Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

doc 7 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1263Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2013 - 2014 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
————————
ĐỀ ĐỀ XUẤT
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2013-2014
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
Dành cho học sinh trường THPT Chuyên 
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề.
———————————
Câu 1 (3,0 điểm)
 	Cổ nhân có câu: 
“Thiếu niên đăng khoa nhất bất hạnh dã” (Tuổi trẻ mà đỗ đạt cao là điều bất hạnh thứ nhất).
(Dẫn theo SGK Ngữ văn 11 Nâng cao, tập I, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr.13)
Là một người trẻ sống trong thời hiện đại, anh chị suy nghĩ như thế nào về lời nói của người xưa?
Câu 2 (7,0 điểm)
Trong Đaghexxtan của tôi, Raxun Gamzatop từng khuyên các nhà văn trẻ:
	Đừng nói: Trao cho tôi đề tài
	Hãy nói: Trao cho tôi đôi mắt
Anh/chị hiểu lời khuyên đó như thế nào? Bằng hiểu biết về tác phẩm Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Thương vợ (Tú Xương), anh/chị hãy chỉ ra những điểm tương đồng của hai tác phẩm và làm sáng tỏ “đôi mắt” riêng của mỗi nhà thơ.
	 --------- Hết --------- 
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
HƯỚNG DẪN CHẤM CHỌN HSG LỚP 11 THPT
 NĂM HỌC 2013-2014
MÔN: NGỮ VĂN
Dành cho học sinh trường THPT Chuyên 
———————————
Câu 1 (3,0 điểm)
I. Yêu cầu về kỹ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng và phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Bài viết phải đảm bảo những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích ý kiến
- Đỗ đạt cao: thành công lớn trong thi cử, nói rộng ra là giành được những thắng lợi, vinh quang, có công danh, địa vị trong xã hội.
- Bất hạnh: điều không may mắn, mang lại hiểm nguy, khiến con người phải khổ.
Ý cả câu: là một lời cảnh tỉnh đối với những người trẻ tuổi sớm đỗ đạt thành công, chỉ ra mặt trái và hậu quả khôn lường của những vinh quang đến khi con người ta còn chưa đủ từng trải và chín chắn.
2. Phân tích, lý giải
Cơ sở để người xưa khẳng định tuổi trẻ đỗ đạt cao là điều bất hạnh thứ nhất:
+ Tuổi trẻ thường nôn nóng, nếu thành công sớm tất dễ sinh chủ quan, kiêu căng, tự mãn, đó là mầm mống của sự thất bại lâu dài.
+ Tuổi trẻ là lứa tuổi còn thiếu kinh nghiệm sống, chưa được rèn luyện nhiều trong đời sống thực tiễn. Trong khi đó, đỗ đạt cao thường gắn với những nhiệm vụ và trọng trách được giao. Tài năng còn mỏng, kinh nghiệm còn non, đảm đương chưa nổi, dễ làm hỏng đại sự. Khi đó, họ không chỉ mang lại bất hạnh cho cá nhân mà còn mang lại bất hạnh cho nhiều người.
3. Đánh giá
- Ý kiến trên đúng đắn và sâu sắc bởi nó giúp con người, đặc biệt là những người trẻ tuổi tỉnh táo trước thành công, đồng thời có tác dụng cổ vũ tuổi trẻ dám đón nhận thất bại để trưởng thành.
- Tuy nhiên, sẽ là phiến diện nếu chỉ nhìn thấy mặt trái của thành công đối với tuổi trẻ. Bởi đỗ đạt cao, thành công đến một cách chân chính còn có tác dụng động viên người trẻ tin tưởng và phấn đấu. Mặt khác, bản thân tuổi trẻ cũng có nhiều ưu điểm và thế mạnh, nên cần tránh sự cực đoan chỉ chú trọng đến độ tuổi và kinh nghiệm khi đánh giá con người.
- Liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động.
*Thang điểm:
- Cho điểm 3: hiểu đúng nội dung của câu nói và trình bày đầy đủ các ý trên, yêu cầu có lý lẽ, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng.
- Cho điểm 2: đáp ứng được một nửa yêu cầu trên; lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng để làm sáng tỏ ý nghĩa của câu nói.
- Cho điểm 1: bài làm sơ sài, lập luận chưa chặt chẽ, còn một vài sai sót nhỏ về dùng từ, đặt câu
 Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, có thể có những ý kiến riêng, miễn sao phải phù hợp với yêu cầu của đề bài, diễn đạt trong sáng mạch lạc thì dù chọn cách nào thì cũng được điểm tối đa.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kỹ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài nghị luận văn học. Biết giải thích ý kiến mang tính chất lí luận văn học, biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ nhận định. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, hành văn trôi chảy, văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
1. Giải thích ý kiến
- Đề tài: là thuật ngữ dùng để chỉ phạm vi các sự kiện tạo nên cơ sở chất liệu đời sống của tác phẩm nghệ thuật. Khái quát hơn, đề tài thể hiện phạm vi miêu tả trực tiếp của tác phẩm nghệ thuật.
- Đôi mắt: tượng trưng cho cái nhìn, sự cảm nhận, đánh giá mang màu sắc riêng, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan độc đáo của người nghệ sĩ.
Cả câu của Raxun Gamzatop thực chất muốn khuyên các nhà văn trẻ: cái quyết định tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm, giá trị của tài năng không phải ở đề tài của tác. Vấn đề quan trọng là nhà văn phải có cái nhìn riêng, những khám phá riêng độc đáo về đề tài đó.
2. Phân tích Tự tình II (Hồ Xuân Hương) và Thương vợ (Tú Xương) để làm sáng tỏ ý kiến trên
2.1. Tự tình II và Thương vợ - điểm gặp gỡ về phương diện đề tài
- Hai tác phẩm đều có sự gặp gỡ về đề tài: đó là hình tượng người phụ nữ. Đây vốn là một đề tài quen thuộc, từ văn học dân gian đến những sáng tác tiêu biểu của văn học trung đại đều dành sự quan tâm lớn cho hình tượng này.
- Điểm chung của Hồ Xuân Hương và Tú Xương khi viết về đề tài người phụ nữ
+ Phát hiện và cảm thông với nỗi khổ của người phụ nữ. Đó là nỗi khổ vì cuộc sống cơ cực, vất vả gánh vác lo toan chèo chống cả một gia đình mà thiếu sự đồng cảm sẻ chia về trách nhiệm (Thương vợ). Nỗi khổ vì cô đơn, khao khát hạnh phúc nhưng chỉ nhận lại sự bẽ bàng duyên phận (Tự tình II).
+ Khắc hoạ vẻ đẹp và khẳng định phẩm chất của người phụ nữ. Đó là tấm lòng khoan dung khi không nề hà trách nhiệm với gia đình dù phải đối diện với những gian lao trong cuộc sống (Thương vợ). Vẻ đẹp của một con người biết ý thức sâu sắc về giá trị bản thân để kiêu hãnh và mạnh mẽ ngay trong những tình thế bi đát nhất (Tự tình II).
2.2. Cách nhìn, cách cảm nhận riêng, khám phá riêng của mỗi nhà thơ
- Hồ Xuân Hương với Tự tình II mang cái nhìn của người trong cuộc, hình tượng người phụ nữ trong thơ là chính con người của nhà thơ: vừa chân thành, thiết tha, vừa ngạo nghễ thách đố; vừa buồn đau tuyệt vọng vừa cứng cỏi mạnh mẽ. Tất cả đều biểu hiện một sự tự ý thức đầy cá tính, làm thay đổi ấn tượng về người phụ nữ trong xã hội xưa.
- Tú Xương với bài Thương vợ: mang cái nhìn của người khác phái – một nhà nho đầy tự trọng và một người đàn ông có tình, có ý thức về trách nhiệm của bản thân. Thế nên, cái nhìn ấy vừa trân trọng vừa xót xa. Qua cái nhìn ấy, chân dung bà Tú hiện lên hoàn chỉnh: từ quan hệ bươn trải với đời, đến quan hệ với gia đình, từ con người của công việc làm ăn đảm đang tháo vát đến con người của đức độ, thảo hiền, đầy tinh thần vị tha, xả kỉ.
- Cái nhìn độc đáo của Hồ Xuân Hương và Tú Xương khi viết về đề tài người phụ nữ còn thể hiện tài năng và tấm lòng của người nghệ sĩ. 
+ Cả “Bà chúa thơ Nôm” (theo cách gọi của Xuân Diệu) lẫn “ông hoàng của thơ Nôm” (theo cách gọi của Nguyễn Tuân) đều thể hiện tài năng nghệ thuật đặc sắc của mình. Tiếp thu một cách có sáng tạo chất liệu ngôn ngữ và hình ảnh trong thơ ca dân gian để xây dựng hình tượng người phụ nữ vừa mang những vẻ đẹp truyền thống lại vừa có những nét riêng độc đáo; lựa chọn các chi tiết nghệ thuật đặc sắc với lối diễn đạt vừa giản dị, tự nhiên vừa sắc sảo để tạo sức hấp dẫn cho hình tượng.
+ Cái nhìn đó thể hiện bản lĩnh cứng cỏi và tấm lòng thiết tha với cuộc đời, với tình duyên của nữ sĩ họ Hồ; cho thấy nhân cách nhà nho trong sáng, vị tha của Tú Xương khi ông từ bỏ vẻ cao đạo của thói thường để thấu hiểu cuộc sống đời thường và sẻ chia, cảm thông với người phụ nữ.
3. Đánh giá, nâng cao
- Cái nhìn độc đáo, sự khám phá riêng của mỗi nhà thơ dù cùng viết về một đề tài chính là bản chất của nghệ thuật đích thực, là yêu cầu nghiệt ngã của sáng tạo văn chương mà chỉ những tài năng chân chính mới đủ sức vượt qua.
- Những cảm nhận mới mẻ của Hồ Xuân Hương và Tú Xương đã góp phần làm phong phú vẻ đẹp của hình tượng người phụ nữ trong thơ ca Việt Nam thời trung đại.
- Ý kiến của Raxun Gamzatop là bài học đối với người nghệ sĩ, đồng thời là gợi ý đối với những người đọc chân chính của văn chương: khi đọc một tác phẩm, không nên chỉ chạy theo “chủ nghĩa đề tài” mà cần có ý thức phát hiện cái nhìn riêng của từng tác giả.
*Thang điểm:
Điểm 7: Đáp ứng những yêu cầu nêu trên. Văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Diễn đạt trong sáng và lưu loát. Có thể còn vài sai sót nhỏ.
Điểm 5, 6: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải làm rõ được nội dung, diễn đạt khá. Có thể còn vài sai sót nhỏ.
Điểm 3, 4: Hiểu đề, nêu được những nội dung chủ yếu, dẫn chứng chưa thật phong phú lời văn chưa hay nhưng rõ ràng. Có thể còn một vài lỗi dùng từ, diễn đạt .
Điểm 2: Chưa thật nắm vững yêu cầu của đề bài, kiến thức sơ sài hoặc diễn đạt lúng túng phân tích còn nhiều hạn chế, bố cục lộn xộn, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ và ngữ pháp .
Điểm 1: Chưa nắm vững cả nội dung và phương pháp . Nội dung sơ lược, chung chung; nhiều lỗi dùng từ , lỗi câu.
Điểm 0: Sai lạc hoàn toàn cả về nội dung và phương pháp.
 Lưu ý:
+ Cần trân trọng những bài viết sáng tạo và có chất văn
+ Điểm bài thi cho từ điểm 0 đến điểm 7; điểm làm tròn tính đến 0,5.
LƯU Ý CHUNG:
Điểm toàn bài là tổng điểm của 2 câu cộng lại.Các giám khảo có thể cho từ điểm 0 đến điểm 10. Điểm lẻ làm tròn đến 0,5 điểm.

Tài liệu đính kèm:

  • docHSG_THAM_KHAO.doc