Kỳ thi thpt quốc gia năm 2015 môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

doc 6 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1505Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi thpt quốc gia năm 2015 môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi thpt quốc gia năm 2015 môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
TRƯỜNG THPT KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
	 Môn: NGỮ VĂN
 ĐỀ CHÍNH THỨC Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm) 
Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4.
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay
Bên kia sông Đuống 
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng 
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong 
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp 
 (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)
Câu 1 (0,5 điểm): Những phương thức biểu đạt nào được sử dụng trong đoạn thơ?
 Câu 2 (0,25 điểm): Chỉ ra biện pháp tu từ trong khổ thơ 1.
Câu 3 (0,5 điểm): Tác giả đã bày tỏ cảm xúc gì qua những hồi ức về quê hương?
Câu 4 (0,25 điểm): Nêu cảm nghĩ của anh/chị về quê hương mình. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng.
Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi từ 5 đến 8:
(1) Tôi cảm kích trước lòng tự trọng của một kỹ sư người Nhật vừa mới tự tử tại Thổ Nhĩ Kỳ bởi vì một sợi dây cáp bị đứt khi cây cầu đang được thi công, mặc dù cầu không bị gãy và không có người thiệt mạng. Ông là Kishi Ryoichi, 51 tuổi, người đã tự nhận trách nhiệm cho sự cố này trong bức thư tuyệt mệnh mà ông để lại. 
(2) Vậy mà ở Hà Nội, cả một dự án chặt cây liên quan đến nhiều vị lãnh đạo các cấp, khi mới bước đầu thực hiện đốn hạ được 500 cây, họ đã lập tức bị cả một làn sóng dư luận phản đối, chỉ trích từ người dân, từ các nhà khoa học, trí thức và truyền thông mà vẫn chưa một ai đứng ra nhận lỗi trước công luận thì đấy là một điều hết sức kỳ lạ. Nhưng lạ hơn là tất cả những câu trả lời báo chí của họ, dù chậm chạp, lại tìm mọi cách để né tránh hay tảng lờ. Họ chống lại cả các nhà khoa học, họ khăng khăng cây mỡ là cây vàng tâm. Họ cưa đổ hàng loạt cổ thụ đang sống yên ổn và phát triển tốt mà họ vẫn nói là chỉ chặt bỏ cây sâu, cây mọt rỗng... để làm đẹp đô thị và bảo đảm an toàn giao thông. Họ đốn hạ cả những cây mới trồng 4-5 năm dọc những vỉa hè thoáng đãng để thay cây mới không biết bao giờ mới khép tán nhưng họ nói đấy là cần thiết. Tóm lại là họ đang chống lại tai mắt, trí tuệ, tình cảm của người dân. Đó phải chăng là lòng tự trọng của họ?
Không. Không bao giờ có một kiểu “tự trọng” như thế cả. Chỉ là họ muốn né tránh trách nhiệm mà thôi.
(3) Nếu không thì tại sao họ không công nhận ngay những sai trái nhỡn tiền, ai ai cũng thấy. Chẳng lẽ, họ không nhìn thấy trên truyền hình những người dân biết tôn trọng chính quyền, ủng hộ chính quyền làm những việc ích nước lợi dân, những người dân đã khóc khi thấy những thân cây vô tội dọc những con phố yên ổn hàng mấy chục năm bỗng dưng bị đốn hạ? Chẳng lẽ, họ không thấy những em sinh viên xuống đường bảo vệ cây xanh, bảo vệ lá phổi của thủ đô? Chẳng lẽ, họ không thấy những nhà khoa học, những văn nghệ sĩ, những nhà báo, những trí thức lên tiếng phản đối vụ chặt cây này? Họ thấy mà cứ làm ngơ?
(Báo Người lao động-Ra ngày 28/03/2015)
Câu 5 (0,25 điểm): Trong đoạn 1 và 2, người viết đã sử dụng thao tác lập luận nào?
Câu 6 (0,5 điểm): Trong đoạn 3, việc sử dụng điệp từ “Chẳng lẽ” và các câu hỏi tu từ đã thể hiện thái độ gì của người viết.
Câu 7 (0,5 điểm): Bài báo trên đề cập đến vấn đề gì? 
Câu 8 (0,25 điểm): Anh/chị nêu một ý kiến bình luận về vấn đề đặt ra trong bài báo. Trả lời trong khoảng 3-5 dòng.
Phần II. Làm văn (7,0 điểm) 
Câu 1. (3,0 điểm) 
“Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí” 
(Thép đã tôi thế đấy - Nikolai Alexeevich Ostrovsky)
Anh (chị) có ý kiến như thế nào về câu nói trên? Hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ)
Câu 2 (4,0 điểm):
Về nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Việc Tràng nhặt vợ giữa cái đói khát ghê gớm đang đe dọa là một sự liều lĩnh. Cũng có ý kiến rằng: Đó là biểu hiện của khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc.
Bằng sự cảm nhận về nhân vật Tràng, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
Hết.
TRƯỜNG THPT KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
	 Môn: NGỮ VĂN
ĐÁP ÁN - THANG ĐIỂM
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm) 
Câu 1. Những phương thức biểu đạt: biểu cảm, miêu tả. 
- Điểm 0,5: Trả lời đúng 2 phương thức biểu đạt
- Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 2 phương thức biểu đạt.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời 
Câu 2. Biện pháp tu từ trong khổ thơ 1
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo cách trên 
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời 
Câu 3. Cảm xúc của tác giả
- Tự hào về quê hương thanh bình, giàu đẹp, giàu truyền thống văn hóa.
- Đau xót khi quê hương rơi vào tay giặc.
- Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên 
- Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý 
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời 
Câu 4. Nêu cảm nghĩ của bản thân. 
- Điểm 0,25: Nêu được cảm nghĩ riêng của bản thân. 
- Điểm 0: Câu trả lời không rõ ý hoặc không có câu trả lời. 
Câu 5. Thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn 1 và 2: so sánh. 
- Điểm 0,25: Trả lời đúng theo cách trên.
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời 
Câu 6. Trong đoạn 3, việc sử dụng điệp từ “Chẳng lẽ” và các câu hỏi tu từ đã thể hiện thái độ của người viết: Bất bình trước thái độ thiếu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong dự án chặt cây xanh ở Hà Nội.
- Điểm 0,5: Trả lời đúng theo cách trên 
- Điểm 0,25: Trả lời chung chung, chưa thật rõ ý. 
- Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời 
Câu 7. Bài báo trên đề cập đến vấn đề: Các cá nhân, tổ chức trong dự án chặt cây xanh ở Hà Nội.
né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện những việc làm sai trái.Đó là biểu hiện của sự thiếu lòng tự trọng.
Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. 
- Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí. 
- Điểm 0,25: Trả lời chung chung, chưa thật rõ ý. 
- Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời. 
Câu 8. Nêu 01 ý kiến bình luận theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục. 
- Điểm 0,25: Nêu 01 ý kiến bình luận theo hướng trên 
- Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau: 
+ Nêu ý kiến nhưng không phải là quan điểm riêng của bản thân mà nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho.
+ Câu trả lời không rõ ý, không có sức thuyết phục; 
+ Không có câu trả lời. 
II. Làm văn (7,0 điểm) 
Câu 1. (3,0 điểm) 
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo 
lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo 
đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 
* Yêu cầu cụ thể: 
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. 
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện 
được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. 
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sống có ích để khỏi xót xa, ân hận.
- Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung. 
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. 
c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo 
trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận 
điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và 
đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm): 
- Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau: 
+ Giải thích ý kiến: Cuộc sống là vô cùng quí giá, mỗi người chỉ một lần được sống trong cuộc đời này. Vì vậy, phải biết sống cho thật ý nghĩa, biết sống vì mọi người, cống hiến cho xã hội, cho nhân loại nhưng gì mình có. 
+ Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ý kiến bằng việc 
bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến. Lập luận 
phải chặt chẽ, có sức thuyết phục: Đó là một quan niệm sống đẹp, quan niệm sống tích cực. Thời gian là vô giá, mỗi khoảnh khắc trôi qua là vĩnh viễn không thể lấy lại. Cho nên, phải tận dụng nó một cách hữu hiệu nhất, đừng để cuộc đời trôi qua một cách vô vị và vô nghĩa, nhất là tuổi trẻ.
+ Bình luận để rút ra bài học cho bản thân và những người xung quanh: Mỗi người hãy giữ cho mình những lý tưởng sống cao đẹp và sống theo lý tưởng mà ta đã chọn. Đừng bao giờ chùn bước, phải dũng cảm đối mặt với những khó khăn.
- Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ. 
- Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 
d) Sáng tạo (0,5 điểm) 
- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các 
yếu tố biểu cảm,) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
- Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng 
sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc 
quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
Câu 2. (4,0 điểm) 
* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo 
lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ 
văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 
* Yêu cầu cụ thể: 
a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt 
hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với 
nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm 
xúc sâu đậm của cá nhân. 
- Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện 
được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn. 
- Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 
b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về nhân vật Tràng và bình luận hai ý kiến nêu trên đề. 
- Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung. 
- Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. 
 c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo 
trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận 
điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng 
(2,0 điểm): 
- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau: 
+ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
 Kim Lân là cây bút truyện ngắn xuất sắc. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân, có một số tác phẩm có giá trị về đề tài này.
Vợ nhặt là truyện ngắn độc đáo rút trong tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962. Truyện phản ánh đời sống nghèo khổ, cơ cực và khát vọng hạnh phúc của người nông dân Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.. Nhà văn kể về chuyện anh cu Tràng nhặt vợ giữa lúc người chết như ngả rạ. Có ý kiến cho rằng việc Tràng nhặt vợ giữa cái đói khát ghê gớm đang đe dọa là một sự liều lĩnh. Cũng có ý kiến rằng: Đó là biểu hiện của khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc.
+ Cảm nhận về nhân vật Tràng và bình luận các ý kiến
++ Việc Tràng nhặt vợ giữa cái đói khát ghê gớm đang đe dọa là một sự liều lĩnh:
 Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh ngày đói vô cùng thê thảm, hãi hùng: “Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma”, “bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma”, “người chết như ngả rạ” 
 Tràng nhặt vợ chỉ sau hai lần vô tình gặp ngoài chợ, vài câu nói đùa và bốn bát bánh đúc.
 Xây dựng hạnh phúc trên nền một cuộc sống bất trắc và khốn đốn khiến bản thân Tràng, bà cụ Tứ và cả xóm ngụ cư đều lo lắng: “thóc gạo này đến cái thân mình chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”, “Giời đất này còn rước cái của nợ đời về”
 Nhận xét:
 Kim Lân đặt vào bối cảnh đó một mối duyên thật là táo bạo, dở khóc, dở cười.
 Hành động Tràng nhặt vợ giữa cái đói khát ghê gớm đang đe dọa quả là một sự liều lĩnh. Nhưng đó là cái liều của sự dũng cảm, Tràng đã dũng cảm dắt tay cô gái ấy bước qua ranh giới của sự sống và cái chết. Cái liều kia khiến người đọc cảm thương, trân trọng và khâm phục.
++ Tràng nhặt vợ giữa nạn đói là biểu hiện của khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc:
 Thái độ trân trọng, chu đáo của Tràng đối với người vợ nhăt: bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con, vài thứ lặt vặt, ăn một bữa no nê; cách Tràng giới thiệu vợ với mẹ.
 Tâm trạng vui sướng, hạnh phúc của Tràng: Mặt hắn “phớn phở”, hai con mắt thì “sáng lên lấp lánh”. Tràng hình như quên cả cái đói khát đang đe dọa, quên cảnh sống ê chề tối tăm.
 Tràng thực sự thấy cuộc đời mình đã thay đổi: yêu thương, gắn bó với gia đình, ý thức về trách nhiệm và bổn phận, có niềm tin vào tương lai.
 Nhận xét:
 Cái quyết định có vẻ liều lĩnh của Tràng đã nói lên rằng, từ trong sâu thẳm của tiềm thức, con người vẫn khao khát hạnh phúc, bất chấp sự đe dọa của cái đói, cái chết. Đó là sức mạnh để con người đứng vững giữa cuộc đời.
 Thể hiện cái nhìn rất nhân văn của Kim Lân về con người, về cuộc đời.
Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. 
- Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân 
tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ. 
- Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên. 
- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 
- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên. 
d) Sáng tạo (0,5 điểm) 
- Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các 
yếu tố biểu cảm,) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm 
và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
 - Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng 
sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
- Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc 
quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 
e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm): 
- Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. 
- Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_thi_thu_THPT_2016.doc