Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 thpt năm học 2011 - 2012 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài 180 phút không kể thời gian giao đề

doc 5 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1174Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 thpt năm học 2011 - 2012 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài 180 phút không kể thời gian giao đề", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 thpt năm học 2011 - 2012 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài 180 phút không kể thời gian giao đề
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
-------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
KÌ THI CHỌN HSG LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2011-2012
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
 Dành cho học sinh trường THPT chuyên.
Thời gian làm bài 180 phút không kể thời gian giao đề.
------------------------------------------
Câu 1 (3,0 điểm).
Suy nghĩ của anh (chị) về câu chuyện sau:
Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a lần nọ kể về cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm đến người khác nhất. Người thắng cuộc là một em bé bốn tuổi.
Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã trò chuyện gì với ông ấy, cậu bé trả lời: “Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông ấy khóc”.
 (Theo Phép màu nhiệm của đời- NXB Trẻ, 2005).
Câu 2 (7,0 điểm). 
Về một quan điểm nghệ thuật của Nam Cao (được phát biểu trong các tác phẩm văn học của ông) mà anh (chị) tâm đắc.
---------HẾT---------
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ tên học sinh..Số báo danh..
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HSG LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2011-2012
MÔN NGỮ VĂN
Dành cho học sinh trường THPT chuyên
------------------------------------------
Câu 1 (3,0 điểm).
I. Yêu cầu về kĩ năng
Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
Bài viết phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích ý nghĩa câu chuyện.
- Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a kể câu chuyện về một cậu bé bốn tuổi được bình chọn là đứa trẻ quan tâm đến người khác nhất chỉ vì hành động rất đơn giản của em. Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, em lại gần rồi leo lên lòng ông. Em ngồi rất lâu như thế chỉ để ông ấy khóc.
- Hành động ngồi im thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ của cậu bé với nỗi đau của người khác. Phù hợp với tâm lí, tính cách của một đứa trẻ 4 tuổi (chưa thể có những cử chỉ vỗ về, những lời động viên an ủi).Hành động tuy đơn giản nhưng xuất phát từ tình cảm chân thực nên đã chiếm được cảm tình của giám khảo.
- Qua câu chuyện, diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a muốn đề cao sự cảm thông chia sẻ giữa con người với nhau trong cuộc sống.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề.
- Cảm thông, chia sẻ là tình cảm giữa con người với nhau: yêu thương, động viên, giúp đỡ nhau vượt lên được những khó khăn trong cuộc sống.
- Sự cảm thông, chia sẻ vô cùng cần thiết trong cuộc sống con người:
+ Trong cuộc sống đầy những khó khăn, con người luôn phải cố gắng nỗ lực song không phải bao giờ mọi việc cũng diễn ra theo ý muốn. Nhiều khi con người phải đối mặt với những thất bại, mất mát, thậm chí tuyệt vọng cùng cực. Khi đó con người cần sự giúp đỡ, động viên chia sẻ của cộng đồng. (Dẫn chứng).
+ Sự cảm thông chia sẻ giúp con người vợi bớt nỗi đau, sự mất mát, có thêm nghị lực, sức mạnh niềm tin trong cuộc sống, làm cho mối quan hệ giữa con người và con người ngày càng tốt đẹp hơn, thân thiện gắn bó hơn.
- Có nhiều cách thể hiện sự cảm thông chia sẻ: lời nói, cử chỉ, việc làm thiết thực tùy theo hoàn cảnh, phụ thuộc tâm lí người được chia sẻ. Song điều cơ bản nhất là phải xuất phát từ tình cảm, sự rung động chân thành.
- Qua câu chuyện về sự cảm thông chia sẻ từ một đứa trẻ bốn tuổi, diễn giả muốn khẳng định: lòng vị tha, yêu thương là bản chất vốn có của con người, vì vậy cần vun xới cho đức tính đó được phát triển đến khi đứa trẻ đó trưởng thành.
- Phê phán những người có lối sống ích kỉ, ngoảnh mặt làm ngơ trước những khó khăn bất hạnh của người khác.
3. Bài học nhận thức và hành động.
Để cho cuộc sống trở nên tốt đẹp, con người phải có tình thương vị tha nhân ái, biết chia sẻ gắn kết với nhau.
III. Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức 
 Học sinh nắm chắc những quan điểm nghệ thuật của Nam Cao. Đó là những quan điểm về nghề văn (Nghề văn là một nghề cao quí, nhà văn phải có lương tâm và trách nhiệm với cuộc sống, viết văn là một công việc lao động sáng tạo); quan điểm văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa (nghệ thuật hiện thực phải là phản ánh chân thực cuộc sống trên lập trường của chủ nghĩa nhân đạo; nhà văn phải nhìn đời bằng đôi mắt của tình thương mới thấy được bản chất tốt đẹp của con ngườiTrên cơ sở đó học sinh lựa chọn lấy một nội dung mà mình tâm đắc, làm sáng tỏ quan điểm đó qua những sáng tác tiêu biểu của Nam Cao và những nhà văn khác. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo được các ý sau:
1. Nêu một quan điểm nghệ thuật của Nam Cao (thể hiện ở câu hoặc đoạn văn nào đó – nêu rõ xuất xứ).
2. Giải thích rõ câu văn, đoạn văn đó thể hiện quan điểm nghệ thuật gì của Nam Cao.
3. Phân tích một số dẫn chứng để làm sáng tỏ. (Tác phẩm của Nam Cao và tác phẩm của các tác giả khác)
4. Bình luận tính đúng đúng đắn, hạn chế (nếu có) của quan điểm đó.
5. Nhận định khái quát về tầm vóc tư tưởng của nhà văn Nam Cao thể hiện qua quan điểm nghệ thuật của ông. (Chỉ rõ tính kế thừa và định hướng của quan điểm nghệ thuật đó trong nền văn học Việt Nam)
III. Biểu điểm:
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: 
 - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
 - Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.
Bottom of Form

Tài liệu đính kèm:

  • docHSG_THAM_KHAO.doc