Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt năm học 2013 - 2014 môn thi: Ngữ văn thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao nhận đề)

doc 4 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 986Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt năm học 2013 - 2014 môn thi: Ngữ văn thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao nhận đề)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 thpt năm học 2013 - 2014 môn thi: Ngữ văn thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao nhận đề)
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC
TUYÊN QUANG
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
Năm học 2013 - 2014
 Môn thi: Ngữ văn
 Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao nhận đề)
Đề này có 01 trang
Câu 1: (2 điểm)
	Chỉ ra câu đơn đặc biệt trong đoạn văn sau. Nêu tác dụng của việc sử dụng các câu đơn đặc biệt đó.
	"Ở rừng mùa này thường như thế. Mưa. Nhưng mưa đá. Lúc đầu tôi không biết. Nhưng rồi có tiếng lanh canh gõ trên nóc hang. Có cái gì vô cùng sắc xé không khí ra từng mảnh vụn. Gió. Và tôi thấy đau, ướt ở má."
(Trích Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê, theo Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục – 2011)
Câu 2: (3 điểm) 
 Viết một đoạn văn (khoảng từ 20 đến 25 dòng) trình bày suy nghĩ của em về nhân vật bé Thu trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng.
Câu 3: (5 điểm)
 Nêu cảm nhận của em về hai khổ thơ trong bài “Đồng chí” của Chính Hữu 
 [] Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
	Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
	Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
 [] Đêm nay rừng hoang sương muối
	Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
	Đầu súng trăng treo.
 (Trích Đồng chí - Chính Hữu, theo Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục - 2011)
--- Hết ---
 SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐÁP ÁN ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT 
TUYÊN QUANG Năm học 2013-2014
Môn thi: Ngữ văn
	 Thời gian làm bài: 120 phút
	Đáp án có 03 trang
Câu 1: (2 điểm)
 	Học sinh cần xác định rõ:
- Các câu đơn đặc biệt:
+ Mưa. (0,5 điểm)
+ Gió. (0,5 điểm)
- Tác dụng của việc sử dụng các câu đơn đặc biệt: nhấn mạnh sự tồn tại của sự vật, hiện tượng thiên nhiên, gợi những cảm nhận tinh tế của một tâm hồn trẻ trung, mơ mộng. (1 điểm)
Câu 2: (3 điểm)
	1. Về kĩ năng:
- Đoạn văn có bố cục 3 phần: Mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.
- Diễn đạt lưu loát, văn phong trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả.
- Hình thức trình bày sạch đẹp, chữ viết cẩn thận, dùng từ đặt câu đúng.
	2. Về kiến thức:
 Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đạt những nội dung sau:
Nội dung cần đạt
Biểu điểm
 Nhân vật bé Thu nổi bật với tình thương yêu cha sâu sắc:
 - Tình cảm đó được thể hiện trong tình huống đặc biệt: Cha con xa nhau tám năm, chỉ biết nhau qua tấm hình. Cha trở về với vết sẹo trên mặt.
 - Yêu cha nên bé Thu kiên quyết không chịu gọi người “không giống ba là ba, nó chỉ dành tiếng ba cho người cha đích thực” của nó. Thu không nhận ông Sáu là ba vì cô bé chỉ nhớ một người duy nhất là ba, đó là người chụp chung ảnh với má. Ông sáu có thêm vết sẹo trên má khi bị thương nên khác người trong ảnh. Đó thực sự là tình yêu thương sâu sắc và cảm động mà Thu dành cho người cha của mình.
 - Để giữ tình cảm với cha, bé Thu kiên quyết, mạnh mẽ khước từ sự chăm sóc của ông Sáu. Biểu hiện sự bướng bỉnh có bản lĩnh của Thu nói lên tình cảm vững bền của em với cha.
 - Trước khi ba lên đường, cũng là phút giây nó kịp nhận ra ông Sáu là người cha trong bức ảnh, cô bé òa khóc tức tưởi cùng tiếng gọi “ba”, ôm lấy ba, không cho ba đi, hôn bathể hiện tình cảm yêu quý một cách mãnh liệt, gây xúc động cho người đọc. 
0,5
1,0
0,5
1,0
Câu 3: (5 điểm)
 1. Yêu cầu về kỹ năng:
	- Học sinh vận dụng các thao tác nghị luận, khả năng cảm thụ văn học để trình bày cảm nhận của mình về hai khổ thơ.
	- Bài viết có bố cục 3 phần rõ ràng, chặt chẽ, lý lẽ dẫn chứng cụ thể, diễn đạt lưu loát, dùng từ đặt câu đúng, chữ viết cẩn thận, không mắc lỗi chính tả, khuyến khích những bài viết sáng tạo.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng cần làm rõ những nội dung cơ bản sau.
Nội dung cần đạt
Biểu điểm
 I. Mở bài
- Giới thiệu chung về tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ, khái quát về nội dung bài thơ.
- Nêu cảm nhận chung về hai khổ thơ.
II. Thân bài
 Cảm nhận về hai khổ thơ
 a. Khổ thơ 1: Cảnh ngộ của người lính 
	- Họ là những người lính gác tình riêng ra đi vì nghĩa lớn, để lại sau lưng mảnh trời quê hương với những băn khoăn, trăn trở. 
 + Cuộc sống ở quê nhà nghèo khó, vật chất chẳng có gì “Ruộng nương” gửi lại cho “bạn thân cày”, “gian nhà không” giờ để “mặc kệ gió lung lay”. 
 + Lên đường đi chiến đấu, người lính chấp nhận sự hi sinh, tạm gạt sang một bên những tính toán riêng tư. Hai chữ “mặc kệ” đã nói lên được cái kiên quyết dứt khoát mạnh mẽ của người ra đi khi lí tưởng đã rõ ràng, khi mục đích đã lựa chọn.
	- Nhưng sự ra đi đã để lại biết bao tình cảm nhớ thương cho người ở lại (phân tích ý nghĩa ẩn dụ nhân hóa hình ảnh giếng nước gốc đa để nói lên tình cảm của người ở lại đối với người ra đi). 
 + Hình ảnh thơ tô đậm sự gắn bó yêu thương của người lính đối với quê nhà, nó giúp người lính diễn tả một cách hồn nhiên và tinh tế tâm hồn mình. 
 + Ba câu thơ với hình ảnh: ruộng nương, gian nhà, giếng nước, gốc đa, hình ảnh nào cũng thân thương, cũng ăm ắp một tình quê, một nỗi nhớ thương vơi đầy.
 b. Khổ thơ 2: Hình ảnh người lính trong đêm phục kích giặc
 - Bức tranh đêm “rừng hoang sương muối” gợi ra một cảnh tượng âm u, hoang vắng và lạnh lẽo. Không chỉ cái giá, cái rét cứ theo đuổi mà còn bao nguy hiểm đang rình rập người chiến sĩ. 
 - Nổi bật trên nền hiện thực khắc nghiệt ấy là những người lính đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới trong cái nơi mà sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Từ “chờ” cũng đã nói rõ cái tư thế, cái tinh thần chủ động đánh giặc của họ. Rõ ràng khi những người lính đứng cạnh bên nhau vững chãi, truyền cho nhau hơi ấm thì tình đồng chí đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm họ để họ có sức mạnh vượt qua cái cái gian khổ, ác liệt, giá rét ấy Tầm vóc của những người lính bỗng trở nên lớn lao anh hùng.
 - Câu thơ cuối là một hình ảnh đẹp, mang đầy ý nghĩa. Trăng và súng là hình ảnh thực. Nhưng trăng treo ở đầu súng lại là sự kết hợp giữa tính hiện thực và cảm hứng lãng mạn. Đó là sự hài hòa trong tâm hồn của một chiến sĩ và một nhà thơ. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” là một sáng tạo đầy bất ngờ góp phần nâng cao giá trị bài thơ, tạo được những dư vang sâu lắng trong lòng người đọc.
 III. Kết luận
 Khẳng định thành công của tác giả trong việc khắc họa hình ảnh thơ và nêu cảm nghĩ hoặc liên hệ mở rộng.
* Lưu ý: Khi cảm nhận, phân tích, học sinh phải biết bám sát vào từ ngữ, chi tiết hình ảnh để làm sáng tỏ nội dung của ý thơ. Thấy được những đặc sắc về nghệ thuật như ngôn từ cô đọng, hàm xúc, giàu giá trị tượng hình, câu thơ lắng đọng sâu sắc, khắc sâu chủ đề bài thơ tạo ấn tượng sâu đậm về phong cách thơ Chính Hữu. 
0,5
1,0
1,0
0,5
0,75
0,75
0,5
....................Hết ..................

Tài liệu đính kèm:

  • docVan Đại trà.doc