Đề thi học sinh giỏi văn 9 năm học 2015 - 2016

doc 6 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 1228Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi học sinh giỏi văn 9 năm học 2015 - 2016", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi học sinh giỏi văn 9 năm học 2015 - 2016
ĐỀ THI HSG VĂN 9 NĂM HỌC 2015-2016
ĐỀ 1
Câu 1 ( 4 điểm):
Phát hiện vẻ đẹp của câu thơ sau trong truyện Kiều của Nguyễn Du thông qua việc tìm hiểu giá trị biểu cảm của từ được in đậm:
 Trước lầu Ngưng bích khóa xuân
 Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung. 
Câu 2( 6 điểm): 
  "Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố"
                                                          ( Trích Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm)
Viết bài văn ngắn khoảng 2 trang giấy trình bày suy nghĩ của em về câu nói trên.
Câu 3 ( 10 điểm): 
Vẻ đẹp và số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua các tác phẩm Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1 ( 4 điểm):
- Tấm dùng để chỉ đơn vị một số vật có mặt phẳng, mỏng và dài như tấm gỗ, tấm vải, tấm ảnh; dùng để chỉ những vật nhỏ bé, hoặc không đáng giá bao nhiêu nhưng được trân trọng như tấm áo manh quần, đồng quà tấm bánh..; dùng để chỉ cá nhân hay tình cảm trân trọng như tấm thân, tấm chống, tấm lòng
- Nguyễn Du quả là thi tài có vốn ngôn ngữ, có tầm hiểu biết sâu rộng chọn dùng từ tấm trăng cho câu thơ. Vì sao tác giả không dùng từ mảnh trăng, vầng trăng? Bởi nếu dùng những từ đó trong hoàn cảnh lúc này trăng trở nên xa lạ, xa xôi thì Kiều càng thấy buồn, cô đơn, cô độc hơn. Xung quanh Kiều là một không gian mênh mông: non xa, bốn bề bát ngát cồn cát, bụi hồng, nhìn lên chỉ có tấm trăng gần ở chung. Trong mắt Kiều trăng không phải là một vật thể kì vĩ, xa lạ của tự nhiên mà trái lại như một vật nhỏ bé, như tấm thân, tấm lòng, tấm tình, một người bạn thật gần gũi, thân thương, tâm tình, sẻ chia nỗi lòng. Có lẽ lúc này chỉ có trăng mới hiểu nỗi cô đơn, nỗi bẽ bàng, sợ hãi của Kiều. Con hơn thế, trăng từng là người chứng giám cho đêm thề nguyền của Kiều và Kim Trọng: 
 “ Vầng trăng vằng vặc giữa trời
 Đinh ninh hai miệng một lời song song”
- Cho nên giờ đây trăng không chỉ là bạn, người thân gần nhất, trăng còn gợi nhớ kỉ niệm thiêng liêng, còn là hình bóng chàng Kim.
- Cách dùng từ thật giản dị nhưng thật đắt giá, có giá trị biểu đạt cao, giàu sức gợi hình, gợi cảm lằm vơi đi, giảm đi nỗi cô đơn, cô quạnh của Kiều.
- Chứng tỏ Nguyễn Du không chỉ hiểu sâu sắc nội tâm nhân vật mà còn rất tài tình trong việc kết nối, giao thoa giữa cảnh và tình, trong việc dùng ngôn ngữ chính xác, hợp văn cảnh. 
Đây là một trong những phương diện thành công làm nên kiệt tác truyện Kiều.
Biểu điểm:
Điểm 3,5- 4: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đảm bảo các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, bài viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát.
Điểm 2,5- 3: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận tương đối chặt chẽ, có sự vận dụng thành công các thao tác lập luận, diễn đạt tương đối tốt.
Điểm 1,5- 2: Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, lập luận chưa chăt chẽ, có thể còn một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
Điểm 0,5- 1: Chưa nắm vững yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được ½ yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, mắc lỗi chính tả và diễn đạt.
Điểm 0: để giấy trắng.
Câu 2 ( 6 điểm). 
a. Về kĩ năng( 1 điểm)
- Biết cách làm kiểu bài nghị luận xã hội, kết hợp các thao tác: giải thích, phân tích, chứng minh.
- Viết đủ và rõ bố cục; luận điểm đúng đắn, rõ ràng, sáng tỏ.
- Diễn đạt lưu loát.
b. Về kiến thức
Bài viết có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có các ý cơ bản sau: 
* Nêu nhận định chung và trích dẫn câu nói: Cuộc sống đầy những chông gai thử thách, đừng bao giờ đầu hàng trước số phận mà hãy tự vươn lên đối đầu với mọi chông gai và khẳng định ý nghĩa của câu nói. ( 0,5 điểm)
a/Giải thích khái niệm của đề bài (câu nói) ( 0,5 điểm)
+ Giông tố ở đây dùng để chỉ cảnh gian nan đầy thử thách hoặc việc xảy ra dữ dội . Đó có thể là một căn bệnh hiểm nghèo, một đổ vỡ trong kế hoạch làm ăn, một thất bại trong học tập, một phá sản trong kinh doanh...
+ Câu nói khẳng định: cuộc đời có thể trải qua nhiều gian nan nhưng chớ cúi đầu trước khó khăn, chớ đầu hàng thử thách, gian nan. ( Đây là vấn đề nghị luận)
b/Giải thích, chứng minh vấn đề: Có thể triển khai các ý: ( 2 điểm)
+ Cuộc đời của con người thường có nhiều khó khăn, thử thách, nhiều thăng trầm trong cuộc sống, chúng ta phải biết vươn lên, vượt qua mọi thử thách của cuộc đời, đừng vì khó khăn, trắc trở ngay trước mắt mà vội vàng từ bỏ. Đừng bao giờ “ngại núi, e sông” hoặc “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, thuận lợi mà đôi khi con người phải đối mặt với nhiều chông gai, thử thách, thậm chí là cả thất bại.
+ Giông tố, gian nan thử thách trong đời chính là môi trường tôi luyện cho ý chí ta thêm vững bền. Gian nan, thử thách chính là môi trường tôi luyện con người. Nhiều khi thử thách, chông gai lại làm con người trưởng thành hơn.Những khó khăn, gian khổ mà con người cần vượt qua có thành công hay không là do chính bản thân họ, cho dù có khó đến đâu nhưng lòng người có ý chí vững vàng, niềm tin vào bản thân và cố gắng hết sức vượt qua thì cũng sẽ thành công, còn ngược lại, không có lòng quyết tâm, ý chí tin vào chính mình, không cố gắng hết sức thì cũng sẽ không làm được gì. 
+ Lấy một vài dẫn chứng để làm rõ nhận định trên.
c/Khẳng đinh, bàn bạc mở rộng vấn đề( 2 điểm)
+ Câu nói trên là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp, sống thật đẹp và hào hùng.
+ Câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực : sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh.
+ Nhận định về một số hành động tiêu cực, sống vội của giới trẻ, của những con người tự ti để làm rõ hơn trong XH vẫn còn nhiều hiện tượng đáng lên án. 
+ Câu nói gợi cho bản thân nhiều suy nghĩ: trong học tập, cuộc sống bản thân phải luôn có ý thức phấn đấu vươn lên. Bởi cuộc đời không phải con đường bằng phẳng mà đầy chông gai, mỗi lần vấp ngã không được chán nản bi quan. Để có được điều này thì cần phải làm gì?
+ Liên hệ, rút ra bài học cho bản thân
Khẳng định ý nghĩa của câu nói và lời nhắn nhủ của mình với mọi người và nhất là với các bạn trẻ trong XH ngày nay.
Câu 3( 10 điểm):
 a.Yêu cầu về kỹ năng:
 - Bài làm của học sinh có bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, nắm vững kỹ năng làm bài nghị luận văn học. 
 - Lập luận thuyết phục, văn viết có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết cẩn thận.
b.Yêu cầu về kiến thức: 
 Học sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sau:
 * Vẻ đẹp của người phụ nữ:
 - Đẹp về nhan sắc (Người phụ nữ trong Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương; Thúy Vân, Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du ).
 - Đẹp về tài năng ( Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du)
 - Đẹp về tâm hồn, phẩm chất: hiếu thảo, thủy chung son sắt, khao khát hạnh phúc... (Người phụ nữ trong Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương; Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ; Thúy Kiều trong Truyện Kiều – Nguyễn Du; Kiều Nguyệt Nga trong Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu).
* Số phận của người phụ nữ:
 - Long đong, chìm nổi; bị ép duyên, bắt đi cống cho giặc (Người phụ nữ trong Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương; Kiều Nguyệt Nga trong Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu).
 - Đau khổ, oan khuất( Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam xương – Nguyễn Dữ)
 - Tình yêu tan vỡ, nhân phẩm bị chà đạp ( Thúy Kiều trong Truyện Kiều – Nguyễn Du...). 
(Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu trong các tác phẩm để làm rõ những nội dung trên).
* Nhận định, đánh giá:
 - Người phụ nữ trong xã hội phong kiến là những con người tài hoa nhưng bạc mệnh, bị xã hội phong kiến vùi dập.
 - Các tác giả trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ đồng thời cảm thông, xót xa cho thân phận của họ; lên án xã hội phong kiến bất công. . .
c. Biểu điểm cụ thể:
 - Điểm 9-10: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, tỏ ra sắc sảo khi có những ý kiến riêng về vấn đề nêu ở đề bài, diễn đạt lưu loát, văn viết giàu cảm xúc, sáng tạo. 
 - Điểm 7-8: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, diễn đạt khá tốt, văn viết mạch lạc, trong sáng, còn một vài sai sót về ngữ pháp, chính tả.
 - Điểm 5-6 : Hiểu và nắm được yêu cầu của đề, bố cục mạch lạc, văn viết có cảm xúc, còn một vài sai sót về diễn đạt, trình bày.
 - Điểm 3 - 4: Hiểu đề song nội dung còn sơ sài, giải quyết vấn đề còn lúng túng, không xoáy được trọng tâm, diễn đạt lủng củng.
 - Điểm 1 - 2: Không nắm vững yêu cầu của đề, bài làm sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt, trình bày.
 - Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề, diễn đạt kém hoặc bỏ giấy trắng.

Tài liệu đính kèm:

  • docDE_ON_THI_HSG.doc