Đề kiểm tra học kỳ II, năm học 2015 – 2016 môn: Ngữ văn - Lớp 10 thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

doc 3 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1021Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra học kỳ II, năm học 2015 – 2016 môn: Ngữ văn - Lớp 10 thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra học kỳ II, năm học 2015 – 2016 môn: Ngữ văn - Lớp 10 thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
ĐỀ CHÍNH THỨC
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ II, NĂM HỌC 2015 – 2016
MÔN: Ngữ văn- lớp 10
Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề
Câu I (5,0 điểm)
Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?
Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào
Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.
Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.
Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia? 
Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.
Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách. 
(Nơi dựa - Nguyễn Đình Thi, Ngữ Văn 10, tập hai, NXB Giáo Dục, 2006, Tr. 121-122)
1. Xác định những cặp hình tượng được nhắc đến trong văn bản trên? (1,0 điểm)
2. Nêu hai biện pháp tu từ được thể hiện rõ nhất trong đoạn trích? (1,0 điểm)
3. Có ý kiến cho rằng nơi dựa có cùng ý nghĩa với sống dựa, đúng hay sai? Vì sao? (1,0 điểm)
4. Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng ½ trang giấy kiểm tra) trình bày suy nghĩ của em về chủ đề sống dựa? (2,0 điểm)
Câu II (5,0 điểm)
Vẻ đẹp người anh hùng Từ Hải trong đoạn trích sau:
[] Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.
Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”
(Chí khí anh hùng - Nguyễn Du, Ngữ Văn 10, tập hai, NXB Giáo Dục, 2006, Tr. 113)
---------- HẾT ----------
Họ và tên học sinh: Số báo danh: .
Chữ kí của 1 CBCT: 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ II, NĂM HỌC 2015 – 2016
MÔN: Ngữ văn- lớp 10
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ CHÍNH THỨC
(Hướng dẫn gồm 02 trang)
Câu
Gợi ý nội dung
Điểm
Câu I
1. Xác định những cặp hình tượng được nhắc đến trong văn bản
- Học sinh xác định được cặp hình tượng: Người đàn bà – đứa bé.
- Học sinh xác định được cặp hình tượng: Bà cụ - người chiến sĩ.
0,5
0,5
2. Nêu hai biện pháp tu từ được thể hiện rõ nhất trong đoạn trích
- Lặp cấu trúc (điệp ngữ).
- Đối lập (tương phản).
Lưu ý: học sinh chỉ cần chỉ ra hai BPTT, mà không cần nêu cụ thể vẫn cho điểm tuyệt đối. (Trong trường hợp học sinh chỉ ra được một trong hai BPTT trên và BPTT ẩn dụ, giáo viên chấm linh động vẫn cho điểm tuyệt đối)
0,5
0,5
3. Có ý kiến cho rằng nơi dựa có cùng ý nghĩa với sống dựa, đúng hay sai? Vì sao?
- Học sinh trả lời là sai cho điểm, trả lời là đúng không cho điểm.
- Học sinh giải thích ngắn gọn: nơi dựa được hiểu là chỗ dựa về mặt tinh thần hoặc vật chất; từ đó giúp cho chúng ta có thêm sức mạnh, niềm tin, động lực để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp. Còn sống dựa là lối sống phụ thuộc vào người khác; dễ làm cho chúng ta ỷ lại, thiếu niềm tin, tinh thần phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống.
Lưu ý: Trong trường hợp học sinh trả lời ý 1 là đúng thì có giải thích ý 2 đúng cũng không cho điểm. Nếu ý 1 học sinh trả lời là sai, thì ý 2 chỉ cần giải thích: nơi dựa là chỗ dựa về mặt tinh thần hoặc vật chất và sống dựa là lối sống phụ thuộc vào người khác, thì vẫn cho điểm tuyệt đối.
0,5
0,5
4. Hãy viết một đoạn văn (khoảng ½ trang giấy) trình bày suy nghĩ của em về chủ đề sống dựa.
Học sinh có thể linh hoạt trong trình bày, cần nêu được một số ý cơ bản sau:
- Sống dựa là lối sống phụ thuộc vào người khác về cả thể xác và tinh thần, dễ bị người khác kiểm soát nên không được tự do.
- Vì không đủ can đảm, sự quyết đoán để làm chủ được bản thân, không tự quyết định và tự giải quyết được mọi vấn đề trong cuộc sống, nên phải dựa vào người khác.
- Dù tài giỏi, có trí tuệ nhưng không có ý thức tự lập mà dựa vào người khác thì khó có cơ hội tự khẳng định mình.
- Khi sống dựa sẽ thiếu tự tin, bi quan, ỷ lại. Nên khi buộc phải sống tự lập sẽ khó hòa nhập cuộc sống và dễ bị thất bại.
- Trong cuộc sống chúng ta cần có sự quan tâm, yêu thương và chia sẻ của người khác, nhưng không phụ thuộc vào người khác.
- Sống dựa là một lối sống sai lầm nên từ bỏ, cần lên án lối sống dựa.
0,25
0,25
0,25
0,25
0,5
0,5
Câu II
a. Yêu cầu về kỹ năng: Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, văn viết có xúc cảm: không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
b. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần trình bày được các ý trong gợi ý sau:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, đoạn trích và nhân vật Từ Hải
- Vẻ đẹp người anh hùng Từ Hải:
+ Khát vọng và tư thế lên đường sau nửa năm chung sống hạnh phúc với Thúy Kiều.
+ Người có chí lớn và quyết tâm cao, không dễ xiêu lòng trước lời yêu cầu của người tri kỉ.
+ Khẳng định một lý tưởng cao cả, tự tin vào bản thân và sự thành công ở tương lai. 
- Nghệ thuật: sử dụng từ ngữ, hình ảnh và bút pháp ước lệ tiêu biểu, đầy sáng tạo phù hợp với tính cách người anh hùng trong văn học Việt Nam thời trung đại.
- Đánh giá: Từ Hải là một đấng trượng phu có hoài bão lớn, một đấng anh hùng mang chí lớn, một tài năng, bản lĩnh phi thường. Đồng thời khẳng định tài năng của Nguyễn Du trong việc xây dựng hình tượng anh hùng và ước mơ công lý.
0,5
1,0
1,0
1,0
1,0
0,5
 HẾT .

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_HKII_Ngu_Van_10_tinh_BRVT_20152016.doc