Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2011 - 2012 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

doc 5 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1002Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2011 - 2012 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Kì thi chọn học sinh giỏi lớp 11 năm học 2011 - 2012 đề thi môn: Ngữ văn thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
-------------
ĐỀ CHÍNH THỨC
KÌ THI CHỌN HSG LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2011-2012
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN 
 (Dành cho học sinh các trường THPT)
Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian giao đề).
------------------------------------------
Câu 1 (3,0 điểm).
Suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa của bài thơ sau:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì không có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
 (Tự khuyên mình – Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)
Câu 2 (7,0 điểm).
Phân tích Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu để làm sáng tỏ ý kiến sau: Chỉ có đến Nguyễn Đình Chiểu và với Nguyễn Đình Chiểu thì hình ảnh người nông dân mới chính thức bước vào văn học, không phải như những nạn nhân đáng thương của xã hội phong kiến, mà như những người anh hùng thật sự của dân tộc. (Nguyễn Lộc). 
---------HẾT---------
Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
Họ tên học sinh..Số báo danh..
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
KỲ THI CHỌN HSG LỚP 11 THPT NĂM HỌC 2011-2012
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 
 (Dành cho học sinh các trường THPT)
------------------------------------------
Câu 1 (3,0 điểm).
I. Yêu cầu về kĩ năng
 Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Bố cục và hệ thống ý sáng rõ. Biết vận dụng phối hợp nhiều thao tác nghị luận. Hành văn trôi chảy. Lập luận chặt chẽ. Dẫn chứng chọn lọc, thuyết phục. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức
 Bài viết phải đảm bảo được những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích ý nghĩa của bài thơ.
- Bài thơ đề cập đến hiện tượng tự nhiên: Nếu không có cảnh mùa đông tàn thì cũng không có được cảnh huy hoàng của mùa xuân. Đông qua rồi mới đến xuân, đó là qui luật tất yếu của tự nhiên.
- Từ qui luật tự nhiên, bài thơ liên tưởng đến con người: Trong khó khăn gian khổ, nếu con người chịu đựng được, vượt qua được những khó khăn thử thách thì sẽ đến được với cảnh huy hoàng của cuộc sống.
- Những bước gian truân, tai ương gặp phải là những thử thách, rèn luyện làm cho tinh thần thêm hăng. Bài thơ thể hiện tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề.
- Khẳng định quan niệm của Bác trong bài thơ là hoàn toàn đúng:
+ Trong cuộc sống, không mấy ai không gặp khó khăn, gian khổ. Trước những trở ngại không được bi quan, chán nản mà phải giữ vững niềm tin vào lí tưởng, mục đích cuộc sống của mình.
+ Những vất vả, khó khăn gặp phải như cơn gió lạnh mùa đông . Nếu chịu đựng và vượt qua được mùa đông lạnh lẽo thì sẽ được sống trong cảnh huy hoàng của ngày xuân. Điều đó có nghĩa vượt qua gian khổ sẽ đến được với thành công. Niềm tin đó sẽ giúp chúng ta vươn lên trong cuộc sống. Chính trong gian khổ con người sẽ vững vàng hơn. Tai ương gặp trong cuộc đời sẽ sẽ giúp tinh thần thêm hăng hái. HS có thể lấy dẫn chứng (cuộc đời Bác Hồ và các chiến sĩ cách mạng trong đấu tranh là dẫn chứng hùng hồn về sự kiên trì, nhẫn nại, về quyết tâm vượt qua những thử thách, về niềm tin và tinh thần lạc quan cách mạng).
- Phê phán những kẻ sợ khó khăn gian khổ, hay nản chí ngã lòng, bi quan trước những khó khăn thử thách trong cuộc sống.
3. Bài học nhận thức và hành động.
- Sống ở trên đời, khi đã xác định được mục đích đúng đắn, muốn đi đến thành công thì phải trải qua những gian nan thử thách. Nếu vượt qua được chắc chắn sẽ đạt được điều ta mong muốn.
- Chấp nhận đương đầu với khó khăn thử thách, đem hết khả năng của mình góp phần vào sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
- Bài thơ giúp ta hiểu được qui luật tất yếu của cuộc sống, từ đó hăng hái học tập và rèn luyện.
III. Biểu điểm:
- Điểm 3,0: Đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; Văn viết có cảm xúc. Dẫn chứng chọn lọc và thuyết phục. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 2,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Dẫn chứng chưa thật phong phú. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1,0: Chưa hiểu chắc yêu cầu của đề bài. Kiến thức sơ sài. Còn mắc nhiều lỗi.
- Điểm 0: Không hiểu đề, sai lạc phương pháp.
Câu 2 (7,0 điểm)
I. Yêu cầu về kĩ năng
Hiểu đề, biết cách làm bài văn nghị luận văn học. Biết phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Hành văn trôi chảy. Văn viết có cảm xúc. Không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp, chính tả.
II. Yêu cầu về kiến thức 
Thí sinh phân tích hình tượng người nông dân trong tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”, liên hệ với hình tượng người nông dân trong các tác phẩm trước và cùng thời với Nguyễn Đình Chiểu để làm sáng tỏ ý kiến của Nguyễn Lộc: Chỉ có đến Nguyễn Đình Chiểu và với Nguyễn Đình Chiểu thì hình ảnh người nông dân mới chính thức bước vào văn học, không phải như những nạn nhân đáng thương của xã hội phong kiến, mà như những người anh hùng thật sự của dân tộc. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo những ý cơ bản sau: 
1. Hình tượng người nông dân trong văn học Việt Nam trước “Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc”.
- Trong văn học dân gian: họ là ngư, tiều, canh, mục – những con người lam lũ, cơ cực; là người lính thú tội nghiệp (Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa).
- Trong văn học trung đại: Nguyễn Bỉnh Khiêm nhận thấy họ chỉ là những con người thụ động, yếu đuối, mong sự ban ơn của bề trên (Mong mưa chan chứa lòng dân vọng/Trừ bạo tưng bừng đạo nghĩa binh). Nguyễn Trãi đã khẳng định vị trí, vai trò to lớn của họ đối với thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhưng cũng chỉ chung chung (Nhân dân bốn cõi một nhà/ Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới).
2. Hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.
- Hoàn cảnh xuất thân: là những người lao động sống cuộc đời lam lũ, cơ cực (Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó); Họ chỉ quen với công việc đồng áng (chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ), hoàn toàn xa lạ với công việc binh đao (Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó).
- Những chuyển biến khi giặc Pháp xâm lược:
+ Tình cảm: Có lòng yêu nước (Trông tin quan như trời hạn trông mưa), căm thù giặc sâu sắc (Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ).
+ Nhận thức: Có ý thức trách nhiệm với Tổ quốc trong lúc lâm nguy (Một mối xa thư đồ sộ.treo dê bán chó).
+ Hành động tự nguyện và ý chí quyết tâm tiêu diệt giặc (Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ)
- Vẻ đẹp hào hùng của người nông dân nghĩa sĩ:
+ Bằng bút pháp hiện thực, hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ hiện lên với vẻ đẹp mộc mạc, giản dị (gắn với những chi tiết chân thực: manh áo vải, ngọn tầm vông, lưỡi dao phay, rơm con cúi) nhưng không kém chất anh hùng bởi tấm lòng mến nghĩa, tư thế hiên ngang, lẫm liệt, coi thường mọi khó khăn thiếu thốn (nào đợi tập rèn, không chờ bày bố, nào đợi mang, chi nài sắm).
+ Hình tượng người anh hùng được khắc họa trên cái nền của một trận công đồn đầy khí thế tiến công: một loạt động từ mạnh (đánh, đốt, chém, đạp, xô), dứt khoát (đốt xong, chém đặng, trối kệ); phép đối từ ngữ (trống kỳ/trống giục; đạn nhỏ/đạn to; đâm ngang/chém ngược), đối ý (manh áo vải, ngọn tầm vông/đạn nhỏ, đạn to,tàu sắt, tàu đồng), nhịp điệu đoạn văn nhanh, dồn dậptái hiện trận công đồn khẩn trương, quyết liệt, sôi động. Trên nền đó là hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ với khí thế đạp trên đầu thù, không quản ngại bất kì khó khăn gian khổ nào, rất tự tin và đầy ý chí quyết thắng. Hình ảnh đó oai phong lẫm liệt như hình tượng các dũng sĩ trong các thiên anh hùng ca.
3. Đánh giá:
- Hình tượng người nông dân xuất hiện rải rác trong văn học nhưng rõ ràng phải đến Đồ Chiểu, hình tượng đó mới được phản ánh đầy đủ, rõ nét, đặc biệt khắc sâu vẻ đẹp tâm hồn cao quí của người nông dân: lòng yêu nước, ý chí quyết tâm bảo về Tổ quốc.
- Điểm mới mẻ đó khẳng định tầm cao tư tưởng, tình cảm, sự đóng góp lớn lao của Nguyễn Đình Chiểu trong văn học nước nhà. 
III. Biểu điểm:
- Điểm 7,0: Đáp ứng được yêu cầu nêu trên, văn viết sâu sắc, diễn đạt trong sáng. Bài viết thể hiện sự sáng tạo, cảm thụ riêng. Có thể còn một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 5-6: Cơ bản đáp ứng được yêu cầu trên, văn viết chưa thật sâu sắc nhưng diễn đạt trong sáng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 3-4: Cơ bản hiểu yêu cầu của đề. Bố cục bài viết rõ ràng. Chọn và phân tích được dẫn chứng song ý chưa sâu sắc. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
- Điểm 1-2: Chưa hiểu rõ yêu cầu của đề. Diễn đạt lúng túng, trình bày cẩu thả.
- Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.
* Lưu ý: 
 - Giám khảo nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Cần khuyến khích những bài viết có chất văn, có những suy nghĩ sáng tạo.
 - Việc chi tiết hóa điểm số của các câu, các ý phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của câu và được thống nhất trong hội đồng chấm. Điểm lẻ được làm tròn đến 0,5 điểm sau khi đã chấm xong và cộng tổng điểm toàn bài.
Bottom of Form

Tài liệu đính kèm:

  • docHSG_THAM_KHAO.doc