SỞ GD&ĐT PHÚ YÊN ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 10,11 NĂM 2016 TRƯỜNG THPT TRẦN QUỐC TUẤN MÔN: LỊCH SỬ (Thời gian làm bài: 150 phút, không kể thời gian phát đề) Câu1(4điểm): Lập bảng so sánh về điều kiện tự nhiên, những đặc trưng về kinh tế, xã hội và bộ máy nhà nước của các quốc gia cổ đại phương Đông và các quốc gia cổ đại phương Tây (Hi lạp và Rôma)? Nội dung so sánh Các quốc gia cổ đại phương Đông Các quốc gia cổ đại phương Tây Điều kiện tự nhiên Kinh tế Xã hội Bộ máy nhà nước Câu 2(4điểm): Nêu và nhận xét về phong trào nông dân Trung Quốc trong thời kì phong kiến? Câu 3(4điểm): Phong trào nào được coi là cuộc đấu tranh đầu tiên của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến đã suy tàn? Phân tích nguyên nhân, tinh chất và ý nghĩa của phong trào đó? Câu 4(3điểm): Đánh giá vai trò của các cuộc cách mạng tư sản từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của các nước Âu- Mĩ. Câu 5(5điểm): Cuối thế kỉ XIX Ở Trung Quốc và Nhật Bản đã xuất hiện những cải cách nào?Tại sao cải cách ở Trung Quốc thất bại, ở Nhật Bản lại thành công? HẾT ĐÁP ÁN Câu1(4 điểm): Lập bảng so sánh về điều kiện tự nhiên, những đặc trưng về kinh tế, xã hội và bộ máy nhà nước của các quốc gia cổ đại phương Đông và các quốc gia cổ đại phương Tây (Hi lạp và Rôma)? Nội dung so sánh Các quốc gia cổ đại phương Đông Các quốc gia cổ đại phương Tây Điều kiện tự nhiên -Ven các con sông lớn, có đồng bằng rộng đất phù sa màu mỡ, tơi xốp rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. - Nguồn nước đủ cho sản xuất và sinh hoạt, nhiều nguồn thủy sản và là nguồn giao thông quan trọng của đất nước. - Có bờ biển dài, nhiều vũng vịnh sâu và kín gió, thuận lợi giao thông đường biển. - Có nhiều mỏ quí thuận lợi khai thác mỏ, làm gốm - Đất đai thích hợp để trồng các loại cây lâu năm có giá trị. Kinh tế -Nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu , gắn liền với công tác thủy lợi -Có các nghành khác bổ trợ cho nông nghiệp . -Nền kinh tế công thương, mậu dịch hàng hải giữ vai trò chủ đạo . -Ngành nông nghiệp là thứ yếu . Xã hội Có hai giai cấp thống trị và bị trí đối kháng nhau : - Giai cấp thống trị gồm vua , các quý tộc, quan lại và tầng lớp tăng lữ . - Giai cấp bị trị : nông dân công xã , thợ thủ công, nô lệ . -Có hai giai cấp cơ bản, đối kháng : chủ nô và nô lệ . -Ngoài ra còn có người bình dân và thợ thủ công. Bộ máy nhà nước Chế độ chuyên chế cổ đại hay nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Bộ máy nhà nước của các quốc gia cổ đại phương Tây là bộ máy của quí tộc chủ nô (mang tính dân chủ chủ nô hay cộng hòa quí tộc). Câu 2 (4điểm): Nêu và nhận xét về phong trào nông dân Trung Quốc trong thời kì phong kiến ? 1) Phong trào nông dân Trung Quốc thời phong kiến: Ở Trung Quốc, dưới chế độ phong kiến, rất nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra như: - Cuộc khởi nghĩa nông dân do Trần Thắng- Ngô Quảng lãnh đạo (thời Tần). - Cuộc khởi nghĩa Xích Mi- Lục Lâm (thời Tây Hán). - Cuộc khởi nghĩa nông dân do Trương Giác lãnh đạo (cuối thời Đông Hán). - Cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Sào lãnh đạo (cuối thời Đường). - Cuộc khởi nghĩa nông dân do Chu Nguyên Chương lãnh đạo (cuối thời Nguyên). - Cuộc khởi nghĩa nông dân do Lý Tự Thành lãnh đạo (cuối thời Minh). - Cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc (cuối thời nhà Thanh). 2) Nhận xét: - Các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Trung Quốc thường nổ ra vào cuối mỗi triều đại phong kiến, khi các vương triều phong kiến đã thối nát và mâu thuẫn xã hội đã gay gắt. Số lượng nhiều nổ ra liên tục và mang tính chu kì. - Mục tiêu đấu tranh chủ yếu nhằm chống lại các triều đại phong kiến. Tuy nhiên, cũng có những cuộc khởi nghĩa nhằm mục tiêu giải phóng dân tộc như: Cuộc khởi nghĩa nông dân do Chu Nguyên Chương lãnh đạo (cuối thời Nguyên). - Các cuộc khởi nghĩa có qui mô lớn , múc độ quyết liệt. Tuy vậy, hầu hết các cuộc khởi nghĩa không đi đến thắng lợi hoàn toàn. Nếu có thắng lợi trong việc lật đổ chế độ phong kiến thì bị giai cấp địa chủ lợi dụng để thành lập triều đại phong kiến mới. Nguyên nhân là do nông dân không đại diện cho phương thức sản xuất nào khác ngoài phương thức sản xuất phong kiến. - Phong trào nông dân Trung Quốc diễn ra ở cuối mỗi triều đại phong kiến nên thường là động lực phát triển của xã hội. Vì thế, các triều đại mới thành lập đều có chính sách tiến bộ hơn so với triều đại cũ. - Phong tráo nông dân có vai trò to lớn đối với sự phát triển lịch sử Trung Quốc. Thường đánh dấu sự sụp đổ của một triều đại phong kiến cũ và cũng là khởi nguồn của một triều đại mới ở Trung Quốc. - Sự phát triển của phong trào nông dân Trung Quốc chứng tỏ sức mạnh to lớn của nông dân. Nếu được lãnh đạo bỡi một giai cấp tiên tiến với một đường lối đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử thì cuộc đấu tranh sẽ đi đến thắng lợi. Câu 3(4điểm): Phong trào nào được coi là cuộc đấu tranh đầu tiên của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến đã suy tàn? Phân tích nguyên nhân, tinh chất và ý nghĩa của phong trào đó? Phong trào nào được coi là cuộc đấu tranh đầu tiên của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến là phong trào Văn hóa phục hưng. Phân tích nguyên nhân, tinh chất và ý nghĩa của phong trào đó. Nguyên nhân Đến hậu kì trung đại, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành trong lòng xã hội phong kiến. Lúc đó, giai cấp tư sản ra đời, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đang lớn mạnh và bị chế độ phong kiến kìm hãm. Giai cấp tư sản đang lên, muốn san bằng những chướng ngại do chế độ phong kiến tạo nên để tự mở đường phát triển, mà trước hết là tư tưởng phong kiến lạc hậu do thiên chúa giáo đại diện. Yêu cầu lúc đó của giai cấp tư sản là cần có hệ tư tưởng riêng, thông qua một nền văn hóa phù hợp với đời sống và lợi ích giai cấp tư sản. Giai cấp tư sản thấy người Hi lạp và Rôma cổ đại đã sáng tạo nên nền văn hóa sáng lạn, có nhiều điều phù hợp với mình nên muốn phục hồi lại những tinh hoa của nền văn hóa đó để đấu tranh, xây dựng một cuộc sống mới văn minh và tiến bộ. Tính chất Phong trào Văn hóa phục hưng là một phong trào của giai cấp tư sản trên lĩnh vực tư tưởng, tấn công vào hệ tư tưởng lỗi thời của chế độ phong kiến và Giáo hội Thiên Chúa nhằm: + Giải phóng tư tưởng, tình cảm cho con người khỏi sự kìm hãm trói buộc của Giáo hội. + Đề cao tinh thần dân tộc, nhằm xóa bỏ cát cứ địa phương để xây dựng một quốc gia thống nhất. Phong trào văn hóa phục hưng thực sự là cuộc cách mạng tư tưởng lớn của giai cấp tư sản thời hậu kì trung đại. Ý nghĩa Phong trào văn hóa phục hưng là cuộc đấu tranh công khai đầu tiên của giai cấp tư sản chống giai cấp phong kiến đã suy tàn. Đóng vai trò tích cực trong việc phát động quần chúng chống lại chế độ phong kiến, đề cao những giá trị cao quí, tốt đẹp của con người. Mở đường cho sự phát triển cao của văn hóa loài người :đóng góp trí tuệ, tài năng, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa nhân loại. Câu 4 (3điểm): Đánh giá vai trò của các cuộc cách mạng tư sản từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của các nước Âu- Mĩ. Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX, sự xác lập và thắng lợi của chủ nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến trên phạm vi toàn thế giới, đã mở ra một giai đoạn mới cho lịch sử loài người. Cách mạng tư sản đã xác lập quan hệ sản xuất TBCN, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, tạo ra số lượng đồ sộ về vật chất, khẳng định ưu thế hơn hẳn của quan hệ sản xuất mới. Cách mạng tư sản thắng lợi còn mở đường cho cách mạng công nghiệp, làm thay đổi sản xuất, chuyển từ sản xuất công trường thủ công sang sản xuất bằng máy móc trong các công xưởng. Sự phát triển mạnh mẽ của CNTB và những tiến bộ cả khoa học- kĩ thuật đã thúc đẩy CNTB chuyển sang giai đoạn độc quyền. CNTB ra đời tạo ra nền dân chủ và các thể chế dân chủ. + Lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế cùng mọi quan hệ xã hội cũ, hình thành một chế độ xã hội mới với cơ cấu tổ chức và các quyền tự do dân chủ. + Từ nền dân chủ đó con người đã tạo ra những thành tựu vĩ đại, chuyển từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp. + Cách mạng tư sản đã đưa giai cấp tư sản lên nắm chính quyền, đua các nước đó phát triển theo con đường TBCN. + Xã hội hình thành hai giai cấp cơ bản là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Câu 5 (5điểm): Cuối thế kỉ XIX Ở Trung Quốc và Nhật Bản đã xuất hiện những cải cách nào?Tại sao cải cách ở Trung Quốc thất bại, ở Nhật Bản lại thành công? Cuối thế kỉ XIX Ở Trung Quốc và Nhật Bản đã xuất hiện những cải cách nào? Ở Trung Quốc: cải cách Mậu Tuất năm 1898. Khởi xướng là phái Duy Tân: Khang Hữu Vi và Lương Khai Siêu đã dựa vào vua Quang Tự để tiến hành cải cách. Nội dung cải cách: + Kinh tế: Lập ngân hàng, xây dựng đường sắt, tiến hành khai mỏ, khuyến khích tư nhân kinh doanh. Công khai dự toán xuất nhập của nhà nước. + Chính trị: Sửa đổi pháp luật. Ban bố các quyền tự do dân chủ ( tự do ngôn luận, xuất bản, lập hội). Xóa bỏ một số đặc quyền của quí tộc Mãn Thanh. + Văn hóa, giáo dục: Sửa đổi chế độ thi cử. Lập nhiều trường học, nhà in. Mở trường đại học ở Bắc Kinh, cử người đi học ở nước ngoài. + Quân đội: Trang bị , huấn luyện theo kiểu phương Tây. Kiểm soát chặt chẽ lực lượng vũ trang. + Cuộc cải cách tiến hành được 100 ngày thì thất bại. Ở Nhật Bản: Cải cách Minh Trị năm 1868 Khởi xướng là Thiên Hoàng Minh Trị Nội dung cải cách: + Kinh tế: Thống nhất tiền tệ, thị trường, cho phép mua bán ruộng đất, phát triển kinh tế TBCN ở nông thôn,xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông liên lạc. Nhà nước nắm giữ việc khai mỏ. + Chính trị: Xóa bỏ chế độ Mạc phủ, thành lập chính phủ mới tổ chức theo kiểu Châu Âu, xóa bỏ tình trạng cát cứ, đưa Nhật trở thành quốc gia thống nhất. Thông qua hiến pháp 1889 thiết lập nền quân chủ lập hiến. + Văn hóa, giáo dục: Thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc, tăng cường nội dung khoa học- kĩ thuật trong chương trình giảng dạy, cử học sinh đi du học phương Tây. + Quân đội: Tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây, chú trọng phát triển công nghiệp tàu chiến, sản xuất vũ khí. + Cải cách thành công. 2) Tại sao cải cách ở Trung Quốc thất bại, ở Nhật Bản lại thành công? a. Cải cách Mậu Tuất ở Trung Quốc thất bại vì: - Do vấp phải sự chống đối rất mạnh mẽ của phái thủ cựu trong giai cấp phong kiến do Từ Hi Thái hậu cầm đầu. - Vua Quang Tự chỉ là bù nhìn không có thực quyền chính trị. - Phong trào phát triển chủ yếu trong tầng lớp quan lại, sĩ phu có ý thức tiếp thu tư tưởng tiến bộ nhưng không đi vào nhân dân lao động, không động viên và cũng không muốn dùng nhân dân làm hậu thuẫn. - Nội bộ chưa đoàn kết. Cải cách Mậu Tuất thất bại làm cho Trung Quốc ngày càng suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước tư bản phương Tây xâm lược. Cuối thế kỉ XIX Trung Quốc trở thành một nước nửa thuộc địa, nửa phong kiến. b. Cải cách Minh Trị năm 1868 ở Nhật Bản thành công vì: - Được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, đạc biệt là tầng lớp quí tộc Đaimio và tầng lớp võ sĩ Samurai. - Người tiến hành cải cách là Thiên hoàng Minh Trị nắm trong tay thực quyền và là người có tư tưởng Duy Tân tiến bộ - Cải cách thành công đã đua nước Nhật thoát khỏi số phận một nước thuộc địa, trở thành một nước tư bản phát triển, một đế quốc hùng mạnh ở châu Á. HẾT
Tài liệu đính kèm: