Đề 5 thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt năm học: 2015 - 2016 môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 120 phút

doc 7 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1495Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề 5 thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt năm học: 2015 - 2016 môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 120 phút", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề 5 thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt năm học: 2015 - 2016 môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 120 phút
MÃ KÍ HIỆU
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
Năm học: 2015-2016
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút
( Đề thi gồm 09 câu, 02 trang)
I. Phần đọc hiểu (3 điểm) Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
	“...Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
	Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
	Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi
	Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ
	Em ngủ cho ngoan đừng làm mẹ mỏi
	Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
	Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng...”
Câu 1: Đoạn thơ trên trích trong văn bản:..............................................................?
Câu 2: Những đáp án nào nêu đúng về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm- tác giả của bài thơ?
	A. Ông là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc.
	B. Là Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam.
	C. Ông là nhà thơ sinh ra ở vùng đất An Giang.
	D. Ông từng theo học ngành Luật ở Liên Xô.
	E. Ông là Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Trưởng Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương.
Câu 3. Bài thơ trên viết về những người mẹ dân tộc Tà- ôi vùng chiến khu Trị- Thiên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Nhận định đó là:
	A. Đúng	B. Sai
Câu 4: Trong câu thơ: “ Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ”, hai từ “lưng” là hiện tượng đồng âm hay chuyển nghĩa? Vì sao?
Câu 5: Khổ thơ trên có những hình ảnh ẩn dụ nào?
Câu 6: Nêu ý nghĩa của một trong những hình ảnh ẩn dụ mà em vừa chỉ ra?
Câu 7: Từ tình cảm của người mẹ dành cho con trong bài thơ trên, em hãy viết một đoạn văn (3 đến 5 câu) triển khai câu chủ đề: “ Mẹ - ngọn lửa hồng soi sáng cuộc đời con.”
II. Phần tạo lập văn bản ( 7 điểm)
Câu 8 (3 điểm): Trong bài thơ Nói với con Y Phương viết:
	“...Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
	Sống trong thung không chê thung nghèo đói
	Sống như sông như suối
	Lên thác xuống ghềnh
	Không lo cực nhọc...”
Bằng một bài văn ngắn ( khoảng 1 trang giấy) nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của người đồng mình qua khổ thơ trên?
Câu 9 (4điểm) Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn nhân vật Phương Định thể hiện qua đoạn trích sau: 
 “- Mưa đá! Cha mẹ ơi! Mưa đá.
Tôi chạy vào, bỏ trên bàn tay đang xòe ra của Nho mấy viên đá nhỏ. Lại chạy ra, vui thích cuống cuồng,
[]Ở đây, trên cao điểm đầy bom này cũng có mưa đá. Những niềm vui con trẻ của tôi lại nở tung ra, say sưa, tràn đầy
Nhưng tạnh mất rồi. Tạnh rất nhanh như khi mưa đến. Sao chóng thế? Tôi bỗng thẫn thờ, tiếc không nói nổi. Rõ ràng tôi không tiếc những viên đá. Mưa xong thì tạnh thôi. Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ, hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố. Phải, có thể là những cái đóHoặc là cây, hoặc cái vòm tròn của nhà hát, hoặc bà bán kem đẩy chiếc xe chở đầy thùng kem, trẻ con háo hức bâu xung quanh. Con đường nhựa ban đêm, sau cơn mưa mùa hạ rộng ra, dài ra, lấp loáng ánh đèn trông như sông nước đen. Những ngọn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về xứ sở thần tiên. Hoa trong công viên. Những quả bong sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong một góc phố. Tiếng rao của bà bán xôi sáng có cái mủng trên đầu
Chao ôi, cũng có thể là những cái đó. Những cái đó ở thiệt xaRồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi.”
 (Những ngôi sao xa xôi, Lê Minh Khuê, SGK ngữ văn 9, tập 2)
----------------------------Hết-------------------------------
MÃ KÍ HIỆU
ĐÁP ÁN ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
Năm học: 2015-2016
MÔN: NGỮ VĂN
( Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)
Chú ý: 
	- Thí sinh làm bài theo cách khác nếu đúng thì vẫn cho điểm tối đa.
	- Điểm bài thi bằng tổng số điểm các câu không làm tròn.
I. Phần đọc hiểu (3 điểm)
Câu 1 (0,25 điểm)
Mức độ tối đa: HS xác định được tên tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.
Mức độ không đạt: Không có câu trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 2 (0,25 điểm)
Mức độ tối đa: HS chọn 3 đáp án: A, B, E.
Mức độ chưa tối đa: HS chọn một hoặc hai trong ba đáp án trên
Mức độ không đạt: Không có câu trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 3 (0,25 điểm)
Mức độ tối đa: HS chọn đáp án A
Mức độ không đạt: Không có câu trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 4 (0,25 điểm)
Mức độ tối đa: HS xác định được hai từ lưng trong câu thơ trên là hiện tượng chuyển nghĩa: lưng mẹ hiểu theo nghĩa gốc, là phía sau của thân; còn lưng núi là chỉ sườn núi – nghĩa chuyển.
Mức độ chưa tối đa: HS xác định được là hiện tượng chuyển nghĩa từ nhưng không giải thích cụ thể.
Mức độ không đạt: Không có câu trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 5 (0,5 điểm)
Mức độ tối đa: HS xác định hai hình ảnh ẩn dụ: lưng núi, mặt trời của mẹ.
Mức độ chưa tối đa: HS xác định được một hình ảnh ẩn dụ.
Mức độ không đạt: Không có câu trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 6 (0,5 điểm)
Mức độ tối đa: HS nêu được ý nghĩa của một trong hai hình ảnh ẩn dụ vừa chỉ ra:
- Hình ảnh mặt trời của mẹ là ẩn dụ chỉ đứa con được mẹ địu trên lưng khi giã gạo: Em là hi vọng, em mang lại sức mạnh, ánh sáng, tình yêu cuộc sống cho mẹ.
- Hình ảnh lưng núi là ẩn dụ chỉ sườn núi...
Mức độ chưa tối đa: HS xác định được ý nghĩa của hình ảnh ẩn dụ nhưng chưa trọn vẹn.
Mức độ không đạt: Không có câu trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 7 (1,0 điểm)
Mức độ tối đa: HS viết được đoạn văn triển khai câu chủ đề: Mẹ, ngọn lửa hồng soi sáng cuộc đời con với yêu cầu cụ thể như sau:
Về nội dung: 
	- Câu 1: câu chủ đề
	- Câu 2: Đúng vậy, mẹ là người mang nặng để đau, sinh con ra trong cuộc đời.	
- Câu 3: Mẹ là người chăm lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ.
	- Câu 4: Mẹ là người dạy dỗ, uốn nắn con trở thành công dân tốt
	- Câu 5: Mẹ là ngọn lửa soi sáng cuộc đời con mãi mãi.
Về hình thức: Đúng hình thức đoạn văn, đủ số câu quy định không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Mức độ chưa tối đa: HS đạt được một trong các yêu cầu về nội dung hoặc hình thức.
Mức độ không đạt: Không có câu trả lời hoặc có câu trả lời khác.	
II. Phần tạo lập văn bản (7,0 điểm)
Câu 8 (3 điểm)
 Mức độ tối đa: HS trình bày cảm nhận của mình về những đức tính cao đẹp của người đồng mình qua đoạn thơ trong bài “Nói với con” của Y Phương. Kết cấu bài viết chặt chẽ, biết dùng từ, đặt câu, diễn đạt lưu loát, thuyết phục. 
* Về phương diện nội dung: HS biết làm bài văn nghị luận về đoạn thơ với những yêu cầu cụ thể như sau: 
1. Mở bài (0.5đ)
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Nêu vấn đề: Qua đoạn thơ trên ta thấy được phẩm chất cao đẹp của người đồng mình đó là sự gắn bó, chung thủy với nơi chôn rau, cắt rốn- đó cúng là vẻ đẹp truyền thống của con người quê hương.
2. Thân bài (2,0đ)
	1. Luận điểm 1: Giới thiệu khái quát nội dung, nghệ thuật của bài thơ. (0,5đ)
- Bài thơ được viết theo thể thơ tự do ngôn ngữ giản dị mộc mạc
- Bài thơ không đưa ra những chân lí to tát mà là lời tâm sự chân thành của người cha với con, dạy con biết yêu thương, quý trọng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương.
- Qua lời tâm sự người cha đã nói với con biết bao phẩm chất cao đẹp của người đồng mình: tài hoa, phóng khoáng, cần cù, yêu lao động, giản dị mộc mạc nhưng không hề nhỏ bé..
2. Luận điểm 2: Vẻ đẹp nổi bật hơn cả của người đồng mình là sống thủy chung với nơi chôn rau cắt rốn.(1,5 điểm) 
“ Sống trên đá không chê đá ghập nghềnh
...............................................................
Không lo cực nhọc.”
+ HS phân tích hình ảnh ẩn dụ “ đá ghập ghềnh, thung nghèo đói” và điệp ngữ “không chê” để thấy được phẩm chất thủy chung của người đồng mình.
+ Đặc biệt chú ý hình ảnh so sánh trong câu “ Sống như sông như suối” để thấy được quy luật của đời người cũng như dòng chảy của một con sông, hãy biết chấp nhận và vượt qua.
3 Kết bài: (0.5đ)
- Khẳng định lại giá trị nghệ thuật, nội dung của tác phẩm
Về phương diện hình thức: HS biết làm bài văn nghị luận về đoạn thơ, diễn đạt rõ ràng, đảm bảo dung lượng, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt.
Mức độ chưa tối đa: HS đảm bảo được một trong các yêu cầu về nội dung và hình thức.
Mức độ không đạt: Không có câu trả lời hoặc có câu trả lời khác.
Câu 9 (4 điểm)
Mức độ tối đa: HS làm được bài văn nghị luận về nhân vật trong tác phẩm truyện với những yêu cầu cụ thể như sau:
*Về phương diện nội dung: 
1. Mở bài (0,5đ)
- Giới thiệu nhà văn Lê Minh Khuê: nhà văn nữ chuyên viết truyện ngắn đề tài về thanh niên xung phong
- Giới thiệu tác phẩm: Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi là sáng tác đầu tay của Lê Minh Khuê, viết năm 1971.
- Nhân vật Phương Định là nhân vật chính trong tác phẩm để lại những ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc.
- Đoạn trích trên làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn Phương Định – cô gái Hà Nội đi chiến đấu: hồn nhiên, trong anh, giàu mơ mộng.
2. Thân bài (3đ)
a. Giới thiệu hoàn cảnh sống và chiến đấu.
+ Sống, chiến đấu trên một cao điểm, giữa vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn.
+ Công việc: Đặc biệt nguy hiểm, luôn đối mặt với cái chết, căng thẳng thần kinh.
+ Nhiệm vụ: Quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấpđánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và phá bom.
=> Hoàn cảnh sống chiến đấu vô cùng gian khổ qua đó làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn Phương Định.
b. Vẻ đẹp Phương Định gợi ra trong đoạn trích. (2đ)
Phương Định là một cô gái gan dạ, dũng cảm, quan tâm đồng đội và đặc biệt đó còn là cô gái hồn nhiên, trong ang, mơ mộng : 
- Cảm xúc của Phương Định khi có mưa đá : thích reo lên như trẻ con  cha mẹ ơi ! mưa đá. Thích đến cuống cuồng. Định chạy ra ngoài hang ngửa mặt lên, dang hai tay lên trời đón những viên đá, chạy vào trong hang để trong lòng bàn tay Nho. Những niềm vui con trẻ của Định nở bung ra, say sưa, tràn đầy.
- Điều thú vị ở đây, Phương Định thưởng thức cái cảm giác vui sướng con trẻ ấy khi chị đã trưởng thành, giữa cuộc kháng chiến vô cùng khốc liệt. Cơn mưa đá gọi về, làm nở tung trong cô những kỉ niệm xưa : Định nhớ cái cửa sổ,những ngôi sao trên bầu trời thành phố, vòm cây trong nhà hát... Những kỉ niệm tuổi thơ ấy ùa về nhanh như cơn mưa đá  xoáy mạnh như sóng trong tâm trí của chị để bỗng chốc lại cuốn đi, để lại trong cô cảm giác tiếc nuối.
- Những kỉ niệm tuổi thơ vừa là những khao khát trong tâm trí Phương Định, vừa làm dịu mát tâm hồn cô trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường.
- Đoạn văn giàu chất trữ tình như những dòng thơ tươi mát chảy vào làm mát không khí nóng bỏng của chiến trường. Nó làm mát tâm hồn mộng mơ, hồn nhiên của Phương Định. 
- Nghệ thuật của đoạn trích : Bằng cách chọn ngôi thứ nhất để trần thuật- Phương Định, tác giả đã diễn tả một cách tự nhiên tâm trạng, cảm xúc của một cô gái trước cơn mưa đá. Từ đó làm nổi bật chủ nghĩa anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam giữa bom đạn, luôn phải đối mặt với cái chết nhưng không làm mất đi tâm hồn lạc quan, yêu đời.
3. Kết bài (0,5đ)
- Khái quát vẻ đep của Phương Định –vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.
Về phương diện hình thức : HS viết được bài văn nghị luận về nhân vật trong tác phẩm văn học, bố cục rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Dung lượng bài viết phù hợp với thời gian.
Mức độ chưa đạt : Học sinh trình bày được 2/3 yêu cầu trên nhưng bài viết nhạt nhẽo.
Mức độ không đạt : Học sinh không làm hoặc làm lạc đề.
******Hết******
PHẦN KÝ XÁC NHẬN:
TÊN FILE ĐỀ THI: ĐỀ THI VÀO LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
MÃ ĐỀ THI (DO SỞ GD & ĐT GHI):...
TỔNG SỐ TRANG ( ĐÈ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM) LÀ: 06 TRANG

Tài liệu đính kèm:

  • docV8.doc