UBND QUẬN BÌNH TÂN ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ I PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Năm học: 2014 – 2015 Môn: Ngữ văn 8 Ngày: 15/12/2014 Đề chính thức Thời gian: 90 phút (không kể thời gian phát đề) Phần đọc hiểu văn bản (3 điểm) Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi: “Mẹ tôi lấy vạt áo nâu thấm nước mắt cho tôi rồi xốc nách tôi lên xe. Đến bấy giờ tôi mới kịp nhận ra mẹ tôi không còm cõi xơ xác quá như cô tôi nhắc lại lời người họ nội của tôi. Gương mặt mẹ vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Hay tại sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc? Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường”. ( Trong lòng mẹ - Nguyên Hồng) Câu 1. Nêu nội dung đoạn trích trên (1 điểm). Câu 2. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Nêu tác dụng của ngôi kể đó (1 điểm). Câu 3. Chỉ ra các từ thuộc trường từ vựng “bộ phận của người” có trong đoạn văn trên (1 điểm). Phần tạo lập văn bản (7 điểm) Câu 1: Đoạn văn trên ca ngợi tình cảm gì của con người? Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về tình cảm ấy (3 điểm). Câu 2 (4 điểm): Hãy là nhân vật Ông giáo trong truyện ngắn “Lão Hạc” kể lại câu chuyện của Lão Hạc cho người con trai nghe khi anh trở về quê sau bao năm xa cách * Lưu ý : Bài viết có sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm. Hết HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HKI Năm học 2014 − 2015 Môn: Ngữ văn 8 Ngày kiểm tra: 15/12/2014 Phần đọc hiểu văn bản (3 điểm) Câu 1: Nêu nội dung của đoạn văn trên - Học sinh nêu được ý nội dung: Mẹ - con nhân vật tôi (bé Hồng) gặp nhau thật cảm động và đầy ấp tình mẫu tử: 1 điểm - Học sinh có thể nói không giống nhưng đảm bảo được hiểu nội dung chính của đoạn, ghi trọn số điểm. - Tùy vào cách diễn đạt, GV ghi điểm trong khung 1 điểm. Câu 2: Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Nêu tác dụng của ngôi kể đó (1 điểm). - Học sinh nói được ngổi kể thứ nhất (xưng tôi): 0,5 điểm - Học sinh nêu được tác dụng của ngôi kể thứ nhất: câu chuyện trở nên thật gần gũi, bộc lộ được cảm xúc, nội tâm nhân vật: 0,5 điểm - Tùy vào cách làm bài của học sinh, GV ghi điểm trong khung 1 điểm. Câu 3: Chỉ ra các từ thuộc trường từ vựng “bộ phận của người” có trong đoạn văn trên. - Học sinh chỉ ra được ít nhất 3 từ (ví dụ: gương mặt, gò má, đôi mắt): 1 điểm - Tùy vào cách diễn đạt. GV ghi điểm trong khung 1 điểm. Phần tạo lập văn bản (7 điểm) Câu 1: Đoạn văn trên ca ngợi tình cảm gì của con người? Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về tình cảm ấy. 1. Yêu cầu về kỹ năng: - Học sinh biết làm bài văn nghị luận về tình mẫu tử. - Xác định đúng yêu cầu đề: nêu suy nghĩ về tình mẫu tử. - Bố cục rõ ràng, đủ 3 phần - Văn phong mạch lạc, trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp. 2. Yêu cầu về nội dung - Giải thích tình mẫu tử: tình cảm giữa mẹ và con thật thiêng liêng, cao cả. - Trình bày các biểu hiện của tình mẫu tử: mẹ yêu thương con như biển hồ mênh mông, dẫu con có lớn thế nào vẫn là bé bỏng trong mắt mẹ. Nếu có đi vòng quả đất tròn, người mong con mòn mỏi vẫn không ai ngoài mẹ (dẫn chứng). Con có hiếu với mẹ, yêu thương, chăm sóc, luôn tạo niềm vui cho mẹ dù chỉ là nụ cười mỗi ngày (dẫn chứng). Tình mẫu tử thật đáng quí! - Phản biện: có phải bất cứ người mẹ, người con nào cũng biết quí trọng tình mẫu tử? Vẫn còn đau lòng những người mẹ bỏ con, những người con bất hiếu (dẫn chứng). - Rút ra bài học về tình mẫu tử, biết tôn trọng, gìn giữ đúng vai trò của mỗi người trong tình cảm ấy. - Liên hệ bản thân trong việc trân trọng tình cảm ấy. Ghi điểm: - Điểm 3: + Bài viết súc tích, lập luận rõ ràng, rõ các luận điểm khen, chê, phân tích dẫn chứng tốt. + Diễn đạt tốt, ít sai lỗi chính tả. - Điểm 2: + Bài làm đáp ứng khá tốt những phần cơ bản cần đạt. + Có lập tương đối tốt, có thể còn đôi chỗ sáo rỗng. + Văn phong khá mạch lạc, có thể mắc ít lỗi diễn đạt, chính tả. - Điểm 1,5: + Bài làm mức độ trung bình của văn nghị luận về một đạo lý tốt đẹp: tình mẫu tử. + Còn có những lập luận hơi vụng về. + Diễn đạt hiểu được ý. - Điểm 1: Bài sơ sài, lập luận lúng túng, ý không rõ ràng. - Điểm 0: để giấy trắng. Câu 2: Hãy là nhân vật Ông giáo trong truyện ngắn “Lão Hạc” kể lại câu chuyện của Lão Hạc cho người con trai nghe khi anh trở về quê sau bao năm xa cách 1. Về kỹ năng: - Học sinh biết làm bài văn tự sự dựa trên câu chuyện cho sẵn. - Xác định đúng yêu cầu đề: đóng vai một nhân vật trong truyện “Lão Hạc” của Nam Cao để kể chuyện. Chuyện kể ở ngôi thứ nhất. - Bố cục rõ ràng, đủ 3 phần - Văn phong mạch lạc, trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp. 2. Yêu cầu về nội dung - Giới thiệu tình huống vào chuyện. - Phần cốt truyện học sinh có thể trình bày theo sự sắp xếp chủ quan nhưng cần đảm bảo các sự việc, chi tiết trong truyện “Lão Hạc” của Nam Cao: + Vì nghèo con trai không cưới vợ được bỏ đi đồn điền cao su kiếm tiền nhiều năm không về. + Lão Hạc ở nhà cố sống chật vật để giữ mảnh vườn cho con + Cuộc sống quá khó khăn, lão già yếu, chọn cái chết để cố giữ đất khi con về. + các chi tiết khác trong truyện: bạn cậu Vàng, bán nó đi Lão cũng khổ sở, lòng tự trọng rất cao - Học sinh làm bài có ý thức lồng ghép các yêu tố miêu tả, biểu cảm một cách thuyết phục, nhằm tăng giá trị của bài viết, không quá gượng để có yêu tố. - Bài làm không thuần túy kể lại câu chuyện đã học (nhằm thành kể chuyện, không phải viết bài văn tự sự). Ghi điểm: - Điểm 4: + Bài viết súc tích, sự việc, chi tiết đảm bảo theo truyện, song được người viết chọn các xây dựng có phong cách riêng. + Diễn đạt tốt, ít sai lỗi chính tả. - Điểm 3: + Bài làm đáp ứng khá tốt những phần cơ bản cần đạt. + Có cách xây dựng câu chuyện khá mạch lạc, có thể còn đôi chỗ sáo rỗng. + Văn phong khá mạch lạc, có thể mắc ít lỗi diễn đạt, chính tả. - Điểm 2: + Bài làm mức độ trung bình của văn tự sự dựa trên một văn bản có sẵn. + Còn có những chỗ diễn đạt hơi vụng về. + Diễn đạt hiểu được ý. - Điểm 1: Bài sơ sài, diễn đạt lúng túng, ý không rõ ràng, làm lệch nội dung truyện. - Điểm 0: để giấy trắng. Lưu ý: - Bài làm không có vận dụng các yếu tố sẽ trừ 1 điểm toàn bài. - Chú ý các bài viết mang nét riêng thể hiện cá tính của người viết, không gò ép bài viết theo khuôn mẫu chung của người chấm (hướng dẫn chấm mang tính linh hoạt khi chấm bài). Hết
Tài liệu đính kèm: