Đề kiểm tra giữa học kỳ I môn Ngữ văn Khối 12 - Năm học 2021-2022

doc 7 trang Người đăng khanhhuyenbt22 Lượt xem 2549Lượt tải 3 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề kiểm tra giữa học kỳ I môn Ngữ văn Khối 12 - Năm học 2021-2022", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề kiểm tra giữa học kỳ I môn Ngữ văn Khối 12 - Năm học 2021-2022
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I
Năm học 2021 – 2022
ĐỀ CHÍNH THỨC
(Đề có 01 trang)
MÔN: NGỮ VĂN - KHỐI 12
Thời gian làm bài: 90 phút
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) Đọc bài thơ:
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”
Tôi nhớ không nguôi ánh sáng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết...
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy, lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương
 (Trích “Nhớ con sông quê hương” – Tế Hanh)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. (0.75điểm) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. (0.75điểm) Tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả vẻ đẹp của quê hương trong nỗi nhớ của tác giả.
Câu 3. (1.0điểm) Xác định các biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong những câu thơ sau và phân tích tác dụng:
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương
Câu 4. (0.5điểm) Anh/ chị có nhận xét gì về tình cảm của tác giả trong những câu thơ:
 Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông
 Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
 Không ghềnh thác nào ngăn cản được
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến: “Yêu đất nước từ những điều bình dị”.
Câu 2 (5.0 điểm) Bàn về ý thơ trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu, có ý kiến cho rằng: “Bài thơ mang vẻ đẹp truyền thống của thi ca”; ý kiến khác lại cho rằng: “Bài thơ mang hơi thở của thời đại cách mạng”. Từ những hiểu biết của anh, chị về đoạn thơ sau, hãy làm rõ hai ý kiến trên:
 “Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
 Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi,
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
 Ngày xuân mơ nở trắng rừng,
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
 Ve kêu rừng phách đổ vàng,
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
 Rừng thu trăng rọi hòa bình,
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
 (Trích “Việt Bắc”, Tố Hữu)
----------Hết----------
Họ và tên thí sinh: .
Chữ ký GT1:
SBD
Chữ ký GT2: ..
KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I
Năm học 2021 – 2022
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM 
 Môn: Ngữ văn, lớp 12
 (Đáp án và hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
Phần
Câu
Nội dung
Điểm
I
ĐỌC HIỂU
3,0
1
Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh trả lời như đáp án: 0,75 điểm.
0,75
2
 Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả vẻ đẹp của quê hương trong nỗi nhớ của tác giả: sắc trời xanh biếc, ánh sáng màu vàng, con sông quê mát rượi.
Hướng dẫn chấm:
- Trả lời như đáp án: 0,75 điểm
- Trả lời được 1 yêu cầu trong Đáp án: 0,25 điểm
0,75
3
- Biện pháp tu từ: điệp ngữ, điệp cú pháp.
- Tác dụng:
 + Tạo tính nhịp nhàng, da diết, tăng tính biểu cảm cho lời thơ.
 + Khẳng định, nhấn mạnh niềm khao khát cháy bỏng đất nước được hòa bình, thống nhất; tác giả được trở về với quê hương yêu dấu.
Hướng dẫn chấm: 
- Trả lời được 2 phép tu từ: 0,5 điểm.
- Trả lời được đầy đủ tác dụng của 2 phép tu từ: 0,5 điểm.
- Nếu chỉ trả lời được một trong hai ý thì được nửa số điểm.
1,0
4
Anh/ chị có nhận xét gì về tình cảm của tác giả trong những câu thơ:
- Yêu quê hương đất nước thiết tha.
- Nỗi niềm khao khát nước non liền một dải.
- Lòng quyết tâm cống hiến, góp phần giải phóng quê hương.
Hướng dẫn chấm: 
- Trả lời như Đáp án: 0,5 điểm.
- Trả lời được ½ yêu cầu trong Đáp án: 0,25 điểm
0,5
II
LÀM VĂN
7,0
1
Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ), trình bày suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến: “ Yêu đất nước từ những điều bình dị”.
2,0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: yêu đất nước từ những điều bình dị.
0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận: Học sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ về vai trò của tình yêu quê hương, đất nươc trong đời sống mỗi con người. Có thể theo hướng sau:
- Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm gắn bó chân thành, sâu sắc với những sự vật và con người nơi ta được sinh ra và lớn lên. Tình yêu đó cũng gắn với những điều rất đỗi bình thường, nhỏ bé nhưng vẫn thể hiện được tinh thần yêu nước của chính chúng ta.
- Yêu đất nước từ những điều bình dị giúp mỗi chúng ta sống tốt hơn trong cuộc đời, không quên nguồn cội, nâng cao tinh thần và ý chí quyết tâm vươn lên của mỗi người. Tình yêu ấy cũng giúp gắn kết cộng dồng, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, giữ gìn, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh hơn.
Hướng dẫn chấm:
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lý lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm).
- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lý lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm).
- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lý lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm). 
- Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
0,75
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
Hướng dẫn chấm:
- Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.
0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về một tư tưởng đạo lý; có cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.
0,5
2
Bàn về ý thơ trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu, có ý kiến cho rằng: “Bài thơ mang vẻ đẹp truyền thống của thi ca”; ý kiến khác lại cho rằng: “Bài thơ mang hơi thở của thời đại cách mạng”. Từ những hiểu biết của anh, chị về đoạn thơ bức tranh tứ bình trong bài thơ, hãy làm rõ hai ý kiến trên:
5,0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu vừa mang vẻ đẹp truyền thống của thi ca, vừa mang hơi thở của thời đại cách mạng.
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.
- Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.
0,5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm:
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:
* Giới thiệu tác giả (0,25 điểm), tác phẩm và đoạn thơ (0,25 điểm)
0,5
* Nêu những nét khái quát về bài thơ: Bài thơ thể hiện nỗi nhớ của người cán bộ cách mạng, cũng chính là nhà thơ, đối với chiến khu Việt Bắc khi rời chiến khu về thủ đô Hà Nội. Bài thơ là lời ca ngợi phong cảnh và con người Việt Bắc. Cảnh vật Việt Bắc đẹp, hùng vĩ, con người Việt Bắc đáng yêu. Cảnh vật và con người nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến công, làm nên nhiều kỷ niệm vô cùng sâu sắc mà nhà thơ không thể nào quên được.
* Giải thích các ý kiến:
- Bài thơ mang vẻ đẹp truyền thống của thi ca: bài thơ sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc là thể thơ lục bát. Âm hưởng của thơ lục bát gợi nhắc đến ca dao, dân ca trữ tình trong quá khứ xa xưa của dân tộc.
- Bài thơ mang hơi thở của thời đại cách mạng: nội dung cảm xúc của bài thơ mang làn gió của thời đại mới phản ánh hiện thực đất nước, con người Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp và hình thức nghệ thuật cũng hòa chung với vẻ đẹp của thơ ca cách mạng, khẳng định vẻ đẹp thơ Tố Hữu cũng là thơ hiện đại Việt Nam.
* Chứng minh qua đoạn thơ:
- Vẻ đẹp truyền thống của thi ca thể hiện qua đoạn trích:
 + Thể thơ lục bát ngọt ngào, cách sử dụng hai đại từ “mình”, “ta” một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo, vừa cổ điển, vừa hiện đại.
 + Nội dung đoạn thơ thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn nghĩa tình giữa kẻ ở người đi phảng phất màu sắc của những cuộc chia tay trong thơ ca trữ tình truyền thống.
- Đoạn thơ mang hơi thở của thời đại cách mạng: thể hiện vẻ đẹp quê hương Việt Bắc và vẻ đẹp của con người Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống Pháp:
+ Bức tranh mùa đông
 . “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”: sử dụng bút pháp chấm phá: nổi bật trên nền xanh rộng lớn của núi rừng là màu đỏ của hoa chuối (màu đỏ hoa chuối gợi liên tưởng đến hình ảnh ngọn đuốc xua đi cái lạnh của của núi rừng mùa đông) và màu vàng của những đốm nắng. 
 .“Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”: hình ảnh tia nắng ánh lên từ con dao gài thắt lưng gợi dáng vẻ khỏe khoắn, lớn lao của người lao động, với tâm thế làm chủ thiên nhiên, cuộc sống.
+ Bức tranh mùa xuân
 . “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”: màu trắng tinh khôi của hoa mơ tràn ngập không gian núi rừng, thiên nhiên tràn đầy nhựa sống khi xuân về.
 . Người lao động hiện lên với vẻ đẹp tài hoa, khéo léo và cần mẫn: “Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”, “chuốt từng sợi giang”: hành động chăm chút, tỉ mỉ với từng thành quả lao động của mình.
+ Bức tranh mùa hạ
 . “Ve kêu rừng phách đổ vàng”: toàn bộ khung cảnh thiên nhiên như đột ngột chuyển sang sắc vàng qua động từ “đổ”. Có thể liên tưởng màu vàng hòa quyện với tiếng ve kêu tưng bừng, đầy sức sống. Cũng có thể chính tiếng ve đã đánh thức rừng phách nở hoa.
 . “Nhớ cô em gái hái măng một mình”: “cô em gái” - cách gọi thể hiện sự trân trọng, yêu thương của tác giả với con người Việt Bắc, hình ảnh cô gái hái măng một mình thể hiện sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của con người Việt Bắc.
+ Bức tranh mùa thu
 . “Rừng thu trăng rọi hòa bình”: ánh trăng nhẹ nhàng chiếu sáng núi rừng Việt Bắc, đó là ánh sáng của “hòa bình”, niềm vui và tự do.
 . Con người say sưa cất tiếng hát, mộc mạc, chân thành, có tấm lòng thủy chung, nặng ân tình.
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh phân tích đầy đủ, sâu sắc: 2,5 điểm.
- Học sinh phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,75 điểm - 2,25 điểm.
- Học sinh phân tích chung chung, chưa rõ các biểu hiện: 1,0 điểm - 1,5 điểm.
- Học sinh phân tích sơ lược, không rõ các biểu hiện: 0,25 điểm - 0,75 điểm.
2,5
* Đánh giá
- Hai ý kiến trên là hai cách nhìn nhận tưởng chừng như đối lập nhau nhưng chúng không loại trư nhau mà có mối quan hệ bổ sung để góp phần đánh giá toàn diện về vẻ đẹp của bài thơ.
- Bài thơ vừa mang vẻ đẹp của thời đại cách mạng vừa kế thừa vẻ đẹp của thơ ca truyền thống. Thơ Tố Hữu vừa có sự hòa quyện giữa hiện đại và truyền thống. Đoạn thơ cũng là lời người ra đi trao gửi tâm tình với người ở lại.
Hướng dẫn chấm:
- Học sinh trình bày được 2 ý: 0,5 điểm.
- Học sinh trình bày được 1 ý: 0,25 điểm.
0,5
d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
Hướng dẫn chấm:
- Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. 
0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lý luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của thơ Tố Hữu, đặc biệt là bài thơ Việt Bắc; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.
0,5
Tổng điểm
10,0
..........................Hết............................
Rất nhiều đề được soạn đúng chuẩn theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục – Đào tạo, quý, thầy cô tham khảo liên hệ qua mail : kimchi.tong@yahoo.com

Tài liệu đính kèm:

  • docde_kiem_tra_giua_hoc_ky_i_mon_ngu_van_khoi_12_nam_hoc_2021_2.doc