Trường THPT Phước Bình GV Lê Thùy Linh Phượng ĐỀ ÔN THI TỐT NGHIỆP NGỮ VĂN 12 (2013 - 2014) THỜI GIAN: 120’ I. PHẦN ĐỌC - HIỂU: Cho ngữ liệu sau: Cúng mẹ và cơm nước xong, mấy chị em, chú cháu thu xếp đồ đạc dời nhà. Chị Chiến ra đứng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng xắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai (Trích Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi) Đoạn văn trên miêu tả sự việc gì? Sự gắn bó giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc được thể hiện như thế nào trong đoạn văn? Nêu ý nghĩa nhan đề tác phẩm Những đứa con trong gia đình - Nguyễn Thi? Xác định kiểu câu của mỗi câu trong đoạn văn trên theo cấu tạo ngữ pháp? II. PHẦN LÀM VĂN Cảm nhận của em về nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Sách Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục, 2008). Từ hình ảnh con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ, em có suy nghĩ gì về lòng yêu nước của tuổi trẻ hiện nay? GỢI Ý ĐÁP ÁN I. PHẦN ĐỌC - HIỂU: Đoạn văn miêu tả việc hai chị em Việt, Chiến thu xếp việc nhà, khiêng bàn thờ má sang gửi nhà chú Năm trước ngày lên đường nhập ngũ; tình cảm của Việt đối với chị mình... Sự gắn bó giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc được thể hiện sâu sắc và cảm động: Chiến và Việt đi tòng quân đánh giặc để trả thù nhà nợ nước, nối tiếp truyền thống vẻ vang của gia đình. Đó là hình ảnh của tuổi trẻ Việt Nam, con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Nhan đề của truyện “Những đứa con trong gia đình” vừa có ý nghĩa cụ thể là anh em cùng huyết thống, cùng máu mủ ruột rà trong một gia đình nhỏ; vừa có ý nghĩa khái quát, đó là những đứa con trong một gia đình lớn, gia đình cách mạng. Mỗi người con trong “Những đứa con trong gia đình” có một vẻ riêng nhưng đều có chung một bản chất: căm thù giặc sâu sắc, dũng cảm, gan góc trong chiến đấu; say mê, khao khát được đánh giặc trả thù nhà nợ nước; yêu thương người thân gia đình và thủy chung son sắt với CM. Ấy là bởi họ cùng sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng. Đó cũng chính là hình ảnh tuổi trẻ Việt Nam, con người Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mĩ cứu nước. 4. - Câu (1), (2), (3), (5), (6), (7), (8), (9): câu đơn - Câu (4): ghép II. PHẦN LÀM VĂN - Nêu được vấn đề cần nghị luận - Nội dung + Tnú có số phận đau thương, mất mát bởi chiến tranh. + Tnú có lí tưởng đúng đắn; mưu trí, dũng cảm; ý thức kỉ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng. + Tnú có trái tim yêu thương; sống chân thực, nghĩa tình và có lòng căm thù giặc sâu sắc. - Nghệ thuật: Nhân vật hiện lên trong cách trần thuật đậm chất sử thi, những tình huống thử thách, vừa có nét cá tính vừa khái quát tiêu biểu; sử dụng bút pháp biểu tượng, ngôn ngữ mang sắc thái Tây Nguyên; - Đánh giá: Cuộc đời bi tráng và con đường cách mạng của Tnú tiêu biểu cho con đường đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ; thể hiện tình cảm gắn bó của nhà văn đối với con người nơi đây. - Liên hệ, nêu suy nghĩ về lòng yêu nước của tuổi trẻ hiện nay ----------------hết----------------
Tài liệu đính kèm: