Đề thi chọn học sinh giỏi THCS cấp huyện Cờ Đỏ năm học: 2015 - 2016 môn thi: Giáo dục công dân

doc 4 trang Người đăng tuanhung Lượt xem 2175Lượt tải 1 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi chọn học sinh giỏi THCS cấp huyện Cờ Đỏ năm học: 2015 - 2016 môn thi: Giáo dục công dân", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề thi chọn học sinh giỏi THCS cấp huyện Cờ Đỏ năm học: 2015 - 2016 môn thi: Giáo dục công dân
PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THCS CẤP HUYỆN 
 HUYỆN CỜ ĐỎ NĂM HỌC: 2015 - 2016
ĐỀ CHÍNH THỨC
có 01 trang
 Khóa ngày: 21 tháng 01 năm 2016
 MÔN THI: GIÁO DỤC CÔNG DÂN
 Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1: (3.5 điểm)
	Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, Nhà nước ta đã ban hành mấy bản Hiến pháp? Vào những năm nào? Hãy giới thiệu sơ lược các bản Hiến pháp đó.
Câu 2: (4.0 điểm)
“Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng để giáo dục nếp sống và nhân cách” – Trích Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên CNXH, Hà Nội 1991, trang 15.
	Vậy gia đình là gì? Em hãy cho biết nghĩa vụ và quyền của các thành viên trong gia đình? Làm thế nào để thực hiện quyền và nghĩa vụ ấy?
Câu 3: (3.0 điểm)
Em hãy nêu nội dung của việc xây dựng nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư? Em có nhận xét gì về nếp sống văn hóa. Từ đó, hãy đề xuất một số việc mà em cho là thiết thực nhất để góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương.
Câu 4: (3.0 điểm)
	 Pháp luật và kỉ luật có ý nghĩa gì trong cuộc sống của mỗi cá nhân và của toàn xã hội? Nếu không có pháp luật và kỉ luật thì xã hội sẽ ra sao? Hãy cho ví dụ để chứng minh.
Câu 5: (3.5 điểm)
Trong loạt bài đăng trên báo Tuổi trẻ Chủ Nhật bàn về Thế hệ gấu bông, có đề cập hiện tượng sau:
	 Cô bé mười lăm tuổi, được mẹ chở đi tập luyện cầu lông. Xe hai mẹ con bị va quẹt, đồ đạt trên xe văng tung tóe. Người mẹ vội vàng gom nhặt, vài người đi đường cũng dừng lại phụ giúp, còn cô bé thì thờ ơ đứng nhìn. Đợi mẹ nhặt xong mọi thứ, cô bé leo lên xe và thản nhiên dặn: “Lát về mẹ nhớ mua cho con li chè!”.
	Là người con trong gia đình, em hãy trình bày suy nghĩ của mình về hiện tượng trên bằng bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi). 
Câu 6: (3.0 điểm)
Em hãy cho biết thế nào là liêm khiết? Theo em, trong điều kiện xã hội hiện nay, việc học tập và làm theo những tấm gương liêm khiết có ý nghĩa như thế nào?
(Giám thị coi thi không giải thích gì thêm)
Chữ kí giám thị 1; Chữ kí giám thị 2
Họ tên thí sinh:; Số báo danh:..
PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI THCS CẤP HUYỆN 
 HUYỆN CỜ ĐỎ NĂM HỌC: 2015 - 2016
ĐỀ CHÍNH THỨC
có 01 trang
 Khóa ngày 21 tháng 01 năm 2016
HƯỚNG DẪN CHẤM
MÔN: GIÁO DỤC CÔNG DÂN
Câu
Nội dung
Điểm
1
(3.5đ)
 Học sinh làm bài thể hiện được các ý chính sau:
 - Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, Nhà nước ta đã ban hành năm văn bản Hiến pháp. 
1.0
 - Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 (sửa đổi năm 2001), 2013 
	+ Hiến pháp 1946: Sau khi Cách mạng tháng tám thành công, Nhà nước ban hành Hiến pháp của Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
	+ Hiến pháp 1959: Hiến pháp của thời kì xây dựng cách mạng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
	+ Hiến pháp 1980: Hiến pháp của thời kì quá độ lên Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
+ Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001): Hiến pháp của thời kì đổi mới đất nước.
+ Hiến pháp năm 2013: Được đánh giá là bản Hiến pháp của thời kỳ hội nhập, thời kỳ đổi mới, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta; Thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH.
2.5
2
(4.0 đ)
 Học sinh làm bài thể hiện được các ý sau:
- Khái niệm gia đình: Gia đình là một nhóm người liên kết với nhau bằng các mối quan hệ: hôn nhân, huyết thống, con nuôi.
0.5
- Nghĩa vụ và quyền của các thành viên trong gia đình: 
	Các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, quí trọng và có trách nhiệm với nhau trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 
	+ Ông bà dạy bảo con cháu, truyền cho con cháu những kinh nghiệm sống của mình, làm các việc phù hợp với khả năng và sức khỏe, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con cháu. 
	+ Cha mẹ là trụ cột trong gia đình, luôn gương mẫu, có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái, tôn trọng ý kiến của con; không được phân biệt đối xử giữa các con, không được ngược đãi, xúc phạm con, ép buộc con làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức. 
	+ Con, cháu có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn cha mẹ, ông bà phải phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc tuổi già, khi ốm đau bệnh tật. Nghiêm cấm con cháu có hành vi ngược đãi, xúc phạm ông bà, cha mẹ. 
	+ Anh chị em có bổn phận thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau và nuôi dưỡng nhau nếu không còn cha mẹ. 
1.75
- Cách thực hiện quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình: 
	+ Mọi người phải thương yêu, quý trọng nhau, giúp đỡ nhau trong công việc gia đình và xã hội, giữ đúng tư cách và trách nhiệm của mình trong gia đình, cụ thể là:
	+ Người dưới đối với người trên phải kính trọng, lễ phép, khiêm tốn, quan tâm chăm sóc đến tình cảm, sức khỏe của cha mẹ, ông bà.
	+ Người trên đối với người dưới phải thương yêu, thông cảm, khoan dung, độ lượng.
	+ Vợ chồng phải thương yêu, bình đẳng, quý trọng giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, thủy chung với nhau, cùng nhau chia sẻ vui buồn, lo lắng trong gia đình.
	+ Anh em phải thân ái, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau trong mọi công việc hằng ngày.
	+ Tạo không khí đầm ấm, yêu thương là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình để gia đình luôn hòa thuận, hạnh phúc.
1.75
3
(3.0 đ)
Học sinh nêu được các ý sau: 
- Nội dung của việc thực hiện nếp sống văn hóa ở cộng đồng dân cư là làm cho đời sống văn hóa tinh thần ngày càng lành mạnh, phong phú như: giữ gìn trật tự an ninh, vệ sinh nơi ở; bảo vệ cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp; xây dựng tình đoàn kết xóm giềng, giúp nhau làm kinh tế; đấu tranh bài trừ các tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện tốt phong trào kế hoạch hóa gia đình và tích cực đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội.
1.5
- Học sinh căn cứ vào những nội dung trên để đưa ra nhận xét, từ đó có những đề xuất phù hợp.
1.5
4
(3.0 đ)
 Học sinh làm bài thể hiện được các ý sau:
- Ý nghĩa của pháp luật và kỉ luật: Xác định được trách nhiệm của cá nhân; bảo vệ được quyền lợi của mọi người; tạo điều kiện cho cá nhân và xã hội phát triển.
1.0
- Nếu không có pháp luật và kỉ luật thì xã hội sẽ rối loạn, không có trật tự kỉ cương, quyền lợi của mọi người không được bảo đảm, cản trở sự phát triển của cá nhân và xã hội.
1.0
- Nêu ví dụ về tác hại của việc không có pháp luật và kỉ luật: Khi tham gia giao thông, nếu cứ mạnh ai nấy đi, không tuân theo pháp luật về giao thông thì sẽ gây tắc nghẽn và tai nạn giao thông thiệt hại về người và của; (HS có thể cho nhiều ví dụ khác nhau, nếu phù hợp thì cho các em được trọn điểm)
1.0
5
(3.5 đ)
Học sinh làm bài thể hiện được các ý sau:
- Nêu được vấn đề cần nghị luận: Thói vô cảm của con cái trong gia đình đối với cha mẹ.
- Giải thích ý nghĩa: Thói vô cảm là một lối sống chỉ nhằm phục vụ cho chính bản thân mình, ích kỉ chỉ lo cho mình, thờ ơ, vô trách nhiệm với những người chung quanh mà cụ thể là hai hiện tượng trên: đứa con trong câu chuyện vô cảm, thờ ơ với cha mẹ mình.
- Bàn luận: + Biểu hiện: thói vô cảm đang tồn tại và có nguy cơ phát triển trong giới trẻ, trong xã hội với nhiều biểu hiện đau lòng
+ Tác hại: thói vô cảm làm cho bản thân trở nên xấu xa, gia đình bị ảnh hưởng nặng nề, đạo đức con người xuống dốc
(Học sinh biết đưa dẫn chứng để chứng minh vấn đề).
+ Phê phán, đấu tranh để loại bỏ dần thói vô cảm trong mỗi cá nhân và trong nhận thức xã hội.
- Bài học nhận thức và hành động: cần thấy sự nguy hại của thói vô cảm của con cái trong gia đình; cần tu dưỡng, rèn luyện bản thân để biết sống vị tha “mình vì mọi người”.
3.5
6
(3.0 đ)
Học sinh trình bày được các ý cơ bản sau:
- Liêm khiết là sống trong sạch, không hám danh, hám lợi, không bận tâm về những toan tính nhỏ nhen, ích kỉ.
1.0
- Chúng ta đang sống trong thời kỳ mở cửa và nền kinh tế thị trường, con người dễ chịu ảnh hưởng của lối sống hưởng thụ, dễ chạy theo những nhu cầu vật chất và bị sa ngã, đi vào con đường tội lỗi như tham ô, hối lộ, trộm cắp, 
1.0
- Việc học tập, rèn luyện theo những tấm gương liêm khiết là vô cùng cần thiết. Nó giúp con người có khả năng đứng vững trước những cám dỗ vật chất để giữ mình được trong sạch.
1.0
* Lưu ý:
	- Trên đây chỉ là những gợi ý. Thực tế học sinh có thể làm bài theo trình tự khác nhưng đúng theo yêu cầu câu hỏi, giám khảo vẫn cho điểm tối đa; cần lưu ý các bài làm gọn, sạch, có lập luận chặt chẽ, sắc bén.
	- Tổ chấm cần thảo luận để thống nhất cách cho điểm chi tiết. Từng câu, từng phần, từng ý, tùy vào mức độ thiếu sót, sai lệch mà có thể trừ điểm bài làm từ 0.25à 0.5 hoặc 1 điểm,
	- Tổ chấm cần thảo luận kĩ, thống nhất cao, cụ thể hóa cách đánh giá.
	- Điểm toàn bài là điểm của 6 câu cộng lại, có thể lấy điểm lẻ đến 0.25đ.
---HẾT---

Tài liệu đính kèm:

  • docGDCD.doc