Đề 2 thi Kì thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông môn thi : Văn thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

docx 6 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1205Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề 2 thi Kì thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông môn thi : Văn thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề 2 thi Kì thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông môn thi : Văn thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Khóa ngày 11  tháng  06 năm 2016 tại TPHCM
Môn thi : VĂN
Thời gian: 120 phút (không tính thời gian giao đề)
ĐỀ CHÍNH THỨC
Câu 1: (3,0 điểm)      
            Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.
Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?
Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.
Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức
(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)
a. Tìm thành phần phụ chú trong văn bản trên và cho biết tác dụng của thành phần ấy. (0,5 điểm)
b. Xác định ít nhất một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu Sống một cuộc đời, cũng giống vẽ một bức tranh vậy và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ ấy. (0,5 điểm)
c. Nêu nội dung văn bản trên. (1,0 điểm)
d. Theo em, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ? Trả lời trong khoảng 3 - 5 dòng (1,0 điểm)
Câu 2: (3,0 điểm)
            Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nêu yêu thương?
Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.
Câu 3: (4,0 điểm)
Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã viết về nhân vật anh thanh niên như sau:
            Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:
-   Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắm liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì?”.
Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:
-   Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.
Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích trên. Từ đó, hãy liên hệ với hình ảnh của thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống để thấy được vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam
---HẾT---
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu 1 :
a.       Thành phần phụ chú được thể hiện ở phần gạch dưới trong câu văn sau:
Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất.
Thành phần phụ chú này có tác dụng bổ sung thể hiện rõ nhận thức tinh tế của người viết về lứa tuổi học trò: lứa tuổi bất ổn định nhất (lứa tuổi mới lớn, tâm sinh lý chưa ổn định nên có những suy nghĩ và biểu hiện không ổn định, khó đoán, nhiều khi người lớn khó lý giải một cách lô-gíc).
b.    Câu “Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy” có biện pháp tu từ là so sánh: so sánh việc sống một cuộc đời với việc vẽ một bức tranh. Tác dụng của biện pháp này nêu lên nhận thức của người viết về đặc điểm của cuộc sống con người. Cuộc đời giống một bức tranh. Do đó mỗi người giống như một họa sĩ. Họa sĩ phải chủ động để sáng tạo nên bức tranh, con người cũng phải chủ động sống cuộc đời mà mình muốn tạo ra cho mình.
c. Nội dung của văn bản:
- Lời khuyên của tác giả Phạm Lữ Ân đối với những người trẻ tuổi: Hãy tìm ra ước mở cháy bỏng nhất trong nơi sâu thẳm của trái tim mình để tạo ra bức tranh riêng của chính đời sống mình cho dù đó là bức tranh tươi đẹp hay u ám. Hãy chủ động vẽ nên bức tranh của đời mình đừng để người khác vẽ giùm. Mỗi chúng ta có một cuộc đời không nên lãng phí nó. Đừng để người khác ăn cắp cuộc đời và luôn luôn nuôi dưỡng ước mơ của chính mình. “Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi, nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.
d. Theo em, lúc nào cũng phải theo đuổi ước mơ dù là ở một hoàn cảnh đầy khó khăn và nghiệt ngã. Có ai đó đã nói rằng “Nước và nắng làm cho cho cây xanh tươi, ước mơ làm cho đời người cao đẹp hơn và có ý nghĩa hơn”. Theo em, người không nuôi dưỡng ước mơ như một lò than hồng đã tắt.
Câu 2:
            Thí sinh cần đáp ứng yêu cầu của câu hỏi: trình bày suy nghĩ của mình được gợi lên từ vấn đề đã nêu trên trong phạm vi khoảng một trang giấy thi. Thí sinh có thể triển khai suy nghĩ của mình theo những cách thức cụ thể khác nhau. Sau đây là một số gợi ý để tham khảo:
*Yêu cầu chung :  thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
*Yêu cầu cụ thể:
            a- Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận.
b- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Không phải chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, sau đây là một gợi ý:
·         Mở bài:
            Hình như tình yêu thương không phải là một đặc trưng của loài người mà còn ở một số loài động vật khác. Thông thường yêu thương được phủ dưới một lớp áo của sự dịu dàng và ngọt ngào. Nhưng sự ngọt ngào chưa đủ để làm nên một tình yêu vĩ đại. Thật vậy, hãy nghĩ đến những khía cạnh khác của yêu thương bên cạnh ngọt ngào.
·         Thân bài:
-        Giải thích: Thế nào là yêu thương? Có nhiều loại yêu thương như tình mẫu tử, tình thầy trò, tình bạn bè và có bao nhiêu thời đại, có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu cung cách yêu thương.
-        Cung cách thường thấy nhất của yêu thương là sự ngọt ngào. Có yêu thương, ông bà, cha mẹ mới không giận dữ, quát mắng, rầy la, đánh đập khi con cháu làm việc sai quấy và luôn luôn vuốt ve, dịu dàng, vỗ về, chăm sóc khi con cháu thất bại trên đường đời. Có yêu thương, thầy cô mới không bực mình, la mắng khi học trò nói chuyện, nghịch giỡn trong giờ học, trong lúc thầy cô đang giảng bài. Có yêu thương, anh chị không nề vất vả, mất thời gian mà nhẹ nhàng, từ tốn hướng dẫn các em trong việc học, việc làm
-        Tuy nhiên, tục ngữ Việt Nam có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” hay “Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng”. Những câu tục ngữ này đã khẳng định rằng roi vọt, lời mắng chửi có khi cũng là một cung cách biểu hiện của yêu thương. Khi con hư, cha mẹ thường giận dữ la mắng và đánh đòn nhưng ẩn đằng sau đó là một tình yêu thương vô bờ bến. Những lời trách mắng, những đòn roi đó có mục đích cao thượng là muốn con nên người. Khi học trò nói chuyện trong lớp, thầy cô đuổi học trò ra khỏi lớp nhưng trong lòng thầy cô là một tình yêu thương và một sự ngậm ngùi. Mục đích của người thầy là rèn luyện cho học trò mình thành một người vừa hồng vừa chuyên.
-        Câu chuyện Lưu Bình – Dương Lễ ngày xưa cũng là một ví dụ cho thấy đôi khi yêu thương phải được ngụy trang bằng sự lạnh lùng và tàn nhẫn. Có những câu chuyện mà cái tát tai không phải của lòng thù hận mà bắt nguồn từ tình yêu thương, mà nhiều năm sau người nhận tát tai mới hiểu ra.
-        Trong thực tế xã hội, những kẻ xấu thường sử dụng những lời ngọt ngào như những thủ đoạn để đánh lừa người khác.
-        Trong tình thân bạn bè khi bạn mình sai thì rất cần những lời thẳng thắn như thuốc đắng dẫu có thể làm mất lòng bạn lúc đó nhưng sẽ có ích lợi lâu dài.
-        Có những tiểu thuyết và phim ảnh nói về những tình yêu vĩ đại chúng ta bắt gặp bên cạnh những ngọt ngào là những đớn đau và cay đắng.
-        Đôi khi sự yêu thương còn thể hiện bằng một sự im lặng mênh mông.
·         Kết bài: Lòng yêu thương thường được biểu hiện bằng lời nói và thái độ ngọt ngào nhưng sự ngọt ngào chưa chắc đã xuất phát từ tình yêu thương thật sự. Cho nên, sống ở trên đời, chúng ta cần phải có thái độ tỉnh táo, khách quan trước mọi sự ngọt ngào và cay đắng. Bởi vì, “mật ngọt chết ruồi” và “kẻ khen ta mà khen đúng là bạn ta, kẻ chê ta mà chê đúng là thầy ta, còn kẻ nịnh ta là kẻ thù của ta”.
Câu 3:
* Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kỹ năng làm bài nghị luận văn học: Cảm nhận vể một nhân vật trong một đoạn trích. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
* Yêu cầu cụ thể :
 Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận gồm đủ 3 phần. Trong đó phần thân bài phải đáp ứng đủ hai yêu cầu của đề bài:
+ Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích của đề bài
+ Hình ảnh của thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống biểu hiện vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam.
Học sinh có thể triển khai bài viết theo những nội dung cụ thể khác nhau. Sau đây là một gợi ý.
Mở bài:
-          Giới thiệu vài nét về nhà văn Nguyễn Thành Long.
-          Giới thiệu tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa. Trong đó có đoạn trích được dẫn ở đề bài mang lại cho người đọc nhiều cảm nhận về nhân vật anh thanh niên.
Thân bài:
-          Phần 1 : Cảm nhận nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích
+ Một người yêu mến công việc dù làm việc một mình trên đỉnh núi Yên Sơn trong khung cảnh vắng vẻ nhưng anh không cảm thấy lẻ loi vì công việc mang lại cho anh niềm vui và nhận thức về ý nghĩa của công việc làm. Cho nên với anh: ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?
+ Một người có lòng yêu mến con người. Sống đơn độc nên anh rất khao khát được gặp gỡ và trò chuyện với mọi người. Chính anh đã khẳng định với bác tài xế xe khách: Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác?.
+ Một người ham học hỏi, rất quan tâm đến đời sống nội tâm. Sống một mình trên đỉnh núi, anh không cảm thấy cô đơn vì lúc nào bên cạnh anh cũng có sách. Ngoài giờ làm việc, ngoài lúc phải chăm sóc vườn hoa, đàn gà, anh dành thời gian để đọc sách. Khi cô kĩ sư, ông họa sĩ đến phòng ở của anh và quyển sách anh đang đọc dở vẫn còn để mở trên bàn. Chính anh cũng đã khẳng định với cô kĩ sư: Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ. Cái cách đọc sách của anh tinh tế, nghiêm túc và đúng đắn biết bao.
+ Một người sống có lý tưởng, có trách nhiệm. Anh ý thức một cách rất rõ ràng: Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc?. Nhận thức đó cho thấy anh trẻ nhưng không hời hợt. Anh sống một mình nhưng không cô đơn vì lúc nào trong tư tưởng của anh mục đích sống, lẽ sống vẫn luôn luôn tồn tại và nhắc nhở. Làm một công việc đơn độc, phải dậy vào lúc nửa đêm, phải ra ngoài trời lúc mưa bão, lạnh lẽo, anh có thể nằm ở trong nhà, lấy số liệu cũ mà gọi bộ đàm về để báo cáo. Nhưng anh không làm điều đó. Vì anh có trách nhiệm và anh hiểu rõ việc anh làm ở đây có liên quan, có ảnh hưởng đến cuộc sống lao động và chiến đấu của rất nhiều người lúc bấy giờ. Việc phái đoàn không quân – phòng không đến thăm và khen ngợi anh đã cho thấy rõ điều đó.
+ Nhân vật anh thanh niên được xây dựng bằng một nghệ thuật đặc sắc. Nó được miêu tả và thể hiện qua cuộc gặp gỡ đặc biệt với ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ; được bộc lộ qua lời đối thoại của nhân vật; nhân vật không có tên riêng, không có ngoại hình cụ thể mà chỉ có tên gọi theo kiểu chung, phiếm chỉ.
+ Vì thế, hình ảnh người thanh niên thể hiện vẻ đẹp của người thanh niên Việt Nam nói chung trong giai đoạn chống Mĩ: giản dị, chân thành và giàu lý tưởng; góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm, thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong chiến đấu; thể hiện cảm hứng của Nguyễn Thành Long khi sáng tác: “SaPa không chỉ là một sự yên tĩnh. Bên dưới sự yên tĩnh ấy, người ta làm việc”, hy sinh, yêu thương và mơ ước. Hình ảnh này gợi cho người đọc đến hình ảnh của thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn chống Mĩ nói riêng và theo dòng chảy thời gian nói chung.
-          Phần 2: Nó gợi đến hình ảnh những người như cô Phương Định, Nho, Thao trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê).
+ Những cô thanh niên xung phong làm công tác trinh sát mặt đường trên đường mòn Trường Sơn trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ gian khổ, ác liệt và đầy nguy hiểm.
+ Nhưng họ là những người rất lạc quan, thích đùa tếu, mỗi người một vẻ. Trong đó tiêu biểu nhất là Phương Định. Đó là một cô gái Hà Nội xinh đẹp, có tâm hồn nhạy cảm, lao động và chiến đấu gan góc, dũng cảm và cũng là người có ý thức, có tình cảm đẹp về tình đồng đội của những người thanh niên: Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ / Mà lòng phơi phới dậy tương lai.
-          Phần 3: So sánh hai hình ảnh đã nêu trên
+ Họ là những nhân vật khác nhau trong những tác phẩm văn học khác nhau. Họ khác nhau về giới tính, về môi trường sống, về công việc cụ thể. Nhưng họ là những người thanh niên của cùng một thời kì chiến tranh, cùng thể hiện vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong một thời kì lịch sử đầy khốc liệt của Tổ quốc và cùng để lại những ấn tượng sâu đậm đối với người đọc ở các giai đoạn sau.
Kết bài:
Đây là một đoạn văn ngắn nhưng biểu hiện được những nét tiêu biểu cho nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, của nhân vật anh thanh niên. Tác giả Nguyễn Thành Long đã thành công trong việc khắc họa nét đẹp của tuổi trẻ Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cũng như trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Đức Hùng
(Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn – TP.HCM) 

Tài liệu đính kèm:

  • docxDE_VA_DAP_AN_MON_VAN_LOP_10_2016.docx