Đề thi thử đại học lớp 12, khối C - D thời gian làm bài: 180 phút

docx 9 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 3368Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thử đại học lớp 12, khối C - D thời gian làm bài: 180 phút", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi thử đại học lớp 12, khối C - D thời gian làm bài: 180 phút
TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN QUANG TRUNG- BÌNH PHƯỚC
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC LỚP 12, KHỐI C-D
THỜI GIAN LÀM BÀI: 180 PHÚT
I.Phần đọc hiểu (3đ):
 Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ câu 1-4:
Có lẽ cụm từ “người lớn” là cả sự ước ao của chúng ta khi còn là một đứa trẻ con. Chúng ta mong mỏi, chờ đợi được lớn lên từng ngày, từng giờ để chạm vào thế giới của người lớn, lúc đó thật hấp dẫn biết bao
Để rồi khi thời gian dần trôi, chúng ta lớn lên và nhận ra một điều rằng, thế giới ấy không hào nhoáng như tưởng tượng. Chúng ta phải đối mặt với những  thứ mà trước giờ không hề trải qua, học nhiều bài học quý báu và đôi khi phải trả giá đắt cho điều ấy.
Khi người ta lớn, họ sẽ trải nghiệm sự thất bại, vì nó không loại trừ một ai cả. Có những cú vấp ngã đầu đời chúng ta có thể dễ dàng vượt qua. Nhưng cũng có những cú ngã có thể đánh gục bất kỳ người nào. Sẽ có nhiều cách để chọn lựa. Có kẻ buông xuôi, nhưng cũng có người vượt qua nó. Đừng xem thất bại là kẻ thù, hãy xem nó như người thầy, vì đó là cái giá cho những bài học kinh nghiệm mà không phải ai cũng có được. Nhờ nó, ta trưởng thành hơn, khôn ngoan hơn để có thể tránh những sai lầm tương tự, và biết không điều gì có thể đạt được dễ dàng nêu không cố gắng hết mình.
Khi bé, những ước mơ rực rỡ sắc màu với siêu nhân và công chúa. Lớn lên, cơn gió của thực tế đã thổi bay những điều thần tiên ấy. Thay vào đó, chúng ta hiểu ra sự khác nhau giữa “Muốn” và “Cần”. Rồi thì ước mơ, đam mê thuở bé dần nhạt nhòa, nhường chỗ cho giá trị của vật chất. Nhưng người ta không hiểu được rằng, đánh mất đam mê  cũng đã đánh mất chính mình mất rồi
Khi lớn, chúng ta sẽ nhận ra sự khắc nghiệt của cuộc đời với những nỗi đau mất mát, với cái thiện không phải lúc nào cũng chiến thắng, với tình cảm trao đi mà không được nhận lại để biết rằng cuộc sống không hề dễ dàng. 
Khi người ta lớn, cuộc sống bắt đầu thực dụng hơn. Ai luôn muốn phần lợi cho mình nhiều hơn. Người ta chú ý đến những thứ lớn lao, và đôi khi họ quên mất rằng những điều thực sự có giá trị luôn ở cạnh bên. Người ta lao vào cuộc sống vội vã để cạnh tranh nhau mà quên mất cảm nhận mọi thứ xung quanh. Cuộc đời không phải một đường chạy, mà nó là lộ trình bạn phải thưởng thức thật chậm mới khám phá được những điều tốt đẹp.
Người lớn khác trẻ con ở chỗ, mọi thứ người lớn nghĩ đều có vẻ phức tạp, rồi lại than phiền về chính những hành động phức tạp của mình. Người ta quên mất cách suy nghĩ của trẻ con, quên mất ngày xưa mình đã nhìn cuộc sống tươi đẹp như thế nào, quên mất cách hài lòng với cuộc sống của mình.
 (Theo Ginnie Trần)
Đặt nhan đề cho văn bản trên? (0,25đ)
Thao tác lập luận chính của văn bản là gì?(0,25đ)
Chỉ ra sự khác nhau giữa người lớn và trẻ con mà tác giả đề cập trong bài viết? (0,5đ)
Theo anh/ chị sự khác nhau giữa “Muốn” và “Cần” là gì? (Trình bày thành đoạn văn ngắn 7-10 dòng). (0,5đ)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ câu 5-8:
Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội 
Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao 
Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng 
Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông 
Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la 
Và sao không là phù sa rót mỡ màu cho hoa 
Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa 
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư 
Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông 
Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung 
Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc 
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư.
 (Khát Vọng - Phạm Minh Tuấn)
Cho biết nội dung chính của bài thơ trên? (0,25đ)
Chỉ ra tác dụng của các phép điệp “hãy sống như”; “và sao không” (0,5đ)
Bài thơ có rất nhiều hình ảnh so sánh, hãy chỉ ra nét chung của các hình ảnh ấy? (0,25đ)
Anh/ chị muốn được sống như hình ảnh nào trong bài thơ. Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 8-10 dòng) bày tỏ ý kiến của bản thân (0,5đ).
II. Phần tạo lập văn bản:
Câu 1. (3đ): 
Trả lời kênh truyền hình VTC14 sáng ngày 25/4 về việc dải bờ biển chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có cá biển chết hàng loạt, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, ở tầng sâu, trọng lượng tới 35-50 kg, ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh cho rằng: “Được cái nọ thì phải mất cái kia”.
 Ông giám đốc đối ngoại cũng không ngần ngại, nói thẳng toẹt ra rằng: “Nhiều khi không được cả hai thì phải lựa chọn. Muốn bắt cá tôm hay muốn xây một nhà máy thép hiện đại?”.
 Và ông còn khẳng định chắc chắn: “Không thể có chuyện vừa có nhà máy thép mà biển nơi đây vẫn nhiều tôm cá”.
Là một người Việt trẻ, anh/chị có suy nghĩ gì về ý kiến trên? Nếu chọn, anh/chị chọn cá, tôm hay chọn gang, thép? Hãy bày tỏ suy nghĩ và sự lựa chọn của bản thân bằng một bài văn nghị luận 600 chữ
Câu 2 (4đ):
 Nhận xét về chi tiết nắm lá ngón trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, có ý kiến cho rằng: “Xuất sắc chấm màu xanh lá ngón vào bức tranh xô bồ của thời cuộc, Tô Hoài đã đưa “lá ngón” từ chỗ độc dược ngàn đời của núi rừng, là cái chết từ thiên nhiên, nay bỗng nhiên lại là sự giải thoát, sự trở lại của ý thức sống ở một tâm hồn tưởng chừng như đã “chết đi trong cõi sống”. 
Anh/ chị hãy phân tích ý nghĩa hình ảnh lá ngón trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ để làm rõ ý kiến trên.
HẾT
HƯỚNG DẪN CHẤM THI THỬ ĐẠI HỌC MÔN VĂN, LỚP 12
I.Phần đọc hiểu (3đ):
 Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ câu 1-4:
Đặt nhan đề cho văn bản trên? Cho 0,25đ khi :Học sinh có thể đặt nhiều nhan đề khác nhau nhưng cần phù hợp với nội dung văn bản, nhan đề cần ngắn gọn và độc đáo (nhan đề của người viết đặt là: Khi người ta lớn)
Thao tác lập luận chính của văn bản là so sánh (0,25đ)
Chỉ ra sự khác nhau giữa người lớn và trẻ con mà tác giả đề cập trong bài viết? HS có thể diễn đạt khác nhưng cần thể hiện hai ý sau, mỗi ý 0,25đ:
Trẻ con nhìn thế giới đẹp như cổ tích, lấp lánh sắc màu, nhìn mọi thứ đều tốt đẹp, đều đơn giản, có nhiều mơ ước, có nhiều đam mê.
Người lớn: thế giới của người lớn phức tạp hơn, khó khăn, nghiệt ngã, mất mát, thực dụng hơn và cũng đánh mất nhiều thứ tươi đẹp của cuộc sống.
Theo anh/ chị sự khác nhau giữa “Muốn” và “Cần” là gì? (Trình bày thành đoạn văn ngắn 7-10 dòng). (0,5đ)
 HS có thể diễn đạt khác nhau song cần thể hiện được ý sau:
+ “Muốn”: là những cái ta yêu thích, đam mê, là lý tưởng, khát vọng mà con người theo đuổi.
+ “Cần”: là cái thực tế trước mắt, thiên nhiều về những giá trị vật chất. 
+ Trong cuộc sống con người nhiều lúc khó dung hòa được điều “muốn” và “cần”. Vì thế mà cũng đánh mất nhiều khát vọng, đam mê của bản thân. 
 Chỉ cho điểm tối đa khi diễn đạt tốt.
Đọc văn bản sau Khát vọng và trả lời câu hỏi từ câu 5-8:
Nội dung chính của bài thơ trên là thể hiện khát vọng sống đẹp: sống với những đam mê lớn lao, sống có ý nghĩa, có ích và mang nhiều yêu thương đến cho cuộc đời. (0,25đ)
Chỉ ra tác dụng của các phép điệp “hãy sống như”; “và sao không” 
 Cho 0,5đ khi HS có thể làm gộp hay tách ra nhưng phải thể hiện được các ý sau:
– Phép điệp “Hãy sống như” có tác dụng như lời thúc giục, yêu cầu, mong muốn đầy khẩn thiết mỗi con người phải biết sống một cuộc sống lớn lao, mạnh mẽ nhiều đam mê, khát vọng.
Phép điệp: ‘Và sao không” có tác dụng như là lời trác móc, lời nhắc nhở con người tại sao lại không biết sống như gió, như mây để cho cuộc đời tốt đẹp hơn.
=> Tuy có những sắc thái khác nhau nhưng hai phép điệp đều chung ý nghĩa mong muốn mỗi con người có những khát vọng sống đẹp, có ý nghĩa để dâng hiến cho đời.
Nét chung của các hình ảnh so sánh trong bài thơ : Đó là những hình ảnh thiên nhiên đẹp, lớn lao và đều mang đến sự sống, niềm vui cho cuộc đời, con người.(0,25đ)
Anh/ chị muốn được sống như hình ảnh nào trong bài thơ. Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 8-10 dòng) bày tỏ ý kiến của bản thân. Cho 0,5đ khi: HS có thể chọn bất kì một hình ảnh nào miễn là có kiến giải hợp lí. Văn viết trôi chảy, tình cảm chân thành, lập luận chặt chẽ.
II. Phần tạo lập văn bản:
Câu 1. (3đ): 
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể: 
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,25 điểm): 
- Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. 
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): Thực trạng cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung qua phát ngôn sai trái, đáng lên án, phê phán của vị lãnh đạo công ty Formosa. 
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
- Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung. 
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. 
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,75 điểm): 
* Ý1. Giải thích (0,25đ)
- “Được cái nọ” tức là được nhà máy sản xuất gang thép hiện đại, được một nền kinh tế công nghiệp phát triển.
- “mất cái kia” là mất cá tôm, mất tài nguyên của biển, mất điều kiện sống cho tự nhiên, cho con người
- “không được cả hai thì phải lựa chọn” nghĩa là chọn cá tôm hay chọn gang thép hiện đại, chọn một môi trường an lành hay chọn một nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chọn cái lâu dài hay chọn cái trước mắt
-> Lời phát biểu của vị giám đốc đối ngoại đã khẳng định một thực trạng đó là chấp nhận công nghiệp sản xuất gang thép là chấp nhận sống chung với ô nhiễm, với nước xả độc hại, với khói bụi chứa nhiều độc tố, chấp nhận mất mát về môi trường sống, về sinh thái biển. Đây là lời phát biểu sai trái, đáng lên án và phê phán, đồng thời cảnh báo hậu quả của cách làm ăn “ăn xổi ở thì” của công ty Formosa.
* Ý2. Bàn luận (1,0đ)
- Tại sao có thể khẳng định lời phát biểu của vị giám đốc đối ngoại của công ty Formosa là sai trái, đáng lên án và phê phán?
+ Thực trạng: dải bờ biển chạy qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế có cá biển chết hàng loạt, trong đó có nhiều loài sống xa bờ, ở tầng sâu, trọng lượng tới 35-50 kg
+ Nguyên nhân: Đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng về nguyên nhân chính dẫn đến việc cá biển chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung nhưng qua phát ngôn của vị lãnh đạo công ty Formosa, ta có thể thấy thông tin quan trọng ẩn sau câu nói ấy là do xả thải chứa chất cực độc của nhà máy sản xuất gang thép xả ra biển.
-> Phát ngôn thể hiện thái độ bàng quan, vô trách nhiệm, thiếu đạo đức kinh doanh, không đúng với chủ trương trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Không thể và không ai có quyền bắt Việt Nam phải chọn một trong hai, đánh đổi kinh tế để hy sinh điều kiện sống. Việt Nam phải chọn cả hai, không được hy sinh cái gì cả.
- Hậu quả của vấn đề là gì?
+ Trước mắt: hàng tấn cá chết, tàu thuyền “úp mặt”, chợ và bữa ăn không có cá biển; quán xá đìu hiu, biển vắng hoe dù là đang mùa du lịch... là tình cảnh chưa từng thấy ở các vùng biển miền Trung những ngày này 
+ Lâu dài: môi trường biển ở Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận bị hủy hoại, hàng nghìn hộ dân thất nghiệp, hàng chục nghìn đứa trẻ thất học hay cả một thế hệ bệnh tật, sức khỏe, tính mạng và nòi giống của người Việt Nam cũng có nguy cơ bị suy kiệtHàng tỷ USD lúc ấy cũng không lấy lại được những thứ đã mất. 
- Giải pháp cần đạt ra lúc này là gì?
+ Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để đưa ra kết luận chính thức về việc cá biển chết hàng loạt nhằm chấn an lòng dân và có những giải pháp thiết thực khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tự nhiên ở các vùng biển miền Trung.
+ Xử lí nghiêm minh các nhà máy, xí nghiệp không tuân thủ qui định xử lí chất thải ra môi trường xung quanh.
+ Tuyên truyền, kêu gọi mọi người tham gia bảo vệ biển, bảo vệ môi trường sống tự nhiên
* Ý3. Sự lựa chọn của bản thân (Chỉ chọn một trong hai và đưa ra những lí giải phù hợp, thuyết phục) 0,25đ
- Vì sao chọn cá, tôm? (chọn điều kiện sống, chọn môi trường an toàn, chọn cái lâu dài, bền vững).
- Vì sao chọn gang, thép (Chọn kinh tế hiện đại, chọn một nền công nghiệp phát triển, chọn cái trước mắt, tức thời)
* Ý4. Bài học (0,25đ)
- Biển nói riêng và môi trường tự nhiên nói chung đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống vật chất và tinh thần của cá nhân, cộng đồng, dân tộc. Do đó, bảo vệ biển, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người.
- Sẵn sàng chung tay với cộng đồng, xã hội để bảo vệ môi trường sống cho tự nhiên, cho con người. Lên án, phê phán những cá nhân, tổ chức có những hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Biểu điểm:
- Điểm 1,5 -> 1,75: Đảm bảo các yêu cầu trên; diễn đạt tốt, có dẫn chứng thuyết phục.
- Điểm 1,0 -> 1,5: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các phần (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ. 
- Điểm 0,5 -> 1,0: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0,25 -> 0,5: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 
d) Sáng tạo (0,25 điểm) 
- Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): 
- Điểm 0,25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
Câu 2 (4đ):
* Yêu cầu chung: Học sinh cần biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để làm bài về dạng đề nghị luận một chi tiết trong tác phẩm. HS cần linh hoạt trong việc huy động kiến thức cơ bản để giải quyết yêu cầu của đề, tránh lan man, xa đề. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; vừa biết lập luận vừa biết thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 
* Yêu cầu cụ thể: 
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. 
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. 
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): nắm lá ngón- độc dược của thiên nhiên lại là sự giải thoát, sự trở lại của ý thức sống ở nhân vật Mị- một “con rùa lùi lũi nơi xó cửa”.
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 
- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung. 
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm): 
Ý 1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
Ý 2. Giải thích ý kiến: 
- Cũng như nhãn tự trong một bài thơ, chi tiết nghệ thuật- những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm lại có vị trí nghệ thuật vô cùng quan trọng đối với tác phẩm văn xuôi, nó có thể thâu tóm linh hồn của tác phẩm. Và dù thời gian trôi qua, tác giả không còn nữa thì khi nhắc đến chi tiết nghệ thuật liền nhớ lại nội dung tác phẩm. “ Chi tiết là hạt bụi vàng của tác phẩm”; “Chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn”.
- Chi tiết “lá ngón” – loại độc dược chết người của thiên nhiên xuất hiện 3 lần trong tác phẩm và chỉ gắn liền với nhân vật Mị . Mỗi lần là ngón xuất hiện là gắn liền với sự mong muốn của Mị muốn giải thoát bản thân khỏi sự khổ đau và để được quyền sống của một con người.
Ý.3 Chứng minh ý kiến:
- Lá ngón xuất hiện lần thứ nhất như là một lối thoát đen với mong muốn của Mị chấm dứt thực tại nghiệt ngã - dâu gạt nợ.
-> chi tiết này cho thấy sự phản kháng quyết liệt của Mị, dù cho đó là sự phản kháng bị động và tiêu cực thì cũng chứng tỏ Mị không dễ dàng chấp nhận thực tại.
-> Chi tiết tìm đến lá ngón rồi vứt nắm lá ngón để sống tiếp cho thấy nhân phẩm của Mị: giàu lòng tự trọng, cam đảm, mạnh mẽ. Đối với Mị, thà chết đi hơn sống nhục, nhưng rồi lại thà sống nhục còn hơn bất hiếu.
-> Chi tiết lá ngón lúc này mang tầm ý nghĩa tố cáo cao độ: Sự dã man của xã hội ép buộc con người lương thiện đi tìm cái chết. Nó – lá ngón, cũng là hiện thân cho nỗi thống khổ của nhân dân, cho những tích tụ đắng cay, đầy đau đớn và uất hận.
- Lá ngón xuất hiện lần thứ 2: và ở lần này, “lá ngón” xuất hiện bằng cách ra đi “Mị không nghĩ đến việc ăn lá ngón để tự tử”.
-> Lá ngón xuất hiện lần này cho thấy lòng ham sống đã nguội lạnh. Lá ngón lần này cho thấy thấy một điều đáng sợ hơn cái chết ở Mị “Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Mị câm lặng như con rùa nơi xó cửa.
- Lá ngón xuất hiện lần thứ 3 trong không khí rạo rực của đêm tình mùa xuân, khi tiếng sáo gọi bạn yêu đã dội vào lòng Mị, giúp Mị sống về ngày trước, giúp Mị thấm thía hiện tại và muốn được giả thoát khỏi địa ngục trần gian. 
-> Lá ngón xuất hiền lần thứ 3 là quan trọng nhất . Bởi đó là là sự trở lại của khát vọng sống, sự tự ý thức về quyền sống, về tuổi xuân, về hạnh phúc. 
-> Lá ngón xuất hiện lần này khẳng định sức sống của Mị luôn tiềm tàng như lửa trong tro tàn, gặp thời cơ thuận lợi là sẽ cháy bùng lên.
-> Lá ngón xuất hiện lần này cũng là dự báo một sự bứt phá mạnh mẽ của Mị. Để hành động giải thoát cuối cùng của Mị (cởi trói cho A Phủ và cởi trói cho chính mình) là một tất yếu của sức sống tiềm tàng trước đó mà lá ngón là một chi tiết đắt trong chuỗi các chi tiết về sự tự ý thức để tìm lại chính mình.
Ý 4. Đánh giá vấn đề:
- Chi tiết lá ngón là một chi tiết nhỏ nhưng đã thâu tóm tính cách của nhân vật Mị: Khát vọng được sống, sống chính đáng với quyền sống của con người bao giờ cũng mãnh liệt. Con người sằn sàng chết để được sống quyền sống của một con người. Đó là giá trị nhân đạo sâu sắc giàu tính nhân văn của tác giả. 
- Thấy tài năng của Tô Hoài trong việc xây dựng chi tiết, miêu tả nội tâm nhân nhân vật tinh tế, sâu sắc, lo gich, hợp lí.
- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên, biết cảm nhận văn học tốt, diễn đạt tốt, 
 Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
- Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 
d) Sáng tạo (0,5 điểm) 
- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
----------------------------------------
HẾT

Tài liệu đính kèm:

  • docxDE_THI_THU_THPTQG_BINH_HUOC.docx