Đề thi chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2018 môn Sinh học

doc 3 trang Người đăng duthien27 Lượt xem 603Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2018 môn Sinh học", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn đội tuyển dự thi học sinh giỏi Quốc gia THPT năm 2018 môn Sinh học
UBND TỈNH BẮC NINH
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề thi có 03 trang)
ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN
DỰ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA THPT NĂM 2018
Môn thi: Sinh học
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)
Câu 1. (2,0 điểm)
1. Phân biệt vi ống và vi sợi. Mạch polipeptit mới được tạo thành phải chịu những tác động nào để tạo thành phân tử protein có hoạt tính sinh học ?
2. Để nghiên cứu khả năng tổng hợp ATP, các nhà khoa học đã thiết kế túi màng lipit kép và kín, trong đó có chứa bơm proton và phức hệ enzim tổng hợp ATP-synthase. Bơm proton hoạt động nhờ hấp thụ năng lượng do ánh sáng chiếu vào để vận chuyển proton từ bên ngoài vào trong túi màng. Phức hệ enzim tổng hợp ATP-synthase hướng từ trong ra ngoài và quá trình tổng hợp ATP xảy ra ở phía ngoài của túi màng.
Trong mỗi trường hợp sau đây, ATP có được tổng hợp hay không ? Giải thích.
- Bổ sung ADP và photphat vô cơ (Pi) vào môi trường bên ngoài túi màng rồi chiếu ánh sáng vào túi màng.
- Sắp xếp ngẫu nhiên các phức hệ enzim tổng hợp ATP-synthase, trong đó 50% số phức hệ hướng vào trong và 50% số phức hệ hướng ra ngoài túi màng.
- Sắp xếp ngẫu nhiên các bơm proton ở túi màng.
Câu 2. (2,0 điểm)
1. Đặt một chủng Bacillus (ống nghiệm 1) và Saccharomyces (ống nghiệm 2) vào 5ml dung dịch đường saccharose có nồng độ 2 mol/l.
- Nếu cho thêm lượng lizozym như nhau vào cả hai ống nghiệm để vào tủ ấm 300C trong 2 phút, làm tiêu bản sống và quan sát sẽ thấy gì ? Giải thích.
- Nếu cho lizozym và phage tương ứng vào ống 1, rồi để vào tủ ấm 300C trong 2 phút, các vi khuẩn có bị virut tấn công không ? Vì sao ?
- Nếu để ống nghiệm 2 đã pha loãng đường và bịt kín vào tủ ấm ở 28 - 300C trong 5 - 6 giờ thì có hiện tượng gì ? Viết tóm tắt các giai đoạn chính của quá trình. Còn nếu để ống nghiệm này trên máy lắc có cung cấp ôxi vô trùng thì sao ? So sánh năng lượng tích lũy được của tế bào từ 2 quá trình trên.
2. Tại sao nói vi khuẩn phản nitrat hóa sẽ kết thúc quá trình vô cơ hóa protein ở trong đất ? Vi khuẩn này có kiểu dinh dưỡng và kiểu hô hấp gì ?
Câu 3. (2,0 điểm) 
1. Giải thích vì sao trên tiêu bản cắt ngang của rễ cây ngô bị ngập úng kéo dài có phần vỏ rễ bị phân huỷ mạnh tạo thành các ống rỗng ? 
2. Bơm proton có vai trò như thế nào trong các quá trình sau: hấp thụ khoáng, mở khí khổng, vận chuyển các chất nhờ dòng mạch rây ?
Câu 4. (2,0 điểm)
1. Khi huyết áp giảm đột ngột thì hoạt động hô hấp sẽ biến đổi như thế nào ? Tại sao ? 
2. Hai nơron A và B cùng loại, có sự chênh lệch Na+, K+ giữa bên trong và bên ngoài nơron là như nhau. 
a. Cho một chất làm suy yếu hoạt động của bơm Na - K tác động lên nơron A nhưng không cho chất này tác động lên nơron B thì khi kích thích biên độ điện thế hoạt động lan truyền trên mỗi sợi trục có thay đổi không và biên độ điện thế hoạt động của nơron nào lớn hơn ? Giải thích.
b. Cho một chất ức chế chuỗi chuyền điện tử tác động lên nơron B nhưng không cho chất này tác động lên nơron A thì nồng độ ion K+ trong nơron nào lớn hơn ? Giải thích.
Câu 5. (2,0 điểm) 
1. Chọn lọc tự nhiên không chỉ tác động lên các trình tự của prôtêin, mà còn trên các trình tự của ARN như rARN. Biết rằng chức năng của rARN phụ thuộc vào cấu trúc bậc 2 gồm các vùng liên kết bổ sung (giữa các bazơ nitơ) xen giữa các vùng không có liên kết bổ sung trên cùng mạch ARN. Tốc độ đột biến thay thế nuclêôtit giữa 2 vùng cấu trúc này khác nhau như thế nào ? Giải thích. 
2. Các nhà khoa học cho rằng khối u gây bệnh ung thư ở người được phát sinh từ một tế bào bị đột biến. Dựa trên cơ sở này hãy cho biết mô nào trong cơ thể người hay bị ung thư và các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng phát sinh ung thư ? Giải thích.
3. Các thể đột biến chuyển đoạn giữa các nhiễm sắc thể có những đặc điểm gì khác biệt so với các loại thể đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể khác ? Ý nghĩa của đột biến này trong chọn giống và trong tiến hóa.
Câu 6. (2,0 điểm) 
1. Cho sơ đồ phả hệ sau:
Biết rằng, mỗi tính trạng trên do một gen gồm hai alen có quan hệ trội – lặn hoàn toàn quy định và hai cặp gen này không cùng nằm trên một nhóm gen liên kết. Bệnh hói đầu là do alen trội H nằm trên NST thường quy định, kiểu gen dị hợp quy định bệnh hói đầu ở nam và không hói đầu ở nữ. Cặp vợ chồng III10 và III11 sinh được một người con gái không bị bệnh P và không hói đầu; biết rằng người II8, II9 dị hợp về cả hai tính trạng nói trên. Xác suất để người con gái này có kiểu gen đồng hợp về cả hai tính trạng trên là bao nhiêu ?
2. Trong một công thức lai ở ruồi giấm, người ta thu được các kiểu hình đời F2 với số lượng cá thể như sau:
- Ở ruồi giấm ♂: A - B - C -: 27; aaB - C-: 106; A - B- cc: 4; A- bbC-: 12; A- bbcc: 111; 
aaB- cc: 11; aabbC-: 3; aabbcc: 26.
- Ở ruồi giấm ♀: A - B - C -: 152; aaB - C-: 148.
Xác định kiểu gen của F1. Tính khoảng cách giữa các gen ở ruồi cái F1.
Câu 7. (2,0 điểm)
1. Một quần thể thực vật lưỡng bội, alen A quy định thân cao trội hoàn toàn so với alen a quy định thân thấp. Ở thế hệ xuất phát (P) gồm 25% cây thân cao và 75% cây thân thấp. Khi (P) tự thụ phấn liên tiếp qua hai thế hệ thì ở F2 có cây thân cao chiếm tỉ lệ 17,5%. Theo lí thuyết, trong tổng số cây thân cao ở (P), cây thuần chủng chiếm tỉ lệ bao nhiêu ?
2. Trong điều kiện nào thì sự đa dạng di truyền của quần thể sinh vật sinh sản hữu tính sẽ bị suy giảm ? Giải thích. 
Câu 8 (2,0 điểm)
Ở một loài động vật, khi cho lai con cái thuần chủng lông trắng với con đực thuần chủng lông nâu, thu được F1 tất cả đều lông nâu. Cho F1 giao phối với nhau, được F2 gồm 238 con đực lông nâu, 124 con cái lông nâu, 82 con đực lông đỏ, 38 con cái lông đỏ, 120 con cái lông xám, 40 con cái lông trắng, không có con đực lông xám và con đực lông trắng. 
Biết rằng ở loài động vật này, cặp NST giới tính của con đực XY, con cái là XX; tính trạng nghiên cứu không chịu ảnh hưởng của môi trường và không có đột biến mới xảy ra.
Hãy biện luận và viết sơ đồ lai từ P đến F2.
Câu 9. (2,0 điểm)
1. Một số bằng chứng cho thấy vi khuẩn đầu tiên xuất hiện trên Trái đất khoảng 4 tỷ năm trước. Từ đó, ADN hệ gen của hầu hết vi khuẩn được tìm thấy ở dạng sợi kép, mạch vòng. Hãy nêu ít nhất ba đặc điểm ADN dạng mạch vòng phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển đặc thù ở vi khuẩn.
2. Hiệu quả của chọn lọc tự nhiên phụ thuộc vào các yếu tố nào ? Giải thích. 
Câu 10. (2,0 điểm)
1. Trình bày những đặc điểm cơ bản của hệ sinh thái nông nghiệp. 
2. Trên cơ sở sinh thái học, hãy giải thích vì sao cạnh tranh sinh học cùng loài là động lực tiến hoá và thiết lập trạng thái cân bằng trong tự nhiên.
-----------Hết-----------

Tài liệu đính kèm:

  • docde_thi_chon_doi_tuyen_du_thi_hoc_sinh_gioi_quoc_gia_thpt_nam.doc
  • docDap an Sinh.doc