SỞ GD&ĐT BẮC NINH TRƯỜNG THPT QUẾ VÕ SỐ 1 (Đề gồm có 02 trang) ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 3-NĂM HỌC 2015 – 2016 Môn: Ngữ văn 10 Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian giao đề) Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm) Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 1 đến câu 4: Đối với ông già, bà già, thanh niên phải có thái độ kính nhường và hết lòng giúp đỡ, bởi vì một lẽ dễ hiểu là có ông già, bà già thì mới có chúng ta... Khi đi tàu, đi xe, thanh niên không được chen lấn phụ nữ. Trong trường hợp phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai, chưa có chỗ ngồi, thanh niên phải nhường chỗ của mình cho họ... Trong xã hội ta, nhiều thanh niên biết tỏ lòng thương yêu quý mến nhân dân bằng hành động dũng cảm và hào hiệp; lúc chiến tranh xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào; lúc bình thường cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần người đi đường bị ốm đau,... Thanh niên phải có tinh thần xung phong, gương mẫu; bất cứ việc gì tập thể cần thì thanh niên phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất; song phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương, dối trá... Thanh niên cũng phải dành thì giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình ( Ngữ văn 12, tập một, NXBGD 2013, trang 37) Câu 1. Trong đoạn trích trên, tác giả sử dụng phép tu từ chủ yếu nào? (0,25 điểm) Câu 2. Cho biết tác dụng của việc sử dụng kiểu câu cầu khiến trong câu văn: Thanh niên phải có tinh thần xung phong, gương mẫu; bất cứ việc gì tập thể cần thì thanh niên phải làm với tinh thần cao nhất; song phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không phô trương dối trá (0,25 điểm) Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn trích. Hãy đặt nhan đề cho đoạn trích. (0,5 điểm) Câu 4. Ngoài những phẩm chất cần có trên, theo anh (chị) thanh niên thời đại hiện nay cần có thêm những phẩm chất gì? Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,5 điểm) Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ Câu 5 đến câu 8: Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm Bà mẹ đón tôi trong gió đêm; - Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm. Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm Của những cọng rơm xơ xác gầy gò. Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no Riêng cái ấm nồng nàn như lửa Cái mộc mạc lên hương của lúa Đâu dễ chia cho tất cả mọi người. Bình Lục – một đêm lỡ đường (Hơi ấm ổ rơm, Nguyễn Duy) Câu 5. Xác định thể thơ được sử dụng trong đoạn thơ trên. (0,25 điểm) Câu 6. Nhan đề bài thơ gợi cho anh (chị) điều gì? (0,25 điểm) Câu 7. Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm. Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó. (0,5 điểm) Câu 8. Viết một đoạn văn khoảng 5-7 dòng trình bày cảm nhận của anh (chị) về hình ảnh người mẹ nghèo trong bài thơ. (0,5 điểm) Phần II. Làm văn (7,0 điểm) Câu 1 (3,0 điểm) Bàn về hội chứng F.A (Forever Alone) của giới trẻ, có ý kiến cho rằng: “Gập máy tính lại, tắt điện thoại đi. Hãy giao tiếp nhiều hơn với xã hội và tận hưởng cuộc sống thực tại. Các bạn sẽ hết F.A”. (Theo Thời đại công nghệ số và hội chứng F.A, web: thongtincongnghe.com) Là một người trẻ, anh (chị) hãy nêu quan điểm của mình. Câu 2 (4,0 điểm) Viết Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí), Nguyễn Du đã gửi gắm tâm sự xót thương, day dứt đối với nỗi oan của những kiếp tài hoa và với chính mình. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. ---------- Hết --------- Họ và tên thí sinh:............................................Số báo danh........................Lớp............. Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm. ĐÁP ÁN BÀI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 3- NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN: Ngữ văn 10 Phần I. Đọc hiểu (3.0 điểm) Câu 1. Đoạn văn trên đã sử dụng phép tu từ chủ yếu là: điệp từ ngữ, điệp cấu trúc (Thanh niên; Thanh niên phải) - Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên. - Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời. Câu 2. Tác dụng: Thể hiện cụ thể những yêu cầu, mong muốn của tác giả đối với thanh niên trên con đường tu dưỡng rèn luyện đạo đức. - Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên. - Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời Câu 3. Nội dung chính: Những việc nên làm để tu dưỡng rèn luyện đạo đức của thanh niên Nhan đề: Con đường tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của thanh niên / Tinh thần và thái độ của thanh niên với nhân dân./ Những phẩm chất thanh niên cần có. (Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ). - Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên. - Điểm 0,25: Câu trả lời chưa rõ, chưa thuyết phục. - Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời. Câu 4. Học sinh có thể trả lời theo các ý sau:. - Thanh niên ngày nay cần phải có sức khỏe tốt để xây dựng sự nghiệp cho bản thân và cống hiến được nhiều hơn cho nhân dân, đất nước. - Thanh niên cần phải có tri thức, có văn hóa để làm chủ các phương tiện công nghệ thông tin góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như sự phát triển của nền kinh tế tri thức đã và đang được đặt ra trong thời đại ngày nay. - Thanh niên phải sống có lý tưởng cao đẹp, biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. - Điểm 0,5: Trả lời theo các cách trên. - Điểm 0,25: Câu trả lời khoảng ½ ý trên hoặc trả lời chưa chặt chẽ. - Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời Câu 5. Thơ tự do. - Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên. - Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời. Câu 6. Nhan đề bài thơ gợi tình thương của bà mẹ đồng chiêm dành cho nhân vật trữ tình (người lính lỡ đường). Đó là hơi ấm của tình thương, hơi ấm của tình người nồng hậu. - Điểm 0,25: Trả lời theo cách trên. - Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời. Câu 7. Biện pháp so sánh. Tác dụng: thể hiện sự ấm áp, hạnh phúc, cảm động về nghĩa tình người mẹ đồng chiêm dành cho mình. - Điểm 0,5: Trả lời đúng ý trên. - Điểm 0,25: Trả lời khoảng ½ ý trên. - Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời Câu 8. Cần trình bày suy nghĩ chân thành, sâu sắc: tấm lòng yêu thương thơm thảo, ấm ấp, ngọt ngào của người mẹ nghèo đã sưởi ấm tâm hồn người lính. Tình cảm “ấm nồng nàn như lửa, cái mộc mạc lên hương của lúa” ấy còn quý hơn cả những bát cơm nuôi ta no, bởi lẽ nó “đâu dễ chia cho tất cả mọi người”. - Điểm 0,5: Trình bày chân thành, sâu sắc. - Điểm 0,25: Trả lời còn hời hợt, chung chung. - Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời Phần II. Làm văn (7,0 điểm) Câu 1 (3.0 điểm) * Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; điễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. * Yêu cầu cụ thể: 1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,25 điểm): - Điểm 0,25 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân. - Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): - Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hội chứng F.A trong giới trẻ hiện nay. - Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung. - Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. 3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,75 điểm): - Giải thích: (0.25 điểm) F.A (Forever Alone) là một khái niệm ám chỉ những người hướng nội, ít hoặc không có bạn bè, thích tận hưởng cảm giác cô đơn một mình. Họ dành nhiều thời gian cho việc online và sống cuộc sống ảo trên mạng hơn là cuộc sống thật bên ngoài. - Biểu hiện của những người F.A: (0.5 điểm) + Luôn kêu ca về tình trạng độc thân của mình nhưng lại luôn gắn chặt cuộc sống với môi trường “ảo” internet, không quan tâm đến thế giới thực tại xung quanh mình. + Cuộc sống của họ diễn ra trên Facebook, Twitter, Youtube, từ những sinh hoạt thường ngày đến những sự kiện đặc biệt, từ công việc đến vui chơi giải trí. Họ tự cô lập mình với thế giới thực, tự biến mình thành F.A - Bình luận: (0.75 điểm) +Xã hội hiện đại không thể thiếu công nghệ. Phát minh công nghệ nâng cao chất lượng sống, cuộc sống ảo luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ, thú vị. Thời đại càng văn minh, con người càng không thể xa rời máy tính, điện thoại và internet. Nhưng nếu cứ giấu mình đằng sau bàn phím, chúng ta sẽ tự đánh mất khả năng giao tiếp của mình, xã hội sẽ mất dần kết nối thực tế, con người dần tự thu mình trong thế giới riêng của mình. + Cuộc sống thực chứa đựng muôn vàn điều hấp dẫn, phong phú, chờ đón con người khám phá, tận hưởng. Cuộc sống hiện đại cần công nghệ nhưng không nên lạm dụng mà cần có thời gian và cách thức sử dụng hợp lí, hài hòa. + Ý kiến trên là một lời khuyên đúng đắn cho những ai đang gắn chặt mình với thế giới ảo, cuộc sống số mà quên đi những kết nối thực với thế giới xung quanh mình, để cuộc đời mình bị lãng quên giữa mọi người. - Bài học nhận thức và hành động: (0.25 điểm) (HS có thể có những suy nghĩ và diễn đạt khác, nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục). + Sử dụng máy tính, điện thoại và internet một cách hợp lí. + Hãy đẩy lùi căn bệnh F.A, kết nối yêu thương nhiều hơn với cuộc sống thực tại. 4. Sáng tạo (0,25 điểm). - Điểm 0,25 : Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,); có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. - Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật 5. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): - Điểm 0,25: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. - Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu. Câu 2 (4.0 điểm) I. Yêu cầu chung: Thí sinh phải biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng, văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. II. Yêu cầu cụ thể: 1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0, 25 điểm): - Điểm 0,25 điểm: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. - Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn. 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm): - Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm sự xót thương, day dứt của Nguyễn Du đối với nỗi oan của những kiếp tài hoa và với chính mình. - Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung. - Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác. 3. Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,75 điểm): Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm nổi bật được những ý cơ bản sau: - Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí và nhận định. (0,5 điểm) - Phân tích bài thơ làm sáng tỏ ý kiến. (1,5 điểm) + Câu chuyện cuộc đời của Tiểu Thanh đã tạo nên niềm xúc động, cảm thương chân thành ở Nguyễn Du. Không chỉ khóc nàng Tiểu Thanh hồng nhan bạc mệnh – cái đẹp bị vùi dập, đọa đày, Nguyễn Du còn tri âm để thấu hiểu tận cùng nỗi đau, nỗi xót cũng là nỗi oán hận mà Tiểu Thanh phải mang theo xuống suối vàng – “Văn chương vô mệnh lụy phần dư”. Đó là nỗi hận vì cái đẹp, cái tài bị vùi dập, chà đạp, bị chối bỏ phũ phàng. + Cảm thương cho bi kịch của Tiểu Thanh, Nguyễn Du bắc nhịp cầu giao cảm để tự thấy mình là người cùng hội cùng thuyền với nàng – “mượn chén rượu của người” và “rót rượu của mình”: tự nhận mình giống Tiểu Thanh “mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã” và mong mỏi tìm người khóc mình như mình đã khóc Tiểu Thanh. Từ tiếng khóc người, nỗi thương người, Độc Tiểu Thanh kí còn là tiếng khóc mình, nỗi thương mình; là mối tự hận, tự thương; là niềm khát khao tri kỉ của Nguyễn Du. - Đánh giá, nâng cao. (0,75 điểm) + Nguyễn Du có một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu yêu thương; một trái tim nhân đạo lớn dành cho con người mà trước hết là người phụ nữ tài hoa bạc mệnh: Thúy Kiều, người gảy đàn ở đất Long thành Nhờ vậy, Độc Tiểu Thanh kí vừa có ý nghĩa tố cáo phê phán xã hội bất công, tàn bạo vừa chứa đựng tư tưởng nhân đạo, nhân văn lớn lao, sâu sắc. Tư tưởng ấy được cô đúc trong một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật hàm súc, nghệ thuật đối, những từ ngữ đa nghĩa, giàu tính biểu tượng, (0,5 điểm) + Nguyễn Du cũng là một con người khổ đau, cô đơn, không có tri kỉ. Tâm sự đó của Nguyễn Du cần được hậu thế thấu hiểu qua những thi phẩm của ông. (0,25 điểm) 4) Sáng tạo (0,25 điểm) - Điểm 0,25: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. - Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 5) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,25 điểm): Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ------------------------ Hết ------------------------
Tài liệu đính kèm: