Mà KÍ HIỆU ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 .. Năm học : 2015- 2016 MÔN : NGỮ VĂN Thời gian làm bài : 120’ ( Đề thi gồm 09 câu, 02trang) I- Phần đọc – hiểu ( 3đ) : Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi ( từ câu 1 đến câu 4) : Khi con tu hú gọi bầy Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần Vườn râm dậy tiếng ve ngân Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào Trời xanh càng rộng càng cao Đôi con diều sáo lộn nhào từng không ( Tố Hữu – Khi con tu hú , Ngữ văn 8 Tập 1, NXB GD 2004 , trang 19) Câu 1: Tác phẩm có chứa đoạn thơ trên được sáng tác trong thời gian, hoàn cảnh nào? A-Tháng 7 năm 1939. B- Tháng 7 năm 1940. C- Khi tác giả bị bọn thực dân Pháp bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ ( Thừa Thiên – Huế), về sau được in trong tập thơ “ Từ ấy”. D-Tại nhà lao Côn Đảo . E-Khi nhà thơ bị bọn Tưởng Giới Thạch bắt giam. Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên là : Biểu cảm và miêu tả. A. Đúng B. Sai Câu 3 : Có thể thay thế từ “dậy” trong câu “ Vườn râm dậy tiếng ve ngân” bằng từ nào sau đây? A. nhiều B. rộn C. vang D. nức Câu 4 : Điền cụm từ thích hợp vào chỗ trống trong câu văn sau để có câu nhận xét chính xác về cảnh mùa hè được miêu tả ở sáu câu thơ trên ? Bằng tưởng tượng, nhà thơ đã khắc họa sinh động một bức tranh mùa hè ..... Câu 5 : Giải thích ý nghĩa nhan đề “ Tức nước vỡ bờ” của Ngô Tất Tố. Câu 6 : Phân tích cấu tạo ngữ pháp của câu văn sau : “ Hai người giằng co nhau, du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp mặt vào vật nhau.” ( Ngô Tất Tố - Tắt đèn ) Câu 7 : Từ việc học tập văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh” của Lê Anh Trà, em hãy cho biết : Trong tình hình đất nước ta đang mở cửa hội nhập với thế giới như hiện nay, việc học tập phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào ? Từ ý nghĩa đó em cần học tập và rèn luyện như thế nào ? II- Làm văn : ( 7đ) Câu 8: (3đ) Phân tích đoạn thơ sau : “ Ruộng nương anh gửi bạn thân cày Gian nhà không mặc kệ gió lung lay Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi Áo anh rách vai Quần tôi có vài mảnh vá Miệng cười buốt giá Chân không giày Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Câu 9: (4 đ) Cảm nghĩ của em về vẻ đẹp nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long. ..Hết. Mà KÍ HIỆU ................................................ ĐÁP ÁN ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT Năm học : 2015-2016 MÔN : NGỮ VĂN ( Hướng dẫn chấm gồm 05 trang ) A- HƯỚNG DẪN CHUNG Do yêu cầu của kì thi và đặc thù của môn thi, giám khảo cần : Nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm thi. Trên cơ sở bám sát biểu điểm, chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng tiêu chuẩn cho điểm. Tôn trọng và khuyến khích : Sự đa dạng trong cách tổ chức bài làm của học sinh trên cơ sở đáp ứng yêu cầu cơ bản ( với từng câu ) được gợi ý trong bản hướng dẫn chấm thi . Sự độc đáo, sáng tạo trong cảm nhận và diễn đạt Điểm của từng câu không làm tròn. Điểm của bài thi bằng tổng điểm của các câu không làm tròn . B- ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM I- Phần đọc- hiểu : Câu 1 : 0,25đ Mức độ tối đa : HS chọn đáp án : A, C Mức độ chưa tối đa : HS chọn đáp án : A hoặc C Mức độ không đạt : không trả lời hoặc có câu trả lời khác Câu 2 : 0,25đ Mức độ tối đa: HS chọn đáp án : A Mức độ không đạt: không trả lời hoặc có câu trả lời khác Câu 3 : 0,25đ Mức độ tối đa: HS chọn đáp án : B Mức độ không đạt: không trả lời hoặc có câu trả lời khác Câu 4 : 0,25đ Mức độ tối đa: HS điền vào chỗ trống cụm từ : náo nức âm thanh và rực rỡ sắc màu Mức độ chưa tối đa : HS chọn đáp án : A hoặc C Mức độ không đạt: không trả lời hoặc có câu trả lời khác Câu 5: 0,75đ Mức độ tối đa: HS viết được một đoạn văn ( 3- 5 câu) giải thích được 1 số ý : - Tức nước vỡ bờ là một thành ngữ dân gian . “Tức” chỉ trạng thái bên trong bị dồn nén đầy chặt quá đến mức muốn bung ra .Câu thành ngữ có ý nghĩa chỉ sự dồn nén , áp bức quá sẽ khiến người ta phải vùng lên chống đối, phản kháng lại. - Câu thành ngữ nêu lên một quy luật của tự nhiên mà lại có ý nghĩa xã hội vô cùng sâu sắc: ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh. Nhan đề ấy phù hợp với nội dung đoạn trích : Sự áp bức trắng trợn của bọn thực dân phong kiến đã buộc người phụ nữ nông dân đầy nhẫn nhị như chị Dậu phải vùng lên đấu tranh. -Nhan đề ấy cũng toát lên một chân lý : con đường sống của quần chúng nhân dân bị áp bức chỉ có thể là con đường vùng lên đấu tranh để tự giải phóng . Mức độ chưa tối đa: HS làm được một trong ba ý trên. Mức độ không đạt: không trả lời hoặc có câu trả lời khác . Câu 6: ( 0.25đ) Mức độ tối đa: HS phân tích được đúng cấu tạo ngữ pháp của câu : “ Hai người / giằng co nhau, du đẩy nhau,( rồi) ai nấy / đều buông gậy ra, áp mặt vào vật nhau.” CN1 VN1 qht CN2 VN 2 ( Ngô Tất Tố - Tắt đèn ) Mức độ không đạt : không trả lời hoặc có câu trả lời khác Câu 7:(1đ) Mức độ tối đa : HS viết thành đoạn văn nêu và phân tích những suy nghĩ, cảm nhận của mình, trong đó đảm bảo các ý chính sau : - Trong tình hình đất nước ta đang mở cửa hội nhập với thế giới, một vấn đề được đặt ra và cần giải quyết tốt đó là tiếp thu tinh hoa văn hóa, văn minh của nhân loại, của thế giới, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là một nhiệm vụ to lớn và không dễ dàng. Phong cách Hồ Chí Minh là một tấm gương về phương diện này. Vì thế việc học tập phong cách Hồ Chí Minh sẽ giúp cho mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, có được một bài học sinh động về việc kết hợp tinh hoa văn hóa thế giới với bản sắc văn hóa dân tộc. - Em nhận thức được thế nào là lối sống có văn hóa, thế nào là “mốt”, là hiện đại trong ăn mặc nói năng ... Mức độ chưa tối đa : HS nêu được ½ ý nêu trên Mức độ không đạt : không trả lời hoặc có câu trả lời khác II- Làm văn ( 7đ) Câu 8 : (3đ) Mức độ tối đa: * Về phương diện nội dung : - Đúng kiểu bài nghị luận về một đoạn thơ . - HS viết bài văn ngắn . - Bài viết phải làm nổi bật được những biểu hiện cụ thể của tình đồng chí cao đẹp và thiêng liêng của những người lính cách mạng thời chống Pháp. Cụ thể : 1- Mở bài : ( 0,5đ): - Giới thiệu vì nét về tác giả , tác phẩm - Giới thiệu đoạn thơ cần phân tích ( vị trí , nội dung , trích dẫn ) 2- Thân bài : (2đ) : Những biểu hiện cảm động của tình đồng đội : + Tình đồng chí là sự cảm thông sâu sắc những tâm tư, nỗi niềm của nhau. Những người lính gắn bó với nhau, họ hiểu đến những nỗi niềm sâu xa, thầm kín của đồng đội mình (0,75đ) Ruộng nương anh gửi bạn thân cày, Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính. - HS phân tích các hình ảnh : gian nhà không, tư thế “mặc kệ”để thấy được đức hi sinh vì nghĩa lớn của các anh. - HS phân tích hình ảnh “ Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”để thấy rõ nỗi nhớ quê nhà da diết của người lính. + Tình đồng chí còn là cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính. (1đ) - Chia sẻ bệnh tật : Sự từng trải của đời lính đã cho Chính Hữu "biết"được sự khổ sở của những cơn sốt rét rừng hành hạ: người nóng sốt hầm hập đến ướt cả mồ hôi mà vẫn cứ ớn lạnh đến run người. "Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.” ( HS có thể liên hệ đến những câu thơ của Quang Dũng trong bài Tây Tiến, Tố Hữu trong Cá nước) - Chia sẻ những gian lao thiếu thốn về vật chất: “Áo anh rách vai Quần tôi có vài mảnh vá Miệng cười buốt giá Chân không giày” -> Ngôn ngữ thơ chân thực, giản dị, phép liệt kê và nghệ thuật sóng đôi Chính Hữu đã giúp người đọc thấm thía hơn những khổ cực trong cuộc đời đi chiến đấu của các anh. - Phân tích hình ảnh “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” để thấy được sự đồng cam cộng khổ, thấy được sực mạnh, hơi ấm của tình đồng chí . -> Những người lính vẫn cười trong gian lao, bởi họ có hơi ấm và niềm vui của tình đồng đội "thương nhau tay nắm lấy bàn tay". Hơi ấm ở bàn tay, ở tấm lòng đã chiến thắng cái lạnh ở "chân không giày" và thời tiết "buốt giá". Trong đoạn thơ, "anh" và "tôi" luôn đi với nhau, có khi đứng chung trong một câu thơ, có khi đi sóng đôi trong từng cặp câu liền nhau. Cấu trúc ấy đã diễn tả sự gắn bó, chia sẻ của những người đồng đội. * Liên hệ mở rộng: Tình đồng đội trong bài “ Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, "Những ngôi sao xa xôi" - Lê Minh Khuê. * Đánh giá , liên hệ ( 0,25đ) Hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí nói riêng và các bài thơ của các tác giả khác thời kì này nói chung là hình ảnh tiêu biểu , tượng trưng cho thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Pháp. Các anh đã in dấu ấn vào lịch sử, làm nên lịch sử và làm ạng danh lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta 3- Kết bài (0,5đ): - Đánh giá những thành công và vẻ đẹp của người lính trong đoạn thơ . - Cảm nghĩ và liên hệ bản thân . * Về phương diện hình thức : Bài văn không mắc lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, đặt câu. Mức độ chưa tối đa : HS phân tích được đoạn thơ trên một, hai phương diện nào đó. Còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả. Mức độ chưa đạt : HS không làm bài hoặc làm bài lạc đề. Câu 9 : (4đ) Cảm nghĩ của em về nhân vật anh thanh niên trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Mức độ tối đa: * Về phương diện nội dung : - Đúng kiểu bài nghị luận về một nhân vật trong một tác phẩm truyện . - HS viết bài văn ngắn . - Bài viết phải làm nổi bật được những vẻ đẹp nổi bật của anh thanh niên. Cụ thể : 1- Mở bài : ( 0,5đ): - Giới thiệu chung về tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm: + Tác giả: - Nguyễn Thành Long (1925 – 1991) quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp. - Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Ông là một cây bút cần mẫn và nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, lại rất coi trọng thâm nhập thực tế đời sống. Sáng tác của Nguyễn Thành Long hầu như chỉ viết về những vẻ đẹp bình dị của con người và thiên nhiên đất nước. + Tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”: Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai trong mùa hè năm 1970 của tác giả. Truyện rút từ tập “Giữa trong xanh” in năm 1972. Truyện viết về những con người sống đẹp, có ích cho đời, có lí tưởng ước mơ, niềm tin yêu vững bền vào nghề nghiệp, kiến thức, trình độ khoa học mà nhân vật anh thanh niên là hiện thân vẻ đẹp đó. - Cảm nhận chung về nhân vật anh thanh niên. 2. Thân bài: (3đ) - Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của truyện, chỉ xuất hiện trong giây lát nhưng vẫn là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh mà tác giả thể hiện. - Nhân vật anh thanh niên, ở tuổi đời hai mươi bảy tự nguyện rời nơi phồn hoa đô hội lên công tác ở đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m. Điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt, vất vả ( 0,25đ) - Hoàn cảnh sống và làm việc: một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét, với công việc “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày”. Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao. - Gian khổ nhất đối với anh là phải sống trong hoàn cảnh cô độc, một mình trên đỉnh núi cao hàng tháng hàng năm. Điều ấy khiến anh trở thành một trong những người “cô độc nhất thế gian” và thèm người đến nỗi thỉnh thoảng phải ngăn cây chặn đường dừng xe khách qua núi để gặp người trò chuyện.(0,25đ) - Là người yêu đời, yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình ( 0,75đ) : Thấy được công việc lặng thầm này là có ích cho cuộc sống và cho mọi người (cụ thể khi ấy là phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mĩ; Góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mĩ trên cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa). Anh thấy cuộc sống và công việc của mình thật có ý nghĩa, thật hạnh phúc. ( HS phân tích các chi tiết nói về công việc và những suy nghĩ của anh về công việc qua lời tâm sự với ông họa sĩ ) - Yêu sách và rất ham đọc sách – những người thầy, người bạn tốt lúc nào cũng sẵn sàng bên anh ( 0 ,25đ) - Anh không cảm thấy cô đơn vì biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống khoa học, ngăn nắp, chủ động, ngoài công việc anh còn chăm hoa, nuôi gà, nhà cửa và nơi làm việc nhỏ nhắn, xinh xắn, gọn gàng và khá đẹp.( 0,25đ) - Ở người thanh niên ấy còn có những nét tính cách và phẩm chất rất đáng quí: sự cởi mở, chân thành, rất quí trọng tình cảm con người, khao khát gặp gỡ mọi người.(0,25đ) ( HS bám vào các chi tiết : Trao gói tam thất cho bác lái xe, tiếp đón nồng nhiệt, chân thành tự nhiên với ông học sĩ và cô kĩ sư, tặng hoa, tặng làn trứng tươi cho hai vị khách quí) - Anh còn là người rất khiêm tốn, thành thực( 0.5đ). Cảm thấy công việc và những lời giới thiệu nhiệt tình của bác lái xe về mình là chưa xứng đáng, đóng góp của mình chỉ là bình thường nhỏ bé so với bao nhiêu người khác. Khi ông họa sĩ muốn kí họa chân dung, anh từ chối, e ngại và giới thiệu những người khác cho ông vẽ. - Anh còn là người rất ân cần chu đáo, hiếu khách: Trao gói tam thất cho bác lái xe, tiếp đón nồng nhiệt, chân thành tự nhiên với ông họa sĩ và cô kĩ sư, tặng hoa, tặng làn trứng tươi cho hai vị khách quí * Đánh giá chung về thành công của tác giả ( 0,5đ) 3. Kết bài (0,5đ) - Chỉ qua một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, qua cảm nhận của các nhân vật khác, chân dung tinh thần của người thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu đã hiện lên rõ nét và đầy sức thuyết phục với những phẩm chất tốt đẹp, trong sáng về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về nghề nghiệp, cuộc sống. Đó là một trong những con người lao động trẻ tuổi, làm công việc lặng lẽ mà vô cùng cần thiết, có ích cho nhân dân, đất nước. - Liên hệ bản thân * Về phương diện hình thức : Bài văn không mắc lỗi diễn đạt, chính tả, dùng từ, đặt câu. Mức độ chưa tối đa: HS trình bày được cảm nghĩ về nhân vật trên một, hai phương diện nào đó. Còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả. Mức độ chưa đạt: HS không làm bài hoặc làm bài lạc đề. ..Hết. PHẦN KÝ XÁC NHẬN : TÊN FILE ĐỀ THI :Đề thi vào 10. Môn Ngu van. Năm 2015- 2016 Mà ĐỀ THI (DO SỞ GD $ ĐT GHI):.................................................................................................... TỔNG SỐ TRANG ( ĐỀ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM) LÀ : 06 TRANG.
Tài liệu đính kèm: