phương diện hình thức: Bài văn ngắn, không mắc lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, đặt câu. - Mức độ chưa tối đa: HS cảm nhận được vẻ đẹp chung của ba cô gái thanh niên xung phong. - Mức độ không đạt: HS không làm bài hoặc làm lạc đề. PHẦN KÍ XÁC NHẬN TÊN FILE ĐỀ THI: ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN. MÃ ĐỀ THI: TỔNG SỐ TRANG ( ĐỀ THI,HƯỚNG DẪN CHẤM VÀ KÍ XÁC NHẬN ) LÀ 10 TRANG
Tài liệu đính kèm: