Hoạt độngt rải nghiệm Lớp 3 – Chủ đề 1: Tôi tự chủ trong công việc hằng ngày

doc 9 trang Người đăng duthien27 Lượt xem 757Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Hoạt độngt rải nghiệm Lớp 3 – Chủ đề 1: Tôi tự chủ trong công việc hằng ngày", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Hoạt độngt rải nghiệm Lớp 3 – Chủ đề 1: Tôi tự chủ trong công việc hằng ngày
LỚP 3 – CHỦ ĐỀ 1
TÔI TỰ CHỦ TRONG CÔNG VIỆC HẰNG NGÀY
MỤC TIÊU
Sau chủ đề này, học sinh:
Sắp xếp được thứ tự các hoạt động, công việc trong ngày của bản thân.
Lập và thực hiện được thời gian biểu mà bản thân đã đặt ra.
Chủ đề này góp phần hình thành và phát triển cho học sinh:
Năng lực: Năng lực thích ứng với cuộc sống: Tự hoàn thành việc của mình, giờ nào việc ấy.
Phẩm chất: Thể hiện trách nhiệm của bản thân trong học tập và rèn luyện.
CHUẨN BỊ
Giáo viên: Giấy A4, A3, giấy màu, bút màu, keo/hồ dán;
Học sinh: Bút màu, giấy A4, giấy nháp. Tranh vẽ, hoặc một tiết mục võ, hát, múa, thể hiện hoạt động em thích nhất. Kịch bản, tranh vẽ, về một ngày của chúng em.
* Lưu ý, cuối mỗi tiết học giáo viên nên nhắc lại các điều học sinh cần chuẩn bị cho tiết học sau.
GỢI Ý TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
Gợi ý tổ chức tiết 1, 2
Hoạt động 1: Múa hát Niềm vui của em
Giáo viên tổ chức cho học sinh nghe nhạc, xem clip, hoặc hát múa tập thể bài hát Niềm vui của em, nhạc sĩ: Nguyễn Huy Hùng (có thể thay bằng bài hát khác hoặc cách khởi động khác).
“Khi ông mặt trời thức dậy Mẹ lên rẫy em đến trường
Cùng đàn chim hoà vang tiếng hát. Hạt sương long lanh nhẹ thấm trên vai Nụ hoa xinh tươi luôn hé môi cười
Đưa em vào đời đẹp những ước mơ Đưa em vào đời đẹp những ước mơ. Khi ông mặt trời đi ngủ
Mẹ đến lớp bên ánh đèn
Bản làng em rộn vang tiếng hát. Niềm tin bao la mẹ viết trang đầu
Vầng trăng lên cao trong sáng một màu Ơi con gà rừng nào gáy đâu đây
Em nghe lòng mình niềm vui đong đầy.”
Giáo viên tổ chức trao đổi: Niềm vui của bạn nhỏ là gì? (Chính là các hoạt động học tập, vui chơi, bên mẹ, trong không gian, trong ngày)
Giáo viên giới thiệu chủ đề.
Hoạt động 2: Tìm hiểu về các hoạt động thường diễn ra trong ngày
Giáo viên đề nghị học sinh đọc yêu cầu của nhiệm vụ 1 trong sách học sinh. Sau đó, kiểm tra xem học sinh đã thực sự hiểu nhiệm vụ chưa. Chú ý, giúp học sinh phân biệt hoạt động hằng ngày và các hoạt động thường kì khác. Bài chỉ yêu cầu đánh dấu vào các hoạt động thường diễn ra trong ngày. Giáo viên dành thời gian cho học sinh tự đánh dấu vào các tranh trong sách.
Giáo viên tổ chức cho học sinh thi kể các hoạt động trong ngày.
Cách 1: Giáo viên chia lớp thành 4 đội chơi, các thành viên trong mỗi đội nối tiếp nhau kể các hoạt động trong ngày. Đội nào kể được nhiều nhất là đội thắng cuộc.
Cách 2: Tổ chức trò chơi quan sát gọi tên hành động. Có thể chia lớp thành 4 đội chơi. Lần lượt từng đội chơi cử đại diện (có thể 1 hoặc nhiều) lên bảng diễn tả 1 hành động nào đó (theo ngôn ngữ kịch câm), các đội còn lại đoán và nêu hành động. Nếu đúng, được 10 điểm, sai không được điểm. Chơi như thế khoảng 3 lượt thì tính tổng số điểm. Đội nào được nhiều điểm nhất thì thắng cuộc.
Giáo viên tổng kết hoạt động: Mỗi ngày có rất nhiều hoạt động chúng ta cần thực hiện, vì vậy cần chủ động thực hiện thì mới hoàn thành tốt và không bỏ sót các hoạt động.
Hoạt động 3: Tìm hiểu về thời gian biểu
Giáo viên tổ chức cho học sinh trao đổi: Em hoặc người thân đã từng sử dụng thời gian biểu chưa? Hãy nêu những điều em biết về thời gian biểu? Khi đọc thời gian biểu chúng ta sẽ biết được những gì? Giáo viên cho nhiều học sinh phát biểu ý kiến theo suy nghĩ cá nhân của các em.
Giáo viên đề nghị học sinh đọc thời gian biểu của bạn Quỳnh Trang và trả lời các câu hỏi trong sách học sinh. Chú ý, cần giúp học sinh khẳng định được các hoạt động chính trong ngày mà hầu hết học sinh phải thực hiện là : vệ sinh cá nhân, học tập, vui chơi, rèn luyện cơ thể (tập thể thao), ăn, ngủ.
Tổ chức cho học sinh thi vẽ/cắt dán/ vườn hoa thời gian biểu.
Giáo viên phát cho mỗi nhóm 1 tờ giấy A3 (hoặc cho học sinh dùng giấy vẽ trong vở tập vẽ.
Hướng dẫn: Vẽ/cắt dán rồi viết vào nhị hoa lợi ích của thời gian biểu. Trang trí cho vườn hoa thêm đẹp bằng cách vẽ thêm chim, bướm, mặt trời, mây bay
Trưng bày và bình chọn vườn có nhiều bông hoa nhất, đẹp nhất.
Giáo viên tổng kết hoạt động quan trọng và giúp học sinh thấy lợi ích của việc lập và sử dụng thời gian biểu.
Hoạt động 4: Lập thời gian biểu hằng ngày của em
Giáo viên yêu cầu học sinh đọc hướng dẫn cách tự lập thời gian biểu của em ở trang 7 sách học sinh. Yêu cầu học sinh không nhìn sách đọc và nêu lại cách lập thời gian biểu bằng ngôn ngữ của mình.
Bước 1. Liệt kê tất cả các hoạt động thường diễn ra trong ngày.
Bước 2. Sắp xếp các hoạt động theo trình tự thời gian từ sáng đến tối. Bước 3. Viết tên các hoạt động và thời gian tương ứng vào bảng ở trang 8.
Giáo viên có thể mời học sinh nhắc lại các hoạt động chính trong ngày, nếu cần (vệ sinh cá nhân, học tập, vui chơi, rèn luyện cơ thể: tập thể thao, ăn, ngủ).
Giáo viên đề nghị học sinh viết các hoạt động ra giấy nháp trước. Sau đó, đề nghị 2 học sinh ngồi cạnh nhau góp ý cho nhau. Nhắc học sinh mỗi người có các hoạt động riêng, nhưng không thể bỏ qua các hoạt động chính là vệ sinh cá nhân, học tập, vui chơi, rèn luyện cơ thể (tập thể thao), ăn, ngủ. Đồng thời, các hoạt động này cũng cần thực hiện ở các khoảng thời gian phù hợp (không nên ăn quá muộn, không nên thức quá khuya, đi học phải đúng giờ quy định...).
Giáo viên yêu cầu học sinh tự hoàn thiện Thời gian biểu hằng ngày của bản thân và thực hiện theo dõi thời gian biểu theo hướng dẫn. Nếu không đủ thời gian, học sinh có thể hoàn thiện vào giờ tự học ở lớp hoặc ở nhà.
Hoạt động 5: Thực hiện thời gian biểu hằng ngày
Nếu trong tiết 1 của Chủ đề, giáo viên đã hướng dẫn học sinh làm và theo dõi việc thực hiện thời gian biểu hằng ngày thì trước khi hướng dẫn hoạt động này, giáo viên cho học sinh nêu những khó khăn, thuận lợi của em khi thực hiện thời gian biểu. Sau đó, yêu cầu học sinh đọc và lựa chọn các biện pháp giúp em thực hiện thời gian biểu tốt hơn, nhất là đề xuất các biện pháp khắc phục khó khăn.
Nếu trong tiết 1, giáo viên chưa hướng dẫn học sinh làm và theo dõi việc thực hiện thời gian biểu hằng ngày thì giáo viên yêu cầu học sinh đọc nội dung hoạt động này ở trang 9 sách học sinh, tự đánh dấu vào các biện pháp giúp em thực hiện tốt thời gian biểu.
Giáo viên tổ chức cho học sinh báo cáo kết quả bằng cách sử dụng thẻ phát biểu ý kiến Đúng, Sai (hoặc mặt cười, mặt mếu; hoặc thẻ Xanh – Đỏ) tuỳ theo bộ đồ dùng mà lớp đang có. Giáo viên mời một bạn lên điều hành lớp phát biểu ý kiến. Bạn điều hành đọc từng biện pháp, các bạn dưới lớp nghe và giơ thẻ. Sau mỗi biện pháp, dừng lại cho các bạn tranh luận, làm rõ vì sao biện pháp đó Đúng/Sai.
Ví dụ:
Bạn hãy giải thích vì sao đặt đồng hồ báo thức giúp chúng ta thực hiện tốt thời gian biểu? (Vì đồng hồ báo thức giúp chúng ta không bị ngủ quên)
Vì sao chúng ta cần hoàn thành từng công việc đặt ra theo đúng thời gian? (Vì nếu chúng ta kéo dài thời gian thực hiện một công việc nào đó thì có thể công việc sau không đủ thời gian làm.)
Giáo viên tổng kết hoạt động: Chúng ta nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ để thực hiện thời gian biểu tốt hơn, tuy nhiên, điều quan trọng là cần cố gắng thực hiện đúng những gì đã đặt ra.
Hoạt động 6: Ứng xử với những tình huống đột xuất
Giáo viên yêu cầu học sinh đọc nội dung hoạt động và tự ghi ý kiến về cách ứng xử của mình.
Giáo viên yêu cầu học sinh làm việc theo nhóm:
Các bạn trong nhóm trình bày cách ứng xử của mình trước nhóm.
Nhóm thảo luận và thống nhất cách ứng xử của nhóm mình.
Nhóm đóng vai thể hiện tình huống.
Giáo viên tổ chức cho các nhóm đóng vai. Sau đó, tổ chức thảo luận phân tích tình huống và chọn cách ứng xử phù hợp nhất.
Tình huống 1. Vào giờ tự học tối thứ hai, Tiến đang chuẩn bị bài báo cáo hoạt động nhóm để nộp vào sáng thứ ba. Đúng lúc đó, bố bất ngờ thông báo, bố có 3 vé xem phim, cả nhà sẽ đi ngay cho kịp giờ.
Tình huống 2. Vào thứ tư, để chuẩn bị cho tiết mục chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11, câu lạc bộ văn nghệ của Lan quyết định tập thêm 1 tiếng. Nếu ở lại tập thì Lan sẽ về muộn và không kịp giúp mẹ nấu cơm như mọi ngày.
Giáo viên tổng kết hoạt động: Hằng ngày, có nhiều tình huống xảy ra làm em không thể thực hiện đúng thời gian biểu. Mỗi khi có việc đột xuất em cần suy nghĩ để đưa ra quyết định thực hiện hay không thực hiện việc đột xuất đó. Tuy nhiên, trong tình huống nào em cũng cần báo sự thay đổi thời gian biểu cho bố mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô, những người có liên quan
Lưu ý: Nhắc học sinh về việc chuẩn bị giới thiệu, hoặc trình diễn, hoặc tổ chức cho các bạn trải nghiệm về hoạt động em thích nhất trong ngày.
Gợi ý tổ chức tiết 3, 4
Hoạt động 7: Trò chơi: “Sáng – Trưa – Chiều – Tối”
Giáo viên tổ chức cho học sinh chơi trò chơi: Sáng – Trưa – Chiều – Tối
Cách chơi:
Quản trò nói “Sáng” và chỉ ai đó, người đó sẽ trả lời là “Học”. Quản trò nói “Trưa” và chỉ vào ai đó, người đó sẽ trả lời là “Ăn”. Quản trò nói “Chiều” và chỉ ai đó, người đó sẽ trả lời là “Chơi”. Quản trò nói “Tối” và chỉ ai đó, người đó sẽ trả lời là “Ngủ”.
Ngược lại quản trò nói “Học” thì người được chỉ phải nói là “Sáng”. Quản trò nói “Ngủ” thì người được chỉ phải nói là “Tối”....
Cứ như thế, nhanh dần tốc độ của trò chơi sẽ có bạn nhầm, hoặc chậm.
Những bạn nhầm, hoặc chậm sẽ lên bảng cùng làm động tác Học – Ăn – Chơi
– Ngủ theo lời của một bài hát nào đó do cả lớp chọn.
Chú ý: Trước khi thực hiện trò chơi, quản trò cho cả lớp học thuộc các từ đối đáp như trên.
Giáo viên tổ chức trao đổi sau trò chơi: Nếu một ngày nào đó, chúng ta không thực hiện các hoạt động trên thì chuyện gì có thể xảy ra? Sau đó, giáo viên mời học sinh phát biểu suy nghĩ, tôn trọng ý kiến cá nhân của các em và không bình luận đúng sai.
Giáo viên tổng kết hoạt động.
Hoạt động 8: Giới thiệu, trình diễn về hoạt động em thích nhất trong ngày
Giáo viên đề nghị học sinh tự kiểm tra về sự chuẩn bị giới thiệu, hoặc biểu diễn, hoặc dạy lại cho các bạn về hoạt động em thích nhất trong ngày.
Giáo viên tổ chức cho học sinh giới thiệu, trình diễnvề hoạt động mình thích nhất trong ngày.
Ví dụ:
Em thích nhất là được dành thời gian vẽ trong ngày, em có thể mang các bức tranh mà em vẽ để chia sẻ với các bạn và nói cho các bạn biết cảm xúc của em khi được vẽ.
Em thích nhất là được tập võ, em có thể nói cho mọi người biết tập võ đã giúp em rèn luyện như thế nào. Sau đó, có thể dạy cho các bạn một số thế võ, bài võ.
Em thích hát, em có thể hát tặng các bạn một bài.
Em thích đọc truyện cười, em có thể kể một câu chuyện cười cho các bạn nghe.
Em thích dành thời gian để giải các bài toán vui, câu đố mẹo, em có thể chọn và đố các bạn một số câu đố
Giáo viên tổng kết hoạt động: Chúng ta cần kết hợp các hoạt động học tập, nghỉ ngơi, ăn ngủ, vui chơi, tập luyện một cách hợp lí trong ngày và hãy nhớ giờ nào việc ấy thì em mới hoàn thành được hết thời gian biểu.
Lưu ý: Nhắc học sinh về việc mang thời gian biểu cá nhân đã theo dõi trong hai tuần để giới thiệu với các bạn vào tiết hoạt động tới. Các nhóm vẽ và sáng tác truyện tranh, sáng tác thơ, hoặc làm kịch bản hát múa để kể về Một ngày của chúng em trên khổ giấy A0.
Hoạt động 9: Trình diễn về Một ngày của chúng em
Giáo viên đề nghị các nhóm tự kiểm tra lại phần kể chuyện theo tranh Một ngày của chúng em mà nhóm tự sáng tác và vẽ tranh.
Giáo viên đưa ra một số tiêu chí bình chọn truyện: Lời hấp dẫn, các hoạt động trong ngày của nhân vật hợp lí, tranh vẽ thú vị, vui mắt, bài hát, bài thơ hấp dẫn các thành viên hỗ trợ và kết hợp với nhau khi giới thiệu về Một ngày của chúng em. Chú ý, không khuyến khích nhóm chỉ cử 1 đại diện lên giới thiệu sản phẩm của nhóm.
Tổ chức cho các nhóm kể chuyện về Một ngày của em theo hình thức mà nhóm đã lựa chọn (hát, múa, thơ, truyện tranh) và tổ chức bình chọn theo các tiêu chí đã gợi ý.
Ví dụ: Kịch bản của nhóm: Hát – Múa về Một ngày của chúng em
– MC: Sáng nào cũng vậy, khi ông mặt trời vừa thức dậy là các bạn học sinh lớp 3A cũng thức dậy, đánh răng, rửa mặt thật xinh.
Cả nhóm cùng hát múa bài hát Thật đáng yêu: “Mẹ mua cho em bàn chải xinh. Như các anh em đánh răng một mình. Mẹ khen em bé mà vệ sinh. Thật đáng yêu răng ai trắng tinh”
MC: Sau khi đánh răng, các bạn vui vẻ đến trường học bài. Ở lớp, các bạn học được bao nhiêu là điều hay.
Cả nhóm vừa làm động tác vừa hát: “Vào lớp rồi em ngồi cho ngay, khoanh tay lên bàn mắt nhìn lên cô. Ngồi học chăm ngoan nghe lời cô giáo giảng. Thế mới xứng đáng là học sinh ngoan.”
MC: Sau giờ học lý thú, các bạn cùng ùa ra sân vui chơi và tập thể thao cho người cao khoẻ.
Cả nhóm vừa múa vừa hát bài Con cào cao: “Con cào cào có cái cánh xanh xanh. Nó bay rất nhanh từ lùm cây sang bụi cỏ. Con cào cào rất thích thể thao. Nên mới bay nhanh mới nhảy rất cao. Muốn khoẻ đẹp thì phải tập thể thao. Ai muốn khoẻ đẹp thì phải tập thể thao. Muốn khoẻ đẹp thì phải tập thể thao. Ai muốn khoẻ đẹp thì phải tập thể thao.”
MC: Một ngày trôi qua thật nhanh khi chúng em hăng say học tập và vui chơi. Trời đã khuya, trăng đã lên và sao lấp lánh, các bạn ơi, đi ngủ thôi.
Cả nhóm hát múa bài Chúc bé ngủ ngon: “Bé ơi, ngủ đi, đêm đã khuya rồi. Để những giấc mơ đẹp sẽ luôn bên em. Bé ơi, ngủ ngoan trong tiếng ru ời. Vầng trăng, đợi em cùng bay vào giấc mơ. À ơi, à ơi, à à ơi. Chúc bé ngủ ngon!”
Giáo viên tổng kết hoạt động.
Hoạt động 10: Chia sẻ câu chuyện về Thời gian biểu của tôi
Giáo viên mời học sinh chia sẻ về kết quả thực hiện thời gian biểu của mình trong hai tuần đã qua. Đề nghị học sinh chia sẻ trong nhóm:
Em tự đánh giá mình có bao nhiêu trái tim?
Em gặp những tình huống đột xuất nào khi thực hiện thời gian biểu? Kể lại tình huống ấy? Em đã ứng xử như thế nào? Theo em, cách ứng xử ấy có hợp lí không?
Em hãy chia sẻ sự tiến bộ của mình đạt được sau khi thực hiện công việc hằng ngày của mình theo thời gian biểu.
Giáo viên mời một số học sinh chia sẻ trước lớp.
Giáo viên đặt câu hỏi: Mỗi người có những hoạt động khác nhau trong thời gian biểu. Em suy nghĩ gì về sự khác nhau này? (Chúng ta cần tôn trọng sự nhau giữa mọi người và không làm những hành động ảnh hưởng đến người khác).
Hoạt động 11: Đánh giá
Giáo viên đề nghị học sinh hoàn thành phần tự đánh giá ở trang 11.
Giáo viên nhắc học sinh xin ý kiến đánh giá của người thân vào mục b trang 11.
Giáo viên ghi nhận xét vào mục c trang 11.
Giáo viên nhắc học sinh tiếp tục tự theo dõi và thực hiện tốt thời gian biểu hằng ngày.
Thư gửi phụ huynh:
Ngay từ tiết học đầu tiên của chủ đề, giáo viên sử dụng thư gửi phụ huynh để cùng phối hợp với gia đình học sinh trong những nội dung sau:
Những điều gia đình có thể làm để hỗ trợ, hướng dẫn con thực hiện tốt thời gian biểu mà con đã xây dựng.
Phụ huynh tiếp tục quan sát và hướng dẫn con tự thực hiện các công việc của mình, giờ nào việc ấy, đến khi con có thói quen bền vững.

Tài liệu đính kèm:

  • dochoat_dongt_rai_nghiem_lop_3_chu_de_1_toi_tu_chu_trong_cong_v.doc