Chuyên đề hướng dẫn học sinh sử dụng dấu câu

docx 7 trang Người đăng phongnguyet00 Lượt xem 2246Lượt tải 0 Download
Bạn đang xem tài liệu "Chuyên đề hướng dẫn học sinh sử dụng dấu câu", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chuyên đề hướng dẫn học sinh sử dụng dấu câu
CHUYÊN ĐỀ HƯỚNG DẪN HỌC SINH SỬ DỤNG DẤU CÂU
A.Những vấn chung
 Bộ môn Tiếng Việt đối với học sinh Tiểu học nói chung, học sinh lớp 2 nói riêng đều được thực hiện theo phương châm là từng bước rèn luyện, trau dồi vốn ngôn ngữ cho HS để vận dụng có hiệu quả vào mỗi tình huống giao tiếp. HS Tiểu học cần phát hiện và hoàn thành các kĩ năng cơ bản là: Nghe - nói - đọc - viết. Muốn nghe, nói, đọc, viết tốt thì vấn đề hiểu và sử dụng chính xác dấu câu đặc biệt là dấu phẩy, dấu chấm là một vấn đề cần thiết. Chính vì thế việc làm các bài tập sử dụng dấu câu ở môn Tiếng Việt đóng vai trò cực kì quan trọng.
 Đặc biệt đối với học sinh lớp 2 mới học xong chương trình lớp 1, HS chỉ đọc thông, viết thạo. Sang lớp 2 HS bắt đầu làm quen sử dụng dấu câu là tương đối khó đối với các em. Bởi thế không ít HS gặp khó khăn khi làm bài tập điền dấu phẩy, dấu chấm vào chỗ thích hợp. Trong đọc cũng vậy, do HS không hiểu và không nắm được tác dụng của dấu phẩy, dấu chấm. Nên việc ngắt, nghỉ hơi nhanh chậm cũng rất tuỳ tiện, gây trở ngại cho người nghe, thậm chí có khi khiến cho người nghe hiểu sai nội dung, ý nghĩa của câu.
 Từ tình hình thực tế nêu trên, trong khuôn khổ của chuyên đề tnày tôi muốn trao đổi đôi điều trong việc hướng dẫn HS lớp 2: sử dụng dấu phẩy, dấu chấm trong khi viết, để các em có được cách hiểu chính xác về chức năng, tác dụng của mỗi loại dấu câu. Tiến tới sử dụng thành thạo các loại dấu câu, hạn chế dần những lỗi sử dụng dấu phẩy, dấu chấm mà lâu nay không ít HS còn mắc phải. 
1.Thực trạng:
 Môn Tiếng Việt trong chương trình lớp 2 cung cấp cho học sinh một số kiến thức về từ và câu, dấu câu thông qua con đường luyện tập, thực hành. Tài liệu không trang bị cho các em khái niệm về câu, về dấu câu. Từ việc các em được thực hành làm bài tập, giáo viên hướng dẫn các em cách thức sử dụng các dấu câu. Các dấu câu được đưa vào trong chương trình lớp 2 là: Dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm hỏi, dấu chấm than. Nhưng loại dấu câu hay sử dụng vẫn là dấu phẩy, dấu chấm.
 Trong thực tế giáo viên còn lúng túng khi tổ chức cho học sinh hoạt động để tự phát hiện ra cácch dùng dấu phẩy, dấu chấm nên các em còn mơ hồ trong việc sử dụng dấu phẩy, dấu chấm; các em sử dụng dấu phẩy, dấu chấm theo cách hiểu máy móc: Dẫn đến học sinh làm bài tập yêu cầu điền cả dấu chấm và dấu phẩy sai nhiều.. Một mặt là do: giáo viên chưa biết giúp học sinh điền dấu phẩy, dấu chấm theo cảm ngữ của người Việt, chưa khéo léo vận dụng các mẫu lời nói đã học như: Khi nào? ở đâu? Ai - làm gì? Ai - thế nào? 
2. Tiến trình thông thường khi dạy các bài tập sử dụng dấu phẩy, dấu chấm.
2.1:Ví dụ:
2.1.1. Bài tập về sử dụng dấu phẩy.
 Có thể đặt dấu phẩy vào chỗ nào trong mỗi câu sau?
a, Chăn màn quần áo được sắp xếp gọn gàng.
b, Giường tủ bàn ghế được kê ngay ngắn.
c, Giày dép mũ nón được để đúng chỗ.
 Giáo viên thường hướng dẫn học sinh hoàn thành bài tập này như sau:
 Cả lớp đọc thầm lại bài tập (đọc liền mạch, không nghỉ hơi giữa các ý trong câu). 
Câu a, mời một học sinh chia sẻ mẫu câu a. Các nhóm nhận xét bài làm của bạn. GV chốt lại: các từ chăn màn, quần áo là những bộ phận giống nhau trong câu. Giữa các bộ phận đó cần đặt dấu phẩy.
a, Chăn màn, quần áo được sắp xếp gọn gàng.
 - GV: Tương tự các em đọc kĩ câu b, c chú ý chỗ ngắt hơi trong từng câu rồi điền dấu phẩy vào chỗ thích hợp ( HS làm vào vở).
 - Ban học tập mời một số học sinh chia sẻ bài làm của mình, nhóm nghe nhận xét, sữa chữa ( nếu sai).
 2.1.2. Bài tập về sử dụng dấu chấm.
 Ngắt đoạn văn sau thành 4 câu rồi viết lại cho đúng chính tả:
 Trời mưa to Hoà quên mang áo mưa Lan rủ bạn đi chung áo mưa với mình đôi bạn ra về vui vẻ.
 Giáo viên dạy bài này theo tiến trình như sau:
 - Học sinh tìm hiểu yêu cầu bài tập.
 - Yêu cầu các nhóm đọc thầm đoạn văn, những chỗ nghỉ hơi thì các em dùng bút chì vạch sổ (/) vì đó thường là vị trí của dấu chấm.
 Yêu cầu một học sinh đọc cả đoạn văn, giáo viên HD HS vạch sổ ở chỗ em nghỉ hơi lần dầu tiên, cho một số học sinh nhận xét xem: Nếu đặt dấu chấm ở đây thì câu văn đã đủ ý chưa?
 ( Trời mưa to.)
 Tương tự GV yêu cầu học sinh điền các dấu chấm vào chỗ thích hợp trong đoạn văn.
 - Ban học tập mời các bạn chia sẻ kết quả, nhóm nhận xét sửa chữa (nếu sai).
3. Thể nghiệm một số biện pháp khi dạy các bài tập sử dụng dấu phẩy, dấu chấm.
 Đối với học sinh lớp 2, theo chương trình đổi mới của môn học thì khái niệm về dấu câu, thành phần phụ hay thành phần chính: Chủ ngữ, vị ngữ là các em chưa được tiếp cận. Mà các khái niệm này được giới thiệu thông qua việc tìm bộ phận trả lời cho câu hỏi: ở đâu? Khi nào? Để làm gì? Vì sao? ( thành phần phụ); Ai - làm gì? Ai - thế nào?( thành phầnh chính).
 Nhiệm vụ của GV là phải giúp học sinh hiểu được chức năng, tác dụng của dấu phẩy, dấu chấm trong câu một cách chuẩn xác và sử dụng thành thạo khi viết.
 3.1.Biện pháp:
 3.1.1. Biện pháp tổ cho học sinh hoạt động tìm tòi, phát hiện ra chỗ cần đặt dấu phẩy trong câu.
 Biện pháp 1: Hướng dẫn học sinh dùng dấu phẩy ngăn cách các bộ phận đồng chức.
 Bước 1: Yêu cầu HS tìm các bộ phận câu cùng trả lời cho câu hỏi; Hoặc Ai (cái gì- con gì)? hoặc là gì(làm gì - thế nào)? hoặc Khi nào( ở đâu- vì sao- để làm gì)?
 Hướng dẫn HS: Những bộ phận câu cùng trả lời cho một câu hỏi như nêu trên thì ta dùng dấu phẩy để ngăn cách bộ phận đó.
 Bước 2: Học sinh làm bài tập, sau đó chữa bài.
Ví dụ: ở bài tập - Những chỗ nào trong câu 1 và câu 4 còn thiếu dấu phẩy;
 Câu 1: Trăng trên sông trên đồng trên làng quê, tôi thấy nhiều.
 Câu 4: Càng lên cao, càng nhỏ dần càng vàng dần càng nhẹ dần.
 Tôi đã tiến hành dạy cho HS biết cách sử dụng dấu phẩy ở bài ttập này như sau:
 1, Ban học tập yêu cầu 1 bạn nêu bài tập, đọc 2 câu văn.
 2, Hướng dẫn HS làm mẫu câu 1.
 Ban học tập hỏi:
 Trăng ở đâu? ( trên sông) và ở đâu nữa? ( trên đồng, trên làng quê).
 + Hỏi: Trên sông, trên đồng, trên làng quê là ba bộ phận cùng trả lời cho câu hỏi “ ở đâu?” nên ta dùng dấu phẩy để ngăn cách ba bộ phận đó.
 3, Tương tự HS làm câu 4.
 4, Chữa bài.
Biện pháp 2: Hướng dẫn HS dùng dấu phẩy ngăn cách giữa thành phần phụ với thành phần chính của câu:
 Bước 1: Yêu cầu HS tìm bộ phận câu trả lời câu hỏi: “ ở đâu?” hoặc “Khi nào?” hoặc “ Vì sao?” hoặc “Để làm gì?”.
 Những bộ phận câu đó đứng ở vị trí nào trong câu?
 Giáo viên: Những bộ phận câu đó đứng ở đầu câu thì ta dùng dấu phẩy ngăn cách với bộ phận còn lại của câu.
 Bước 2: Yêu cầu HS làm bài tập rồi chữa bài.
 Ví dụ: 
Điền dấu chấm hay dấu phẩy vào chỗ trống:
 Từ sáng sớm .....Khánh và Giang đã náo nức chờ đợi mẹ cho đi thăm vườn thú....Hai chị em mặc quần áo đẹp, hớn hở chạy xuống cầu thang..... Ngoài đường .... người và xe đi lại như mắc cửi. Trong vườn thú ..... trẻ em chạy nhảy tung tăng
 + Tôi đã tiến hành dạy học sinh cách sử dụng dấu phẩy thứ nhất bằng cách nêu câu hỏi: 
 * Hỏi: Khánh và Giang đã náo nức chờ đợi mẹ cho đi thăm vườn thú khi nào?
 * Học sinh trả lời (từ sáng sớm).
 * Hỏi: Ta cần sử dụng dấu phẩy ngăn cách bộ phận trả lời câu hỏi “ Khi nào?” với bộ phận còn lại của câu. 
 GV hướng dẫn HS điền dấu phẩy thứ hai bằng cách nêu câu hỏi:
 * ở đâu người và xe cộ đi lại như mắc cửi?
 * HS trả lời ( ngoài đường).
 * Hỏi: Ta cần dùng dấu phẩy ngăn cách bộ phận trả lời câu hỏi “ ở đâu?” với bộ phận còn lại của câu.
 Tương tự học sinh điền dấu phẩy thứ ba, sau đó GV chữa bài.
 3.1.2. Biện pháp tổ chức cho học sinh tìm tòi, phát hiện ra chỗ đặt dấu chấm trong đoạn văn;
 a, Biện pháp: Sử dụng mô hình về các mẫu câu đã học kết hợp với nêu câu hỏi:
 b, Ví dụ: Bài tập sau;
 Ngắt đoạn văn sau thành 4 câu rồi viết lại cho đúng chính tả:
 Trời mưa to Hoà quên mang áo mưa Lan rủ bạn đi chung áo mưa với mình đôi bạn ra về vui vẻ.
 - Tôi đã tiến hành hướng dẫn HS biết đặt dấu chấm đúng vị trí ở bài tập này như sau:
 Bước 1: Yêu cầu học sinh tìm hiểu đề.
 Bước 2 : HS ôn lại mô hình về các mẫu câu để chia đoạn văn trên thành 4 câu như sau:
 Cái gì - thế nào ? Ai- thế nào ? Ai- làm gì? Ai- thế nào ?
 Bước 3: Yêu cầu HS tìm bộ phận câu trả lời các câu hỏi trên rồi dùng bút chì gạch sổ (/) phân cách các câu theo mô hình.
 Bước 4: Hướng dẫn học sinh điền dấu chấm để ngăn cách giữa các câu bằng cách nêu câu hỏi: Vậy chúng ta phải điền dấu chấm vào những chỗ nào? 
 Bước 5: GV cùng HS chữa bài. 
C. Bài học kinh nghiệm
 Với những kinh nghiệm thu lượm được trong quá trình giảng dạy môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 2 của bản thân tôi cũng như sự học hỏi trao đổi với bạn bè đồng nghiệp. Tôi xin mạnh dạn đưa ra một số kinh nghiệm sau:
 1-Giáo viên cần nắm vững nội dung và mức độ yêu cầu của từng bài tập để hướng dẫn học sinh thực hành cho sát hợp nhằm cũng cố và phát triển những kiến thức - kĩ năng đã học, tránh dạy quá cao hoặc quá thấp so với chương trình.
 2- Giáo viên cần nắm vững các phương pháp dạy học cụ thể để tổ chức các giờ học đúng với định hướng đổi mới phương pháp dạy học của bộ môn Tiếng Việt. 3- Dạy sử dụng dấu câu gắn với mẫu lời nói đã học:
 Khi nào? ở đâu? Ai - làm gì? Ai - thế nào? Ai -là gì?
 Để từ đó học sinh hiểu và lí giải chính xác vì sao ở các vị trí đó lại được đặt dấu phẩy ( hay dấu chấm) tránh các em sử dụng dấu phẩy, dấu chấm mơ hồ về chức năng tác dụng của dấu câu mà các em đã sử dụng.
D. Kết kuận chung
 Bộ môn Tiếng Việt Tiểu học nói chung, môn Tiếng Việt ở trong chương trình lớp 2 nói riêng nó giữ vai trò vô cùng quan trọng. Đó là cơ sở, nền tảng ban đầu để các em có điều kiện thuận lợi cho cả quá trình tìm hiểu, học tập và sử dụng Tiếng Việt sau này.
 Dấu câu mà tiêu biểu là dấu phẩy và dấu chấm là hai loại dấu câu xuất hiện nhiều trong quá trình các em viết văn. Do vậy, việc hướng dẫn, truyền thụ để các em hiểu một cách chính xác về chức năng, tác dụng của dấu phẩy, dấu chấm là việc làm hết sức cần thiết.
 Trên đây là một số biện pháp giúp học sinh lớp 2 sử dụng dấu phẩy, dấu chấm có hiệu quả mà tôi đã áp dụng trong giảng dạy và rút ra được bài học kinh nghiệm nho nhỏ. 
Tháng 4 năm 2016.

Tài liệu đính kèm:

  • docxkinh_nghiem_su_dung_dau_cau_lop_2.docx