SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÁI BÌNH --------- ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I NĂM HỌC 2015 - 2016 --------------------------------------------- Môn: NGỮ VĂN 9 Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian giao đề) I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4: Huyền bí và mênh mông đủ làm choáng ngợp, vẻ đẹp của Sơn Đoòng được báo chí quốc tế cho rằng xứng đáng với số tiền mà du khách đã bỏ ra khi khám phá nơi đây. Hang Sơn Đoòng dài khoảng 9km, có rừng rậm nhiệt đới và dòng sông. Không gian bên trong hang có thể chứa được... một tòa nhà 40 tầng. Nhưng điều quan trọng mà nhiều người chưa biết đến là việc hình thành hang động Sơn Đoòng không phải theo cách truyền thống - đá vôi bị hoà tan bởi nước mưa, lâu dần theo thời gian hàng triệu năm, nước bào mòn các hoà tan thành hang động vĩ đại. Với "siêu hang động" Sơn Đoòng, câu chuyện ở một hướng khác. Sơn Đoòng nằm trên một đường đứt gãy hướng Bắc - Nam, chính trục đứt gãy này tạo điều kiện cho hang động lớn nhất thế giới này hình thành một cách mạnh mẽ qua dòng chảy không gì cản được của dòng nước lũ và bào mòn thành hang động tuyệt vời mà các nhà khoa học gọi là “Một vũ trụ bị bỏ quên nằm ẩn mình trong một hệ sinh thái độc đáo. Điều này không được tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh này”. (Theo dulich.dantri.com.vn ngày 17/05/2015) Câu 1. (1,0 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích. Câu 2. (1,0 điểm) Nêu nội dung chính của đoạn trích trên. Câu 3. (1,0 điểm) Sự hình thành hang động Sơn Đoòng có gì khác biệt so với cách truyền thống? Câu 4. (1,0 điểm) Đoạn trích trên gợi em suy nghĩ gì về các danh thắng thiên nhiên của đất nước ta? (viết khoảng 3 đến 5 câu). II. LÀM VĂN (6,0 điểm) Câu 1. (2,0 điểm) Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng trong đoạn thơ sau: Trăng cứ tròn vành vạnh kể chi người vô tình ánh trăng im phăng phắc đủ cho ta giật mình. (Trích Ánh trăng - Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012) Câu 2. (4,0 điểm) Viết bài văn ngắn (khoảng 300 từ) giới thiệu về phần trích đoạn truyện ngắn Làng của tác giả Kim Lân (Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012). --- HẾT --- Họ và tên: ............................................................... Số báo danh:.............. Phần I. ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Câu 1. HS nêu đúng phương thức thuyết minh được. (1,0 điểm) Câu 2. HS nêu đúng nội dung đoạn trích: vẻ đẹp độc đáo của hang động Sơn Đoòng. (1,0 điểm) Câu 3. HS nêu được sự khác biệt: Sơn Đoòng nằm trên một đường đứt gãy hướng Bắc - Nam, chính trục đứt gãy này tạo điều kiện cho hang động lớn nhất thế giới này hình thành một cách mạnh mẽ qua dòng chảy không gì cản được của dòng nước lũ và bào mòn thành hang động.(1,0 điểm) Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục. Câu 4. HS nêu được suy nghĩ của mình về thắng cảnh của đất nước. Trả lời đúng được 1,0 điểm; có thể diễn đạt khác nhưng phải hợp lý. Không cho điểm với trường hợp chỉ trả lời chung chung hoặc trả lời không liên quan đến vấn đề được hỏi. Phần II. LÀM VĂN (6,0 điểm) Câu 1. (2,0 điểm) - Hình ảnh vầng trăng có ý nghĩa biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình đẹp đẽ, vẹn nguyên chẳng thể phai mờ. (1,0 điểm) - Trăng chính là người bạn - nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc đang nhắc nhở nhà thơ và cả mỗi chúng ta. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt. (1,0 điểm) (Học sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.) Câu 2. (4,0 điểm) 1. Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài thuyết minh để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 2. Yêu cầu cụ thể: a) Nội dung trình bày (2,5 điểm) * Giới thiệu về đối tượng thuyết minh: tác giả Kim Lân và trích đoạn truyện ngắn Làng. * Nêu ngắn gọn xuất xứ, hoàn cảnh ra đời: truyện được viết trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, được đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. * Tóm tắt ngắn gọn đoạn trích: + Ông Hai đi tản cư nhưng luôn nhớ về cái làng của mình. + Một buổi trưa khi đi nghe tin tức kháng chiến ông rất vui. + Nghe tin làng theo Tây ông vô cùng đau khổ, lảng tránh mọi người, bực bội cáu gắt với vợ con, tâm sự với đứa con út. + Tin được cải chính ông vui sướng đi khoe với mọi người chuyện Tây đốt nhà mình. * Giá trị nội dung: Truyện đã thể hiện chân thực và sinh động một tình cảm bền chặt mà sâu sắc là tình yêu làng quê thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến qua nhân vật ông Hai. * Giá trị nghệ thuật: Tác phẩm thành công trong việc xây dựng tình huống, nghệ thuật miêu tả tâm lý, ngôn ngữ sinh động, cách trần thuật linh hoạt, tự nhiên... * Đánh giá chung. b) Hình thức trình bày (1,0 điểm) - Đảm bảo cấu trúc bài văn thuyết minh (0,5 điểm) - Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm) c) Sáng tạo (0,5 điểm) --------- Hết ---------
Tài liệu đính kèm: