UBND HUYỆN BÌNH CHÁNH PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ------------------------ ĐỀ CHÍNH THỨC (Đề thi có 1 trang) ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I MÔN NGỮ VĂN 8 Năm học 2014 - 2015 Ngày kiểm tra: 09/12/2014 Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề) Phần 1: (5 điểm) Đọc đoạn văn bản và hoàn thành các yêu cầu sau: “Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn: Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho! Tha này! Tha này! Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói anh Dậu. Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại: Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ! Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu. Chị Dậu nghiến hai hàm răng: Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem! Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu. Người nhà lí trưởng sấn sổ bước đến giơ gậy chực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau, đu đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ kêu khóc om sòm. Kết cục, anh chàng “hầu cận ông lí” yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm”. (Ngô Tất Tố, Tắt đèn) Đoạn trích trên kể về việc gì? Gồm những nhân vật nào?(1đ) Tìm 2 từ tượng hình, 2 từ tượng thanh có trong đoạn trích trên.(1đ) Nếu phải đặt nhan đề cho đoạn trích trên em đặt những nhan đề gì.(1đ) Viết một đoạn văn ngắn (khoảng một trang giấy) bàn luận về một phẩm chất mà em rút ra được qua nhân vật chị Dậu trong đoạn trích trên.(2đ) Phần 2: (5 điểm) Trong văn bản “Mẹ tôi” của tác giả Ét-môn-đô đơ A-mi-xi (Ngữ Văn 7, tập 1), khi cậu bé En-ri-cô phạm lỗi với mẹ, người bố đã viết thư cảnh cáo con trai mình: “Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó”. Có những lúc em phạm lỗi khiến cha hoặc mẹ buồn lòng, có thể lỗi lầm của em không giống cậu bé En-ri-cô nhưng đã làm em ân hận mãi. Em hãy kể lại câu chuyện đáng nhớ ấy như một sự chia sẻ với mọi người. -------Hết------- UBND HUYỆN BÌNH CHÁNH PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ I ( Năm học 2014-2015) MÔN NGỮ VĂN 8 Ngày kiểm tra: 09/12/2014 Phần 1: (5đ) Câu 1: Mức tối đa: (1đ) + Đoạn trích kể việc chị Dậu đối phó với bọn tay sai để bảo vệ chồng.(0.5đ) + HS kể tên đầy đủ các nhân vật trong đoạn trích: Chị Dậu, anh Dậu, hai đứa con chị Dậu, cai lệ và người nhà lí trưởng.(0.5đ) Mức chưa tối đa: (0.5đ) + Hs trả lời đúng hoàn hoàn 1 phần. + HS trả lời đúng ý 1 nhưng diễn đạt dài dòng, lệch ý sự việc chính của đoạn trích và kể thiếu tên ba nhân vật chính trong đoạn trích. Mức không đạt: (0đ) không trả lời hoặc trả lời không đúng ý nào. Câu 2: Mức tối đa: (1đ) HS tìm đúng 2 từ tượng hình và 2 từ tượng thanh. Mức chưa tối đa: (0.5đ) HS tìm đúng 2 từ tượng hình hoặc 2 từ tượng thanh; hoặc cả 4 từ đều cùng một loại hoặc mỗi loại chỉ đúng 1 từ. Mức không đạt: (0đ) không trả lời hoặc trả lời không đúng từ nào. Câu 3: Mức tối đa: (1đ) HS đặt ít nhất là 2 nhan đề phù hợp và khái quát được nội dung đoạn trích: gợi ý như: “Tức nước, vỡ bờ”, “Khi người nông dân nổi loạn”, “Vùng lên...”. Mức chưa tối đa: (0.5đ) HS đặt được 1 nhan đề và nhan đề chưa khái quát nội dung đoạn trích. Mức không đạt: (0đ) không trả lời. Câu 4: Mức tối đa: (2đ) + Đoạn văn thể hiện tốt chủ đề: bàn luận về một phẩm chất của chị Dậu trong đoạn trích: Giàu lòng yêu thương, sức sống mạnh mẽ hay một tinh thần phản kháng tiềm tàng....; đoạn viết có tính liên kết mạch lạc, rõ ràng, thuyết phục. (1đ) +Viết đúng phương thức biểu đạt: bàn luận (có lí lẽ, lập luận, luận cứ luận chứng rõ ràng) (0.75đ) + Đảm bảo về độ dài (khoảng trang giấy, hình thức sạch đẹp, chữ viết rõ ràng, không sai chính tả. (0.25đ) Mức chưa tối đa: GV căn cứ vào các tiêu chí trên để xem xét đánh giá mức chưa tối đa theo tổng điểm đạt là 0.75, 0.5, 0.25 cho phần viết đoạn của HS. Mức không đạt: (0đ). Không biết viết đoạn văn hoặc không làm bài. Phần 2: (5đ) *Tiêu chí về nội dung các phần của bài viết (3.5đ) 1. Mở bài: (0.5đ) - Mức tối đa: HS dẫn dắt hoặc nêu tình huống để nhớ lại một lần phạm lỗi khiến cha / mẹ buồn lòng. Mức chưa tối đa: (0.25đ) HS giới thiệu thiếu 2/3 ý ở mức tối đa. Mức không đạt: (0đ) lạc đề, không đảm bảo yêu cầu của văn tự sự. 2. Thân bài: (2.5đ) Mức tối đa: + Câu chuyện đó xảy ra vào thời điểm nào? Lúc HS học lớp mấy? HS đã phạm phải lỗi lầm gì? HS phạm lỗi với cha hay mẹ (hoặc cả cha mẹ)(0.5đ) + Nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của lỗi lầm mà HS phạm phải. (1đ) + Tâm trạng của bản thân trong và sau khi gây ra lỗi lầm đó.(0.5đ) + Thái độ, tâm trạng của cha/mẹ trước lỗi lầm của con. (0.5đ) Mức chưa tối đa: GV căn cứ vào các tiêu chí trên để xem xét đánh giá mức chưa tối đa theo tổng điểm đạt là 0.25, 0.5, 0.25, 0.25 cho phần thân bài của HS. Mức không đạt: (0đ) lạc đề, không đảm bảo yêu cầu của văn tự sự. 3. Kết bài: (0.5đ) - Mức tối đa: Suy nghĩ của HS về lỗi lầm mà mình đã phạm phải? Bài học rút ra từ lần phạm lỗi ấy? - Mức chưa tối đa: (0.25đ) HS kết được lỗi lầm nhưng chưa làm rõ được bài học. - Mức không đạt: (0đ) lạc đề, không đảm bảo 2 yêu cầu trên. * Tiêu chí khác:(1.5đ) 1. Hình thức (0.5đ) - Mức tối đa: HS viết bài tự sự có bố cục chặt chẽ, 3 phần, tình tiết hợp lí, chữ viết rõ ràng, có thể mắc một ít lỗi chính tả. Mức không đạt: chưa hoàn thiện bố cục bài viết, thân bài chưa chia tách chưa hợp lí, chi tiết chưa chặt chẽ, chữ viết không đọc được, sai cách dùng từ đặt câu quá nhiều. 2. Sáng tạo(1đ) - Mức đầy đủ: HS dẫn dắt hoặc nêu tình huống để nhớ lại một lần phạm lỗi khiến cha / mẹ buồn lòng. Có thể nêu kết quả của sự việc, số phận của nhân vật trước. Bài học từ câu chuyện phải hướng đến mọi người, nội dung giáo dục tốt. Mức chưa đầy đủ: (0.5đ) HS thực hiện 2/3 ý ở mức tối đa. Mức không đạt: (0đ) không đáp ứng được 2 yêu cầu trên. --------------Hết-------------
Tài liệu đính kèm: