UBND HUYỆN GIA LÂM TRƯờNGthcs đặng xá đề thi HỌC Kè I – NGỮ VĂN 9 Năm học 2015 - 2016 Thời gian: 90 phút ĐỀ BÀI Phần I( 3 điểm): Đây là đoạn kết một bài thơ trong sách giáo khoa Ngữ văn 9: Không có kính rồi xe không có đèn, Không có mui xe, thùng xe có xước, Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước: Chỉ cần trong xe có một trái tim. Câu 1: Cho biết những câu thơ trên được trích trong tác phẩm nào, của ai? Nêu hoàn cảnh ra đời của tác phẩm ấy. Câu 2: Trong khổ thơ trên có sự đối lập giữa cái “ có” và cái “ không”. Hãy chỉ ra sự đối lập ấy và nêu tác dụng. Câu 3: Qua đoạn thơ trên, em có suy nghĩ như thế nào về tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước? Phần II( 7 điểm): Tâm trạng nhân vật ông Hai( Làng- Kim Lân) trong những ngày nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc được tả như sau: “ Ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Ông hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Chợt ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhủn ra, tưởng chừng như không cất lên được Có tiếng nói léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ Mụ nói cái gì vậy? Mụ nói cái gì mà lào xào thế? Trống ngực ông lão đập thình thịch. Ông lão nín thở, lắng tai nghe ra bên ngoài” (Trích "Làng" – Kim Lân, SGK Ngữ văn 9-Tập 1) Câu 1: Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng yếu tố đối thoại, độc thoại hay độc thoại nội tâm? Hãy chỉ ra một câu có sử dụng yếu tố đó trong đoạn văn. Câu 2 : Nếu lược bỏ dấu chấm lửng trong đoạn văn trên thì cách miêu tả nhân vật và giá trị biểu cảm của đoạn văn có thay đổi không? Vì sao? Câu 3: Đoạn văn trên đã thể hiện rất chân thực tâm trạng của nhân vật ông Hai. a. Hãy viết một câu văn nhận xét khái quát về tâm trạng nhân vật. b. Dùng câu đã viết làm mở đoạn, hãy viết một đoạn văn diễn dịch khoảng 12 câu nêu cảm nhận của em về tâm trạng ông Hai trong đoạn văn trên. Trong đoạn văn có sử dụng một câu phủ định và phép nối( gạch dưới câu phủ định và những từ ngữ dùng làm phép nối). Câu 4: Trong một đoạn trích của “ Truyện Kiều” đã học cũng có những câu thơ dùng câu hỏi để diễn tả tâm trạng nhân vật. Hãy chép lại chính xác những câu thơ đó( ghi rõ tên đoạn trích). Hướng dẫn chấm bài thi Phần I: 3 điểm Câu 1( 1 điểm): - Tên tác phẩm: Bài thơ về tiểu đội xe không kính: 0,25 điểm. - Tên tác giả: Phạm Tiến Duật: 0,25 điểm - Hoàn cảnh ra đời: năm 1969, nước ta đang trong trong thời kì kháng chiến chống Mĩ quyết liệt: 0,5 điểm. Câu 2( 1 điểm): - Sự đối lập giữa cái “ có” và cái “ không” trong khổ thơ: 0,5 điểm + Những cái không của xe: không kính, không đèn, không mui: 0,25 điểm + Một cái có của người: trái tim: 0,25 điểm - Tác dụng của sự đối lập: Những gian khó không thể ngăn cản được ý chí quyết tâm chiến đấu của người lính lái xe: 0,5 điểm Câu 3( 1 điểm): - Họ là những người sống có lí tưởng, có mục đích, có trách nhiệm: 0,25 điểm - Luôn dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách: 0,25 điểm - Có tình đồng chí, đồng đội gắn bó: 0,25 điểm - Có tinh thần lạc quan, yêu đời: 0,25 điểm. Phần II: 7 điểm Câu 1( 1 điểm): - Đoạn văn đã sử dụng yếu tố độc thoại nội tâm: 0,5 điểm - Chỉ ra được 1 câu văn có sử dụng yếu tố đó: 0,5 điểm Câu 2( 1 điểm): - Nếu lược bỏ dấu chấm lửng và dấu chấm hỏi thì cách miêu tả nhân vật vẫn không thay đổi( 0,25 đ): vì tâm trạng nhân vật vẫn được miêu tả qua cử chỉ, hành động và đôc thoại nội tâm( 0,25 đ). - Thế nhưng, giá trị biểu cảm của đoạn văn sẽ ảnh hưởng( 0,25đ): vì tâm trạng lo lắng, buồn bã, sợ hãi và nghe ngóng của ông Hai không rõ nữa, tốc độ phát triển tâm trạng nhân vật cũng nhanh hơn( 0,25 đ). Câu 3( 3,5 điểm): a, Viết một câu văn nhận xét đúng tâm trạng ông Hai: Đó là tâm trạng lo lắng, sợ hãi của ông Hai trước tin làng Chợ Dầu theo giặc: 0,5 điểm. b, Viết đoạn văn( 3 điểm): * Yêu cầu chung: Đoạn văn diễn dịch có độ dài khoảng 12 câu, liên kết chặt chẽ, đủ lí lẽ và dẫn chứng làm rõ tâm trạng ông Hai; có sử dụng 1 câu phủ định, phép nối; không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp;... - Để làm rõ tâm trạng ông Hai HS cần đảm bảo các ý sau: + Khi nghe tin làng mình theo giặc, ông sững sờ, ngạc nhiên: cổ ông nghẹn ắng lại, da mặt tê rân rân rồi lặng đi tưởng chừng không thở được. + Rồi tiếp đó là nỗi xấu hổ, đau xót khiến ông cúi gầm mặt mà đi. + Nỗi đau đớn, tủi hổ về việc làng mình theo giặc khiến ông Hai cảm thấy như mình cũng là kẻ có tội, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, không dám ló mặt ra đến ngoài. * Biểu điểm: + Điểm 3: Hoàn thành tốt các yêu cầu trên. + Điểm 2: Đạt phần lớn các yêu cầu trên( lí lẽ dẫn chứng hoặc phân tích chưa thật đủ để làm sáng tỏ ý khái quát, còn mắc một số ít lỗi diễn đạt) + Điểm 1: Chưa nêu đầy đủ nội dung cảm nhận hoặc phân tích sơ sài, lan man, bố cục chưa thật rõ ràng, vẫn còn một số lỗi diễn đạt. + Điểm 0,5: Đoạn viết quá sơ sài, sai lạc về nội dung, còn nhiều lỗi diễn đạt. + Điểm 0: Không làm bài hoặc lạc đề hoàn toàn. * Chú ý: - Không phải là đoạn văn diễn dịch: trừ 0,5 điểm - Không chép lại câu văn nhận xét về ông Hai làm câu mở đoạn: trừ 0,25 điểm - Không sử dụng câu phủ định, phép nối: trừ 0,25 điểm - Có sử dụng phép nối, câu phủ định( không gạch chân): trừ 0,25 điểm Câu 4( 1,5 điểm): - Chép chính xác bốn câu thơ dùng câu hỏi để diễn tả tâm trạng nhân vật: 1 điểm. Buồn trông cửa bể chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa? Buồn trông ngọn nước mới sa, Hoa trôi man mác biết là về đâu? ( Mỗi loại lỗi: - 0,25 đ; thiếu 1 câu: - 0,25 đ; không trừ hết điểm tối đa của câu) - Nêu đúng tên đoạn trích “ Kiều ở lầu Ngưng Bích”: 0,5 điểm. Lưu ý: - Trong bài làm, học sinh có cách diễn đạt khác mà đảm bảo đúng ý thì vẫn cho điểm. - Điểm toàn bài là tổng điểm thành phần, không làm tròn số.
Tài liệu đính kèm: