MÃ KÍ HIỆU (PHẦN NÀY DO SỞ GD&ĐT GHI) .. ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT Năm học: 2015 - 2016 MÔN: Ngữ văn Thời gian làm bài: 120 phút ( Đề thi gồm 9 câu, 02 trang) I) Phần đọc –hiểu (3 điểm) Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi 1 đến 6. Thì ra thằng con trai anh mới chỉ đến hàng cây bằng lăng bên kia đường. Thằng bé vẫn cắp cuốn sách bên nách đang sà vào đám người chơi phá cờ thế trên hè phố. Suốt đời Nhĩ cũng đã từng chơi phá cờ thế trên nhiều hè phố, thật là không dứt ra được. Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày, Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình, vả lại nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Câu 1: (0,25 điểm) Đoạn văn trên trích trong văn bản Bến quê của tác giả ............................................................................. Câu 2: (0,25 điểm) Văn bản Bến quê cùng thể loại với những văn bản nào dưới đây? A. Làng. B. Lặng lẽ Sa Pa. C. Con chó Bấc. D. Rô-bin-xơn ngoài đảo hoang. E. Chiếc lược ngà. Câu 3: (0,25 điểm) Các từ: buồn bã, vòng vèo, chùng chình thuộc từ loại ............................ Câu 4: (0,25 điểm) Không khéo rồi thằng con trai anh lại trễ mất chuyến đò trong ngày, Nhĩ nghĩ một cách buồn bã, con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình, vả lại nó đã thấy có gì đáng hấp dẫn ở bên kia sông đâu? Bộ phận gạch chân trong câu trên là thành phần gì? Câu 5: (0,5 điểm) Nêu ý nghĩa của nhan đề Bến quê? Câu 6: (0,5 điểm) ... con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình... Em hiểu ý nghĩa của câu trên như thế nào? Câu 7: (1 điểm) Từ văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan, theo em thế hệ trẻ hiện nay cần chuẩn bị cho mình những hành trang gì để có thể là chủ nhân tương lai của đất nước? II) Phần làm văn ( 7 đ) Câu 1: (3 điểm) Trình bày cảm nhận của em về những câu thơ sau: " Người đồng mình thô sơ da thịt Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương Còn quê hương thì làm phong tục" ("Nói với con" - Y Phương, Ngữ văn 9, Tập 2) Câu 2: (4 điểm) Cảm nhận của em về tình cha con trong đoạn trích sau: Đến lúc chia tay, mang ba lô trên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà. Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao. - Thôi ! Ba đi nghe con ! – Anh Sáu khe khẽ nói. Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên: - Baaa ba! Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên. Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc: - Ba! Không cho ba đi nữa ! Ba ở nhà với con ! Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa. (Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà, Ngữ văn 9, Tập 1) MÃ KÍ HIỆU (PHẦN NÀY DO SỞ GD&ĐT GHI) ĐÁP ÁN ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO 10 THPT Năm học 2015 - 2016 MÔN: Ngữ văn (Hướng dẫn chấm gồm 03.trang) Chú ý: - Điểm của bài thi là tổng điểm các câu làm đúng và không được làm tròn. I) Phần đọc –hiểu (3 điểm) Câu Đáp án Điểm 1 - Mức độ tối đa: HS trả lời đúng đoạn văn được trích trong văn bản “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu. - Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác 0,25 điểm 2 - Mức độ tối đa: HS chọn đáp án A,B,E. - Mức độ chưa tối đa: học sinh chỉ chọn đúng một hoặc hai đáp án. - Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. 0,25 điểm 3 - Mức độ tối đa: HS trả lời đúng buồn bã, vòng vèo, chùng chình là từ láy. - Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. 0,25 điểm 4 - Mức độ tối đa: HS trả lời đúng thành phần biệt lập: Thành phần phụ chú. - Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. 0,25 điểm 5 - Mức độ tối đa: HS nêu đúng ý nghĩa của nhan đề Bến quê: gợi những hình ảnh qen thuộc về làng quê Việt Nam và gợi tình cảm thân thương. - Mức độ chưa tối đa: học sinh trả lời chưa đầy đủ ý nghĩa của nhan đề Bến quê. - Mức độ không đạt: Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. 0,5điểm 6 - Mức độ tối đa: HS trả lời được : trên đường đời, đôi khi con người ta sa vào nhừng điều vòng vèo, chùng chình, vô bổ mà bỏ quên đi những giá trị tốt đẹp, đích thực. - Mức độ chưa tối đa: học sinh trả lời còn thiếu ý, hoặc trả lời theo cách diễn đạt khác nhưng nội dung đảm bảo ý đã nêu trên. - Mức độ không đạt : Không trả lời hoặc có câu trả lời khác. 0,5điểm 7 - Mức độ tối đa: HS trình bày được bằng hình thức một đoạn văn. Từ văn bản Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan, theo em những hành trang mà thế hệ trẻ hiện nay cần chuẩn bị cho mình để có thể là chủ nhân tương lai của đất nước là: + Phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của bản thân. + Có mục tiêu, lí tưởng sống đúng đắn. + Tích cực rèn luyện sức khỏe, học tập kiến thức, trau dồi kinh nghiệm thực tế. + Làm việc nhiệt tình, chính xác, khoa học. Có tình yêu và niềm đam mê với công việc. - Mức độ chưa tối đa: học sinh trả lời còn thiếu ý, hoặc trả lời theo cách diễn đạt khác nhưng nội dung đảm bảo các ý đã nêu trên. - Mức độ không đạt: Học sinh không có câu trả lời 1 điểm II) Phần làm văn (7 điểm) Câu Đáp án Điểm Câu 1: (3điểm) Mức độ tối đa :HS nắm được kĩ năng làm bài văn nghị luận Hình thức - Đúng kiểu bài nghị luận về đoạn thơ. Bố cục chặt chẽ. - Diễn đạt lưu loát, ngắn gọn, đúng văn phạm. 0,25 điểm Nội dung I. Giới thiệu: - Vài nét về tác giả Y Phương và bài thơ “Nói với con”. - Khái quát 4 dòng thơ trên. II. Cảm nhận 1. Về nội dung: - “Người đồng mình” là những người mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin, họ có thể “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, ý chí. - Y Phương dùng cách nói cụ thể của người dân quê mình để thể hiện phẩm chất hiền lành như hạt lúa, củ khoai của “Người đồng mình” nhưng họ không hề tầm thường, “nhỏ bé” bởi tình yêu và mong muốn xây dựng quê hương. - “Người đồng mình” là những người “tự đục đá kê cao quê hương”, lao động cần cù, không lùi bước trước khó khăn gian khổ; tự lực, tự cường xây dựng quê hương bằng chính sức lực và sự bền bỉ của mình. - Họ là những người sáng tạo và lưu truyền phong, tục tập quán tốt đẹp riêng của dân tộc mình và lấy quê hương làm chỗ dựa cho tâm hồn. - Nói với con những điều trên, người cha muốn con hiểu được phẩm chất cao đẹp của “ người đồng mình” để tự hào về quê hương, dân tộc và muốn con kế tục truyền thống ấy. 2. Về nghệ thuật: - Lời thơ mộc mạc,chân chất đậm đà bản sắc dân tộc: “Người đồng mình” là cách nói riêng mộc mạc mang tính địa phương của người Tày. - Hình ảnh trong các câu thơ cụ thể mà khái quát, mộc mạc mà giàu chất thơ, tiêu biểu cho cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi. III. Đánh giá - Khẳng định vẻ đẹp của “Người đồng mình”. - Nêu tình cảm của bản thân với quê hương sau khi học bài thơ. 0,25 điểm 0,25 điểm 0,25 điểm 0,25 điểm 0,25 điểm 0,25 điểm 0,25 điểm 0,25 điểm 0,25 điểm 0,25 điểm 0,25 điểm Tổng 3.0 điểm Mức độ chưa tối đa: Học sinh thực hiện không đầy đủ các yêu cầu trên Mức độ không đạt: Học sinh không viết bài hoặc viết hoàn toàn sang vấn đề khác Câu 2: (4điểm) Mức độ tối đa :HS nắm được kĩ năng làm bài văn nghị luận Hình thức - Đúng kiểu bài nghị luận về đoạn trích truyện. Bố cục chặt chẽ. - Diễn đạt lưu loát, ngắn gọn, đúng văn phạm. 0,25 điểm Nội dung I. Giới thiệu: - Giới thiệu vài nột về Nguyễn Quang Sáng và tác phẩm Chiếc lược ngà. - Giới thiệu hình ảnh anh Sáu và bộ Thu trong đoạn trích Chiếc lược ngà ở Sách Ngữ văn 9, tập 1: hai nhân vật thể hiện tình cha con sâu nặng trong hoàn cảnh trớ trêu, éo le. - Giới thiệu đoạn trích trong đề bài : thuộc khoảng giữa của đoạn trích trong sách giáo khoa. Nó nằm trong phần thuật lại sự việc lúc anh Sáu chuẩn bị trở về đơn vị. Đó cũng là lúc tình cha con của anh Sáu và bé Thu bộc lộ một cách rõ ràng, mãnh liệt và cảm động. II. Cảm nhận 1. Tình cảm cha con giữa anh Sáu và bé Thu diễn ra và biểu hiện trong hoàn cảnh thật trớ trêu, éo le: * Học sinh nhắc lại những cảm xúc ngỡ ngàng, cam chịu của anh Sáu trong 3 ngày về phép khi bộ Thu không chịu nhận anh là cha và không chịu nhận sự yêu thương, chăm sóc của anh đối với nó khiến anh không kiềm chế được bản thân * Do đó lúc chia tay, cả anh Sáu và bé Thu đều có cử chỉ, tâm trạng thật đặc biệt : anh Sáu thì đưa mắt nhìn con, còn bé Thu thì đứng trong góc nhà; anh muốn ôm con, hôn con nhưng lại sợ nó giẫy lên rồi bỏ chạy; anh chỉ đứng nhìn nó với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu, còn bé Thu thì đứng trong góc nhà với đôi mắt mênh mông, tâm trạng xôn xao, bồn chồn. 2. Tình cảm cha con mãnh liệt của anh Sáu và bé Thu: nó được biểu hiện trong hành động và ngôn ngữ của nhân vật, nhất là của bé Thu: * Bé Thu: kêu thật lớn một tiếng “Baaaba” như một tiếng xé, xé cả ruột gan mọi người, một tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng; nó vừa kêu vừa chạy tới, nhảy thót lên, dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó, tóc nó như dựng đứng lên, nó nói trong tiếng khóc, hôn ba nó cùng khắp: hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài trên má của ba nó nữa. * Anh Sáu : bế nó lên. Học sinh cần khai thác giá trị biểu cảm của những chi tiết nói trên để làm rõ tình cảm cha con sâu nặng của anh Sáu và bé Thu. + Tình cảm cha con ấy đã gợi nên một cảm xúc mãnh liệt đối với những người chứng kiến: tiếng kêu của bé Thu không chỉ xé sự im lặng mà còn xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa 3. NT: Tình cảm cha con của anh Sáu và bé Thu được nhà văn Nguyễn Quang Sáng thể hiện trong một đoạn văn có những chi tiết chọn lọc, lời văn trữ tình, giàu cảm xúc tô đậm tình cảm cha con cao quý của anh Sáu và bé Thu, góp phần biểu hiện một nét tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. III. Đánh giá: một đoạn văn tự sự, có tính chất trữ tình, với những chi tiết đặc sắc đó thể hiện được tình cảm cha con sâu nặng trong hoàn cảnh trớ trêu, đầy kịch tính của người dân Việt Nam thời chiến và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và đầy ám ảnh đối với người đọc hôm nay. 0,5 điểm 1.0 điểm 1.25 điểm 0,5 điểm 0,5 điểm Tổng 4.0 điểm Mức độ chưa tối đa: Học sinh thực hiện không đầy đủ các yêu cầu trên Mức độ không đạt: Học sinh không viết bài hoặc viết hoàn toàn sang vấn đề khác PHẦN KÝ XÁC NHẬN: TÊN FILE ĐỀ THI: ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO 10 MÔN NGỮ VĂN (2015 – 2016) MÃ ĐỀ THI (DO SỞ GD&ĐT GHI):.. TỔNG SỐ TRANG (ĐỀ THI VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM) LÀ: 05 TRANG. ------------Hết----------
Tài liệu đính kèm: