Đề thi thử đại học khối c, d (lần thứ ba) năm học 2015 - 2016 môn : Ngữ văn 10 thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

doc 5 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1126Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi thử đại học khối c, d (lần thứ ba) năm học 2015 - 2016 môn : Ngữ văn 10 thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi thử đại học khối c, d (lần thứ ba) năm học 2015 - 2016 môn : Ngữ văn 10 thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
SỞ GD & ĐT NINH BÌNH
TRƯỜNG THPT YÊN MÔ A
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC KHỐI C,D (Lần thứ ba)
Năm học 2015-2016
Môn : Ngữ văn 10
Thời gian: 150 phút
(không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm 07 câu, 02 trang)
Phần I. Đọc - hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi.
Chân sóng
..........
con nào biết mẹ bạc đầu vì biển
mỗi làn sóng như một dải khăn tang
con nào biết mẹ đau vì biển
đau vì thiếu biển
đau vì thừa biển
đau vì biển thiếu con mình
đau vì biển thừa hy sinh
những mộ gió những hình nhân phơ phất
những hải trình dài suốt mấy trăm năm
những Bãi Cát Vàng san hô mê hoặc
những phận người bó chiếu giữa mông mênh
chỉ thế thôi nhưng mẹ ơi còn biển
là còn những chuyến đi không hẹn ngày về
nhưng mẹ ơi còn con trai trong bụng
là mẹ đẻ hết ra cho chúng giong khơi
..........
anh yêu biển mà đứng trên bờ
anh yêu nước mà không biết bơi
làm sao anh hiểu ?
có những người lính đảo
trần lưng trước mưa đạn quân thù
“chỉ được xáp lá cà bằng lê”
nhưng với khoảng cách này là không thể
đành chỉ được chết vì đảo
đành cho lãng quên vùi mấy mươi năm
Gạc Ma Gạc Ma
hãy kể cho con cháu anh điều này:
có những người lính đảo
đã chết theo vòng tròn
tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau
như một tràng hoa biển
không quỉ ma nào xé nổi
tràng hoa biển ấy
hãy kể cho con cháu anh 
rằng từ Hoàng Sa từ Gạc Ma
những tràng hoa biển ấy
dạt trôi
về ôm chặt Mẹ
chân sóng
bắt đầu từ đó
 (Thanh Thảo - trích Trường ca chân đất)
1) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản (0,25đ)
 	2) Đoạn thơ được viết theo thể thơ nào? (0,25đ)
3) Nêu các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ đầu? Phân tích hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ (1,0đ)
4) Trong đoạn thơ có nhắc đến một địa danh gắn liền với một sự kiện lịch sử của đất nước. Anh (chị) hãy trình bày ngắn gọn hiểu biết của mình về sự kiện lịch sử này (0,5 đ)
5) Câu thơ: “ anh yêu biển mà đứng trên bờ
 anh yêu nước mà không biết bơi” 
gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về trách nhiệm và hành động của thế hệ trẻ trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc (trình bày suy nghĩ trong đoạn văn từ 5 đến 7 câu) (1,0đ)
Phần II - Viết (7,0 điểm)
Câu 1 (3,0 điểm)
Mỗi người trong bức tranh trên đang “gần” hay “xa” nhau?
(Trình bày ý kiến trong bài viết khoảng 400 từ)
Câu 2 (4,0 điểm)	
Nhân cách cao đẹp của nhân vật Thúy Kiều trong các trích đoạn Truyện Kiều đã học.
Hết..
Họ và tên thí sinh:Số báo danh..
Họ và tên, chữ kí: Giám thị 1:.
 Giám thị 2: 
SỞ GD & ĐT NNH BÌNH
TRƯỜNG PTTH YÊN MÔ A
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC 
KHỐI C, D
Môn : Ngữ văn 10
 (Hướng dẫn gồm 07 câu, 03 trang)
A. HƯỚNG DẪN CHẤM CHUNG
 - Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách đếm ý cho điểm.
 - Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
 - Việc chi tiết hóa điểm số của các ‎ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong hội đồng chấm thi. Điểm chi tiết đến 0,25.
B. HƯỚNG DẪN CHẤM CỤ THỂ
I. Phần I. Đọc - hiểu (3,0 điểm)
1. Về hình thức và kỹ năng:
- Thí sinh bám sát vào văn bản, vận dụng những kiến thức đã học để trả lời câu hỏi.
- Các câu trả lời phải thể hiện ở dạng văn bản (đoạn văn ngắn). Nội dung các câu hỏi được trả lời độc lập. 
2. Về nội dung:
Câu 1. Phương thức biểu đạt của đoạn văn bản là phương thức biểu cảm. (0,25đ)
Câu 2. 
 Bài thơ viết theo thể thơ tự do (0,25đ)
	Câu 3.
	- Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ: 
+ Điệp từ: “Đau” (0,25đ)
+ Ẩn dụ: “mẹ” - Tổ quốc (0,25đ)
- Phân tích hiệu quả nghệ thuật của một biện pháp tu từ:
HS chọn một biện pháp và phân tích hiệu quả nghệ thuật bao gồm: giá trị biểu đạt nội dung và sự độc đáo, sáng tạo trong cách diễn đạt. (0,5đ)
	Câu 4.
	Sự kiện lịch sử: cuộc chiến trên đảo Gạc Ma. Ngày 14.3.1988, quân đội Trung Quốc tấn công nhằm chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong cuộc chiến này, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng và hi sinh. (0,5 đ)
	Câu 5.
	HS trình bày suy nghĩ về trách nhiệm và hành động của tuổi trẻ trong việc bảo vệ Tổ quốc:
 	- Phải xác định đó là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ, trong đó có bản thân mình.
 	- Trách nhiệm phải được thể hiện bằng hành động yêu nước cụ thể: rèn luyện sức khỏe, ý chí, học tập, lao động xây dựng đất nước; khi đất nước cần thì sẵn sàng cống hiến...
II. Phần II - Viết (7,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng
Thí sinh vận dụng phương pháp làm bài nghị luận xã hội; vận dụng tốt các thao tác lập luận. Bài làm không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. Khuyến khích những bài viết sáng tạo. 
2. Yêu cầu về kiến thức 
* Giải thích ý nghĩa bức tranh, từ đó trả lời câu hỏi: mỗi người trong bức tranh đang “gần” hay “xa” nhau?
- Tất cả mọi người đang ngồi xung quanh bàn ăn – khoảng cách địa lí rất gần.
- Mỗi người đều cầm trên tay một thiết bị công nghệ và đều đang quan tâm đên thế giới riêng của mình, không ai quan tâm đến người bên cạnh, không ai quan tâm đến đồ ăn ngon đã được dọn ra
- Ý nghĩa của bức tranh: mặt trái của thời đại công nghệ, con người quá phụ thuộc và say mê trong thế giới ảo, không quan tâm đến những người xung quanh và những giá trị thật của cuộc sống.
* Bàn luận ý kiến
- Thời đại công nghệ thông tin phát triển, phục vụ rất nhiều cho cuộc sống của con người.
- Tuy nhiên, hiện nay, mặt trái của thế giới công nghệ với sống con người cũng bộc lộ quá nhiều. Rất nhiều hệ lụy xảy ra, trong đó có một tác hại lớn: công nghệ làm con người ngày càng xa nhau.
- Bài học: 
+ Cần sử dụng phương tiện của công nghệ một cách hợp lí nhằm phục vụ hữu ích cho cuộc sống . 
+ Cần chú ý xây dựng các mối quan hệ tình cảm, hợp tác giữa con người thân thiện trên cơ sở gần gũi, thấu hiểu, sẻ chia chân thành.
* Bài học nhận thức và hành động
Hiểu được vai trò, ý nghĩa của thiết bị công nghệ thông tin trong đời sống. Rèn luyện thói quen sử dụng hợp lí các thiết bị này của mình.
3. Cách cho điểm
- Điểm 3: Bài làm hoàn chỉnh, nội dung đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo, có giọng điệu riêng.
- Điểm 2: Bài làm đạt được 2/3 yêu cầu trên
 - Điểm 1: Bài làm đáp ứng được 1/2 yêu cầu nêu trên. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; còn một số lỗi chính tả, diễn đạt
- Điểm 0,5: Bài làm sơ sài, sai lạc nhiều về nội dung kiến thức, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
- Điểm 0: Không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề. 
Câu 2 (4,0 điểm)
	1. Yêu cầu về kĩ năng
Thí sinh vận dụng phương pháp làm bài nghị luận văn học; vận dụng tốt các thao tác lập luận. Bố cục hợp lí, bài làm không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt. Khuyến khích những bài làm sáng tạo.
	2. Yêu cầu về kiến thức
	* Giới thiệu tác phẩm: Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác của văn học dân tộc
* Giới thiệu nhân vật: Thúy Kiều là nhân vật tài sắc vẹn toàn, có những phẩm chất tốt đẹp, nhưng cuộc đời bất hạnh, truân chuyên.
Điều đáng trân trọng ở nhân vật: cuộc đời đau khổ bất hạnh nhưng luôn có ý thức cao về nhân cách.
* Biểu hiện của vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều qua các đoạn trích đã học
- Trong đoạn Trao duyên:
+ Luôn nghĩ cho người khác: nghĩ đến lời thề chung thủy với Kim Trọng nên phải nhờ em thay mình trả nghĩa cho chàng; hiểu sự khó xử, hi sinh của Thúy Vân.
+ Luôn nhận lỗi về mình, nhận mình là người “phụ nghĩa”
+ Dù đau khổ phải từ bỏ tình yêu của mình nhưng vẫn chân thành mong em và chàng Kim hạnh phúc.
- Trong đoạn Nỗi thương mình:
+ Ý thức về hoàn cảnh, thân phận của mình trong hiện tại, đau đớn, tủi nhục.
+ Nhớ tiếc quá khứ trong sạch, sống trong hiện tại với tâm thế thờ ơ, chấp nhận phận kĩ nữ như một việc bất đắc dĩ
+Tâm trạng đau khổ, không dễ dàng buông xuôi đó sẽ giúp Thúy Kiều tìm cách thoát ra khỏi cuộc sống ô nhục ở lầu xanh.
* Ý nghĩa: 
- Vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều bộc lộ trong những hoàn cảnh éo le nhất. Vì thế càng đáng để người đọc trân trọng nhân vật hơn
- Nhân cách làm hoàn thiện vẻ đẹp của nhân vật.
- Ý nghĩa thực tế: khi con người còn có ý thức cao về nhân cách thì dù rơi vào hoàn cảnh trớ trêu, éo le như thế nào đi nữa, vẫn sẽ tìm cách để vượt qua nó, trở về cuộc sống lương thiện tốt đẹp.
3. Cách cho điểm
+ Điểm 4: Bài làm hoàn chỉnh, nội dung đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản nêu trên. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc và sáng tạo, có giọng điệu riêng.
 + Điểm 3: Bài làm đáp ứng được 2/3 yêu cầu nêu trên. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ.
+ Điểm 2: Bài làm đạt được 1/ 2 yêu cầu nêu trên; nội dung viết chưa sâu; còn nhiều lỗi về chính tả, diễn đạt.
+ Điểm 1: Bài làm sơ sài, sai lạc nhiều về nội dung kiến thức, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.
+ Điểm 0: Không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề. 
...................Hết.................

Tài liệu đính kèm:

  • docđề thi thử.doc