UBND HUYỆN GIA LÂM TRƯỜNG THCS ĐẶNG XÁ ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 NĂM HỌC: 2016-2017 Môn: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút PHẦN I. (4,0 điểm) Câu 1 (1,0 điểm) Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới: Giới trẻ ngày nay mắc phải rất nhiều “căn bệnh”: Bệnh dễ từ bỏ: “Thấy khó là từ bỏ, thậm chỉ chỉ cần ngó qua, chưa kịp thử bạn đã vội từ chối không làm và nếu đó là nhiệm vụ của mình thì thay vì không thể “trả lại” bạn lại bắt đầu chán và than thở!” (Theo “Bắt bệnh “ì” của giới trẻ”, readzo.com, ngày 22/04/2015) Bệnh trì hoãn: “Trì hoãn là một hành vi phổ biến. Thống kê ở Hoa Kỳ cho thấy khoảng 20% người trưởng thành thường xuyên phải vật lộn với sở thích trì hoãn của bản thân. Trường học là môi trường lý tưởng của tâm lý trì hoãn khi có từ 70% đến 90% sinh viên, học sinh thừa nhận họ là những người trì hoãn thường trực.” (Trích “Thói quen Nước đến chân mới nhảy dưới góc độ tâm lý học” – Nguồn Internet) Bệnh nghiện Internet: “Trong suốt dòng lịch sử con người, đã có những người phải vất vả chống lại tính nghiện ngập, nào là nghiện rượu, nghiện ma túy, cũng như những thói quen không thể bỏ được, chẳng hạn như bài bạc. Giờ đây, các nhà tâm lý học ở nhiều quốc gia lại lưu ý đến tình trạng khẩn cấp phải đối phó của một chứng tật ham mê mới, đó là nghiện internet.” (Theo “Internet và giới trẻ - Lợi bất cập hại” – Nguồn Internet) a) Viết một câu văn khái quát lại nội dung của ba “chứng bệnh” trên. (0,25 điểm) b) Nêu 3 tác hại của một trong ba “căn bệnh” được nêu ở trên nếu mắc phải. (0,75 điểm) Câu 2: (3 điểm) Từ thái độ của nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long “mừng quýnh cầm cuốn sách” khi nhận sách từ bác lái xe và lời tâm sự của anh với cô kỹ sư “lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà”,.em hãy viết bài văn ngắn với chủ đề: Đọc sách với cuộc sống con người, nhất là lứa tuổi học sinh. PHẦN II (6điểm) 1. Trong bài thơ “ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh”, Lí Bạch viết: “ Ngẩng đầu nhìn trăng sáng Cúi đầu nhớ cố hương”. Em hãy chép lại chính xác khổ thơ trong chương trình Ngữ Văn 9 cũng có câu thơ mang ý: người đối diện với trăng và cho biết tên bài thơ? Tác giả là ai? Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nào? (1,5 điểm) 2. Chép 2 câu thơ trong 2 bài thơ khác có hình ảnh trăng. Cho biết xuất xứ mỗi câu thơ ấy. (1 điểm) 3. Dưới đây là câu chủ đề trình bày cảm nhận về khổ thơ em vừa chép: “ Trong phút chốc, sự xuất hiện của vầng trăng lại gợi về những kí ức thân thương”. Em hãy viết tiếp khoảng 8-10 câu văn để hoàn thành đoạn diễn dịch. Trong đoạn có sử dụng một câu có thành phần biệt lập, phép nối. (3,5 điểm) UBND HUYỆN GIA LÂM TRƯỜNG THCS ĐẶNG XÁ ĐÁP ÁN BIỂU ĐIỂM ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 NĂM HỌC: 2016-2017 Môn: NGỮ VĂN Phần I. Câu 1. a. Câu khái quát nội dung của 3 chứng bệnh của giới trẻ ngày nay: dễ từ bỏ, trì hoãn, nghiên Internet. (0,25điểm) b. Nêu được ít nhất 3 tác hại của 1 trong 3 “căn bệnh” ( mỗi tác hại đúng 0,25điểm) Câu 2. I/ Yêu cầu chung: Học sinh biết vận dụng kiến thức của bản thân để viết một bài văn nghị luận ( giải thích và bình luận) về tác dụng to lớn của sách trong đời sống tinh thần của con người. Bố cục bài văn hợp lí và rõ ràng, lập luận chặt chẽ II/ Yêu cầu cụ thể: 1) Mở bài: (0,5 điểm) - Vai trò và tác dụng của sách trong đời sống của con người 2) Thân bài: (2điểm) a- Giải thích: - Sách là sản phẩm tinh thần kì diệu, lớn lao mà con người sáng tạo ra để phổ biến và lưu truyền lại những hiểu biết và kinh nghiệm về mọi lĩnh vực của đời sống. - Sách đưa ta vào thế giới phong phú, vô tận của thiên nhiên và xã hội. Sách cung cấp cho con người những tri thức cần thiết để tồn tại và phát triển. ( dẫn chứng) - Sách là phương tiện giao lưu quan trọng giữa các cộng đồng, dân tộc trên thế giới. Giúp con người hiểu biết và sống thân ái với nhau hơn. - Sách là chiếc cầu nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai của từng dân tộc và của cả nhân loại. b- Bình luận: - Lợi ích to lớn của sách là thật sự hiển nhiên ( cần lưu ý loại trừ sách có nội dung xấu, độc hại đối với con người và xã hội) không thể có một cuộc sống tốt đẹp mà không có sách vì sách khích lệ con người nuôi dưỡng những khát vọng cao đẹp - Đọc sách là một việc làm cần thiết và bổ ích đối với mỗi người trong suốt cuộc đời. - Cần phải biết lựa chọn sách tốt để đọc nhằm nâng cao trí thức và bồi dưỡng tâm hồn. c. Chứng minh: - Thái độ“mừng quýnh cầm cuốn sách” của nhân vật anh thanh niên khi nhận sách từ bác lái xe. - Lời tâm sự của anh với cô kỹ sư “lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà 3) Kết bài:(0,5 điểm) - Khẳng định vai trò và tác dụng quan trọng của sách đối với cuộc sống con người. Sách là người bạn tốt của mỗi chúng ta. Phần II. 1. Chép chính xác khổ thơ thứ 5( 0,5điểm) – chú ý chữ cái viết hoa đầu khổ thơ, các câu thơ còn lại viết thường. BT “ Ánh trăng” (0,25điểm) – Nguyễn Duy (0,25 điểm), sáng tác 1978( 3 năm sau ngày giải phóng Miền Nam) in trong tập “ Ánh trăng”, khi tác giả công tác tại TP. Hồ Chí Minh( 0,5 điểm). 2. Chép chính xác 2 câu thơ: - “ Đầu súng trăng treo” ( “ Đồng chí” 1948- Chính Hữu) - “ Thuyền ta lái gió với buồm trăng” / “ Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe” ( “ Đoàn thuyền đánh cá” 1958 - Huy Cận) 3. Đoạn văn. * Viết một đoạn văn đáp ứng các nội dung: - Câu chủ đề: “ Trong phút chốc, sự xuất hiện của vầng trăng lại gợi về những kí ức thân thương” - Có thể triển khai các ý : + Trăng và con người đã gặp nhau trong một giây phút tình cờ. + Vầng trăng xuất hiện vẫn một tình cảm tràn đầy, không mảy may sứt mẻ. + “Trăng tròn”, hình ảnh thơ khá hay, tình cảm trọn vẹn, chung thuỷ như năm xưa. +Tư thế “ngửa mặt lên nhìn mặt” là tư thế đối mặt: “mặt” ở đây chính là vầng trăng tròn (nhân hoá). Con người thấy mặt trăng là thấy được người bạn tri kỉ ngày nào. Cách viết thật lạ và sâu sắc! + Ánh trăng đã thức dậy những kỉ niệm quá khứ tốt đẹp, đánh thức lại tình cảm bạn bè năm xưa, đánh thức lại những gì con người đã lãng quên. + Cảm xúc “rưng rưng” là biểu thị của một tâm hồn đang rung động, xao xuyến, gợi nhớ gợi thương khi gặp lại bạn tri kỉ. + Nhịp thơ hối hả dâng trào như tình người dào dạt. Niềm hạnh phúc của nhà thơ như đang được sống lại một giấc chiêm bao. *Hình thức - Trong đoạn văn diễn dịch - Yêu cầu TV: sử dụng ít nhất một câu có TP biệt lập ( tình thái, phụ chú, gọi đáp, cảm thán) phép nối. (Gạnh dưới ). - Số câu: 8-10.
Tài liệu đính kèm: