Kỳ thi chọn học sinh giỏi vòng trường, năm học: 2015 - 2016 đề thi môn: Địa lý 9 thời gian: 150 phút (không kể thời gian phát đề)

doc 4 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 664Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi chọn học sinh giỏi vòng trường, năm học: 2015 - 2016 đề thi môn: Địa lý 9 thời gian: 150 phút (không kể thời gian phát đề)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi chọn học sinh giỏi vòng trường, năm học: 2015 - 2016 đề thi môn: Địa lý 9 thời gian: 150 phút (không kể thời gian phát đề)
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI VÒNG TRƯỜNG, NĂM HỌC: 2015-2016
Đề thi môn: Địa lý 9
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian phát đề)
________________________
Câu 1 (4điểm): Tại sao nói việc làm đang là vấn đề xã hội gay gắt ở nước ta hiện nay? Hãy nêu các giải pháp chủ yếu để giải quyết vấn đề việc làm ở nước ta hiện nay?
Câu 2 (4,5 điểm): Giải thích và chứng minh khí hậu nước ta có tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Khí hậu ấy có thuận lợi và khó khăn gì cho sản xuất nông nghiệp?
Câu 3 (3điểm): Trình bày tình hình phát triển của ngành bưu chính viễn thông nước ta? Nêu tác động của các dịch vụ điện thoại và Internet đến đời sống kinh tế, xã hội nước ta? 
Câu 4 (4,5điểm): Chứng minh giao thông vận tải nước ta đã phát triển đầy đủ các loại hình?
Câu 5 (4điểm): 
	Cho bảng số liệu: Lao động và việc làm ở nước ta, giai đoạn 1996 - 2009.
Năm
Số lao động đang làm việc (triệu người)
Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị (%)
Thời gian thiếu việc làm ở nông thôn (%)
1996
33,8
5,9
27,7
2000
37,6
6,4
25,8
2005
42,7
5,3
19,4
2009
47,7
4,6
15,4
a) Vẽ biểu đồ thích hợp nhất thể hiện số lao động đang làm việc, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị và thời gian thiếu việc làm ở nông thôn nước ta, giai đoạn 1996 - 2009.
b) Nêu nhận xét và giải thích tình trạng lao động và việc làm của nước ta trong thời gian trên.
	HẾT	
KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI VÒNG HUYỆN, NĂM HỌC: 2015-2016
Hướng dẫn chấm môn: Địa lý 9
Thời gian: 150 phút (không kể thời gian phát đề)
___________________ 
Câu 1: (4điểm)
* Việc làm đang là vấn đề kinh tế - xã hội gay gắt ở nước ta, vì: (1.5điểm; mỗi ý 0.5điểm) 
- Nguồn lao động dồi dào trong điều kiện nền kinh tế chưa phát triển, chất lượng của nguồn lao động thấp tạo sức ép đối với vấn đề giải quyết việc làm ở nước ta. 
- Ở nông thôn: do tính chất mùa vụ của sản xuất nông nghiệp và sự phát triển của các ngành nghề ở nông thôn còn hạn chế nên tỉ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là 22,3% (năm 2003).
- Ở thành thị: tỉ lệ thất nghiệp cao khoảng 6%, trong khi thiếu lao động có trình độ kỹ thuật ở các ngành công nghiệp, dịch vụ, khoa học kỹ thuật. 
* Hướng giải quyết: (2.5điểm; mỗi ý 0.5điểm) 
- Đẩy mạnh công tác kế hoạch hóa gia đình.
- Phân bố lại dân cư và lao động (chuyển từ đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền trung đến Tây bắc và Tây nguyên). 
- Đa dạng hoá các hoạt động kinh tế ở nông thôn, phát triển công nghiệp, dịch vụ ở thành thị. Chú ý các hoạt động công nghiệp vừa và nhỏ để thu hút lao động. 
- Đa dạng hoá các loại hình đào tạo và hướng nghiệp, dạy nghề. 
- Có chính sách xuất khẩu lao động hợp lí. 
Câu 2: (4,5điểm)
* Nước ta có khí hậu nhiệt đới gió mùa là do: (1,5đ)
- Vị trí nước ta nằm ở vùng nội chí tuyến Bắc bán cầu. (0,5đ)
- Là cầu nối giữa đất liền và biển. (0,5đ)
- Nơi tiếp xúc của các luồng gió thay đổi theo mùa. (0,5đ)
* Tính chất nhiệt đới gió mùa được thể hiện:(2đ)
- Nhiệt độ trung bình năm đếu vượt 21oC.(0,5đ)
- Một năm có 1400 – 3000 giờ nắng.(0,5đ)
- Lượng mưa trung bình năm từ 1500 – 2000 mm. Độ ẩm trên 80% (0,5đ)
- Một năm có hai mùa gió khác nhau: (0,5 đ)
+ Gió mùa mùa hạ: Thổi từ tháng 5 đến tháng 10 từ phía Nam lên, hướng Tây Nam ở Nam Bộ, hướng Đông Nam ở Bắc Bộ, không khí nóng ẩm mưa nhiều.
+ Gió mùa mùa đông: Thổi từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau từ phía Bắc xuống, hướng chính là Đông Bắc, không khí lạnh khô.
* Thuận lợi và khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp: (1đ)
- Thuận lợi: Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa tạo cho cây trồng, vật nuôi phát triển quanh năm, là cơ sở để phát triển nông nghiệp nhiệt đới sản xuất lớn, thâm canh, chuyên canh và đa canh...(0,5đ)
- Khó khăn: Khí hậu có nhiều thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh, dịch bệnh, rét hại...(0,5đ)
Câu 3: (3điểm) 
* Tình hình phát triển của ngành bưu chính viễn thông nước ta:
- Những dịch vụ cơ bản của bưu chính viễn thông: điện thoại, điện báo, truyền dẫn số liệu, Internet, phát hành báo chí, chuyển bưu phẩm, bưu kiện, ... (0,5điểm)
- Bưu chính có những bước phát triển mạnh mẽ: Mạng bưu cục không ngừng được mở rộng và nâng cấp, nhiều dịch vụ mới với chất lượng cao ra đời (chuyển phát nhanh, chuyển tiền nhanh, ...) (0,5điểm)
- Mật độ điện thoại tăng rất nhanh, năm 2002 đạt 7,1 máy/ 100 dân. (0,25điểm)
- Toàn mạng lưới điện thoại đã được tự động hóa, tới hơn 90% số xã trong cả nước. (0,25điểm)
- Năng lực mạng viễn thông quốc tế và liên tỉnh được nâng lên vượt bậc. Các dịch vụ nhắn tin, điện thoại di động, thư điện tử, ... phát triển tới hầu hết các tỉnh. (0,25điểm)
- Ngành viễn thông ngày càng phát triển hiện đại, với nhiều trạm thông tin vệ tinh và các tuyến cáp quang biển quốc tế. (0,25điểm)
- Nước ta hòa mạng Internet vào cuối năm 1997. Số thuê bao tăng lên rất nhanh. (0,25điểm)
* Tác động của các dịch vụ điện thoại và Internet đến đời sống kinh tế, xã hội nước ta:
-	Đảm bảo thông tin, liên lạc phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. (0,25điểm) 
- Tạo điều kiện để người dân tiếp thu các thành tựu về khoa học - công nghệ, văn hóa, xã hội, làm phong phú đời sống văn hóa và nâng cao nhận thức về mọi mặt. (0,25điểm)
- Tạo điều kiện cho sự hội nhập với thế giới. (0,25điểm)
Câu 4: (4,5điểm)
- Giao thông vận tải của nước ta đã phát triển đầy đủ các loại hình, phân bố rộng khắp cả nước, chất lượng đang được nâng lên: 
- Các loại hình giao thông vận tải: (Mỗi ý 0,75điểm)
 + Đường bộ: tổng chiều dài khoảng 205 nghìn km, chuyên chở được nhiều hàng hóa và hành khách, được đầu tư nhiều nhất; các tuyến đường quan trọng: quốc lộ 1A, quốc lộ 5, quốc lộ 18 
 + Đường sắt: tổng chiều dài khoảng 2632 km. Các tuyến đường quan trọng: đường sắt thống nhất Hà Nội - Tp Hồ Chí Minh..
 + Đường sông: Mới được khai thác ở mức độ thấp, tập trung ở lưu vực sông Cửu Long và sông Hồng
 + Đường biển: gồm vận tải ven biển và vận tải quốc tế. Vận tải biển quốc tế đang được đẩy mạnh, có 3 cảng lớn: Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng.
 + Đường hàng không: đã và đang phát triển theo hướng hiện đại hóa. Ba đầu mối chính trong và ngoài nước là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng
 + Đường ống: Vận tải đường ống ngày càng phát triển, chủ yếu chuyên cở dầu và khí.
Câu 5 (4,0 điểm) 
a. Vẽ biểu đồ (2đ)
- Biểu đồ thích hợp nhất: cột kết hợp đường (các biểu đồ khác không cho điểm)
- Yêu cầu: chính xác khoảng cách năm, tỉ lệ, tên biểu đồ, chú thích, đơn vị.
b. Nhận xét và giải thích: (2đ)
* Nhận xét:
- Số lao động đang làm việc ở nước ta tăng nhanh trong giai đoạn 1996 – 2009 (dẫn chứng).(0,5đ)
- Tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị có xu hướng giảm dần, tuy nhiên vẫn còn chậm (dẫn chứng) (0,5đ)
- Thời gian thiếu việc làm ở nông thôn nước ta giảm nhanh (dẫn chứng) (0,5đ)
* Giải thích: Do quá trình CNH, HĐH, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hoá các ngành nghề ở nông thôn đang góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị và thời gian dư thừa lao động ở nông thôn. (0,5đ)

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_THI_HSG_MON_DIA_LY_9_VONG_TRUONG_NH_20152016.doc