Đề giao lưu học sinh giỏi cấp huyện môn: Ngữ văn 8 thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

doc 4 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 4793Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề giao lưu học sinh giỏi cấp huyện môn: Ngữ văn 8 thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề giao lưu học sinh giỏi cấp huyện môn: Ngữ văn 8 thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
PHÒNG GD&ĐT
ĐỀ CHÍNH THỨC
HẬU LỘC
ĐỀ GIAO LƯU HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
Môn: Ngữ văn 8
Thời gian: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
(Đề này có 01 trang, gồm 04 câu)
Câu 1 (4,0 điểm): Cho đoạn thơ:
 Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
 Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
 Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
 Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
 Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
 Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
 Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
 Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
 Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
 Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
	 	 (Ngữ văn 8 – Tập II)
 	a. Xác định các kiểu câu phân loại theo mục đích nói được sử dụng trong đoạn thơ trên? Các kiểu câu ấy thực hiện hành động nói nào?
b. Xác định và phân tích hiệu quả thẩm mĩ của các biện pháp tu từ trong đoạn thơ trên?
Câu 2 ( 5,0 điểm):
 Trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng của O.Hen-ri, bệnh tật và nghèo túng khiến Giôn-xi tuyệt vọng không muốn sống nữa. Cô đếm từng chiếc lá còn lại trên cây thường xuân bám vào bức tường gạch đối diện với cửa sổ, chờ khi nào chiếc lá cuối cùng rụng nốt thì cô cũng buông xuôi, lìa đời Nhưng, “chiếc lá cuối cùng vẫn còn” làm cho Giôn-xi tự thấy mình “thật là một con bé hư Muốn chết là một tội”. Cô lại hi vọng một ngày nào đó sẽ được vẽ vịnh Na-plơ và như lời bác sĩ nói, cô đã thoát “khỏi nguy hiểm” của bệnh tật.
Qua những thay đổi của Giôn-xi, em hãy viết một bài văn ngắn thể hiện suy nghĩ về nghị lực sống của con người.
Câu 3 (1,0 điểm):
Cho đoạn thơ sau:
Thắng rồi - trận đánh thọc sâu
Lại về với mái tăng - bầu trời vuông
Sục sôi bom lửa chiến trường
Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng.
a. Đoạn thơ trích trong bài thơ nào? Của ai?
b. Em hiểu như thế nào về nhan đề của bài thơ đó? 
Câu 4 (10,0 điểm): 
Đoạn trích “Trong lòng mẹ” (Trích Những ngày thơ ấu) của Nguyên Hồng “đã miêu tả thành công những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại”(Thạch Lam). 
Bằng những hiểu biết của em về đoạn trích, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
----------------Hết ------------------
PHÒNG GD&ĐT
HẬU LỘC
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ GIAO LƯU HSG CẤP HUYỆN NĂM HỌC 2015-2016
Môn: Ngữ văn 8
Câu 1 (4.0 điểm)
a. Đoạn thơ sử dụng 5 câu nghi vấn và một câu cảm thán: (Học sinh có thể chỉ rõ hoặc nêu khái quát). (0,25 điểm)
 Các câu đều thực hiện hành động nói: Bộc lộ cảm xúc. (0,25 điểm)
b. Xác định được các phép tu từ: (1,0 điểm)
 + Ẩn dụ: đêm vàng bên bờ suối
 + Điệp ngữ: Nào đâu, đâu những, còn đâu, ta
 + Các câu hỏi tu từ và câu cảm thán 
 + Nhân hóa: Ta (con hổ) say... đứng uống; lặng ngắm giang sơn; giấc ngủ tưng bừng; đợi chết chiếm lấy riêng
* Tác dụng:
- Hình ảnh ẩn dụ “đêm vàng bên bờ suối” đầy mộng ảo, nên thơ gợi lên hình ảnh chúa sơn lâm say mồi trong niềm vui hoan lạc giữa một đêm trăng bên bờ suối. (0,25 điểm)
- Điệp ngữ kết hợp các câu hỏi tu từ và câu cảm thán: 
 + “Nào đâu”, “đâu những”, “còn đâu”: phiếm chỉ, hỏi về những kỉ niệm đã lùi sâu vào dĩ vãng với biết bao nhớ tiếc, bâng khuâng: Nhớ cảnh ánh trăng chan hòa trên dòng suối, tan vào nước suối. Hổ say mồi và say trăng; Nhớ những ngày mưa rừng, hổ ung dung “lặng ngắm” cảnh giang sơn nơi mình ngự trị, xúc động khi thấy giang sơn đổi mới; Nhớ cảnh hổ nằm ngủ trong không gian bình minh đầy màu sắc và âm thanh (màu hồng của bình minh, màu vàng nhạt của nắng sớm, màu xanh bát ngát của cây rừng) cùng hòa với tiếng ca tưng bừng của đàn chim; Nhớ những chiều tà dữ dội, trời chiều không đỏ rực mà là “lênh láng máu sau rừng”, chúa sơn lâm chờ đợi mảnh mặt trời “chết” để “chiếm lấy riêng phần bí mật” của rừng đêm, để tung hoành...
 (1,0 điểm) 
 + “Ta”: Thể hiện niềm tự hào về những kỉ niệm đẹp thuở vùng vẫy ngày xưa.(0,25 điểm)
- Nhân hóa: Thể hiện tâm trạng của con hổ trong nỗi nhớ tiếc quá khứ oai hùng, oanh liệt đầy tự hào. Đó cũng chính là tâm trạng, là nỗi niềm của người dân Việt Nam mất nước đầu thế kỉ XX: đau khổ vì thân phận nô lệ, chán ghét xã hội đương thời, nhớ tiếc quá khứ huy hoàng của dân tộc, khát khao tự do cháy bỏng... (1,0 điểm)
Câu 2 (5.0 điểm)    
 Về kĩ năng: Hiểu được yêu cầu của đề ra. Tạo lập được một văn bản nghị luận xã hội có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, lời văn trong sáng, có cảm xúc và giọng điệu riêng. Trình bày đúng chính tả và ngữ pháp.
    Về kiến thức : Trên cơ sở nắm bắt được nội dung tác phẩm Chiếc lá cuối cùng, hình tượng nhân vật Giôn-xi và hiểu biết về kiến thức xã hội, thí sinh cần đáp ứng các ý cơ bản sau:
a, Mở bài: (0,5 điểm)
  Học sinh dẫn dắt vấn đề từ biểu hiện của nhân vật Giôn-xi trong truyện “Chiếc lá cuối cùng” của O.Hen-ri để khẳng định nghị lực sống rất cần thiết đối với mỗi người trong cuộc sống.
b, Thân bài: (Tổng: 4,0 điểm)
- Vài nét về nhân vật Giôn-xi: (1,0 điểm)
+ Hoàn cảnh sống: Nghèo khổ, bệnh tật.
+ Trạng thái tinh thần: Từ yếu đuối, buông xuôi và đầu hàng số phận, mất hết nghị lực sống đến chỗ biết quý trọng sự sống của mình, khao khát sáng tạo và chiến thắng bệnh tật. Nghị lực sống, tình yêu cuộc sống đã trỗi dậy trong Giôn-xi.
- Giải tích và chứng minh về nghị lực sống: (Tổng: 2,0 điểm) 
 + Nghị lực sống là năng lực tinh thần mạnh mẽ, không chịu lùi bước trước khó khăn, thử thách; luôn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống(Dẫn chứng) (0,5 điểm) 
 + Đây là một phẩm chất cao đẹp và cần thiết: tiếp sức cho ước mơ hoài bão của con người; mở ra những hành động tích cực vượt lên những trắc trở, những cám dỗ trong cuộc sống; giúp con người gặt hái thành công. Thiếu nghị lực, dễ chán nản, bi quan khiến con người thường gặp thất bại, bị mọi người xung quanh coi thường, thương hại (Dẫn chứng) (1,0 điểm) 
 + Nghị lực sống có được không chỉ dựa vào nội lực cá nhân mà còn được tiếp sức bởi sự sẻ chia, tình yêu thương của cộng đồng. (Dẫn chứng) (0,5 điểm) 
- Liên hệ cuộc sống và rút ra bài học: (1,0 điểm)
+ Biết yêu thương, cảm thông và tiếp thêm niềm tin yêu cuộc đời, nghị lực sống cho những người xung quanh... 
+ Biểu dương những tấm gương tiêu biểu cho nghị lực sống mạnh mẽ.
+ Phê phán những kẻ hèn nhát, bạc nhược, ỷ lại
c, Kết bài (0,5 điểm).
 Ý thức vai trò quan trọng của nghị lực sống, biết cách rèn luyện và duy trì ý chí, tinh thần mạnh mẽ...
Câu 3 (1.0 điểm):
Đoạn thơ trích trong bài thơ “Bầu trời vuông” của tác giả Nguyễn Duy. (0,5 điểm)
Ý nghĩa nhan đề bài thơ: (0,5 điểm)
- Bầu trời vuông là “bài ca cái tăng” – người bạn gần gũi, gắn bó thân yêu của người chiến sĩ – cũng là “bài ca người chiến sĩ”.
 	- Bầu trời vuông: Thể hiện khát vọng về sự thịnh vượng, yên bình, hạnh phúc. 
Câu 4 (10.0 điểm)
 *Về hình thức (1 điểm) :
Yêu cầu bài viết cần được trình bày dưới dạng một bài văn nghị luận hoàn chỉnh. Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ; ít mắc lỗi chính tả, dùng từ, câu, cách diễn đạt ...
*Về nội dung (9.0 điểm): Đảm bảo đầy đủ các ý sau :
a. Mở bài: (0,5 điểm)
 Giới thiệu nhân bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ với hai đặc điểm:
- Những cay đắng, tủi cực thời thơ ấu
- Tình yêu thương cháy bỏng đối với người mẹ bất hạnh. 
b. Thân bài: (Tổng: 8,0 điểm)
 	 HS lần lượt làm sáng tỏ từng luận điểm. 
b.1. Những cay đắng, tủi cực đến tột cùng của bé Hồng (2,0 điểm)
- Bố mất, mẹ vì “cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực”, bé Hồng sống bơ vơ giữa sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của họ hàng.
- Bị bà cô độc ác gieo rắc vào đầu óc những hoài nghi, những ý nghĩ xấu xa, về người mẹ; 
- Bị người cô nhục mạ, hành hạ, bé Hồng đau đớn, cổ họng nghẹn ứ khóc không ra tiếng, cười dài trong tiếng khóc
b.2. Tình yêu thương mãnh liệt của bé Hồng với người mẹ bất hạnh (6,0 điểm)
 (Mỗi ý diễn đạt được cho 1,5 điểm)
 - Những ý nghĩ, cảm xúc của chú bé khi đối thoại với người cô:
 Nhận ra ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt của người cô; không muốn tình thương yêu và lòng kính mến mẹ bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến...
- Đau đớn, uất ức đến cực điểm vì cổ tục đã hành hạ, đầy đọa mẹ: 
 Cuộc đời nghiệt ngã, bất công đã tước đoạt của mẹ tất cả tuổi xuân, niềm vui, hạnh phúc... Càng yêu thương mẹ bao nhiêu, thì nỗi căm thù xã hội càng sâu sắc quyết liệt bấy nhiêu: “Giá những cổ tục đã đầy đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”.
- Khát khao gặp mẹ cháy bỏng: 
 + Chạy đuổi theo chiếc xe. Gọi khẩn thiết; Vừa được ngồi lên xe cùng mẹ đã òa lên khóc nức nở.
 + Ngòi bút của nhà văn đã thể hiện thành công đặc sắc khi miêu tả với phương pháp so sánh như khát khao của người bộ hành đi giữa sa mạc nghĩ về bóng râm và dòng nước mát. Hình ảnh chú bé phải xa mẹ lâu ngày, hơn nữa phải sống trong sự ghẻ lạnh của những người xung quanh.
- Sự cảm động, sung sướng, bối rối khi gặp mẹ; Niềm hạnh phúc vô bờ khi ở trong lòng mẹ: 
 Để tô đậm niềm sung sướng tột độ của em bé mất cha, xa mẹ lâu ngày, nay được ngồi bên mẹ, lúc thì nhà văn miêu tả những cảm giác cụ thể: “Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp vào đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ  mơn man khắp da thịt”, lúc thì chen những lời bình luận thấm đẫm chất trữ tình: “Phải bé lại”, khi thì nghĩ đến câu nói độc ác, đay nghiến của bà cô và “Không mảy may nghĩ ngợi gì nữa.” bởi vì bé Hồng được gặp mẹ rất bất ngờ, niềm vui quá lớn. Nếu chính mình chưa phải trải qua nỗi đau xa mẹ, chưa có niềm sung sướng tột độ khi được gặp mẹ, chắc Nguyên Hồng khó có được những đoạn văn gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc như vậy.
c. Kết bài: (0,5 điểm)
- Khẳng định vấn đề:
 Đoạn trích Trong lòng mẹ đã kể lại một cách chân thực và cảm động những cay đắng, tủi cực cùng tình yêu thương mãnh liệt của bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh.
- Nêu thái độ, tình cảm của người viết:
 Hồi kí thấm đẫm chất trữ tình. Cách nhìn nhận, đánh giá con người, sự việc và đặc biệt là tình cảm của nhà văn thời ấu thơ dành cho người mẹ thật đáng trân trọng.
................... Hết ...................

Tài liệu đính kèm:

  • docDe_va_dap_an_thi_HSG_mon_Ngu_van_lop_8_nam_hoc_2015_2016_huyen_Hau_Loc_Thanh_Hoa.doc