Đề cương ôn tập học kì II môn Ngữ văn Lớp 11 - Năm học 2021-2022

docx 9 trang Người đăng khanhhuyenbt22 Ngày đăng 20/06/2022 Lượt xem 717Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Đề cương ôn tập học kì II môn Ngữ văn Lớp 11 - Năm học 2021-2022", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề cương ôn tập học kì II môn Ngữ văn Lớp 11 - Năm học 2021-2022
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP MÔN NGỮ VĂN LỚP 11 
HỌC KÌ II (NĂM HỌC 2021 – 2022)
CẤU TRÚC ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ II
I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)
Đơn vị kiến thức/Kĩ năng: Nghị luận hiện đại (ngữ liệu ngoài sách giáo khoa).
Nhận biết:
- Nhận diện được phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, biện pháp tu từ,... trong văn bản/đoạn trích. (Câu 1)
- Xác định thông tin được nêu trong văn bản/đoạn trích. (Câu 2)
Thông hiểu: (Câu 3)
- Hiểu được các thành phần nghĩa của câu; nội dung của văn bản/đoạn trích. 
- Hiểu được cách triển khai lập luận, ngôn ngữ biểu đạt; các biện pháp tu từ, đặc trưng của phong cách ngôn ngữ... trong văn bản/đoạn trích. 
- Hiểu được những đặc điểm cơ bản của nghị luận hiện đại thể hiện trong văn bản/đoạn trích.
 Vận dụng: (Câu 4)
- Nhận xét về nội dung và nghệ thuật của văn bản/đoạn trích; bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề đặt ra trong văn bản/đoạn trích. 
- Rút ra thông điệp/bài học cho bản thân.
- Phân biệt được nghị luận hiện đại và nghị luận trung đại. 
Đọc văn bản sau: 
Cuộc sống luôn có nhiều áp lực nên không phải lúc nào ta cũng có đủ vững chãi để làm chủ hết bản thân, nhất là khi có những biến động bất ngờ. Trong những lúc tâm tư rối bời hoảng loạn hay chán chường lạc lõng, ta luôn ước ao có một người thân bên cạnh để được chia sẻ. Dù người ấy chẳng giúp ta giải quyết được vấn đề, thậm chí chẳng khuyên được một điều gì bổ ích, nhưng chỉ cần thái độ lắng nghe hết lòng cũng đủ khiến ta vơi đi rất nhiều phiền muộn rồi. Cho nên, được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người. Thế nhưng, điều nghịch lý là ai cũng muốn người khác lắng nghe mình, còn mình lại không chịu lắng nghe ai cả.
(.) Nếu ta thực sự muốn giúp người kia vơi đi những nỗi khổ niềm đau đang đè nặng trong lòng, thì việc trước tiên là ta phải biết lắng nghe họ. Cũng như vị thầy thuốc trước khi chẩn mạch kê toa thì phải luôn quan sát thần sắc của bệnh nhân. Sau đó, lắng nghe thật kĩ càng những báo cáo hay những lời than thở về bệnh trạng. Khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là ta đang đóng vai thầy thuốc để chữa trị bệnh cho họ. Dù ta không phải nhà tâm lý trị liệu, nhưng với lòng chân thành và thái độ lắng nghe đúng đắn, chắc chắn ta sẽ giúp được người kia ít nhiều. Vì vậy mỗi khi chúng ta chuẩn bị lắng nghe, ta phải hỏi kỹ lại mình đã thật sự vào vai của một người cứu giúp chưa?
(Theo Minh Niệm, Hiểu về trái tim, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.160-162)
Thực hiện các yêu cầu: 
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. Theo tác giả, nếu muốn giúp người kia vơi đi nỗi niềm đau khổ việc trước tiên ta phải làm gì?
Câu 3. Vì sao tác giả cho rằng: “khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là tức là ta đang đóngvai thầy thuốc để chữa trị bệnh cho họ”?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người”
Gợi ý:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.
Câu 2. Theo tác giả nếu ta thực sự muốn giúp người kia vơi đi những nỗi khổ niềm đau đang đè nặng trong lòng, thì việc trước tiên là ta phải biết lắng nghe họ.
Câu 3. Tác giả cho rằng:“khi ta quyết định lắng nghe một người đang khổ, tức là tức là ta đang đóngvai thầy thuốc để chữa trị bệnh cho họ”, bởi vì:
- Lắng nghe với thái độ chân thành sẽ chẩn đoán được tâm trạng, nguồn gốc của sự giằng xé giống như bác sĩ bắt mạch vậy. 
- Lắng nghe cũng là một cách chữa bệnh, bởi khi lắng nghe với thái độ chân thành thì tâm trạng của người kia được vơi đi ít nhiều.
Câu 4. Học sinh có thể đồng tình hay không đồng tình phải có lí giải hợp lí.
Đồng tình với ý kiến: “được lắng nghe là nhu cầu không thể thiếu của con người”
- Khi được lắng nghe, ta sẽ giãi bày những tâm sự, những nỗi buồn hoặc những điều khó nói với đối phương, nhờ thế mà cõi lòng nhẹ nhõm.
- Khi được lắng nghe, ta còn có thể nhận được những lời khuyên thực sự bổ ích và chân thành.
- Khi ta được lắng nghe, được quan tâm và thấu hiểu thì cũng là lúc ta có 1 điểm dựa về mặt tinh thần, thấy bên mình vẫn còn những người mà thực sự quan tâm đến chúng ta. 
II. PHẦN LÀM VĂN:
Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 150 chữ) về tư tưởng đạo lí.
Nhận biết:
- Xác định được tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.
- Xác định được cách thức trình bày đoạn văn.
 Thông hiểu: 
- Diễn giải về nội dung, ý nghĩa của tư tưởng, đạo lí.
 Vận dụng:
- Vận dụng các kĩ năng dùng từ, viết câu, các phép liên kết, các phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận phù hợp để triển khai lập luận, bày tỏ quan điểm của bản thân về tư tưởng, đạo lí.
 Vận dụng cao:
- Huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về tư tưởng đạo lí.
- Có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.
Mở đoạn
Nêu tư tưởng, đạo lí cần bàn
Giới thiệu thẳng vấn đề cần bàn luận bằng một câu tổng quát
Thân đoạn
Giải thích (Là gì?)
Giải thích ngắn gọn nội dung tư tưởng, cách hiểu (1-2 câu)
Phân tích, chứng minh (Tại sao? Như thế nào?)
Phân tích tác dụng, ý nghĩa của tư tưởng, chứng minh.
Bàn luận, mở rộng vấn đề
– Lật ngược vấn đề
– Phê phán những tư tưởng, biểu hiện trái ngược
Kết đoạn
Rút ra bài học nhận thức và hành động
– Nhận thức ý nghĩa, tính đúng đắn, tác dụng của tư tưởng.
– Hành động.
(1-2 câu)
VD: Viết một đoạn văn “Tình người là sống tử tế với nhau”.
Mở đoạn
Nêu tư tưởng, đạo lí cần bàn
Nhân loại đã sản sinh ra nhiều giá trị, chuẩn mực với mục đích làm cho xã hội trở nên văn minh hơn, trong đó có lối sống tử tế.
Thân đoạn
Giải thích (Là gì?)
– Tử trong tử tế có nghĩa là nhỏ nhất; tế trong tử tế có nghĩa là cẩn trọng.
àTử tế trong ứng xử nghĩa là từ những điều nhỏ nhất cũng phải cẩn trọng, ý tứ.
Phân tích, chứng minh (Tại sao? Như thế nào?)
– Không tuân thủ những nguyên tắc đó ta sẽ trở nên dễ dãi, không chú ý đến hành vi,cử chỉ của mình; không hiểu thói quen, tập quán,sở thích của người khác sẽ dẫn đến thất bại trong giao tiếp..
– Sống tử tế tình người sẽ trở nên ấm áp, con người sẽ trở nên tin cậy lẫn nhau.
– Con người sẽ tránh xa được sự đố kị, dối trá, oán ghét, hoài nghi, chỉ còn lại là sự chân thành, tôn trọng, đối đãi lịch thiệp với nhau
Bàn luận, mở rộng vấn đề
– Tử tế không đồng nghĩa với hạ mình.
– Phê phán những người cẩu thả, thô bạo trong cách hành xử,thiếu quan tâm đến người khác từ những việc làm nhỏ nhất.
Kết đoạn
Rút ra bài học nhận thức và hành động
– Tử tế là một trong những chuẩn mực có giá trị muôn thuở trong ứng xử
– Cần trau dồi nhân cách để hoàn thiện.
Câu 2. (5,0 điểm) Viết bài văn nghị luận văn học về mộtbài thơ/ đoạn thơ: Từ ấy (Tố Hữu), Chiều tối (Hồ Chí Minh).
Nhận biết:
- Xác định được kiểu bài nghị luận; vấn đề nghị luận.
- Giới thiệu tác giả, bài thơ, đoạn thơ.
- Nêu nội dung cảm hứng, hình tượng nhân vật trữ tình, đặc điểm nghệ thuật nổi bật... của bài thơ/đoạn thơ.
Thông hiểu: 
- Diễn giải những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ/đoạn thơ theo yêu cầu của đề: tình cảm quê hương, tư tưởng yêu nước; tình yêu trong sáng cao thượng; quan niệm thẩm mĩ và nhân sinh mới mẻ; sự kế thừa các thể thơ truyền thống và hiện đại hóa thơ ca về ngôn ngữ, thể loại, hình ảnh,...
- Lí giải được một số đặc điểm của thơ hiện đại từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945 được thể hiện trong bài thơ/đoạn thơ. 
Vận dụng: 
- Vận dụng các kĩ năng dùng từ, viết câu, các phép liên kết, các phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận để phân tích, cảm nhận về nội dung, nghệ thuật của bài thơ/đoạn thơ.
- Nhận xét về nội dung, nghệ thuật của bài thơ/đoạn thơ; vị trí, đóng góp của tác giả. 
Vận dụng cao:
- So sánh với các tác phẩm khác; liên hệ với thực tiễn; vận dụng kiến thức lí luận văn học để đánh giá, làm nổi bật vấn đề nghị luận.
- Có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, bài văn giàu sức thuyết phục.
B. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
TỪ ẤY (Tố Hữu)
I. Tác giả, tác phẩm
1. Tác giả 
- Tố Hữu (1920 – 2002), lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hiện đại, là nhà thơ có sự nghiệp thơ ca gắn liền với sự nghiệp cách mạng.Thơ ông luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng đầy thắng lợi vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
- Là nhà thơ có phong cách trữ tình – chính trị: thể hiện lẽ sống, lí tưởng, tình cảm cách mạng của con người Việt Nam hiện đại nhưng mang đậm chất dân tộc, truyền thống. 
2. Xuất xứ và hoàn cảnh ra đời bài thơ
- Xuất xứ: bài thơ “Từ ấy” nằm trong phần “Máu lửa” của tập thơ “Từ ấy”.
- Hoàn cảnh ra đời: 7/1938 để ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ngày được đứng vào hàngngũ những người cùng phấn đấu vì một lí tưởng cao đẹp cũng như bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mình, tác giả đã sáng tác bài thơ “Từ ấy”với cảm xúc suy tư, sâu sắc.
II. Nội dung, nghệ thuật của bài thơ 
1. Khổ 1. Niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng, cách mạng
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”
- Tác giả khẳng định lí tưởng cộng sản như một nguồn sáng mới làm bừng tỉnh, bừng sáng tâm hồn và trí tuệ nhà thơ (chú ý phân tích hình ảnh “bừng nắng hạ”: ánh sáng của ngày hè, rất nồng nàn rạng rỡ. Từ “bừng” chỉ ánh sáng phát ra đột ngột).
- Hình ảnh “mặt trời chân lí chói qua tim” là một hình ảnh độc đáo, bất ngờ, táo bạo giàu ý nghĩa thẩm mĩ mà rất chính xác, gợi cảm. Mặt trời là nguồn sáng rực rỡ, chói chang và duy nhất đưa lại sự sống cho muôn loài. Hình ảnh “mặt trời chân lí ” đi liền với nhóm từ “chói qua tim” đã diễn tả được niềm vui rất đỗi thiêng liêng, có cái gì đó gần như “choáng váng” và sức xuyên thấu kỳ diệu, mạnh mẽ của lí tưởng Đảng đối với tình cảm, nhận thức của thi sĩ.
- Hai câu sau: với bút pháp trữ tình, lãng mạn cùng với hình ảnh so sánh có tính chất khẳng định (Tố Hữu dùng từ “là” chứ không dùng từ “như” ), tác giả đã bày tỏ được niềm hạnh phúc vô biên, sức sống kỳ diệu của tâm hồn mình trong buổi đầu đến với lí tưởng Đảng. Hẳn là trước đó, tâm hồn thi sĩ là một khu vườn mùa đông cành khô, lá úa thì giờ đây được gặp lí tưởng cách mạng, bỗng chốc tâm hồn đó trở thành một khu vườn mùa hạ xanh tươi, ngập tràn ánh nắng mặt trời nồng nàn, rộn rã tiếng chim ca và ngạt ngào hương sắc. Vẻ đẹp của khu vườn tâm hồn ấy, đối với Tố Hữu, nhà thơ cộng sản, còn là vẻ đẹp và sức sống mới của một hồn thơ mới
2. Khổ 2. Nhận thức mới về lẽ sống
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”
- Giác ngộ lí tưởng, giác ngộ nhận thức, lẽ sống đối với người cộng sản, trước hết là giác ngộ về chỗ đứng. Nhà thơ chủ động, tự giác hoà “cái tôi” với “cái ta” chung của mọi người, tự nguyện đứng trong hàng ngũ những người lao khổ. Từ “buộc” thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu nguyện gắn bó mật thiết, sống chan hoà với “mọi người” với “trăm nơi” với quần chúng đông đảo khắp mọi niềm đất nước. Nhóm từ “để tình trang trải” thể hiện tâm hồn nhà thơ như muốn trải rộng với cuộc đời rộng lớn, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với mọi cảnh ngộ của những cuộc đời cần lao.
- Hai câu sau: “Để hồn tôi với bao hồn khổ.mạnh khối đời” khẳng định tình cảm hữu ái giai cấp của Tố Hữu. Tâm hồn của thi sĩ từ đây sẽ nghiêng về phía “bao hồn khổ” để cảm thông, chia sẻ, để cá nhân hoà vào tập thể, tạo nên một sức mạnh quần chúng đông đảo, vĩ đại. Sau này, khi đã trải qua gần 40 năm đời thơ, đời cách mạng, Tố Hữu cũng đã viết: “Tất cả cùng tôi. Tôi với muôn người. Chỉ là một. Nên cũng là vô số!”
3. Khổ 3. Sự chuyển biến trong tình cảm
“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ”
- Tố Hữu khẳng định sự chuyển biến tình cảm của mình. Tác giả tự nhận mình là một thành viên thân thiết ruột thịt trong đại gia đình quần chúng bị áp bức, đau khổ trong xã hội cũ. Các điệp từ “là” cùng với các từ “con”, “em”, “ anh” đã khẳng định điều đó.
- Số từ ước lệ “vạn” chỉ số lượng hết sức đông đảo. Chính những “người anh” phải sống “kiếp phôi pha”, những người “em”“cù bất cù bơ” ấy mà người thanh niên cộng sản Tố Hữu say mê hoạt động cách mạng, và họ cũng chính là đối tượng sáng tác chủ yếu của nhà thơ Tố Hữu. Không phải ngẫu nhiên mà từ đây, Tố Hữu đã bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với những “em bé mồ côi”, “em bé bán dạo”, “chị vú em”, “cô gái giang hồ”, “lão đầy tớ” những con người mà tác giả cho đó là “những người tù nhân khốn nạn của bần cùng.”
III. Kết luận
- “Từ ấy” là một bài thơ sâu sắc về nội dung, độc đáo về nghệ thuật.
- Ngòi bút tinh tế, dùng hình tượng thơ táo bạo, chói sáng, giàu khát vọng lãng mạn bay bổng, say người.
- Câu thơ mạnh, cảm xúc thơ tràn đầy. Nhạc thơ biến đổi sinh động, hăm hở dồn dập say sưa, lôi cuốn.
- “Từ ấy” còn là một tuyên ngôn nghệ thuật và mang đậm phong cách thơ Tố Hữu. Nó xứng đáng là một tiếng hát lạc quan, yêu đời, đắm say lí tưởng, ngày nay vẫn làm xúc động hàng triệu trái tim độc giả.
IV. Luyện tập
Đề 1. Cảm nhận niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng, cách mạng của tác giả qua khổ thơ 1.
Đề 2. Cảm nhận sự chuyển biến trong tình cảm của tác giả qua khổ thơ 3.
CHIỀU TỐI
(Mộ - Hồ Chí Minh)
I. Giới thiệu “Nhật kí trong tù” 
1. Hoàn cảnh ra đời 
- Là tập nhật kí viết bằng thơ, được Bác sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam từ tháng 8/1942 – 9/1943 tại tỉnh Quảng Tây.
- Tập thơ gồm 134 bài bằng chữ Hán (chủ yếu là thơ thất ngôn tứ tuyệt).
2. Gía trị cơ bản 
- Bức tranh nhà tù và một phần xã hội trung hoa dân quốc
- Bức chân dung tự họa của con người Hồ Chí Minh: bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.
3. Vị trí bài thơ
Bài thứ 31 của tập “Nhật kí trong tù”, được Bác sáng tác cuối mùa thu 1942, trên đường đi đày từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo.
II. Nội dung, nghệ thuật của bài thơ
1. Bức tranh thiên nhiên chiều muộn nơi núi rừng (Tính cổ điển)
 “Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ, 
 Cô vân mạn mạn độ thiên không;” 
- Bức tranh thiên nhiên chiều muộn: cánh chim mệt mỏi tìm chốn ngủ và chòm mây cô đơn trôi lững lờ giữa tầng không (so sánh với hình ảnh cánh chim, chòm mây trong thơ cổ). Đây cũng là cảnh thực trong cảm nhận của tù nhân - thi sĩ (chú ý sự tương đồng giữa người và cảnh) (chuyển động của cánh chim, chòm mây lẻ về trạng thái yên nghĩ>< tù nhân nơi đất khách quê người trong cảnh chiều tà mong mỏi chốn bình yên: quê hương, gia đình...)
- Vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu thiên nhiên và phong thái ung dung tụ tại (chú ý cảnh ngộ của tù nhân và những rung động dạt dào, bản lĩnh chiến sĩ, chất thép ẩn đằng sau chất tình) 
2. Bức tranh cuộc sống sinh hoạt của con người (Tính hiện đại) 
 “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
 Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.”
- Bức tranh cuộc sống ở vùng sơn cước: vẻ đẹp khỏe khoắn của người con gái xóm núi đang xây ngô bên lò than. Cuộc sống đời thường đã đem lại cho người tù hơi ấm, niềm vui (so sánh bản dịch với nguyên tác, chú ý nghệ thuật gợi chứ không tả, thủ pháp điệp liên hoàn)
- Câu 4: sự vận động của tự nhiên cũng là sự vận động của tư tưởng, hình tượng thơ Hồ Chí Minh: chiều chuyển dần sang tối nhưng bức tranh thơ lại mở ra ánh sáng rực hồng (phân tích chữ hồng - nhãn tự của bài thơ, chữ hồng là nhãn tự, làm sáng bừng cả bài thơ, làm ấm áp bức tranh và ấm áp lòng người). Con người là trung tâm của bức tranh. Cùng với sự vận động của thời gian là sự vận động của mạch thơ, tư tưởng người làm thơ: từ tối đến sáng, từ tàn lụi đến sinh sôi, từ buồn sang vui, từ lạnh lẽo cô đơn sang ấm nóng tình người.
III. Kết luận
- Từ ngữ cô đọng, hàm súc;
- Thủ pháp đối lập, điệp liên hoàn.
- Vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh; yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống, kiên cường vượt lên hoàn cảnh, luôn ung dung, tự tại và lạc quan trong mọi cảnh ngộ đời sống.
IV. Luyện tập
Đề: Cảm nhận bài thơ “Chiều tối” (Mộ) của Hồ Chí Minh. 

Tài liệu đính kèm:

  • docxde_cuong_on_tap_hoc_ki_ii_mon_ngu_van_lop_11_nam_hoc_2021_20.docx